Hoa Kỳ

Trump rời bỏ phòng họp: "Nancy nói KHÔNG. Tôi đáp chia tay thôi, không còn cách nào khác!"

Wednesday, 09/01/2019 - 10:03:31

Bà Pelosi nói rằng xây một bức tường sẽ không giải quyết những vấn đề đang xảy ra trong vùng biên giới. Nữ dân biểu cho biết, “Những gì mà ông Trump nói là tình trạng đang xảy ra ở biên giới đều không thể giải quyết bằng một bức tường.”


Tổng Thống Donald Trump đang nói chuyện với báo chí sau khi dự buổi ăn trưa hàng tuần với các lãnh đạo Cộng Hòa tại Quốc Hội ngày thứ Tư, 9 tháng 1, 2019. Ông muốn các đảng viên Cộng Hòa ủng hộ đề nghị xây tường biên giới của ông, trong lúc tình trạng chính phủ bị đóng cửa đang kéo dài qua tuần thứ ba. Đứng chung quanh và lắng nghe tổng thống từ bên trái là Nghị Sĩ John Barrasso, Phó Tổng Thống Mike Pence, Nghị Sĩ Roy Blunt, và Lãnh Tụ Đa Số Thượng Viện Mitch McConnell. (Alex Wong/Getty Images)

HOA THỊNH ĐỐN - Một ngày sau khi kêu gọi hai đảng hãy hợp tác với nhau để giải quyết tình trạng chính phủ đang bị đóng cửa, Tổng Thống Donald Trump đã đùng đùng bước ra khỏi một phòng họp, nơi ông và các lãnh tụ Dân Chủ đã thương lượng về cách giải quyết vấn đề ngân sách. Ông đã bỏ đi vì phía Dân Chủ không chấp thuận dùng tiền thuế của người dân để xây tường ở biên giới miền nam.

Sau khi rời phòng họp tại Tòa Bạch Ốc, một thời gian ngắn sau đó ông Trump viết tweet và cho biết, “Vừa mới rời phòng họp với Chuck và Nancy, thật là phí thời giờ.”

Ông viết thêm câu chót, “Nancy nói KHÔNG. Tôi đáp chia tay thôi, không còn cách nào khác!” (Nancy said, NO. I said bye-bye, nothing else works!)

Chuck là Nghị Sĩ Charles Schumer, lãnh tụ thiểu số tại Thượng Viện, và Nancy là Dân Biểu Nancy Pelosi, Chủ Tịch Hạ Viện. Tổng thống nói rằng ông đã hỏi bà Nancy Pelosi và ông Charles Schumer rằng họ có đồng ý chấm dứt tình trạng chính phủ bị đóng cửa hay không, để trao đổi cho việc tài trợ cho dự án xây tường biên giới bằng thép. Trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Trump từng cam kết với các cử tri ủng hộ ông rằng chính phủ sẽ xây tường ngăn chặn di dân từ Châu Mỹ La Tinh.

Nghị Sĩ Schumer thuật lại với báo chí về buổi họp ngắn ngủi, “Tổng thống đã đập bàn, hỏi Chủ Tịch Hạ Viện Pelosi rằng bà có ủng hộ bức tường của ông hay không, bà nói không, ông liền đứng dậy và buớc ra ngoài. Ông nói Chúng ta không có gì để nói với nhau. Tổng thống đã không đạt được điều ông mong muốn và cứ như thế ông rời bỏ cuộc họp.”

Bà Pelosi nói rằng xây một bức tường sẽ không giải quyết những vấn đề đang xảy ra trong vùng biên giới. Nữ dân biểu cho biết, “Những gì mà ông Trump nói là tình trạng đang xảy ra ở biên giới đều không thể giải quyết bằng một bức tường.”

Trong khi đó, Dân Biểu Rep. Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), lãnh tụ thiểu số tại Hạ Viện, nói rằng cuộc thương lượng đã gặp khó khăn vì Dân Chủ chọn vị thế quá cứng rắn, nhất định không nhượng bộ về việc xây tường, hoặc là bắt đầu thảo luận một cách nghiêm chỉnh cho đến khi chính quyền được mở cửa lại.
“Thật là một thử thách khi Dân Chủ nhất định không đưa ra một đề nghị nào,” ông McCarthy nói.

Cuộc họp đầy xung khắc đã diễn ra trong vòng 20 phút. Sự việc ông Trump rời bỏ cuộc họp cho thấy ông đã thay đổi cách đối phó. Trước đây ông từng nói với giới truyền thông rằng những cuộc thương lượng đã có tiến triển và ông rất lạc quan là đôi bên sẽ tìm ra một giải pháp.

Quan điểm đó của ông đã dần dần thay đổi vào cuối tuần qua, khi mà Tòa Bạch Ốc bắn tiếng rằng tổng thống có thể ban sắc lệnh khẩn cấp quốc gia trong vùng biên giới để vượt qua thẩm quyền của Quốc Hội. Tòa Bạch Ốc tin rằng việc ban lệnh khẩn cấp như vậy sẽ cho phép chính phủ dùng ngân khoản của quân đội để tài trợ cho việc xây tường.

Phương pháp này đã gây tranh luận, không hoàn toàn được hưởng ứng tại Quốc Hội, nơi mà các nhà lập pháp rất quí trọng quyền cấp ngân sách cho các chương trình của chính phủ. Tuy vậy, một số đảng viên Cộng Hòa cho rằng lệnh khẩn cấp là một cách thoát ra khỏi cuộc tranh cãi đang bế tắc về sự việc chính phủ đang bị đóng cửa.

Tính đến ngày thứ Tư, 9 tháng Giêng, thì chính phủ đã đóng cửa 19 ngày. Khoảng 800,000 nhân viên đã không được trả lương từ trước ngày Giáng Sinh cho đến nay.

Nếu Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội không đạt được thỏa thuận, khiến cho cuộc đóng cửa kéo dài đến thứ Bảy này, thì thời gian chính phủ bị đóng sẽ dài kỷ lục, tức là đúng ba tuần.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT