Thế Giới

Trump xem vấn đề Một Trung Quốc như lá bài để mặc cả, gây nguy cơ chiến tranh

Monday, 12/12/2016 - 09:38:27

Một mặt, Mỹ tôn trọng lập trường của Bắc Kinh cho rằng Đài Loan không phải là một quốc gia, vì những mục đích quốc tế. Mặt khác, Hoa Kỳ không chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên dân chúng và chính quyền của Đài Loan.

Tạp chí Global People tại Thượng Hải đăng hình ông Donald Trump liên quan đến một bài viết về bầu cử tại Hoa Kỳ. (Johannes Eisele/ Getty Images)

 

Tổng Thống đắc cử Donald Trump vừa mới nói rằng ông coi chính sách của Hoa Kỳ về vấn đề Một Trung Quốc chỉ là một con bài để thương lượng với Bắc Kinh để lấy những gì mà người Mỹ muốn từ bấy lâu nay. Ý kiến của ông cho thấy quan điểm khác biệt giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh về chính sách Một Trung Hoa mà Bắc Kinh đã áp dụng đối với Đài Loan từ lâu. Sự khác biệt đó rất nguy hiểm.

Ông Trump đã phát biểu trên đài truyền hình vào đêm Chủ Nhật, “Tôi không biết tại sao chúng ta lại phải bị ràng buộc bởi chính sách Một Trung Hoa, trừ khi chúng ta thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc có liên quan với những thứ khác, bao gồm cả thương mại. Chúng ta đang bị Trung Quốc gây tổn thương rất nặng với chuyện tiền tệ mất giá; với việc họ đánh thuế nặng trên hàng hóa của chúng ta ở biên giới, khi chúng ta không đánh thuế họ; với việc xây dựng một pháo đài khổng lồ ở giữa Biển Đông, điều mà họ không nên làm; và nói thẳng ra, với chuyện họ không giúp đỡ chúng ta chút nào với Bắc Hàn.”

Nói cách khác, theo ý ông Trump thì chính sách Một Trung Quốc không có gì quan trọng, chỉ là một thứ để người Mỹ mặc cả với người Trung Hoa, cũng giống như nhiều vấn đề khác.

Thật ra chính sách đó là một vấn đề rất quan trọng. Mối liên hệ giữa Trung Cộng (PRC) và Đài Loan là một mối quan hệ chưa bao giờ được khẳng định rõ ràng. Bắc Kinh nói rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ quốc gia của họ, nhưng tạm thời sẵn sàng để cho Đài Loan tiếp tục hiện hữu. Trong khi đó, Đài Loan cũng có một mối quan tâm lợi ích trong việc không làm rõ một cách chính xác mối quan hệ của họ với Trung Cộng. Cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều tuân thủ khái niệm về Một Trung Quốc, nhưng cả hai đều có ý muốn nói những điều rất khác nhau khi dùng khái niệm ấy. Việc thay đổi hiện trạng có thể dẫn đến xung đột quân sự toàn diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trên một hòn đảo mà cả hai nước đều nhìn thấy là quan trọng cho quyền lợi quốc gia của họ, và cho đến nay họ đã xoay xở tốt đẹp về tình trạng độc đáo này.

Cái nhìn của Bắc Kinh

Đối với Trung Quốc, Một Trung Quốc có nghĩa là “một nguyên tắc Trung Quốc.” Ngay từ ban đầu, các lãnh tụ Trung Cộng nước này chủ trương rằng, xét về mặt lịch sử và theo những điều khoản của việc Nhật Bản đầu hàng trong năm 1945, Đài Loan là một phần của Trung Quốc, được cai trị từ thủ đô trên đất liền. Chính phủ Đài Loan được thành lập bởi một bên đã bị đánh bại trong cuộc nội chiến Trung Quốc. Chính phủ này được xem là một sự chiếm cứ bất hợp pháp bởi nhóm còn sót lại của một chế độ bị đánh bại. Các lãnh tụ Trung Cộng xem việc thu hồi lại Đài Loan gần như là một nhiệm vụ thiêng liêng, một chiến thắng cuối cùng của Đảng Cộng Sản.

Trung Quốc xác định nguyên tắc ấy như sau: là “chỉ có một nước Trung Hoa trên thế giới; Trung Hoa lục địa và Đài Loan đều thuộc về một Trung Quốc; chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Hoa là không thể bị chia tách.”

Đây là lý do tại sao Bắc Kinh yêu cầu các nước mà họ có quan hệ ngoại giao chính thức với, phải cắt đứt các mối quan hệ với Đài Loan, và phải công nhận chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Những quốc gia khác, và các tổ chức quốc tế, có giao thiệp với Đài Loan đều được coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Pháp luật Trung Quốc nói rằng Trung Quốc có thể dùng vũ lực chống lại những hành vi của Đài Loan nhắm vào mục tiêu là nền độc lập, hoặc chống lại việc thống nhất đất nước. Và việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự trong hai chục năm qua đã được thúc đẩy bởi ước muốn ngăn chặn không cho Đài Loan tách ra riêng, hoặc nếu cần thiết, dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan với đại lục.

Cái nhìn của Hoa Thịnh Đốn

Trong khi đó, chính sách của Mỹ về Một Trung Quốc lại khác hẳn. Trong thập niên 1950, Hoa Kỳ công nhận chính phủ Quốc Dân Đảng bị đánh bại tại Đài Loan là chính phủ hợp pháp của toàn thể Trung Hoa, và khuyến khích các quốc gia khác cũng làm như vậy. Theo thời gian trôi qua, những lời đề nghị Hoa Kỳ công nhận hai nước Trung Hoa đã bị Bắc Kinh kịch liệt bác bỏ. Khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trong năm 1979, Hoa Kỳ cắt đứt những mối quan hệ ngoại giao và chính thức với Đài Loan, công nhận Trung Hoa lục địa là “chính quyền hợp pháp duy nhất” của Trung Quốc. Mỹ rút các lực lượng của họ ra khỏi Đài Loan, và để cho một hiệp ước phòng thủ chung với Đài Loan bị hết hạn mà không tái ký kết. Lập trường của Mỹ về tình trạng của đảo Đài Loan vẫn không được xác định.

Hoa Kỳ xác định rằng nội dung của chính sách của họ về Một Trung Quốc là bao gồm ba bản thông cáo Trung Quốc-Hoa Kỳ, được đưa ra vào thời điểm Tổng Thống Nixon thăm Trung Quốc (năm 1972), thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau (năm 1978), và việc cố gắng giải quyết vấn đề bán vũ khí Mỹ trong năm 1982, cũng như Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan, do Quốc Hội thông qua trong tháng Tư năm 1979. Mục đích là để thiết lập một nền tảng pháp lý cho những mối quan hệ “không chính thức” với Đài Loan, sau khi công nhận Trung Quốc và chấm dứt việc công nhận Trung Hoa Dân Quốc.

Hoa Kỳ đã làm rõ rằng họ không xem xét thực thể chính trị ở Đài Loan là một quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Ở điểm này Mỹ đồng ý với Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ không chấp nhận việc Bắc Kinh nói rằng đảo Đài Loan, hoặc chính quyền và dân chúng của hòn đảo này, là một phần của Trung Quốc. Lập trường pháp lý chính thức của Hoa Kỳ là tình trạng của hòn đảo ấy “không được xác định.” Điều này có nghĩa, một cách đáng kể, là từ năm 1979, Hoa Kỳ thực hiện một mối quan hệ với một chính phủ mà họ không chính thức thừa nhận; chính phủ này cai trị một quốc gia mà Mỹ không thừa nhận là hiện hữu, trên một hòn đảo có tình trạng không được xác định. Đó là những điều phân biệt tế nhị của nền ngoại giao quốc tế.

Một mặt, Mỹ tôn trọng lập trường của Bắc Kinh cho rằng Đài Loan không phải là một quốc gia, vì những mục đích quốc tế. Mặt khác, Hoa Kỳ không chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh trên dân chúng và chính quyền của Đài Loan.

Hoa Kỳ đã xây dựng một mối quan hệ với Đài Loan gần gũi hơn mối quan hệ với nhiều quốc gia được công nhận. Từ năm 1979, Hoa Kỳ tìm cách duy trì nguyên trạng giữa Trung Quốc và Đài Loan, bằng cách nói rằng Mỹ sẽ can thiệp, nếu một trong hai bên có hành động đơn phương để thay đổi hiện trạng.
Trong khi lập trường của Hoa Kỳ được thúc đẩy bởi một loạt quan tâm quyền lợi chính trị, thì lập trường của Trung Quốc được thúc đẩy bởi một ước vọng muốn thống nhất quốc gia, mà giới lãnh đạo Trung Quốc xác định là hiện hữu và không thể thương lượng được.

Đây là lý do tại sao việc ông Trump gợi ý rằng Một Trung Quốc là một lá bài để mặc cả, mà Hoa Kỳ có thể tùy ý chơi hoặc không chơi, là sai lầm và nguy hiểm. Một mặt, điều đó thiếu những điều khác biệt nho nhỏ, nhưng vô cùng quan trọng, giữa một chính sách của Mỹ và một của Trung Quốc. Mặt khác, điều đó gây nguy hiểm cho nguyên lý trung tâm của chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực là duy trì hiện trạng. Nhóm chuyển tiếp chính phủ của ông Trump đã gọi bà Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn) là “Tổng thống của Đài Loan”. Việc này công khai làm suy yếu khía cạnh duy nhất của vấn đề Một Trung Quốc, trong đó Hoa Kỳ và Trung Quốc thực sự đồng ý rằng Đài Loan không phải là một quốc gia, trong khi làm lộ rõ nét thực tại của mối quan hệ gần như quốc gia với quốc gia, mà chính sách của Mỹ về Một Nước Trung Hoa xóa mờ đi.

Bằng cách dùng tình trạng của Đài Loan để làm một lá bài thương thuyết, ông Trump kiên quyết hơn trong chiến lược nguy hiểm này. Những mối quan tâm về quyền lợi quốc gia quan trọng của Trung Quốc đều xung khắc với chính sách của Hoa Kỳ. Những mối quan hệ ổn định đều là mong manh, bởi vì tất cả các bên đều không hài lòng với tình hình hiện nay. Nếu chính phủ sắp lên cầm quyền tại Hoa Thịnh Đốn vẫn có thái độ dửng dưng, thì họ gây ra nguy cơ làm cho quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc trở nên bất ổn, và thậm chí gây ra nguy cơ chiến tranh.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT