Thế Giới

Trump đến Liên Hiệp Quốc trong lúc có vụ tai tiếng Ukraine, căng thẳng với Iran

Monday, 23/09/2019 - 07:48:41

Trong ngày thứ Hai, Tổng Thống Donald Trump đã bắt đầu cuộc họp lần thứ ba của ông tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, trong lúc đang có gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran.


Tổng Thống Lý Hiển Long của Singapore và Tổng Thống Donald Trump vừa ký một hiệp ước hợp tác quốc phòng nhân dịp các nguyên thủ quốc gia đến Liên Hiệp Quốc dự Đại Hội Thường Niên ngày thứ Hai, 23 tháng 9, 2019. (Saul Loeb/AFP/Getty Images)


NEW YORK - Trong ngày thứ Hai, Tổng Thống Donald Trump đã bắt đầu cuộc họp lần thứ ba của ông tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, trong lúc đang có gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran. Và đó chỉ mới là khởi đầu.
Trong mấy ngày qua ông Trump đã tránh né một vụ tai tiếng đang mỗi lúc một lớn hơn, thay vì giảm xuống như sự mong đợi của ông. Đó là vụ ông đã gọi điện thoại nói chuyện với lãnh đạo của Ukraine, mà theo sự tiết lộ từ trong nội bộ thì ông đã gây áp lực với chính quyền Ukraine, yêu cầu Ukraine phải điều tra về hoạt động của gia đình cựu phó tổng thống Joe Biden tại Ukraine, nếu Ukraine muốn được Hoa Kỳ viện trợ vũ khí chống Nga
Ông Joe Biden hiện là đối thủ hàng đầu của ông Trump trong đảng Dân Chủ, có thể trở thành ứng cử viên tổng thống trong năm tới. Vì lẽ đó mà người ta nghi ngờ ông Trump gây áp lực với Ukraine để tìm những tin xấu về ông Biden, để sử dụng trong cuộc bầu cử năm sau.

Tổng Thống Trump nói rằng ông đã điện đàm với lãnh đạo của Ukraine như với các lãnh đạo khác, không có chuyện gây áp lực và không cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Vào ngày thứ Tư tuần này, ông Trump sẽ có một cuộp gặp gỡ với Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, nhân dịp các vị nguyên thủ thế giới đến New York để dự Đại Hội Thường Niên của Liên Hiệp Quốc.
Trong ngày thứ Ba, Tổng Thống Donald Trump sẽ đọc diễn văn trước Đại Hội và sau đó sẽ có hàng chục cuộc họp riêng với các thủ tướng, tổng thống từ các quốc gia.

Theo dự đoán, ông Trump sẽ một lần nữa nêu yếu tố “Ưu Tiên Cho Nước Mỹ.” Thông điệp này sẽ phù hợp với ý thích của các cử tri ủng hộ ông ở các tiểu bang như Florida và Pennsylvania, nhưng trên chính trường quốc tế thì ông sẽ khó tạo được sự liên minh với các quốc gia khác, để đối phố trước những xung đột đang xảy ra như giữa Iran và Ả Rập Saudi, hay tại Venezuela ở Nam Mỹ Châu.
Đáng quan tâm là sự việc xưởng lọc dầu của Ả Rập Saudi bị tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái vào ngày 14 tháng 9. Ả Rập Saudi là một đồng minh của Hoa Kỳ.
Liệu ông Trump sẽ đưa ra một chính sách ngoại giao nhằm kêu gọi các nước khác hỗ trợ Hoa Kỳ, trong việc đối phó với Iran để bênh vực Ả Rập Saudi, hay ông sẽ phải tiếp tục cho Hoa Kỳ đi một mình trên con đường đương đầu với Iran?

Hậu quả của cuộc tấn công vào Ả Rập Saudi đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế tại Á Châu, và đây sẽ là một đề tài sẽ được các nước Á Châu nêu ra tại Đại Hội Liên Hiệp Quốc. Tổng Thống Donald Trump đã có chương trình tiếp xúc với Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in, và Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cả ba quốc gia này đều nhập cảng dầu hỏa rất nhiều từ Ả Rập Saudi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT