Văn Nghệ

Trình diễn ca khúc của học viên lớp Dạy Viết Ca Khúc của Hội VASCAM

Friday, 21/07/2017 - 08:05:06

“Tôi thường chơi solo những tác phẩm nhạc của những nhạc sĩ sáng tác theo phong cách đương đại của những nhạc sĩ chuyên nghiệp vẫn còn đang sống, thành ra đối với tôi bài nhạc Tick Tock không lạ lắm, nhưng tôi thấy cô ấy viết hay, có nhiều ý rất hay trong bài nhạc.

Bài BĂNG HUYỀN

Tối Thứ Bảy, ngày 15 tháng 7, 2017 đã diễn ra buổi trình diễn giới thiệu chín ca khúc của chín học viên khóa học bốn ngày (từ ngày 10 đến 13 tháng 7), lớp Dạy Viết Ca Khúc của hội VASCAM (Vietnamese American Society for Creative Arts and Music) tổ chức, do Giáo Sư - Sáng Tác Gia P.Q. Phan hướng dẫn, diễn ra tại studio của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ trên đường Edinger Ave., Westminster.

Chín ca khúc của chín học viên đã được giọng nữ cao trong vắt, mượt như nhung, giàu cảm xúc của ca sĩ Bích Vân và tiếng đàn piano tuyệt đẹp của nữ nhạc sĩ Đỗ Bằng Lăng thể hiện.


Soạn Nhạc Gia P.Q. Phan gửi lời cám ơn các học viên, ca sĩ Bích Vân (áo đầm đen), nhạc sĩ Bằng Lăng (người đứng ở bìa trái) và khán giả đến dự buổi trình diễn của lớp Dạy Viết Ca Khúc do Hội VASCAM tổ chức. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

chín học viên với các độ tuổi khác nhau, phần lớn họ đã bước vào tuổi trung niên, có người đã nghỉ hưu, chỉ có một học viên là còn trẻ và cũng là học viên người ngoại quốc duy nhất, cô Jae Hyun Lee. Còn lại đều là người Mỹ gốc Việt.

Chín ca khúc là chín màu sắc âm nhạc khác nhau, mới, lạ, rất khác so với những giai điệu nhạc Pop quen thuộc. Trong bốn ngày học, các học viên đã được giáo sư, soạn nhạc gia P.Q. Phan hướng dẫn cách phát triển về chủ điệu (motif), kiến trúc câu nhạc (phrase), đoạn nhạc (section), cách kết thúc một câu nhạc hay đoạn nhạc (cadence), cách chuyển âm (modulation).


Học viên trẻ duy nhất, người Nam Hàn, của lớp học: cô Jae Hyun Lee, tác giả bài “Tick Tock” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Giai điệu của chín ca khúc đã được dắt đi bằng tuyến hòa thanh không thông dụng nên những giai điệu ấy đã phát triển theo một hướng độc đáo hơn, với phần thay đổi các nhịp, các nốt trong bài nhạc rất lạ.
Đặc biệt là bài “Tick Tock” của Jae Hyun Lee đã vượt ra các ranh giới an toàn để tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ với giai điệu lạ tai, không dễ nghe với những ai thích giai điệu êm ả. Đây là ca khúc để lại một dấu ấn rất riêng.

Tâm tình của ca sĩ Bích Vân và nhạc sĩ Bằng Lăng

Nhận xét về ca khúc “Tick Tock”, ca sĩ Bích Vân chia sẻ, “Em hơi bị stress khi hát bài “Tick Tock”, vì bài đó rất khó. Tám bài hát của tám tác giả trong chương trình này chỉ có giai điệu thôi, còn bài “Tick Tock” thì có thêm phần dương cầm và giai điệu, cũng như nhịp điệu của bài hát rất khó, liên tục trong bài hát. Vì cô Jae Hyun Lee có học nhạc từ trước nên khi học sáng tác trong khóa học này, sáng tác của Jae Hyun Lee rất lạ. Thường những bài như thế này cần phải có nhiều thời gian hơn, thì sẽ làm tốt hơn. Hôm thứ Sáu (ngày 14 tháng 7) em và chị Bằng Lăng nhận được các ca khúc để tối nay trình diễn và có tập với nhau rất kỹ bài này. Lúc nãy trình diễn xong, em cảm thấy là lần hát tốt nhất so với những lần tập hôm qua. Hát những bài như vậy em thấy rất thích vì có gì đó rất lạ, rất hứng khởi để diễn.”


Ca sĩ Bích Vân và nhạc sĩ Bằng Lăng trình diễn ca khúc của từng học viên (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nhạc sĩ Bằng Lăng nói, “Tôi thường chơi solo những tác phẩm nhạc của những nhạc sĩ sáng tác theo phong cách đương đại của những nhạc sĩ chuyên nghiệp vẫn còn đang sống, thành ra đối với tôi bài nhạc Tick Tock không lạ lắm, nhưng tôi thấy cô ấy viết hay, có nhiều ý rất hay trong bài nhạc.

“Tôi chỉ gặp Bích Vân hai lần, hôm qua và hôm nay, khi những bài nhạc sáng tác xong rồi, chúng tôi được đưa bài, và tôi phải quyết định liền phần hòa âm sẽ chơi bản nhạc ra sao để trình diễn hôm nay. Tôi và Bích Vân chưa bao giờ cộng tác cùng nhau, đây là lần đầu tiên, sở dĩ có sự hòa điệu tuyệt vời như thế này, vì cô ấy hát hay, nên tôi có hứng khi đệm cho cô ấy hát. Mình nghe nhau nhiều hơn, cái chính là phải nghe nhau khi cùng đệm và hát như buổi diễn này với những sáng tác mới và lần đầu phổ biến.”

Các tác giả có người thì chọn phổ thơ của các nhà thơ nổi tiếng (ca khúc “Còn Gặp Nhau,” của tác giả Như An, phổ thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Ca Khúc “Anh Làm Mới Tình Yêu” của tác giả Sương Vũ, phổ thơ “Bài Thơ Của Tháng Giêng” của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền). Có người thì viết nhạc dựa theo lời của soạn nhạc gia P.Q.Phan (ca khúc “Tick Tock” của Jae Huyn Lee), và sáu tác giả còn lại thì tự đặt lời cho ca khúc của mình dựa theo bài thơ đã sáng tác trước đó, hoặc sáng tác mới, nhân học khóa học này. Chỉ có hai ca khúc với lời hát bằng tiếng Anh (“Tick Tock” và “Đà Nẵng Forever” với nhạc, lời của tác giả Brian Huy Tôn).


Quang cảnh buổi diễn (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Thông thường những ai chưa từng học nhạc mà chỉ yêu thích ca hát, nghe nhạc sẽ đều cho rằng phải học trong nhiều năm cho hiểu tường tận các kỹ thuật viết ca khúc thì mới có thể sáng tác được nhạc. Vì vậy những khán giả đến thưởng thức buổi trình diễn các sáng tác của học viên lớp Dạy Viết Ca Khúc, đã rất ngạc nhiên khi biết được chỉ có bốn ngày học, mà mỗi học viên đã tự sáng tác được một ca khúc, được tiếng hát Bích Vân và tiếng đàn Đỗ Bằng Lăng trình diễn, đem lại nhiều thích thú cho người nghe. Dù rằng trong số chín học viên ấy, phần lớn đều chưa được học nhạc bài bản, hoặc chưa có kiến thức gì về âm nhạc.

Không chỉ là ca sĩ, Bích Vân cũng từng sáng tác vài ca khúc để chính cô hát trong một số chương trình nhạc của riêng cô, Bích Vân cho biết, “Em nghĩ để viết ca khúc, vừa dễ mà vừa khó. Dĩ nhiên nếu mình có căn bản về nhạc thì dễ cho mình sáng tác hơn. Cái khó vẫn là cảm xúc của mình, làm sao để dùng ngôn ngữ của âm nhạc để chuyển tải được nó, thì mọi người của lớp viết nhạc này đã làm rất thành công. Em rất ấn tượng với soạn nhạc gia P.Q. Phan, đã hướng dẫn những người không biết về nhạc hoặc không biết viết nốt nhạc luôn, mà có thể viết ra những ca khúc có phong cách riêng, và các học viên chỉ học trong vòng vài ngày thôi, mà thầy P.Q. Phan có thể hướng dẫn được như vậy.”

Tâm tình của các học viên

Bày tỏ niềm vui sau khóa học và được nghe tác phẩm của mình trình diễn, học viên Hảo Đào, tác giả ca khúc “Như Mây Trắng Bay” [là tác giả đã nhận được rất nhiều lời khen tặng “bài hát hay quá” của khán giả trong đêm nhạc], tâm sự, “Tôi có học đàn và nhạc lúc học lớp đệ thất (bây giờ là lớp 7), học đàn guitar một tuần một giờ, đến lớp chín rồi ngưng đến trên 40 năm sau, nên gần như quên hết rồi. Một hôm tôi đọc báo Viễn Đông, thấy giới thiệu khóa học sáng tác nhạc chỉ có bốn ngày, nên tôi ghi danh học liền. Còn bài thơ thì tôi viết cách nay năm, sáu năm, trong số những bài mà tôi đã làm (chỉ cho tôi đọc thôi, không phổ biến), thì bốn câu thơ này tôi làm nó đơn giản, dễ đổi thành nốt nhạc, còn những bài thơ khác hơi bí hiểm nên tôi không chọn. Khi nghe Bích Vân hát, tôi thích quá, cô ấy hát hay quá, không ngờ những lời đơn giản của tôi được xướng lên bởi giọng ca quá hay, tôi xúc động lắm.”

Theo ông Hảo Đào điều thích thú nhất khi đến với lớp học này là ông cứ nghĩ sáng tác nhạc khó lắm, lời chuyển thành nốt nhạc rất khó, ai ngờ trong bốn ngày được thầy P.Q. Phan hướng dẫn chuyển lời thành nhạc dễ dàng quá. Ông rất vui khi học lớp này. Từ nay về sau ông sẽ tiếp tục làm thêm nhiều bản nhạc nữa. “Vì thầy Phục đã dạy căn bản rồi. Tôi sẽ tiếp tục sáng tác, khi nào cần góp ý, sẽ email hỏi thầy Phục. Tôi sáng tác chỉ để cho mình thôi, để làm vui tuổi nghỉ hưu của mình.”

Còn với học viên Brian Huy Tôn là tác giả ca khúc “Đà Nẵng Forever” thì nói rằng, “Anh Phục và tôi là bạn học chung lớp hồi xưa khi còn ở Việt Nam, nay học lớp này tôi phải gọi anh là thầy. Không ngờ anh có tài quá, anh không chỉ là nhà soạn nhạc tài ba, anh còn có tài dạy cho tôi, người không có kiến thức nhiều về âm nhạc, sáng tác được bài nhạc mà trước đó tôi không nghĩ là mình làm được. Tôi không biết tôi có tiếp tục sáng tác thêm được bản nhạc nào nữa không vì thấy cũng khó, khi sáng tác lần này, có anh Phục giúp sửa lại. Dù sao qua khóa học này cũng là một cách mở con đường mới cho tôi, tôi sẽ cố gắng theo con đường đó khi nghỉ hưu, để có thú vui thư giãn cho mình.”

Ông Brian Huy Tôn kể rằng khi ông rời Đà Nẵng là thành phố mà ông lớn lên đến khi ông 15 tuổi, chuyến đi rời xa quê hương rất đột ngột (khi biến cố tháng 4 năm 1975), nên ông không chuẩn bị được gì, nhất là về tinh thần. Đến 21 năm sau, năm 1996, ông mới có cơ hội về lại Việt Nam, ông vẫn nhớ rất rõ lúc ngồi trên phi cơ, nhìn qua cửa sổ của phi cơ khi phi cơ từ từ hạ xuống thành phố Đà Nẵng, ông rất xúc động và những cảm xúc này sẽ không bao giờ quên. Từ đó đến bây giờ cũng hai mươi mấy năm rồi, những kỷ niệm, cảm xúc đó ông vẫn giữ kín trong lòng. Trước đó ông chưa bao giờ làm thơ, làm nhạc, nhưng cũng nhờ lớp học này giúp ông có cơ hội để diễn tả được những cảm xúc, những kỷ niệm không những trên lời văn, mà trong âm nhạc.


Ca sĩ Bích Vân và nhạc sĩ Bằng Lăng trình diễn ca khúc của từng học viên (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Chị Như Hòe là tác giả ca khúc “Tiếng Tranh”, đây vốn là một bài thơ do chị sáng tác bằng tiếng Anh. Vào 4 năm trước, ba chị mất, một người bạn đã vẽ tặng chị một bức tranh, để an ủi chị vượt qua nỗi buồn. “Bức tranh đó vẽ tựa như có ánh mặt trời chiếu qua đám mây, nó mang đến cho tôi niềm hy vọng. Lúc đó tôi viết bài thơ bằng tiếng Anh, trong bài thơ có đại ý là nhìn bức tranh, cảm giác bức tranh nói chuyện với mình, cho nên tôi đã chọn bài này để viết lại lời Việt rồi phổ nhạc. Vì tôi muốn mang tiếng Việt vào trong dòng nhạc này. Bởi tiếng Việt có những luyến láy, có dấu, mà phần đông những thứ tiếng nước khác không có. Tôi muốn mang dấu nhấn vào trong bài hát dù là giai điệu Tây Phương, nhưng vẫn mang tính cách Việt Nam, tôi muốn khoe tiếng Việt của mình, vì tiếng Việt đẹp lắm.”

Nhận xét về người thầy vốn là bạn học thưở nhỏ của chị khi còn sống tại Việt Nam, chị Như Hòe chia sẻ, “Tôi thấy thầy Phục rất kiên nhẫn đối với học viên, vì thật ra một ngày chỉ học hai tiếng đồng hồ thôi (từ 7 giờ 30 tối đến 9 giờ 30 tối), nhưng khi nào mình tới cũng thấy thầy đã ở đó rồi, khi mình về thì thầy vẫn ngồi đó và luôn nói là ai có câu hỏi gì, cần gì thì hãy lên gặp nói chuyện với thầy, và thầy cho email, điện thoại rồi dặn ai muốn gọi điện hay email hay text hỏi gì thầy cũng sẵn sàng trả lời. Đêm cuối, trước hôm diễn tối nay, thầy hiệu đính lại những bài mà các học viên đã viết, sửa lại và đặt từng khung nhạc cho bài hát của học viên, lúc đó đã khuya rồi. Mà trước khi đến, thầy có nói hôm nay là ngày chót, nên chỉ sửa sang hoàn chỉnh lại tất cả các tác phẩm của từng người, sau đó sẽ có phần ăn tối chung với nhau. Vì vậy tôi có để dành bụng để sau buổi học, ăn tối với thầy và các học viên khác. Nhưng hôm đó đã không hề có party, vì thầy phải sửa bài rất nhiều cho từng học viên, mình mà đói bụng, thì thầy còn đói hơn, mà thầy chẳng hề than phiền và vẫn tiếp tục giúp sửa bài cho học viên. Tôi rất xúc động, với một người như thầy Phục không có nhiều thì giờ, mà vẫn bỏ nhiều thì giờ để dạy cho các học viên viết nhạc.”

Với học viên Vũ Duy Hiển, tác giả ca khúc “Bên Em” kể rằng, từ trước đến nay ông ao ước được học viết nhạc, vì ông muốn diễn tả cảm xúc, hay những suy tư của ông bằng âm nhạc, thì thích lắm. Cách làm việc của thầy Phục là “mình về suy nghĩ, rồi viết ra lời hát mình muốn phổ nhạc, sau đó anh hướng dẫn cách đặt nốt, cách đặt nhịp điệu cho bài hát, rồi anh giúp sửa lại chỗ này, sửa lại chỗ kia, trong quá trình học, coi cách anh làm việc thì mình hiểu được cách viết nhạc ra sao cho hay, khi anh giúp sửa lại cho mình, là cách anh dạy đó. Còn lý do tôi chọn bài hát “Bên Em” là vì tôi không phải người lãng mạn, lai láng tình yêu có thể nói những câu ngọt ngào như quý vị khác, nhưng tôi có may mắn học về tâm linh, học thiền, thành ra suy nghĩ của mình hướng đến tâm linh nhiều. Chẳng hạn câu đầu tôi viết là “Nhìn trong mắt em tôi thấy trời xanh biếc. Mây không che phủ.” Ý tôi muốn nói rằng nhìn qua con mắt của một người, như vợ mình chẳng hạn, mình thấy khoảng trời xanh, chính là cái Thường còn mây là cái vô thường, nó đến rồi nó đi, cuộc đời người ta đến rồi đi, chuyện này sẽ đến, chuyện này sẽ đi. Những câu sau đều có hơi hướng mình nhìn được cái Thường trong cái Vô Thường. Chỉ đơn giản vậy thôi.”

Ông bảo sau buổi học này, ông không biết có sáng tác được thêm nhiều bài hát nữa hay không, nhưng ông sẽ cố gắng, mỗi lần có ý tưởng nào đó, thì ông sẽ viết xuống, sẽ tìm cách phổ nhạc vào. Khóa học này thầy Phục đã giúp cho các học viên căn bản bước đầu để mình có thể bước tiếp những bước sau, có bước sau nữa hay không thì ông không biết, nhưng ông hy vọng những work shop như vậy sẽ mở tiếp nữa.

Ông Vũ Duy Hiển chia sẻ, “Thật ra học viết nhạc cuối cùng vẫn là cách để mình enjoy, mình khoái vì học mình vui, học được cái gì mới, cái đó là cái chính, còn tác phẩm thế nào thì không quan trọng bằng quá trình học. Ai cũng muốn có kết quả tốt, nhưng với tôi quá trình học quan trọng hơn là cái kết quả. Với tôi viết nhạc thì nói dễ cũng được mà khó cũng được, cái chính là tác phẩm mình viết ra thế nào. Dễ, có nghĩa là có thể đặt bút xuống viết cái này cái nọ, khó là viết xong thì có hay hay là không. Hoặc là mình có thể diễn tả đúng tâm trạng hay suy tư của mình qua bản nhạc đó hay không.”

Ông hài hước nói, “Thật sự tối nay tôi mới được nghe lần đầu tiên bài nhạc của mình, tôi rất cảm động, thấy sao ca sĩ Bích Vân và nhạc sĩ Bằng Lăng giỏi vậy, người đàn rất khéo và giỏi, người hát thì rất hay, tôi nghĩ nếu để tôi tự hát thì sẽ “ăn cà chua trứng thối” ngay.

Ông Vũ Duy Hiển cho rằng, “Ai có lòng yêu nhạc thì nên đi học lớp này nếu VASCAM có mở tiếp. Không phải đi học để mình mộng tưởng thành một nhạc sĩ đại tài, nhưng mà học để hiểu âm nhạc hơn, và yêu âm nhạc hơn, đó là cái chính. Đồng thời mình học rồi mới biết cảm kích những người viết nhạc hơn. Để thấy đời mình tươi đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.”

Soạn nhạc gia P.Q.Phan cho biết ông rất vui khi thấy thành quả mà các học viên đã đạt được qua các sáng tác và khán giả đến nghe buổi hòa nhạc giới thiệu các sáng tác của các học viên cũng rất đông. Mục đích của VASCAM mở lớp nhạc vì thấy quận Cam có rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, nên khi mở ra những hoạt động ở đây, VASCAM chỉ muốn mang đến những gì mà ở đây chưa có. “Chúng tôi biết hoạt động âm nhạc ở đây rất phong phú, nhưng chúng tôi muốn giới thiệu đến cộng đồng một hình thức âm nhạc khác, đó là viết những bài hát theo thể loại nghệ thuật, không mang tính giải trí nhiều. Việc viết nhạc nhiều người hay nghĩ là phải có cảm hứng, rất khó khăn, nhưng thật ra, việc viết nhạc rất khoa học. Cứ bước một, bước hai, bước ba theo đúng thì sẽ viết xong một bài thôi. Chúng tôi muốn cho mọi người biết là sẽ làm gì khi viết nhạc, chứ không cần ngồi đó suy nghĩ là cái này khó lắm, không làm được đâu.”

Theo soạn nhạc gia P.Q.Phan, trước sự hưởng ứng của những người tham gia lớp Dạy Viết Ca Khúc của Hội VASCAM, sang năm VASCAM sẽ tiếp tục tổ chức lại khóa học này vào dịp hè, do năm nay có nhiều người không biết có lớp này, nên chắc chắn VASCAM sẽ mở lại vào hè năm sau. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT