Người Việt Khắp Nơi

Triển lãm hội họa với chủ đề Mầu Phố Cũ

Monday, 18/09/2017 - 09:31:44

Họa sĩ Dương Ngọc Sum cũng là họa sĩ gốc Huế và tốt nghiệp Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1967, ông cũng là cựu SVSQ trường Bộ Binh Thủ Đức. Hai họa phẩm nổi bật của họa sĩ trong phòng triển lãm là bức “Độc Thoại” và “Thị Trấn Mùa Thu” cả hai đều là tranh sơn dầu.

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Trong bốn ngày vừa qua, từ thứ Sáu đến thứ Hai, 18 tháng 9, 2017 những người yêu thích hội họa đã có dịp thưởng lãm nhiều họa phẩm giá trị của tám họa sĩ Việt Nam trưng bày tại Việt Báo Gallery gồm: Ái Lan, Dương Ngọc Sum, Lương Trường Thọ, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Xuân Trung, Phan Chánh Khánh, Trương Đình Uyên và Võ Hy qua chủ đề “Mầu Phố Cũ.”


Họa sĩ Phan Chánh Khánh với các tác phẩm của ông. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Giải thích về chủ đề Mầu Phố Cũ, họa sĩ Nguyễn Văn Bảy nói với Viễn Đông, “Chúng tôi muốn diễn tả cái hoài niệm của chúng tôi về những hình ảnh một số thành phố cũ thân hương của chúng ta qua nét vẽ của tám họa sĩ, thí dụ bức tranh tôi vẽ Ánh Trăng Lạnh Trên Thành Phố Cũ, thành phố tôi vẽ đây là phố cổ Hội An.”

Họa sĩ Trương Đình Uyên, một họa sĩ người Huế cho biết thêm, “Vào dịp đầu năm, tám họa sĩ chúng tôi, trong đó có năm người gốc Huế ngồi lại với nhau và nảy ra ý định sẽ tổ chức cuộc triển lãm tranh về cố đô Huế, nhưng sau đó chúng tôi mời thêm ba người bạn họa sĩ nữa là họa sĩ Nguyễn Văn Bảy người miền Nam, họa sĩ Nguyễn Xuân Trung người miền Bắc và họa sĩ Lương Trường Thọ người Nha Trang, như vậy là có đủ ba miền Bắc, Trung, Nam và chúng tôi đổi chủ đề là Mầu Phố Cũ vì không chỉ vẽ màu sắc cố đô Huế mà còn các thành phố khác ở cả ba miền Việt Nam.


Xem tranh (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Vì lần đầu tiên tám anh em chúng tôi tổ chức triển lãm chung nên mỗi người giới hạn khoảng bốn đến sáu bức tranh cho phù hợp với giới hạn của phòng triển lãm. Tuy chủ đề là Mầu Phố Cũ nhưng ngoài những họa phẩm vẽ đúng chủ đề, chúng tôi còn trưng bày một số họa phẩm khác nói lên nỗi trăn trở về quê hương, về biển chết vì Formosa, v.v..”

Trả lời một số câu hỏi của Viễn Đông, họa sĩ Nguyễn Văn Bảy cho biết, ông không thể nhớ đã có bao nhiêu cuộc triển lãm, vì hơn năm chục năm qua, ông vẫn hoạt động nghệ thuật, vẫn sáng tác và tối thiểu mỗi năm ông có một lần triển lãm. Họa sĩ Nguyễn Văn Bảy sinh trưởng tại Châu Đốc, An Giang, ông xuất thân từ trường Mỹ Thuật Gia Định năm 1961 sau trở thành giáo sư tại trường này.

Hơn 50 năm sinh hoạt trong nghệ thuật hội họa, họa sĩ Nguyễn Văn Bảy đã đoạt nhiều Huy Chương Vàng, Bạc, Đồng quốc tế và Việt Nam. Ông được Tổng Thống VNCH trao tặng Giải Văn Học Nghệ Thuật Saigon 1967 - 1969. Tại Hoa Kỳ, tác phẩm “Ánh Sáng và Niềm tin” của ông đã được Nghị Sĩ Tiểu Bang Lou Correa chọn triển lãm và treo tại Thượng Viện một năm và tổ chức vinh danh họa sĩ vào năm 2009.
Họa sĩ Phan Chánh Khánh, sinh năm 1949 tại Huế, cho Viễn Đông biết, ông có năng khiếu về hội họa ngay từ lúc còn bé, và đã học và tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Huế chuyên về sơn dầu từ năm 1971. Sau khi tốt nghiệp ông đã sáng tác và có cuộc triển lãm đầu tiên vào năm 1973 với một số họa sĩ khác. Về kỹ thuật, họa sĩ cho biết ông chuyên về sơn dầu nhưng có thêm khả năng phụ là vẽ được cả tranh lụa.

Khi được hỏi, vẽ tranh sơn dầu và vẽ tranh trên lụa, cái nào khó hơn? Họa sĩ Phan Chánh Khánh nói, “Trong kỹ thuật về tranh sơn dầu và kỹ thuật về tranh lụa nó có cái khó khăn cho những người mới bắt đầu vẽ nhưng khi đã quen, đã sử dụng nhuần nhuyễn rồi thì nó trở thành dễ dàng.”

Trong cuộc triển lãm này, họa sĩ Phan Chánh Khánh trưng bày bốn bức tranh đều nằm trong chủ đề Mầu Phố Cũ, ông vẽ những lăng tẩm xưa ở cố đô Huế và thời tiền chiến, thời kỳ con gái Huế mặc áo tím, bức tranh tiêu biểu cho chủ đề của ông là bức “Phủ Xưa Tôn Nữ” và bức “Hồ Khiêm Lăng Tự Đức,” cả hai đều là tranh sơn dầu.


Họa sĩ Nguyễn Văn Bảy bên các tác phẩm của ông trong phòng triển lãm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Họa sĩ cho biết, ông bị mất khoảng thời gian năm, bảy năm sau 1975 không sáng tác được, vì không có điều kiện, sau đó mới trở lại vẽ tranh lụa. Sau khi di cư sang Mỹ ông cũng bị mất một thời gian khá dài không có điều kiện sáng tác vì phải đi làm, và sau mới trở lại sinh hoạt hơn một năm nay, và hiện tại ông có điều kiện dành hết thời gian cho nghệ thuật nên ông có dự định làm một loạt tranh sơn dầu về chủ đề quê hương và tình yêu đôi lứa, và năm tới nếu có điều kiện ông sẽ tổ chức cuộc triển lãm riêng cá nhân.
 Họa sĩ Ái Lan, nữ họa sĩ duy nhất trong số tám họa sĩ có tranh triển lãm. Cô tên đầy đủ là Công Tằng Tôn Nữ Ái Lan, tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Huế năm 1986. Họa sĩ Ái Lan có những tác phẩm vẽ về thiếu nữ qua đề tài Mẹ với nét vẽ và màu sắc thật mượt mà quyến rũ.

Họa sĩ Dương Ngọc Sum cũng là họa sĩ gốc Huế và tốt nghiệp Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1967, ông cũng là cựu SVSQ trường Bộ Binh Thủ Đức. Hai họa phẩm nổi bật của họa sĩ trong phòng triển lãm là bức “Độc Thoại” và “Thị Trấn Mùa Thu” cả hai đều là tranh sơn dầu.

Họa Sĩ Lương Trường Thọ, sinh trưởng tại Khánh Hòa, Nha Trang. Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Gia Định, ông có nhiều cuộc triển lãm tại Âu Châu, Á Châu và Việt Nam. Họa sĩ chuyên về tranh trừu tượng. Hai tác phẩm sơn dầu của ông được nhiều người chú ý là bức “Tà Áo Xanh” và “Trăng Cổ Thành.”
Họa sĩ Nguyễn Xuân Trung, họa sĩ gốc miền Bắc duy nhất trong tám họa sĩ. Ông sinh tại Hải Phòng. Tốt nghiệp về Mỹ Thuật, Thiết Kế Đồ Họa tại Hoa Kỳ. Họa sĩ có hai tác phẩm được nhiều người ưa thích là “Chinh Phụ Ngâm” và Trăng Lãng Du.”

Họa sĩ Trương Đình Uyên, gốc Huế. Tốt nghiệp Cử Nhân Mỹ Thuật tại Oklahoma Hoa Kỳ năm 1986. Trong bốn bức tranh của ông triển lãm, người họa sĩ này tâm đắc nhất với bức “Cá Chết Nổi Lên. Tôi Chìm Xuống” diễn tả cảm xúc của ông khi nghe tin cá chết hàng hoạt vì Formosa làm lòng ông chùng xuống, thương cho thân phận của quê hương bị những người lãnh đạo đất nước bán rẻ cho ngoại bang.
Họa sĩ Võ Hy, gốc Huế, ông hiện hưu trí nhưng dùng thời gian vẽ và triển lãm với bạn bè vì yêu chuộng hội họa. Bức tranh sơn dầu “Mầm Sống” ông diễn tả những “tinh trùng” nhỏ xíu như con lăng quăng đang bơi lội nhưng đó là mầm sống cho cả một con người vĩ đại sau này. Hai bức “Chơi Vơi” và “Ký Ức” là hai bức tranh thuộc thể loại trừu tượng. Một số tác phẩm triển lãm của các họa sĩ có để giá bán từ $500 đến $5,000.

Chị Lý Thị Mỹ Dung xem tranh cho Viễn Đông biết cảm nghĩ, “Tôi là phụ nữ nhưng tôi thích hội họa, nên hễ có triển lãm tranh là tôi đi xem, tôi ở tận thành phố Brea đến, không phải ở khu Phước Lộc Thọ này. Nói chung các bức tranh rất đẹp vì các họa sĩ này hầu hết đều xuất thân từ trường Mỹ Thuật thời VNCH hay trường Mỹ thuật tại Mỹ nên nét vẽ của họ khó mà chê vào đâu được.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT