Hoa Kỳ

Trump vinh danh sắc dân Navajo trước chân dung của "kẻ giết dân da đỏ" Jackson

Wednesday, 29/11/2017 - 08:34:42

Gyasi Ross, một tác giả từ tiểu bang Washington và là thành viên của bộ lạc Blackfeet Nation, nói rằng ông xem vị trí nổi bật của bức chân dung Jackson trong cuộc họp báo là một hành động cố ý, bày tỏ sự khinh thường người da đỏ.


Tổng Thống Donald Trump đang vinh danh ba vị cao niên da đỏ tại Phòng Bầu Dục ở Tòa Bạch Ốc vào ngày 27 tháng 11, 2017. Trên tường là chân dung của Tổng Thống Andrew Jackson, người mà ông Trump rất ái mộ. (Oliver Contreras-Pool/ Getty Images)


HOA THỊNH ĐỐN - Vô tình hay cố ý? Một bức chân dung của ông Andrew Jackson, vị tổng thống thứ bảy của Hoa Kỳ, đã chiếm vị trí nổi bật của trong một buổi lễ nhằm tôn vinh một nhóm sắc dân người Mỹ da đỏ tại Phòng Bầu Dục vào ngày thứ Hai, 27 tháng 11. Điều này khiến cho người ta thắc mắc về thông điệp mà Tòa Bạch Ốc muốn gởi đến nhóm người ông đã vinh danh.

Trong lịch sử Mỹ, ông Andrew Jackson đã mang tiếng là vị tổng thống thi hành chính sách đối xử tàn bạo đối với những người Mỹ bản địa, tức là người da đỏ. Ông Jackson đã ký Đạo Luật Loại Trừ Dân Da Đỏ (Indian Removal Act), khiến hàng ngàn người Mỹ bản địa bị tiêu diệt, và hàng chục ngàn người khác bị trục xuất ra khỏi quê hương của họ để nhường đất đai lại cho người da trắng.

Nếu có thể so sánh, đạo luật của Jackson cũng tương tự như chính sách bắt dân đi đến vùng kinh tế mới mà Cộng Sản Việt Nam từng áp đặt với người miền Nam sau năm 1975. Họ phải bỏ lại nhà cửa để rồi sống trong điều kiện rất khắc nghiệt ở vùng “kinh tế mới” nơi khỉ ho cò gáy.

Bức chân dung của ông Jackson được đặt ngay trên bức tường bên cạnh Tổng Thống Trump mà ai cũng thấy trong buổi lễ nhằm mục đích vinh danh ba người Navajo từng dùng ngôn ngữ thổ địa của họ để làm mật mã liên lạc giúp quân đội Hoa Kỳ trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Một số người quan sát nghĩ rằng việc ông Trump vinh danh ba vị cao niên da đỏ trước một biểu tượng tiêu diệt người da đỏ là một điều kỳ lạ.

Bà Jacqueline Pata, giám đốc điều hành của tổ chức người Mỹ Da Đỏ National Congress of American Indians, nói với nhật báo Washington Post, “Chúng tôi nhận thấy ông Andrew Jackson không là một vị tổng thống tôn trọng giới cầm quyền bộ lạc và những người Mỹ bản địa. Đó là một trong những thời đại ảm đạm về mối quan hệ giữa người Mỹ da đỏ và chính phủ liên bang.”

Người ta có thể nhìn thấy bức chân dung của ông Jackson trong buổi lễ được phát sóng từ Tòa Bạch Ốc kéo dài 17 phút.

Là tổng thống từ năm 1829 đến năm 1837, ông Jackson nổi tiếng nhất vì vai trò then chốt của ông trong lịch sử đau thương và khốc liệt của những người Mỹ bản địa ở Hoa Kỳ. Ông đã ký Đạo Luật Loại Trừ Dân Da Đỏ trong năm 1830, cưỡng bách hơn 60,000 người Mỹ da đỏ phải dời đi nơi khác để dọn đường cho những người tiên phong da trắng đến lập nông trại, nhà cửa.

Đạo Luật của Jackson đã góp phần dẫn đến “Trail of Tears” (Con Đường Nước Mắt), trong đó khoảng 4,000 người da đỏ Cherokee đã chết trong những điều kiện khắc nghiệt trên một hành trình dài, khi họ bị buộc phải dời đi nơi khác trong năm 1838 và năm 1839. Người bộ tộc Cherokee gọi ông Jackson là “Kẻ Giết Dân Da Đỏ”; người bộ tộc Creek gọi ông là “Con Dao Nhọn.”

Jackson là chủ đồn điền, nuôi nhiều nô lệ từ Phi Châu. Ông tổng thống này từng nói về những người Mỹ da đỏ như thể họ là một nhóm người thấp kém. Ông Jackson từng nói về sắc dân Cherokee, “Được thành lập giữa một chủng tộc thượng đẳng, họ phải biến mất.”

Từ lâu, trong vai trò một chính trị gia, ông Trump không hề giấu giếm mối thiện cảm dành cho Jackson. Ông đã kịch liệt chỉ trích một kế hoạch của chính phủ Obama, tuy chưa có hiệu lực, nhằm loại bỏ hình ông Jackson ra khỏi tờ $20 Mỹ kim và thay thế bằng hình ảnh của bà Harriet Tubman, một người tranh đấu cho việc xóa bỏ chế độ nô lệ. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, ông Trump gọi ông Jackson là một người có “một lịch sử thành công rất lớn của đất nước.”

Và chỉ mấy ngày sau khi nhậm chức trong tháng Giêng, ông Trump đã chọn một bức chân dung của ông Jackson để đặt trong Phòng Bầu Dục, nơi mà đầu tuần này ông đã chụp hình chung với ba vị cao niên người da đỏ. Trong tháng Ba, ông Trump có ghé thăm Hermitage, nhà của ông Jackson ở Tennessee, để đặt một vòng hoa tại ngôi mộ của cựu tổng thống. Ông Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia của ông Trump, đã ca ngợi bài diễn văn nhậm chức của ông Trump đã “mang phong cách Jackson.”

Vào ngày thứ Hai, lúc tổng thống phát biểu tôn vinh ba người dùng ngôn ngữ Da Đỏ làm mật mã, ông đã thòng thêm biệt danh “Pocahontas” để nói xép bà Nghị Sĩ Elizabeth Warren (Massachusett), mà nhiều người cho là một từ ngữ miệt thị chủng tộc.

Gyasi Ross, một tác giả từ tiểu bang Washington và là thành viên của bộ lạc Blackfeet Nation, nói rằng ông xem vị trí nổi bật của bức chân dung Jackson trong cuộc họp báo là một hành động cố ý, bày tỏ sự khinh thường người da đỏ.

Ông Gyasi Ross nói, “Nó cũng như là một cái nháy mắt gây khó chịu vô cùng trước những người đã hy sinh rất nhiều. Donald Trump không phải là một người ngu ngốc. Ông ấy hiểu các hình ảnh và cách thức công chúng tri nhận sự kiện. Ông rất thông thao truyền hình. Vì vậy, buổi lễ có hình Jackson là một sự cố ý.”
Ông nói sự xúc phạm đã được phóng to ra bởi bản chất của sự kiện đó.

Nhắc tới những người Mỹ bản địa, ông Gyasi Ross nói, “Những người cao niên và cựu chiến binh là những người cần được kính trọng. Thế nên hành động sắp đặt đó sẽ có hậu quả rất quan trọng.”
Trong khi đó, ông Mihio Manus, một phát ngôn viên của chủ tịch và phó chủ tịch sắc dân Navajo Nation, nói rằng việc đặt chân dung Jackson là điều “không may” đã xảy ra.

Khi được hỏi về câu nhắc đến Pocahontas, nữ phát ngôn viên Sarah Huckabee Sanders của Tòa Bạch Ốc nói rằng “chắc chắn tổng thống không có ý định xúc phạm.” Bà không trả lời một câu hỏi về bức tranh Jackson được la to lên khi bà rời khỏi phòng họp báo.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT