Văn Nghệ

Trình diễn ca khúc của lớp dạy Sáng Tác Ca Khúc Nghệ Thuật

Friday, 26/07/2019 - 06:20:03

Lần đầu tiên vào tháng 7, 2017, Hội VASCAM mở khóa học dài bốn ngày mang tên Dạy Viết Ca Khúc Nghệ Thuật (Write an Art Song) do soạn nhạc gia, giáo sư tiến sĩ P.Q. Phan hướng dẫn. VASCAM (Vietnamese American Society for Creative Arts and Music)

GS TS P. Q. Phan gửi lời chào khán giả và giới thiệu về VASCAM và lớp sáng tác ca khúc nghệ thuật vào tối thứ Bảy, ngày 13 tháng 7, 2019 tại Hội Trường Việt Báo, Westminster. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Bài BĂNG HUYỀN


Lần đầu tiên vào tháng 7, 2017, Hội VASCAM mở khóa học dài bốn ngày mang tên Dạy Viết Ca Khúc Nghệ Thuật (Write an Art Song) do soạn nhạc gia, giáo sư tiến sĩ P.Q. Phan hướng dẫn. VASCAM (Vietnamese American Society for Creative Arts and Music) là Hội Sáng Tạo Nghệ Thuật và Âm Nhạc Cho Người Mỹ Gốc Việt, do vợ chồng soạn nhạc gia, giáo sư tiến sĩ P.Q. Phan- cô An Vi, cùng bốn thành viên sáng lập ra vào tháng 11, 2015 và GS TS P.Q. Phan làm hội trưởng.
Khóa học này đã được tiếp tục mở vào dịp hè 2018, và hè năm nay là năm thứ ba khóa học được mở ra từ ngày 8 đến 11 tháng 7. Ngày Recital để trình bày những bài hát được sáng tác từ lớp học vào tối thứ Bảy, ngày 13 tháng 7, 2019.


Các học trò Bích Vân hát bài Hoa Cam. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Các học viên và nội dung khóa học

Khóa học năm nay có sáu người mới, học lớp beginner và bảy học viên cũ thuộc hai khoá trước. Sáu học viên mới tham gia bốn buổi học để hoàn tất bài hát của mình. Bảy học viên cũ tham gia vào chương trình mới của VASCAM là trình diễn ca khúc của học viên cũ. Bảy thành viên này được yêu cầu vận dụng kiến thức đã học mà viết một ca khúc mới. Sau đó, vào ngày 7 tháng 7, 2019 họ đến gặp và làm việc với GS TS P.Q. Phan, mỗi người 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi, để hoàn chỉnh bài hát của mình.
Trong buổi Recital vào lúc 7 giờ tối thứ Bảy, ngày 13 tháng 7, tại Hội Trường của Việt Báo, thành phố Westminster, sáu ca khúc của sáu học viên mới đã được trình diễn xen kẽ với mười ca khúc của bảy học viên cũ. Mục đích của chương trình lần này theo lời của GS TS P. Q. Phan đại diện VASCAM, “Nhằm khuyến khích học viên tiếp tục sáng tạo và học hỏi.”

Trong đêm trình diễn ca khúc của học viên cũ và mới của lớp Dạy Viết Ca Khúc Nghệ Thuật VASCAM, người nghe có thể thấy được sự đa dạng trong phong cách âm nhạc, trong sáng tác cũng như cách thể hiện của từng học viên. Mỗi học viên, mỗi màu sắc khác nhau, cùng những câu chuyện đặc biệt đằng sau những bài hát khiến cho các ca khúc trình diễn lần này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.


Ca sĩ Bích Vân trình diễn với phần đệm đàn của TS Bằng Lăng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Nhất là khi các ca khúc trên được Tiến sĩ- nhạc sĩ dương cầm Đỗ Bằng Lăng soạn hòa âm và đệm hát, các giọng ca tuyệt đẹp của ca sĩ Bích Vân, Kim Nguyễn- sinh viên ngành Vocal Performance và Music Education của trường đại học Chapman University. Lê Đoài Huy từ Ca Đoàn của nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô ở Orange County thể hiện, giúp người nghe cảm nhận được vẻ đẹp của các ca khúc này càng thêm hay hơn.
Đặc biệt chương trình còn có các em học trò của lớp nhạc do Bích Vân và Sean Buhr hướng dẫn, cùng hòa giọng với nhau ca khúc Hoa Cam (của học viên Vivian Lê đã sáng tác vào năm 2018 nhân lớp học trong mùa hè trước) đã đem lại thích thú cho khán giả tham dự.

Ca sĩ Bích Vân cho biết cô rất vui khi hướng dẫn bài hát này cho các học trò của mình, giúp các em thể hiện tốt bài hát và đã nhận được những tràng pháo khen tặng của tác giả và khán giả.
Mười ba học viên với các độ tuổi khác nhau, phần lớn họ đã bước vào tuổi trung niên, và đều là người Mỹ gốc Việt. Có người đã về hưu, có người vẫn còn bận bịu công việc, nhưng vẫn dành thời gian để đến lớp học để được GS TS P. Q. Phan hướng dẫn những bài học cách viết ca khúc nghệ thuật.


Ca sĩ Kim Nguyễn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 


Các học viên có người biết chút đỉnh về nhạc lý căn bản, có người không biết gì hết, nhưng điểm chung của họ là đều có tâm hồn nhạy cảm với cuộc sống xung quanh, và họ rất yêu âm nhạc. Đây chính là điều đã giúp họ tìm được nguồn cảm hứng sáng tác, cho ra đời những tác phẩm của chính họ.
Trong bốn ngày học, các học viên mới đã được GS TS P.Q. Phan hướng dẫn cách phát triển về chủ điệu (motif), kiến trúc câu nhạc (phrase), đoạn nhạc (section), cách kết thúc một câu nhạc hay đoạn nhạc (cadence), cách chuyển âm (modulation) để hoàn tất trong việc sáng tác ca khúc nghệ thuật.

Theo GS TS P.Q. Phan, “Ca khúc nghệ thuật không phải cái gì 'cao siêu hay cố tình màu mè gì cả. Một điều quan trọng nhất về ca khúc nghệ thuật mà khoá học liên tục nhấn mạnh đến học viên là: đối với một ca khúc nghệ thuật, lời là quan trọng hơn cả. Giai điệu của một ca khúc nghệ thuật lệ thuộc hoàn toàn vào ý nghĩa của lời. Lời như thế nào thì nhạc ra như thế đó. Nói một cách khác, không có lời thì không có giai điệu.”


Ca sĩ Lê Đoài Huy (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Vẻ đẹp của các ca khúc

Giai điệu của 16 ca khúc của 13 học viên cũ, học viên mới trình diễn trong đêm nhạc đã được dắt đi bằng tuyến hòa thanh không thông dụng nên những giai điệu ấy đã phát triển theo một hướng độc đáo, với phần thay đổi các nhịp, các nốt trong bài nhạc rất lạ.
Mỗi ca khúc của các học viên là một gam màu đa dạng, góp vào bức tranh tổng thể của khóa học Dạy Viết Ca Khúc Nghệ Thuật của hội VASCAM.
Nội dung mà các học viên gửi gắm trong từng bài hát mang đến những thông điệp ý nghĩa về giá trị của cuộc sống, hãy sống sao cho có ý nghĩa để không tiếc nuối khi phải rời xa cõi tạm này, thông điệp về tình yêu của người thân với nhau, nuôi dưỡng tình thương giữa người với người, giữa người với cảnh vật thiên nhiên, với mùa xuân tươi mới, với mái trường xưa, với nơi chôn nhau cắt rốn- mảnh đất và con người đã cưu mang mình thưở mới chào đời.

Và điều thú vị lần này có nhiều tác phẩm của các học viên cũ mới mang tính triết lý, suy tưởng đậm chất thiền như của các học viên Hoàng Văn Thịnh, Brian Huy Tôn, Thanh Thanh Hồ… Qua âm nhạc, học viên của lớp nhạc đã thể hiện cái tôi và quan điểm của mình thật mạnh mẽ, với mong muốn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến cộng đồng người nghe có duyên đến dự đêm diễn vừa qua, và sau này khi xem trên face book cá nhân của các học viên đoạn quay lại ca sĩ thể hiện các ca khúc.

Bày tỏ cảm xúc của mình khi soạn hòa âm cho các ca khúc và đệm cho ba ca sĩ hát, Tiến sĩ-nhạc sĩ Bằng Lăng nói, “Hôm nay trình diễn những sáng tác của các học viên lớp nhạc VASCAM, tôi thấy rất thú vị. Có những bài mình cũ của các học viên cũ, mình quen với nó hơn nên có cảm tưởng mình đệm hay hơn, vì mình thấm bài nhạc đó hơn là những bài mới. Năm nay tôi soạn hòa âm cho một số bài của các học viên mới, mang nhiều màu sắc khác nhau.


Quang cảnh buổi trình diễn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

“Mình cảm thấy có vài học viên lần này có những suy nghĩ sâu về đạo, nên nhiều ca khúc có ca từ đậm chất thiền. Có một bài rất lạ so với những bài khác, là bài Noọng Nàng Ơi của Vĩnh Tường. Giai điệu ca khúc này rất lạ. Nên tôi khó tìm được hòa âm đi chung bài nhạc này tương ứng. Tôi cảm tưởng cây đàn Trưng chơi bài nhạc này sẽ hợp hơn là đàn piano.
“Vì bài nhạc này hơi mang âm hưởng ngũ cung. Bài hát không thể làm hòa âm theo kiểu Âu Mỹ được. Nhưng vì bắt buột phải đệm ca khúc đó bằng piano, nên tôi phải soạn hòa âm dựa trên cây đàn piano. Bài này rất khó hát, vì cách đổi các nốt nhạc liên tục trong bài ca. Bích Vân thì giỏi quá rồi, không có giai điệu nào làm khó cô được. Chúng tôi làm việc chung với nhau nhiều lần rất ăn ý. Hai ca sĩ mới tham gia lần này là Kim Nguyễn và Lê Đoài Huy tập với tôi cũng rất nhanh.”

Câu chuyện của các học viên thông qua ca khúc

Học viên mới Vĩnh Tường, tác giả ca khúc Noọng Nàng Ơi, với những ca từ được cô viết đầy cảm xúc về mảnh đất Cao Bằng, “Em về rừng cũ rú xưa, mũi hài kiềng bạc noọng đưa em về. Khoai bùi ngãi cứu hơi quê. Noọng ôm em chặt hương mê chập chờn…” Bấy giờ bố mẹ cô chạy tản cư tránh thực dân Pháp, gia đình bị lạc trong rừng đã ba ngày rồi, lúc đó mẹ cô lại bị đau đẻ. Khi ấy bố mẹ cô gặp những cô người Tày nói líu lo, các cô thấy thế đã mang gia đình cô về để cứu giúp và mẹ đã sinh ra cô.

Học viên Vĩnh Tường chia sẻ, “Tôi cứ nghĩ tôi phải trả món nợ ân tình với quê hương Cao Bằng nơi tôi sinh ra khi bố mẹ tôi chạy tản cư. Vậy sao mình không trả vào lúc này. Nên tôi đã viết bài thơ để làm ca từ cho ca khúc nhân lớp nhạc này. Tôi nghĩ, gieo vào lòng người ta về lòng nhớ ơn là món quà chúng ta có thể tự tặng cho mình, khi mình tặng cho mình, là mình đã trả được phần nào món nợ, nhưng không thể trả hết. Vì ơn ân tình lớn lắm. Khi sáng tác bài hát này, tôi chịu ảnh hưởng hoàn toàn âm hưởng của âm nhạc người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Tôi nghe nhạc của người Tày, Mường… nhiều nên khi viết ca khúc này có ảnh hưởng. Sau lớp nhạc này, tôi muốn tiếp tục sáng tác một seri những ca khúc nghệ thuật về quê hương Cao Bằng. Nhờ có lớp nhạc này giúp tôi có thể trả nợ được cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.”

Học viên Vĩnh Tường cho biết, “Nếu hỏi rằng mình viết ca khúc ra cho ai hát, cho ai nghe, là điều quá lớn. Thôi thì mình cứ vui với giọt nước nhỏ xíu của mình thôi. Trong một khoảnh khắc nào đó, nó giống như trên đầu ngọn sóng lại tan biến đi, hay ở lại với nhân gian? Điều đó mình không biết, tựa như khi bài hát mình được hát lên, nó lơ lửng có 2 phút thôi. Nhưng tôi rất hạnh phúc khi nghe Bích Vân hát và nhạc sĩ Bằng Lăng đệm ca khúc. Tôi run lắm và tự hỏi, ô bài của mình đây đó hả? Khi Bích Vân cất tiếng hát lên. Tôi thích quá.”
Học viên Thanh Thanh Hồ, tác giả bài hát Ta và Con Đò đã dùng một câu chuyện thiền tựa đề Bà Lão và Con Đò để viết đoạn văn xuôi làm ca từ cho ca khúc. Cô chia sẻ, “Ngày đầu chúng tôi được thầy Phục dạy phân tích làm thế nào để chuyển một câu nói hay một câu thơ ra âm nhạc, ngày thứ hai thì học cách viết những nốt nhạc, ngày thứ ba thầy giúp mình sửa và phân ra từng khuôn nhạc, ngày cuối cùng thì thầy giúp sửa lại cho hoàn chỉnh ca khúc để hôm nay, tối thứ Bảy ca sĩ trình diễn.

“Qua lớp nhạc này tôi rất vui, và thấy rằng ngôn ngữ tiếng Việt của mình đẹp lắm. Ngôn ngữ của mình nói ra đã có âm hưởng của nhạc rồi, tôi nghĩ từ đây về sau nghe người ta nói một câu nói, tôi mình sẽ liên tưởng đến những nốt nhạc đi theo những câu nói đó thì nó rất đẹp. Thầy Phục dặn là sau lớp học, chúng tôi cần phải thực tập thêm, nên có lẽ sắp tới tôi sẽ tìm thêm những đoạn văn hay bài thơ nào mà tôi cảm xúc và sẽ tập tành viết nhạc. Chỉ là tập tành ôn lại bài đã học thôi, không dám nói là sáng tác. Tôi sẽ tập viết và nhờ người khác sửa lại cho nó hoàn chỉnh để hát. Ít ra mình có thể tự mình ngân nga lấy.”
Theo cô Thanh Thanh, cô thích thú khi học lớp sáng tác ca khúc nghệ thuật của VASCAM vì, “Viết ca khúc nghệ thuật hơi khác ca khúc thông thường tôi hay nghe. Nhạc phổ thông chịu gò bó trong điệu này điệu kia, ví dụ như rumba, chachacha hay Boston… mình phải viết đúng như vậy. Còn sáng tác ca khúc nghệ thuật thì mình cứ đi theo lời ca có sẵn rồi đưa nó vào âm nhạc. Cái đẹp của nó là vậy. Với bài thơ hay câu chuyện văn xuôi nào đó mình có thể chuyển nó qua thành âm nhạc theo cảm xúc của mình.”

Học viên Tôn Nữ Minh Trang, tác giả ca khúc Phượng, thì cho rằng, “Khi học sáng tác ca khúc nghệ thuật, tôi thấy rằng khó chứ không dễ. Phải chọn ca từ để khi gắn giai điệu vào sao cho êm tai. Chọn ca từ không trùng lắp với những nhạc sĩ cũ rất khó. Vì lâu nay mình hát nhạc của những những sĩ nổi tiếng, mình bị ảnh hưởng rất nhiều một cách vô thức đôi khi mình không biết. Khi làm thơ để có trước ca từ cho ca khúc, tôi phải quên những gì mình đã từng nghe trước đây, làm một bài thơ mới để viết nhạc.”
Học viên Hoàng Văn Thịnh, tác giả ca khúc Suy Tưởng “Có những người con trai tìm lý tưởng ngày mai. Nên xa lìa hiện tại. Để mất tuổi đôi mươi…,” cho biết ông chưa học nhạc bao giờ. Sau bốn ngày học sáng tác ca khúc nghệ thuật do VASCAM tổ chức, ông thấy có kết quả tốt lắm. “Vì đọc thông báo lớp nhạc là không cần biết nốt nhạc, nhạc lý, vẫn học sáng tác được, nên tôi ghi danh. Tôi đã làm bài thơ Suy Tưởng này khoảng 20 năm trước. Tôi là giáo sư dạy triết trước đây tại Việt Nam. Tôi rất hài lòng khi học lớp sáng tác này, thầy Phục rất tận tâm. Có lẽ sau lớp nhạc này tôi sẽ phổ nhạc những bài thơ cũ của mình để có thêm nhiều ca khúc nữa. Năm sau VASCAM mở tiếp khóa học, tôi sẽ ghi danh học tiếp.”

Học viên Thanh Thanh, tác giả ca khúc Đôi Mắt Xanh Non, là bài thơ của Xuân Diệu được cô cảm xúc khi qua bài thơ gợi cho cô về đứa cháu gái nhỏ xinh, giàu sức sống của mình. Cô bày tỏ, “Tôi học được nhiều điều rất hay từ lớp sáng tác này. Ví dụ tôi nói đến màu xanh, nếu là vui thì sẽ cho nốt nhạc cao lên thành màu xanh tươi, nếu buồn buồn một tí thì cho nốt nhạc thấp xuống một chút thì sẽ thành màu xanh lờ lờ. Đây là cách thêm màu sắc vào trong âm nhạc. Cách này GS Phục dạy chúng tôi rất tài tình. Còn rất nhiều điều hay cần phải học. Nếu năm sau GS Phục còn dạy nữa thì tôi sẽ ghi danh học thêm. Sau khóa học này, tôi sẽ áp dụng theo nguyên tắc GS Phục dạy để viết thêm những ca khúc mới.”

Học viên Brian Huy Tôn, là tác giả ca khúc Happiness, ca từ bài hát được ông lấy ý chính từ bài luận ông đã viết cảm nhận vào một năm trước sau khi dự một khóa thiền thinh lặng 7 ngày, ở Oregon của người Mỹ tổ chức. Ông chia sẻ, “Tôi rất hân hạnh học tiếp lớp sáng tác lần này. Đây cũng là một cơ hội để tôi viết nhạc. Vì sau lần học khóa đầu tiên tổ chức 2017, tôi bận rộn công việc, gia đình, nên không sáng tác tiếp. Nhờ tiếp tục tham gia lớp nhạc lần này nên tôi mới có cơ hội sáng tác bài thứ hai.
“Vì là cựu học viên, học lần này không lên lớp mỗi buổi như tân học viên, tôi chỉ gặp thầy 30 phút vào tối thứ Sáu và tối thứ Bảy thì dự buổi trình diễn. Gặp thầy để nghe thầy góp ý bài hát. Lần học này tự mình sáng tác nhiều hơn là thầy trợ giúp. Nếu ai thích nhạc, nên học lớp sáng tác này. Viết nhạc đem lại niềm vui thích cho mình.”

Là nhạc sĩ gắn bó với hội VASCAM qua nhiều chương trình nghệ thuật, đặc biệt là ba buổi trình diễn tác phẩm của học viên qua ba khóa học vừa qua, tiến sĩ Bằng Lăng nói, “Tôi thấy rằng những người không biết gì về nhạc, khi nghe về lớp dạy sáng tác này, sẽ sợ không ghi danh tham dự, họ nghĩ họ sẽ không làm được. Trong khi con nít, nó đâu sợ gì đâu. Khi tôi dạy các em ba, bốn tuổi, tôi kêu các em cứ phăng nhạc trên piano, tôi sẽ đệm theo. Thế là các em cứ phăng thôi. Nhưng khi các em học tới năm, sáu tuổi đã bắt đầu biết sợ phăng rồi, sợ sai.
“Tôi nghĩ khi mình đã trưởng thành rồi, đã vững trong nghề nghiệp của mình rồi. Tại sao không thử cái gì mới để mở mang trí óc của mình bằng việc sáng tạo một cái gì riêng. Mình phải thử thì mới biết mình có hay không. Ai cũng có chuyện để kể hết. Nếu lời mà mình viết ra sẽ cảm thấy chuyển tãi được gì đó, thì có thầy Phục giúp, đâu có gì phải sợ. Tôi rất mong những người trong cộng đồng chúng ta đừng có sợ, dù chưa bao giờ học nhạc, học đàn, không sao hết. Mình phải phá vỡ cái sợ đó thì tự nhiên sẽ mở ra cánh cửa, một đời sống khác một tí.
“Trong lòng ai cũng có một kho tàng, nhưng chưa biết cách để mang ra. Vì có khi có người nghĩ không nên mang ra công chúng, hay có người nghĩ nó không đủ là kho tàng, nghĩ kho tàng mình nhỏ quá, không đáng cho ai coi. Nhưng mình hãy giống con nít 3- 4 tuổi, cái gì của các em cũng đẹp hết, rất tự tin. Các em ngồi đàn cứ phăng đủ kiểu, tôi chỉ đệm theo các em giúp phần phăng đó hay hơn. Thì lớp sáng tác ca khúc nghệ thuật của VASCAM cũng vậy thôi, người học cứ viết viết đi, thầy Phục sẽ giúp sửa lại, ca sĩ và nhạc sĩ sẽ hát, đệm nhạc sao cho thành hay.Tôi mong lớp dạy sáng tác ca khúc của VASCAM sẽ có đông người ghi danh hơn trong mỗi năm tổ chức.”

VASCAM là một tổ chức không lợi nhuận và các thành viên ban tổ chức làm việc hoàn toàn tự nguyện. Tiền học phí thấp cho những khóa học sáng tác ca khúc nghệ thuật là vì VASCAM hy vọng những người không có khả năng tài chánh cao cũng có thể tham dự. VASCAM là một tổ chức không lợi nhuận và các thành viên ban tổ chức làm việc hoàn toàn tự nguyện. Tiền học phí thấp cho workshop là vì VASCAM hy vọng những người không có khả năng tài chánh cao cũng có thể tham dự.
Trước sự hưởng ứng của những người tham gia lớp Dạy Viết Ca Khúc của Hội VASCAM, sang năm VASCAM sẽ tiếp tục tổ chức lại khóa học này vào dịp hè. Ban tổ chức rất mong lần tổ chức tiếp theo, ngoài học viên cũ, sẽ có thêm những học viên mới ghi danh.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT