Thế Giới

Trung Cộng dùng súng bắt 6 ngư dân Việt Nam

Saturday, 05/07/2014 - 11:49:51

“Có hai ca nô cùng lực lượng trên tàu Trung Quốc đang tiến về tàu cháu, làm sao đây cậu?” Đó là câu cuối cùng của thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá của Việt Nam mang số QNg 94912-TS. Thuyền trưởng đã nói qua điện đàm với người cậu đang có mặt trên con tàu cạnh đó vào sáng sớm



Những người mẹ, vợ, và con đã xúc động trong lúc ngồi đợi tại bến Sa Huỳnh vào sáng thứ Bảy. Bà Trần Thị Dề, ngồi bên trái, đã khóc ngất trong lúc chờ nghe tin con trai là Lê Văn Thun, 20 tuổi, đang bị bắt giam ở đảo Hải Nam. Những người này đã chờ nghe tin về sáu ngư phủ Việt Nam bị Trung Cộng bắt giữ từ hôm thứ Năm. Cùng có mặt ở cảnh Sa Huỳnh vào sáng thứ Bảy là hàng trăm người dân sống ở Phổ Thạnh, tỉnh Quảng Ngãi.



Bà Trần Thị Dề khóc nhiều lần từ lúc biết con trai Lê Văn Thun, 20 tuổi, bị Trung Cộng bắt giữ mấy hôm trước.



Thuyền trưởng Trần Xi (áo trắng) và ngư dân Nguyễn Ngọc Quý.

‘Cậu ơi, bọn chúng chĩa súng về tàu cháu như muốn bắn, có 2 ca nô cùng lực lượng trên tàu Trung Quốc đang tiến về tàu cháu, làm sao đây cậu?’

QUẢNG NGÃI - “Có hai ca nô cùng lực lượng trên tàu Trung Quốc đang tiến về tàu cháu, làm sao đây cậu?” Đó là câu cuối cùng của thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá của Việt Nam mang số QNg 94912-TS. Thuyền trưởng đã nói qua điện đàm với người cậu đang có mặt trên con tàu cạnh đó vào sáng sớm thứ Năm vừa qua. Một thời gian ngắn sau đó, tàu đánh cá của người cháu đã bị bắt về phía đảo Hải Nam, tàu của người cậu đành quay về và báo tin cho các thân nhân về hành động hung bạo mới nhất của Trung Cộng đối với người Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Sau khi nghe tin sáu ngư phủ Việt Nam bị Trung Cộng bắt giữ, hàng trăm người dân ở Phổ Thạnh, tỉnh Quảng Ngãi ngồi chờ ở đầu cảng Sa Huỳnh từ sáng sớm hôm thứ Bảy. Khi thấy chiếc tàu QNg 94913-TS dần tiến về, nhiều người đã không giấu được những giọt nước mắt rơi trên má. Họ là thân nhân của những ngư phủ Việt Nam vừa bị Trung Quốc bắt giữ. Chiếc tàu này trở về bến sau khi chứng kiến sự việc sáu ngư phủ bị bắt trên một chiếc khác hoạt động gần nhau.

Khi chiếc tàu này vừa cập cảng Sa Huỳnh, gia đình của thuyền trưởng Trần Xi (39 tuổi) và Nguyễn Ngọc Quý ùa lên tàu, ôm lấy chồng và cha vừa trở về từ một vùng biển đang có lực lượng vũ trang của Trung Quốc. Ông Xi là cậu của Tèo, người đã điện đàm kêu cứu khi thấy ca nô của Trung Quốc.

Hai tàu đánh cá đã ra khơi ngày 28 tháng Sáu. Thuyền trưởng Trần Xi của chiếc tàu QNg 94913-TS kể lại với các báo tại Việt Nam hôm thứ Bảy, “Khoảng 7 giờ sáng thứ Năm (3/7), khi hai tàu đang thả lưới giã cào trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, lúc này xuất hiện tàu Trung Quốc (số hiệu 3103) tăng tốc độ, tiến sát và quần thảo quanh hai tàu cá chúng tôi. Một lúc sau, tôi quan sát thấy tàu Trung Quốc dừng gần chiếc tàu QNg 94912-TS rồi thả hai ca nô máy lao đến tàu của cháu Tèo.”

Ngay lập tức, thuyền trưởng Trần Xi quay vào buồng lái để điện đàm hỏi tình hình thì bất ngờ bộ đàm I-com phát lên lời của ngư dân Võ Tấn Tèo (22 tuổi, thuyền trưởng tàu QNg 94912-TS, con chủ tàu Võ Đạt) đang cầu cứu, “Cậu ơi, bọn chúng chĩa súng về tàu cháu như muốn bắn, có 2 ca nô cùng lực lượng trên tàu Trung Quốc đang tiến về tàu cháu, làm sao đây cậu?”

Bên cạnh hành động tấn công, tàu Trung Quốc thường xuyên chạy trước mũi tàu cá QNg 94912-TS cố ý để tàu cá Quảng Ngãi va chạm và quay phim, chụp ảnh.
Thuyền trưởng Xi cho biết ông đã hướng dẫn cháu Tèo, “Cháu giảm tốc độ, chứ lỡ va chạm vào tàu bọn chúng (Trung Quốc) thì nó có cớ bắn mình đó, rồi nó quay phim vu khống mình tông nữa,” bộ máy truyền tin I-com bên tàu của Võ Tấn Tèo bỗng im bặt và mất liên lạc.

Lo sợ tàu Trung Quốc tiếp tục tấn công, ông Xi quyết định cho tàu chạy cách xa khoảng 4 hải lý để giữ khoảng cách an toàn, rồi thả neo dừng lại xem tình hình bên tàu của Tèo. Ông đã chứng kiến tàu của Tèo bị khống chế rồi chạy về hướng đảo Hải Nam với sự áp tải của tàu quân sự Trung Quốc.

“Tôi liên tục kết nối bộ đàm I-com với cháu Tèo nhưng đều không được. Lúc này tôi quá bối rối, liền điện đàm thông báo sự việc cho hơn 20 tàu cá hoạt động khu vực vịnh Bắc Bộ cảnh giác. Chờ mãi cho đến tối, mọi tín hiệu và chiếc tàu QNg 94912-TS cùng 6 ngư dân vẫn biệt tăm. Tôi cùng ngư dân Quý đành trở về,” thuyền trưởng Xi kể lại sự việc.

Ông Xi cho biết sau bốn ngày hành nghề kéo đôi, hai tàu cá với tổng cộng tám ngư dân đã đánh bắt được khoảng 5 tấn hải sản.

Trong khi Hà Nội chưa lên tiếng vào ngày thứ Bảy, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói những ngư dân Việt Nam đã “phạm pháp.”

Chủ của chiếc tàu bị Trung Cộng bắt giữ là ông Võ Đạt. Ông cho biết cả cuộc đời đi biển ở vịnh Bắc Phần, ông chưa bao giờ bị tàu Trung Quốc tấn công, bắt bớ như vừa xảy ra cho con trai của ông. Cảm giác con vừa bị bắt và vừa mất tàu cá gần $94,000 Mỹ kim, ông Đạt chỉ biết đau sót trong lòng

Ông Đạt nói, “Phía Trung Quốc thật quá ngang ngược, khi vu khống tàu của gia đình tôi xâm phạm lãnh hải. Vị trí bị bọn Trung Quốc tấn công, vây bắt thuộc vùng vịnh Bắc Bộ - ngư trường truyền thống mà tôi gắn bó hàng chục năm qua. Giờ này, mọi thông tin về con trai cùng 5 ngư dân đều vô vọng. Tôi chỉ biết trông cậy vào sự can thiệp của chính quyền thôi.”
Sau khi về tới cảng Sa Huỳnh, hai ngư dân Trần Xi và Nguyễn Ngọc Quý làm việc với các cơ quan chức năng để các cơ quan tham mưu các cấp can thiệp đưa 6 ngư dân Phổ Thạnh trở về an toàn.

Trong khi đó, thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh ở Quảng Ngãi, người từng bị Trung Quốc bắt, đòi tiền chuộc, và giam cầm gần hai tháng vào năm 2009 khi ông đang đánh bắt ở Hoàng Sa, nói các vụ bắt giữ kiểu này đã xảy ra thường xuyên hơn đối với ngư dân Việt Nam.

"Nó bắt thì bắt, mình làm thì làm. Nào giờ mình vẫn làm, nó vẫn bắt, có gì đâu mà sợ. Biển đó mình làm, mình phải tiếp tục làm chứ giờ chỗ đâu nữa mà làm, mình làm kinh tế biển mà.,” ông Thanh nói. “Nó cứ đòi tiền chuộc thôi, có tiền chuộc thì nó thả về. Nó tra tấn để lấy tiền chuộc thôi.”

Trong vụ bắt giữ lần đó, Trung Quốc đã thả nhóm ngư dân của ông Thạnh về nhưng tịch thu tất cả ngư cụ và tàu sau thời gian giam cầm, tra tấn, đòi tiền chuộc nhưng không được đáp ứng.

Việt Nam tiếp tục gởi kháng thư lên Liên Hiệp Quốc

Trong ngày thứ Bảy, 5 tháng Bảy, 2014 tại khu vực giàn khoan mà Bắc Kinh ngang nhiên đặt tại vùng biển Hoàng Sa, các tàu Trung Quốc tập trung đông hơn và tấn công tàu chấp pháp Việt Nam quyết liệt hơn. Hà Nội đã gởi kháng thư phản đối lên Liên Hiệp Quốc đến lần thứ tư, khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và cương quyết bác bỏ các luận điệu của Bắc Kinh.

Tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 do Bắc Kinh cho kéo đến đặt trái luật ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa từ hai tháng qua, Trung Quốc luôn duy trì trên 100 tàu để cản phá, vây ép các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam.

Nếu trước đây khi tiến gần giàn khoan khoảng 9 hải lý mới bị ngăn cản, thì nay các tàu Trung Quốc chủ động lao ra tấn công ở khoảng cách 12-14 hải lý, sẵn sàng đâm va để buộc lực lượng Việt Nam phải lùi xa hơn 20 hải lý. Thậm chí hôm nay còn xuất hiện một tàu tên lửa tấn công nhanh.

Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm thứ Sáu cho biết, Đại Sứ Lưu Hoài Trung, trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gởi thư đề nghị Tổng Thư Ký Ban Ki Moon cho lưu hành rộng rãi hai văn bản đến tất cả các nước. Đây là lần thứ tư Hà Nội gởi kháng thư lên Liên Hiệp Quốc.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT