Người Việt Khắp Nơi

Triển lãm, hội thảo & tưởng niệm học giả Petrus Trương Vĩnh Ký

Sunday, 09/12/2018 - 01:34:06

Các diễn giả sau cũng đều ca ngợi học giả Trương Vĩnh Ký là một người có công lớn đối với đất nước, ông là người chủ trương dùng chữ quốc ngữ, ông làm báo bằng tiếng Việt đầu tiên tại nước ta, là người dịch các sách chữ Nho, chữ Nôm sang tiếng quốc ngữ.



GS Nguyễn Trung Quân và nhà báo Phạm Phú Minh trên bàn chủ tọa. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Vào lúc 10 giờ sáng thứ Bảy, ngày 8 tháng 12, 2018, Giáo Sư Nguyễn Trung Quân và hai nhà báo Phạm Phú Minh, Đỗ Quý Toàn đã tổ chức buổi triển lãm, thuyết trình và hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Petrus Trương Vĩnh Ký được sự tham dự của nhiều giáo sư, học giả, cựu học sinh Petrus Ký Saigon, và đông đảo đồng hương ngồi chật kín hội trường báo Người Việt.
 

Cụ Nguyễn Ngọc Ẩn, cựu học sinh Petrus Ký kỳ cựu nhất đứng bên các hình ảnh triển lãm. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Trước giờ khai mạc, mọi người có thể xem một số hình ảnh về cuộc đời ông Petrus Trương Vĩnh Ký và những công trình ông để lại cho đời như tờ Thông Loại Khóa Trình là tờ tạp chí về văn học đầu tiên của Việt Nam do chính ông Trương Vĩnh Ký chủ trương và viết bằng tiếng Việt; tờ Gia Định Báo cũng là tờ báo đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ và nhiều cuốn sách khác như truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chuyện Khôi Hài v.v.. được ông dịch sang chữ quốc ngữ và xuất bản vào hậu bán thế kỷ 19.

Đặc biệt có bản nhạc bằng tiếng Pháp (bản chính) do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phổ từ lời của ông Le Jeannic, Hiệu Trưởng trường Lycee Petrus Ký vào năm 1939 và nhiều tư liệu hiếm quý khác được treo hai bên tường của hội trường.
 

GS Nguyễn Trung Quân, Trưởng Ban Tổ Chức. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Sau nghi thức chào cờ khai mạc, giáo sư Nguyễn Trung Quân, cựu Hiệu Trưởng Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ, một trong ba vị tổ chức cuộc hội thảo và tưởng niệm lên trình bày lý do, tại sao các vị làm việc này.

Theo lời giáo sư, trong lịch sử cận đại, “chúng ta có ba nhân vật quan trọng được nhắc nhở là cụ Phan Thanh Giản, cụ Nguyễn Đình Chiểu và ông Petrus Trương Vĩnh Ký. Ba nhân vật này đã được chọn đặt tên cho ba trường trung học lớn, Trường Phan Thanh Giản tại Cần Thơ, Trường Nguyễn Đình Chiểu tại Mỹ Tho, và Trường Petrus Ký tại Saigon.
 

Một số hình ảnh và tư liệu về hoạt động của học giả Petrus Ký. (Thanh Phong/Viễn Đông)

“Sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam, chúng đã thay đổi tên trường và đập bỏ tượng cụ Phan Thanh Giản và tượng Petrus Ký. Đến nay tên trường Phan Thanh Giản vẫn chưa được phục hồi dù mới đây chúng đã phải công nhận cụ Phan Thanh Giản là người yêu nước.

“Riêng ông Petrus Ký bị chúng coi là người cộng tác với Pháp, nhưng có cộng tác hay không, ông có là người yêu nước hay không thì xin mọi người ở lại tới 6 giờ chiều, chúng ta sẽ nghe các diễn giả lần lượt trình bày về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Petrus Ký, một ngưới được coi là nhà bác học của Việt Nam.”

Giáo sư Nguyễn Trung Quân có lẽ đã ở vào tuổi 80 nhưng mọi người hết sức khâm phục trí nhớ của giáo sư. Không cần cầm tài liệu, giáo sư kể rõ ngày sinh, ngày mất của ba sĩ phu và những việc làm đặc biệt của học giả Petrus Ký khi ông đề cập đến lịch sử mà nhân vật Petrus Ký đã sống cách nay 200 năm.
Giáo Sư Quân nói, “Lịch sử có những cái bất công cần phải được làm sáng tỏ, phải được ghi nhận công bằng, đứng đắn. Giới trẻ của chúng ta đã bị hướng dẫn sai lịch sử. Chúng ta không thể để thế hệ trẻ kéo dài mãi sự sai lầm này qua sai lầm khác, vì thế mà chúng tôi tổ chức cuộc hội thảo này, và mời những diễn giả là những người có tâm huyết, có nghiên cứu lịch sử một cách nghiêm túc đến đây trình bày với qúy vị và sẵn sàng trả lời các thắc mắc nếu có trong phần hội luận.”

Sau đó, MC. Đinh Quang Anh Thái mời giáo sư Nguyễn Trung Quân và nhà báo Phạm Phú Minh lên bàn chủ tọa để điều hợp phần thuyết trình. Nhà báo Phạm Phú Minh cho biết, buổi sáng có hai diễn giả là giáo sư Nguyễn Văn Sâm và giáo sư Trần Văn Chi thuyết trình. Sau khi nghỉ ăn cơm trưa tại chỗ và nghe nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát trình bày nhạc phẩm chính thức của Lysee Petrus Ký do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác. Từ 2 giờ đến 6 giờ chiều có các diễn giả GS. Bùi Vĩnh Phúc, Luật sư Phan Đào Nguyên, và nhà báo Phạm Phú Minh sẽ trình bày.

Diễn giả đầu tiên, giáo sư Nguyễn Văn Sâm nói về tiểu sử của học giả Trương Vĩnh Ký, sau đó ông trình bày đề tài “Petrus Ký, người yêu nước Việt Nam.” Bằng kiến thức của mình và tham khảo nhiều tài liệu, giáo sư Nguyễn Văn Sâm đã làm cho mọi người chăm chú theo dõi một cách thích thú. Cuối phần tiểu sử, ông cho biết ông Nguyễn Văn Tố đã viết tiểu sử của ông Petrus Ký dầy hơn 30 trang cách nay khá lâu, và ông Nguyễn Văn Tố đã kết luận, ông Petrus Trương Vĩnh Ký là người đạt ba tiêu chuẩn: Khoa học, lương tâm và khiêm cung.

LS Phan Đào Nguyên là người đã chứng minh có một lá thư giả danh Petrus Ký gửi cho chính quyền Pháp để xin đánh Việt Nam gấp hầu cứu giáo dân, nhằm bôi nhọ ông Petrus Ký đã bị khám phá là thư giả mạo.

Giáo sư Trần Văn Chi, tronmg bài thuyết trình được soạn khá công phu với những nhận định khách quan, và ông kết luận, “Trương Vĩnh Ký có một căn cơ về văn hóa dân tộc. Tuy được đào tạo rất hệ thống của Giáo Hội Cơ Đốc Giáo từ nhỏ trong nền văn hóa phương Tây, song Trương Vĩnh Ký vẫn có một căn cơ khá bền vững về văn hóa dân tộc, đặc biệt truyền thống văn hóa ở Nam Kỳ, là nhà trí thức nổi tiếng thông minh và uyên bác, trong quá trình phục vụ cho chính sách của tân trào cũng đã tạo ra nhiều công trình học thuật và văn hóa theo tinh thần tân học, và nhiều mặt có phần tân tiến và cấp thời hơn các nhà trí thức cựu học.”

Các diễn giả sau cũng đều ca ngợi học giả Trương Vĩnh Ký là một người có công lớn đối với đất nước, ông là người chủ trương dùng chữ quốc ngữ, ông làm báo bằng tiếng Việt đầu tiên tại nước ta, là người dịch các sách chữ Nho, chữ Nôm sang tiếng quốc ngữ.

Trong số người tham dự hội thảo về Trương Vĩnh Ký có một cựu học sinh Petrus Ký kỳ cựu và cao niên nhất là cụ Nguyễn Ngọc Ẩn sinh năm 1927, năm nay 92 tuổi nhưng tinh thần vẫn tráng kiện và thể chất khỏe mạnh, yêu đời. Cụ Nguyễn Ngọc Ẩn cho biết, cuộc hội thảo với những diễn giả có trình độ cao đã làm cho cụ cảm thấy thích thú, nhất là những tài liệu qúy hiếm về học giả Petrus Ký mà ban tổ chức đã tìm kiếm được để trưng bày, đó là cả một công trình đáng ca ngợi.

Vào ngày thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019 tại Trung Tâm Giáo Dục La San, 248 Kirk Ave, San Jose, CA 95127 sẽ có buổi lễ khánh thành Tượng Đài Petrus Ký. Ban tổ chức kính mời đồng hương Nam Cali đến tham dự. Liên lạc Mây Lan (408) 224-3530, Bùi Hữu Liêm (510) 329-2634, hay Đỗ Đoan Thùy (408) 433-1788.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT