Thế Giới

Trump nói hết kiên nhẫn với Bắc Hàn

Friday, 30/06/2017 - 09:46:20

Đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump đã càng lúc càng bực bội vì không có tiến bộ gì hết trong cách thức làm giảm các chương trình thử bom nguyên tử và bắn hỏa tiễn các loại của Bình Nhưỡng.


Tổng Thống Donald Trump và Tổng Thống Moon Jae-in đang bắt tay tại Vườn Hồng ở Tòa Bạch Ốc ngày thứ Sáu. Ông Moon đã viếng thăm Hoa Kỳ trong ba ngày. (Mark Wilson/ Getty Images)

Trump nói hết kiên nhẫn với Bắc Hàn
Khi xuất hiện cùng với Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in đang có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, Tổng Thống Donald Trump nói “sự kiên nhẫn của Mỹ đối với Bắc Hàn đã chấm dứt.” Lên tiếng tại khu Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói, “Sự kiên nhẫn chiến lược của Hoa Kỳ đối với Bắc Hàn đã thất bại, thực tình mà nói, sự kiên nhẫn nói chung của chúng tôi đã hết rồi.”
Đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump đã càng lúc càng bực bội vì không có tiến bộ gì hết trong cách thức làm giảm các chương trình thử bom nguyên tử và bắn hỏa tiễn các loại của Bình Nhưỡng.
Chuyến thăm viếng của ông Moon là cơ hội để Hoa kỳ lên tiếng sẽ cứng rắn thêm với Bình Nhưỡng, đồng thời bắn tín hiệu cho Trung Quốc biết Mỹ không hài lòng vì “cung cách làm ăn” của Bắc Kinh trong việc gây sức ép lên Bắc Hàn. Hôm qua Bộ Tài Chính Mỹ loan báo những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào một ngân hàng và nhiều công dân Trung Quốc rồi.


Đức cho phép hôn nhân đồng tính
Quốc Hội Đức đã bỏ phiếu đồng ý cho phép hôn nhân đồng tính được hợp thức hóa, chỉ vài ngày sau khi bà Thủ Tướng Đức đồng ý ngưng chống đối. Nhưng Thủ Tướng Angela Merkel vẫn bỏ phiếu chống lại, dù bà không ngăn cấm các đồng viện của đảng lãnh đạo với bà tự do bỏ phiếu đồng ý. Kết quả của vụ bỏ phiếu của Quốc Hội Đức là 393 phiếu thuận, 226 phiếu chống và 4 phiếu trắng.
Giờ đây nền luật pháp của Đức nhìn nhận tình trạng mới này với câu “hai người cùng phái tính hay khác phái tính có thể kết hôn với nhau,” theo phóng viên AFP ghi nhận. Bà Merkel nói, “Tôi vẫn chủ trương hôn nhân là phải do hai người khác giới thực hiện, nhưng luật mới sẽ đoàn kết và tạo hòa bình cho xã hội Đức.”
Bà còn cho hay bà đã có “kinh nghiệm mới” và mới đây ăn tối với một cặp đồng tính có đến 8 đứa con nuôi. Theo kết quả thăm dò, có đến 83% dân chúng Đức ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Phi Luật Tân: Một năm Duterte nắm quyền
Vào ngày thứ Sáu, Tổng Thống Rodrigo Duterte đã ăn mừng ngày đúng một năm ông trở thành lãnh đạo hành pháp của Phi Luật Tân. Nhưng thành tích của ông rất “đậm dấu ấn chia rẽ,” như cá tính hằn học và dùng lời lẽ rất xúc phạm với cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, tranh cãi với Đức Giáo Hoàng, nói đùa về cưỡng hiếp phụ nữ, tuyên bố ly khai với Mỹ và xích lại gần Trung Quốc.
Nhưng nổi bật nhất chính là “cuộc chiến ma túy” khét tiếng mà ông tuyên bố với những người buôn bán và hút sách, với hơn 7,000 người đã bị lực lượng an ninh của ông bắn chết. Vụ bắn giết này gây phản ứng chống đối rộng rãi trên thế giới và tổ chức Human Rights Watch mô tả năm đầu tiên nắm quyền của ông Duterte là “thảm họa của nhân quyền.”
Nhưng lạ lùng là dân chúng tỏ ra ủng hộ ông mạnh hơn. Nếu trước đây ông đắc cử chỉ với tròn trên 40% tổng số phiếu thì bây giờ có từ 75% dến 80% dân chúng Phi ủng hộ ông ta.

Mỹ bị phê phán vì bán vũ khí cho Đài Loan
Trung Quốc đã phản đối một thỏa ước bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ trị giá $1.4 tỉ Mỹ kim và yêu cầu Hoa Kỳ phải hủy bỏ thương ước này. Phát ngôn nhân Lu Kang của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố vụ mua bán này sẽ gây tai hại cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
Hôm thứ Năm Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đồng ý cho phép vụ mua bán này tiến hành, lần đầu tiên từ khi Tổng Thống Trump lên nắm quyền Hoa Kỳ mới có thương vụ mua bán vũ khí với Đài Loan như thế. Cui Tiankai, Đại Sứ Trung Quốc ở Washington D.C., nói, “Trong nhiều vụ nổi cộm, đặc biệt vụ bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ sẽ chắc chắn làm tổn hại đến mối quan hệ song phương Mỹ-Hoa và gặm nhấm niềm tin của hai bên, đồng thời đi ngược lại tinh thần tích cực của hội nghị thượng đỉnh Ma-a-Lago trong tháng 4.”
Vụ phản đối ầm ĩ của Bắc Kinh diễn ra khi trong tuần sau, Tổng Thống Donald Trump sẽ lại diện kiến Chủ tịch Tập Cận Bình trong hội nghị G20 ở Đức.

Iraq sắp dứt điểm Mosul
Liên hiệp Quốc cảnh báo chiến sự Mosul có thể làm tính mạng nhiều thương dân vô tội lâm nguy khi quân đội Iraq tiến chiếm xong đền thờ Great Mosque of al-Nuri được xây dựng từ thế kỷ 12 và tung ra đợt tấn công cuối cùng nhằm chiếm lại Cổ Thành ở thành phố Mosul. Nhiều trăm cư dân của Mosul lại bồng bế nhau chạy tránh lửa đạn từ Cổ thành của Mosul. Mosul là thành phố lớn thứ nhì ở Iraq sau Baghdad và cuộc chiến ở đây dằn dai do nhóm IS dùng dân chúng làm “khiêng đỡ dạn” trước đà tấn công của quân đội Iraq.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố Mosul sắp bị quân đội Iraq tái chiếm và “quân đội can đảm này sắp ăn mừng vì chiến thắng.” Tướng Abdul Wahab al-Saadi của đội quân đặc nhiệm của Iraq cho hay các toán đặc nhiệm Iraq chỉ còn cách con sông Tigris River khoảng 700 mét. Con sông này chia hai thành phố Mosul mà phía tây vẫn còn bị IS kiểm soát.

Ấn Độ: Bà lão Pháp 70 tuổi bị hiếp
Thủ phạm một vụ cưỡng hiếp phụ nữ cao niên 70 tuổi người Pháp tại một thành phố phía bắc Ấn Độ là thành phố Varanasi đã bị bắt. Người phụ nữ chưa biết lý lịch này đang làm việc cho một cơ quan phi chính phủ, đang ngủ trong khách sạn thì người nhân viên an ninh của khách sạn xông và phòng và tấn công tinh dục bà.
Các bác sĩ cho hay tình trạng của bà đã tạm ổn sau khi được đưa đến bệnh viện, bà bị nhiều vết cắt và bị bầm tím cơ thể. Theo lời cảnh sát Ấn Độ, bà thường thăm viếng Varanasi từ hơn 40 năm qua và thường ở lại nơi này khá lâu. Hiện nay danh tính của thủ phạm cũng chưa được tiết lộ và không rõ bao giờ hung thủ sẽ ra hầu tòa.
Kể từ khi một nữ sinh viên bị hiếp và giết chết năm 2012, Ấn Độ đã tăng cường theo dõi và phát giác những vụ cưỡng hiếp, nhưng tình trạng bạo hành dâm dục đối với phụ nữ và trẻ em vẫn thưởng xảy ra ở đất nước trên 1 tỉ dân này.

Nhật: Các cựu quản lý Tepco ra tòa
Ba cựu quản lý công ty Tepco ra tòa ở Nhật trong vụ xử án có liên quan đến thảm họa của nhà máy nguyên tử Fukushima ở Nhật. Đây là phiên xử hình sự đầu tiên đối với các cựu lãnh đạo công ty này.
Nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã bị tan chảy các lò phản ứng nguyên tử vào năm 2011, do một trận động đất mạnh đến 9 độ diễn ra, sau đó gây ra sóng thần tràn vào tàn phá. Tai nạn được xem như thảm họa nguyên tử tệ hại nhất trên thế giới kể từ vụ nổ ở Chernobyl tại Nga vào năm 1986.
Nhưng cả ba quản lý đều nói họ không có tội về “sơ suất trong quản lý,” khiến một số bệnh nhân của một bệnh viện gần nhà máy Fukushima bị tử thương và bị thương trong lúc họ được sơ tán.
Trận động đất năm đó và sóng thần to lớn tràn vào làm cho khoảng 18,500 người mạng vong hay mất tích và khiến nhiều vùng rộng lớn không còn ở được do bị nhiễm phóng xạ nguyên tử từ nhà máy Fukushima tuôn ra.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT