Thế Giới

Trung Cộng bắt chủ tịch Hội sinh viên ủng hộ chủ nghĩa Marx

Wednesday, 26/12/2018 - 07:40:22

Sinh viên tại trường đại học Bắc Kinh, còn được gọi là Bắc Đại, từng đóng vai trò trung tâm trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc vào năm 1919, và các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

BẮC KINH – Vào ngày thứ Tư, công an đã bắt giữ một sinh viên nổi tiếng của hội chủ nghĩa Marx, tại một trường đại học hàng đầu của nước này, trong dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Mao Trạch Đông. Theo lời nhân chứng, sinh viên Qiu Zhanxuan, chủ tịch Hội chủ nghĩa Marx của Đại học Bắc Kinh, đã bị khống chế và bị đưa lên một chiếc xe màu đen ở cổng trường đại học, bởi một nhóm người tự nhận là công an. Sinh viên Qiu vốn đang trên đường tới dự lễ tưởng niệm 125 năm ngày sinh Mao Trạch Đông, sự kiện do anh ta tổ chức, và đã từng bị viên chức trường học khuyến cáo về sự kiện này vào thứ Ba.
Sinh viên tại trường đại học Bắc Kinh, còn được gọi là Bắc Đại, từng đóng vai trò trung tâm trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc vào năm 1919, và các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.
Tuy nhiên, các hoạt động tại Bắc Đại đang càng ngày càng bị giới hạn dưới thời Chủ Tịch Tập Cận Bình, đồng thời trường đại học này cũng dẹp bỏ các phong trào bất đồng chính kiến và củng cố sự kiểm soát của đảng Cộng Sản. Một phong trào gần đây, với sự tham gia của giới sinh viên và các nhà hoạt động, để đòi quyền thành lập công đoàn cho giới công nhân, đã bị chính quyền trấn áp mạnh tay. Giới quan sát cho rằng, trong năm nay, phe cánh tả đã tỏ ra khá yên lặng và có vẻ không có hoạt động lớn nào để mừng ngày sinh của Mao Trạch Đông. Theo các chuyên gia, tình trạng kỳ lạ này là do Trung Cộng đang ăn mừng dịp kỷ niệm 40 năm ngày nước này cải tổ và mở cửa. Việc tưởng nhớ Mao Trạch Đông sẽ dẫn đến xung đột lớn giữa hai dòng tư tưởng của phe cải tổ và phe cộng sản bảo thủ.

Động đất tại thị trấn Ý gần núi lửa Etna
SICILY – Một trận động đất mạnh 4.8 độ Richter đã làm rung chuyển tại khu vực phía bắc Catania trên sườn núi Etna hôm thứ Tư, làm hư hại các ngôi nhà và khoảng 30 người bị thương. Sự việc xảy ra hai ngày sau khi Etna, núi lửa mạnh nhất và hoạt động mạnh nhất châu Âu phun trào, tạo ra cột tro bụi khổng lồ lên bầu trời và khiến phi trường Catania phải đóng cửa tạm thời trên bờ biển phía đông Sicily. Trận động đất xảy ra lúc 3:19 sáng, giờ địa phương, khiến nhiều người chạy ra khỏi nhà và ngủ trong xe. Tâm chấn của động đất khá gần bề mặt, chỉ có độ sâu 1 cây số.
Các tòa nhà ở thị trấn Zafferana Etnea và Acireale đã bị hư hại. Một số nhà thờ có tuổi đời nhiều thế kỷ cũng bị thiệt hại nặng. Khoảng 30 người bị thương, chủ yếu là do bị gạch đá rơi khi họ rời khỏi các ngôi nhà. Khoảng 10 người cần được chữa trị tại bệnh viện, không có người nào bị thương tích nghiêm trọng.
Nhà chức trách đã mở nhiều khu tạm cư cho những người bị hư nhà cửa, và những người quá sợ hãi không dám quay về nhà. Trong khi đó, vào thứ Tư, núi lửa Etna vẫn tiếp tục phun tro khói, dung nham và đất đá. Một vết nứt mới đã xuất hiện trên mặt phía đông nam của ngọn núi, và dung nham tràn xuống khu vực sườn núi không có người ở.

Nga tố Do Thái đe dọa 2 máy bay thương mại
MOSCOW – Chính phủ Nga hôm thứ Tư cáo buộc các cuộc tấn công của Israel đã vi phạm chủ quyền Syria và khiến một trong hai máy bay thương mại phải chuyển hướng.
“Chúng tôi rất lo ngại về các cuộc tấn công từ Israel và cách chúng được thực hiện. Đây là một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Syria,” Bộ Ngoại Giao Nga tuyên bố.
Truyền thông Syria trước đó đưa tin rằng, lực lượng phòng không Syria hôm thứ Ba đã bắn hạ hỏa tiễn của Israel gần Damascus, trong khi Israel nói rằng họ phải tự vệ trước hỏa tiễn phòng không.
Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các cuộc tấn công của Israel đã gây nguy hiểm cho 2 máy bay thương mại "không phải từ Nga, chuẩn bị hạ cánh xuống Beirut và Damascus.”
Một trong hai chiếc phải chuyển hướng đến căn cứ Nga ở Syria. Moscow cũng thêm rằng Syria đã bắn hạ 14 trong 16 hỏa tiễn mà Israel phóng. Ba binh sĩ Syria bị thương trong cuộc tấn công. Nếu Israel xác nhận đã không kích, đây sẽ là cuộc tấn công đầu tiên của nước này kể từ khi Tổng Thống Donald Trump vào tuần trước tuyên bố rút quân khỏi Syria.
Các chuyên gia nói rằng Israel sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi quyết định này, vì sự vắng mặt của Hoa Kỳ để lại khoảng trống cho Iran và các đối tác như Hezbollah phát triển năng lực quân sự.
Phiến quân Hezbollah và các cố vấn của quân đội Iran là đồng minh quan trọng của Syria trong cuộc chiến chống lại các phe đối lập ở nước này. Tuy nhiên, Israel cáo buộc Hezbollah sử dụng căn cứ ở Syria để tấn công Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, và thường xuyên đáp trả bằng các cuộc không kích vào mục tiêu Iran ở lãnh thổ Syria.

Ukraine ngưng thiết quân luật
KIEV - Tình trạng thiết quân luật tại Ukraine, ban hành vào ngày 28 tháng 11 tại một số khu vực sau khi Nga bắt giữ ba tàu Hải quân Ukraine, đã hết hạn vào thứ Tư. Trong cuộc họp nội các tại Kiev, Tổng Thống Petro Poroshenko nói với hội đồng an ninh của nước này rằng: “Ngay bây giờ, thiết quân luật sẽ kết thúc. Đây là quyết định của tôi.”
Lệnh thiết quân luật được Ukraine ban hành tại 10 tỉnh giáp biên giới với Nga từ ngày 28 tháng 11, sau vụ cảnh sát biển Nga nổ súng bắt 3 chiến hạm nước này trên Biển Đen hôm 25 tháng 11. Moscow cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải, trong khi Kiev cho rằng thủy thủ của họ chỉ đang thực hiện quyền tự do hàng hải theo luật quốc tế.
Lệnh thiết quân luật cho phép quân đội Ukraine ban hành lệnh giới nghiêm, lập trạm kiểm soát quân sự và hạn chế "quyền tự do đi lại của công dân, người nước ngoài cũng như các loại xe cộ.” Binh sĩ Ukraine tại những trạm kiểm soát được quyền kiểm tra giấy tờ và khám xét tại chỗ người và xe đi qua. Ukraine còn cấm những người đàn ông Nga trong độ tuổi chiến đấu nhập cảnh vào nước này.
Tổng Thống Poroshenko hồi đầu tháng này đã thông báo ông không có ý định gia hạn thiết quân luật trừ khi có một cuộc tấn công quy mô lớn từ Nga. Hôm thứ Tư, Tổng Thống Ukraine cho biết ông đưa quyết định "dựa trên phân tích tất cả mặt của tình hình an ninh trong nước.”

Hai người mang súng hơi gây loạn ở phi trường Pháp
PARIS - Hai người mang súng hơi hạng nhẹ đã bị bắt tại phi trường ở Paris, sau khi khiến nhiều người khác hoảng sợ. Hành khách vào hôm thứ Tư đã được sơ tán khỏi Terminal số 2 của phi trường Charles de Gaulle trong khoảng 45 phút, khi vụ rối loạn xảy ra lúc 8 giờ rưỡi sáng. Một hành khách báo cáo rằng họ thấy "hai người trưởng thành không nói tiếng Pháp mang theo vũ khí trong một cái bao.” Sự việc khiến nhiều người ở Terminal 2 hoảng loạn.
Cảnh sát cho biết hai người mang súng bị bắt. Khu vực terminal bị phong tỏa, và đội phá bom được điều đến hiện trường để kiểm tra một chiếc túi bị bỏ lại. Nhà chức trách sau đó cho biết, các khẩu súng mà 2 người nêu trên cầm theo là loại súng hơi hạng nhẹ, mô phỏng súng thật và dùng cho thể thao. Loại súng này chủ yếu được làm bằng nhựa và dùng đạn nhựa. Tuy nhiên, nhà chức trách Pháp vẫn coi những người mang súng này là "có vũ trang.”

Nhật quay lại đánh bắt cá voi thương mại bất chấp chỉ trích
TOKYO – Lần đầu tiên sau hơn 30 năm, Nhật Bản sẽ chính thức cho phép các tàu cá săn bắt cá voi phục vụ mục đích thương mại, bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Hôm thứ Tư, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo các tàu săn cá voi của nước này sẽ chính thức trở lại hoạt động với mục đích thương mại từ tháng 7, 2019, thách thức lệnh cấm toàn cầu được ban hành năm 1986 đối với hoạt động này.
Ông Suga cho biết việc săn cá voi sẽ giới hạn trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật. Những chuyến đánh bắt xa bờ hàng năm của tàu săn cá voi Nhật ở vùng biển phía nam giáp nước Úc sẽ chấm dứt. Đây là vấn đề từng gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Tokyo và Canbera trước đây.
Ông Suga nói Nhật Bản sẽ chính thức thông báo quyết định của nước này cho Ủy Ban Săn Bắt Cá Voi Quốc tế (IWC) vào cuối năm nay, và quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 30 tháng 6, 2019. Việc Nhật Bản rút khỏi ủy ban quốc tế gồm 89 thành viên đã khiến chính phủ Úc cùng các nhà bảo tồn thiên nhiên tức giận.
Trong thông báo chung được đưa ra bởi Ngoại Trưởng Marise Payne và Bộ Trưởng Môi Trường Melissa Price, chính phủ Úc cho biết họ "cực kỳ thất vọng" trước việc Nhật rút khỏi IWC và quay lại đánh bắt cá voi thương mại.
Trong khi đó, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cáo buộc Nhật Bản cố tình chọn dịp cuối năm để đưa ra tuyên bố này nhằm tránh sự chú ý và chỉ trích.
Greenpeace nói, “Với công nghệ đánh bắt hiện đại, việc khai thác quá đà ở cả gần bờ Nhật Bản và những vùng biển sâu đã dẫn đến sự suy giảm của rất nhiều loài cá voi. Hầu hết các loài cá voi này đều chưa hồi phục, trong đó có những loài cá voi lớn như cá voi xanh, cá voi vây và cá voi sei.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT