Thế Giới

Trung Cộng bị tòa quốc tế bác bỏ chủ quyền "lưỡi bò" tại Biển Đông

Tuesday, 12/07/2016 - 10:25:05

Trong trường những cuộc hòa đàm, các cuộc thương lượng không xảy ra hay không thể giải quyết sự tranh chấp giữa các quốc gia với Trung Quốc thì sao? Các quan sát viên tiên đoán một cuộc đụng độ quân sự sẽ phải xảy ra, khó tránh khỏi.

Những người Phi Luật Tân đã biểu tình bên ngoài Tòa Lãnh Sự Trung Quốc tại thành phố Makati ngày thứ Ba, sau khi Tòa Án Quốc Tế đưa ra phán quyết bênh vực Manila trong vụ kiện Bắc Kinh tội xâm chiếm hải phận của Phi Luật Tân bắt đầu ba năm trước đây. Tòa tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để áp đặt chủ quyền trên toàn Biển Đông theo đường vẽ “lưỡi bò” của Bắc Kinh. (Hình: Dondi Tawatao/ Getty Images)


Một tòa án quốc tế đã phán quyết rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền dựa theo lịch sử trên Biển Đông. Phán quyết này là một cú đấm khá nặng đánh vào uy tín của Bắc Kinh và có thể gây thêm căng thẳng giữa Trung Quốc với các quốc gia đang tranh giành chủ quyền trong vùng biển nói trên, đặc biệt là với Việt Nam và Phi Luật Tân, và với Hoa Kỳ, một trong các quốc gia quan tâm về quyền tự do hàng hải trong vùng biển rất quan trọng về thương mại này.

Ngay sau khi nghe thông báo của Tòa Trọng Tài tại Hague ngày thứ Ba, Trung Cộng dã ngay lập tức bác bỏ phán quyết này. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã ca ngợi phán quyết tòa quốc tế là công bình, một chiến thắng cho các quốc gia đang đối phó trước sự xâm lấn của Bắc Kinh vào hải phận của họ tại vùng biển được Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc là Nam Hải, và Phi Luật Tân là Biển Tây.

Ngoài ra, phán quyết sẽ mở ra một cuộc chiến giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ, một cường quốc muốn ngăn chặn thế lực của Bắc Kinh không chỉ tại Đông Nam Á mà trên toàn Á Châu.

Các quan sát viên quốc tế nhận xét rằng phán quyết của Tòa Hague sẽ không làm cho cuộc tranh chấp lắng xuống, mà chỉ khởi đầu cho một cuộc đụng độ mà các quốc gia không thể tránh trước sự bành trướng thế lực một cách ngang tàng của Trung Cộng.

Mấy năm trước Bắc Kinh từng vẽ đường 9-gạch nối mà người Việt Nam quen gọi là “lưỡi bò,” để tuyên bố chủ quyền dựa theo quyền lịch sử trên 90% của Biển Đông, bất kể sự phản đối của Việt Nam, Mã Lai Á và Phi Luật Tân vì các nước này bị xâm lấn hải phận bởi “lưỡi bò” của Bắc Kinh. Ba năm trước Phi Luật Tân đã kiện Bắc Kinh ra trước tòa quốc tế.

Đến nay Tòa Hague tuyên bố đường vẽ 9-gạch nối trên vùng biển rất quan trọng cho sự lưu thông mậu dịch của thế giới là sai trái, không có cơ sở chính đáng, nếu không muốn nói là giả tạo.

Mặc dù đã biết điều đó từ lâu, các quốc gia nhỏ bé như Brunei, Mã Lai Á, Phi Luật Tân và Việt Nam đều sợ hãi, ngán ngẫm trước sức mạnh của Trung Quốc. Họ chỉ dám thập thò núp đằng sau rèm cửa sổ để xem cuộc đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ngay sau khi nghe phán quyết của Tòa Trọng Tài, ông Andrew Erickson, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Đại Học Chiến Tranh Đại Dương Hoa Kỳ, liền nói với báo Time, “Sự tuyên bố chủ quyền khá rộng lớn nhưng không rõ ràng của Trung Quốc không có giá trị. Nhìn tới tương lai, tất cả các quốc gia có liên quan đến vùng biển này phải ngăn chặn Trung Quốc, không cho họ được giành chiếm chủ quyền bằng áp lực hoặc vũ lực. Rõ ràng là họ đã không thể giành được bằng pháp luật.”

Năm thành viên của Tòa Trọng Tại phán quyết rằng sự tuyên bố giành chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết Biển Đông dựa trên cơ sở lịch sử rằng họ từng có mặt ở đó hoàn toàn không có giá trị. Như đã tiên đoán trước, Bắc Kinh đã gạt bỏ phán quyết của tòa.

Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới?
Biển Đông hay Nam Hải (South China Sea) trên bản đồ thế giới là một khu vực biển quan trọng nhưng không có ranh giới đối với hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, là Trung Quốc và Mỹ. Phán quyết từ tòa quốc tế ở Hòa Lan tuy có cơ sở pháp lý nhưng không có cơ chế để thi hành. Điều đó có nghĩa các quốc gia phải thương thuyết với nhau để hóa giải sự căng thẳng ngay tại bên trong cũng như chung quanh Biển Đông.

Trong trường những cuộc hòa đàm, các cuộc thương lượng không xảy ra hay không thể giải quyết sự tranh chấp giữa các quốc gia với Trung Quốc thì sao? Các quan sát viên tiên đoán một cuộc đụng độ quân sự sẽ phải xảy ra, khó tránh khỏi.

Đối với những người lạc quan, họ cho rằng sau những lời phản đối đầy bực bội lúc ban đầu, người Trung Hoa sẽ phục thiện khi nhận thấy rằng cộng động thế giới đã có một lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh tại Biển Đông, nơi mà trị giá hàng hóa được di chuyển qua nơi đây mỗi năm lên tới $5,000 tỉ Mỹ kim. Thiện chí có thể bắt đầu với những cuộc thương thuyết song phương giữa Bắc Kinh và Manila về quyền khai thác hải sản cũng như dầu hỏa trong vùng biển giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân.

Phán quyết của Tòa Hague cũng có thể khiến cho Bắc Kinh phải giảm bớt tốc độ nạo vé cát từ đáy biển để xây dựng đảo nhân tạo và rồi tự tuyên bố chủ quyền các đảo này trong vùng biển có tranh chấp với quốc gia khác.

Thế nhưng đối với những người bi quan thì họ thấy khác. Họ lo ngại Trung Cộng sẽ càng hung hăng, bất chấp dư luận hơn trước, sẵn sàng đẩy mạnh kế hoạch xây đảo nhân tạo và còn có thể dựng hàng rào ngăn chặn người Phi Luật Tân không được đến gần một đảo san hô để nhận lại chủ quyền của Phi Luật Tân.

Vào năm 2014, Bắc Kinh từng ra lệnh phong tỏa chung quanh một đảo san hô nằm trong vùng biển của Phi Luật Tân, ngang nhiên cấm cản người Phi Luật Tân không được vào nơi đây mặc dù từ xưa đến nay khu vực này thuộc về Phi Luật Tân. Lúc ấy người Phi phải đối phó bằng biện pháp ôn hòa thay vì quân sự, bởi không thể nào đương cự trước hỏa lực mà Trung Cộng đang sẵn sàng cho sử dụng trước các nước yếu thế. Manila đã cho một chiếc tàu chở đầy thường dân, đầy nhu yếu phẩm và tiếp liệu, cùng với khá đông đảo phóng viên tiến thẳng đến đảo san hô.

Ngày ấy Manila đã ép buộc Bắc Kinh phải quyết định bắn chìm tàu chở các thường dân hay phải nhượng bộ. Chiêc tàu cuối cùng cũng chạy đến đảo san hô, nơi mà sau này Trung Cộng vẫn tiếp tục giành quyền kiểm soát. Giờ đây, sau phán quyết của tòa quốc tế, người ta lo ngại Trung Cộng sẽ không nhượng bộ như trước, nếu có sự thử thách tương tự từ Phi Luật Tân.

Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ phải can thiệp với biện pháp mạnh tay hơn, thay vì chỉ cho tàu chiến tuần hành trong Biển Đông gần các hải đảo mà Trung Cộng muốn xâm chiếm vĩnh viễn. Theo hiệp ước tương trợ quân sự được Manila và Hoa Thịnh Đốn ký kết năm 1951, Mỹ phải trợ giúp Phi Luật Tân trong trường hợp nước Đông Nam Á này bị tấn công.

Đảo san hô đang có tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh có tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal. Nếu Trung Cộng tái phong tỏa đảo này thì, theo ý kiến của chuyên gia Michael Green về tình hình Á Châu tại một hội nghị trước đây, “nguy cơ lớn nhất sẽ xảy ra với đạn được bắn, hỏa tiễn được phóng lên, hoặc ngay cả bom cũng sẽ được thả bởi Không Quân hoặc Hải Quân Hoa Kỳ.”

Trung Cộng cũng có thể tuyên bố lập khu vực nhận diện phòng không trên vùng Biển Đông, như đã từng làm ở Đông Hải năm 2013, bất kể sự phản đối từ Nhật Bản, Nam Hàn và Hoa Kỳ. Sự việc lập khu vực nhận diện này sẽ bắt buộc các phi cơ bay vào không phận này phải báo cáo cho Trung Quốc biết trước khi bay vào. Các hãng máy bay dân sự của Hoa Kỳ đã phải tuân theo lệnh này vì lý do an toàn cho hành khách, thế nhưng phi cơ quân sự Mỹ thì không tuân thủ.

Trung Cộng đã nỗ lực xây đảo nhân tạo và lập phi đạo trên các đảo trên Biển Đông. Một khi các đường bay cho phi cơ được hoàn tất, các chiến đấu của Trung Quốc có thể được điều động đến các đảo, trước khi Bắc Kinh ban lệnh nhân diện phòng không tại Biển Đông.

Đến lúc đó, theo ý kiến của ông Andrew Shearer, một chuyên gia dự hội nghị CSIS, cho biết “Hoa Kỳ sẽ có một mục tiêu thanh lịch để nhắm vào.” Ông có ý không nói rõ nhắm vào bằng áp lực ngoại giao hay bằng giải pháp quân sự.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT