Thế Giới

Trump gọi điện thoại cho nhiều lãnh tụ thế giới

Thursday, 10/11/2016 - 11:57:34

Ngoài ra ông Trump còn gọi điện thoại cho một loạt lãnh tụ trên thế giới khác như Ai Cập, Ireland, Mexic, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Hàn.

Tân Tổng Thống Donald Trump bắt đầu nói chuyện qua điện thoại với nhiều lãnh tụ quan trọng trên thế giới, trong số này có nữ Thủ Tướng Anh Theresa May. Ông Trump đã ngỏ lời lời bà May đến thăm ông “càng sớm càng tốt.”
Mẹ của ông Trump là người gốc Tô Cách Lan, ông nói với bà May là Anh quốc có vị trí rất đặc biệt “đối với tôi.” Văn phòng Phủ Thủ Tướng của Anh cho hay là hai lãnh tụ Mỹ-Anh đã nói chuyện về “vấn đề có tầm quan trọng hết sức đặc biệt của mối quan hệ giữa hai đồng minh và đó cũng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia.”
Trong tuyên bố của Phủ Thủ Tướng Anh có đoạn, “Tân Tổng Thống Trump bày tỏ mối tình cảm cá nhân thắm thiết va nồng ấm với Anh và bày tỏ tin tưởng là mối quan hệ hỗ tương này chỉ có thể tăng trưởng mà thôi.”
Ngoài ra ông Trump còn gọi điện thoại cho một loạt lãnh tụ trên thế giới khác như Ai Cập, Ireland, Mexic, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Hàn.

Nga có tiếp xúc với ban cố vấn Trump
Chính phủ Nga xác nhận trước ngày bầu cử ở Mỹ, đã có một số viên chức của Nga tiếp xúc với ban vận động tranh cử cho ông Trump. Khi bị chất vấn trước đây về những mối liên hệ giữa ông và Moscow vì ông lên tiếng ca tụng Tổng Thống Vladimir Putin, ông Donald Trump luôn bác bỏ các cáo giác là ông có liên hệ đến chính phủ Nga, và bà Hope Hicks, phát ngôn viên của ban vận động bầu cử của ông Trump từng tuyên bố, “Chúng tôi không hề có tiếp xúc nào cả với các viên chức của chính phủ Nga.”
Nhưng Thứ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Ryabkov, trong một cuộc phỏng vấn, nói đã có tiếp xúc xảy ra giữa nhân viên chính phủ Nga và toán vận động cho ông Trump và thêm, “Dĩ nhiên, chúng tôi biết rõ đa số các nhân viên của ông Trump. Tôi không nói tất cả nhóm họ, nhưng cũng có một số người đã liên lạc với các đại diện từ phía chính phủ Nga, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu để có chính sách ngoại giao thích ứng với tân chính phủ Trump.”

Phản ứng của cực đoan Hồi trước tân tổng thống Mỹ
Nhóm IS cho là chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump sẽ mở ra triển vọng cho một trận nội chiến ở Mỹ. Trang mạng al-Minbar Jihadi Media, vốn có liên hệ chặt chẽ với IS, cho hay như sau, “Với sự giúp đỡ của Thánh Allah, chúng ta rất vui mừng trước sự tan rã sắp đến của kẻ thù dưới sự lèo lái của tân Tổng Thống Donald Trump. Chiến thắng của Trump khi dành được ghế Tổng Thống sẽ khiến nỗi căm giận của người Hồi giáo đối với Hoa Kỳ sẽ gia tăng thêm, khi họ chứng kiến những lời nói và hành động trước đây của Trump.”
Nashir Political Service, vốn ủng hộ IS, cũng cho là chiến thắng của ông Trump có thể khiến cho nền kinh tế của Hoa Kỳ sa sút mạnh. Trong năm 2015, ông Trump từng nói, “Tôi sẽ ném bom tiêu diệt hết bọn khủng bố.”
Lực lượng Taliban ở Afghanistan đã lên tiếng kêu gọi tân Tổng Thống Donald Trump hãy ra lệnh rút hết quân Mỹ ở Afghanistan về nước và không nên tiếp tục theo đuổi chính sách vì quyền lợi của mình nữa.

Trung Quốc chưa là mối lo hàng đầu cho Trump
Donald Trump chưa ngồi vào Tòa Bạch Ốc, nhiều giới truyền thông đã thử phân tích giùm ông đâu là các ưu tiên lớn nhất cho 100 ngày đầu tiên ông khởi sự làm việc. Chắc chắn đối phó với Trung Quốc sẽ là nghị trình hàng đầu trong đường lối ngoại giao của tân Tổng Thống Trump, sau ngày nhậm chức chính thức là 20 tháng giêng năm 2017. Một bận tâm khác chính là Philippines.
Tổng Thống Rodrigo Duterte đang làm đảo lộn nhiều thập niên liên minh quân sự cốt lõi nhất của Mỹ ở đây. Tính toán làm sao dùng “quân bài Duterte” nhằm ngăn chận Bắc Kinh sẽ là việc cần làm ngay của Tổng Thống Trump. Nhưng theo kết quả thăm dò của đọc giả trang mạng CNN thì Trung Quốc chỉ chiếm hạng 2 với 18% đánh giá, Syria mới là hạng mục hàng đầu với 31% bỏ phiếu đồng ý về tầm quan yếu. Hạng 3 là Nga (17%), kế đến lần lượt là Bắc Hàn (16%), Iran (5%), Mexico (5%), Iraq (3%), Afghanistan (2%), Thổ Nhĩ Kỳ (2%) và Libya (1%). Làm sao giải quyết chiến cuộc ở Syria, trong đó có gắn liền chuyện đối đầu với IS, sẽ là trọng tâm số một của chính phủ Trump.

Bắc Hàn gửi thông điệp cho ông Trump
Một tờ báo của Bắc Hàn hôm thứ Năm đã “bàn về chính phủ của ông Donald Trump” với lời cảnh cáo trước là từ năm 2017, Hoa Thịnh Đốn sẽ phải nói chuyện với Bình Nhưỡng với tư cách là là quốc gia có vũ khí nguyên tử. Tờ báo Rodang Sinmun của Đảng Công Nhân Bắc Hàn đăng một bài xã luận trong đó nổi bật ý chính là “nếu như Hoa Kỳ hy vọng một vùng bán đảo Triều Tiên phi nguyên tử thì đó chỉ là một hảo vọng của thời dã qua mà thôi.”
Bình Nhưỡng còn cảnh báo là nếu Hoa Kỳ còn kỳ vọng vào các đòn trừng phạt về kinh tế áp đặt lên Bắc Hàn thì đây chỉ là một âm mưu hoàn toàn bị phá sản, không giúp ích chi cả. Bắc Hàn còn nói thẳng là những trừng phạt dưới thời hai Tổng Thống George W. Bush và Obama chả có “hiệu quả” gì hết và hậu quả của thất bại này có liên hệ chặt chẽ với chuyện sống sót của Hoa Kỳ, dưới đe dọa không sao cưỡng lại được của các vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.

Iraq: Ân Xá Quốc Tế tố cáo cảnh sát tàn bạo
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế hôm thứ Năm tố cáo nhiều người trong sắc phục của cảnh sát Iraq đã tra tấn và lạnh lùng xả súng bắn chết nhiều dân làng trong trận chiến tái chiếm thành phố Mosul dang diễn ra.
Tổ chức này cho hay vào cuối tháng 10 đã có trên sáu thường dân Iraq đã bị giết như thế, vì họ bị nghi ngờ có liên lạc với nhóm IS.
Bà Lynn Maalouf, Phó Giám Đốc của Amnesty International ở Beirut cho báo chí hay, “Những kẻ mặc sắc phục của cảnh sát Iraq đã thực hiện nhiều vụ giết tróc bất hợp pháp trong các làng mạc nằm về phía nam của Mosul. Trong nhiều trường hợp, các nạn nhân đã bị tra tấn trước khi bị bắn chết.”
Bà Maalouf cho hay những vụ bắt cóc rồi giết tróc thản nhiên như thế là vi phạm luật quốc tế bảo vệ con người và là một tội ác chiến tranh. Bà kêu gọi quốc tế cần phải cấp tốc mở ra cuộc điều tra về các vụ sát nhân này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT