Thế Giới

Tranh giành quyền lực trong vụ chính phủ Thái Lan bao vây Chùa Dhammakaya

Saturday, 25/02/2017 - 10:30:11

Trong suốt tuần qua, khoảng 4,000 cảnh sát và binh lính đã bao vây Chùa Dhammakaya. Các tín đồ tại chùa này đã thực hành một hình thức Phật Giáo mới, có quan điểm xung đột với Phật giáo bảo thủ.


Một tăng sĩ đang nói chuyện với báo chí trong lúc đứng cùng với các viên chức của lực lượng cảnh sát được phái đến điều tra chùa Wat Dhammakaya. (Christophe Archambault/ Getty Images)


BANGKOK - Sự bế tắc tạm thời giữa các lực lượng an ninh và các nhà sư, tại ngôi chùa lớn nhất ở Thái Lan, đã cho thấy một cuộc tranh chấp về quyền lực cũng như về tôn giáo, trên một đất nước mà đa số dân chúng theo đạo Phật. Chính phủ quân phiệt của Thái Lan đã trấn áp những người bất đồng chính kiến từ khi quân đội chiếm chính quyền trong cuộc đảo chính năm 2014.

Trong suốt tuần qua, khoảng 4,000 cảnh sát và binh lính đã bao vây Chùa Dhammakaya. Các tín đồ tại chùa này đã thực hành một hình thức Phật Giáo mới, có quan điểm xung đột với Phật giáo bảo thủ. Thêm vào đó, nhiều người xem ngôi chùa này có liên kết với phong trào bình dân của cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra, điều mà nhà chùa nhất quyết phủ nhận. Cùng với quan điểm mới, kích thước vĩ đại của ngôi chùa này cũng làm cho giáo phái càng tăng thêm ảnh hưởng, thu hút nhiều tín đồ.

Trong hơn hai năm qua, từ ngày xảy ra cuộc đảo chính, Chùa Dhammakaya là mối thách thức được thấy rõ nhất của một chính quyền quân phiệt được sự hỗ trợ của Hoàng Gia. Trong nhiều tháng, chùa đã từ chối giao nộp nhà sư trụ trì của chùa, và cản trở cuộc khám xét của lực lương cảnh sát. Vị cựu viện chủ này bị truy nã với tội danh rửa tiền.

Ông Paiboon Nititawan, một cựu nghị sĩ được quân đội bổ nhiệm vào một hội đồng phụ trách việc giải quyết các vấn đề của Thái Lan, cho biết hôm thứ Sáu, “Nhà chùa đang tìm cách tạo ra tình trạng bất ổn và khuynh loát quyền lực quốc gia.” Theo truyền thống, xã hội Thái Lan có ba trụ cột: quốc gia, chế độ quân chủ, và tôn giáo.

Thể chế cố hữu nắm quyền kiểm soát quốc gia và chế độ quân chủ, thông qua chính quyền quân nhân và quốc vương Maha Vajiralongkorn. Cách mấy ngày trước khi xảy ra cuộc đối đầu tại ngôi chùa, nhà vua đã bổ nhiệm một nhân vật bảo thủ trong hàng ngũ Phật Giáo vào chức vụ Tăng Thống, đứng đầu 300,000 nhà sư ở Thái Lan. Từ đó, chính quyền bắt đầu kế hoạch bao vây chùa để bắt vị sư cựu trụ trì.
Chùa Dhammakaya có một quy mô khác với hơn 40,000 ngôi chùa khác tại Thái Lan. Trụ sở chính của chùa ở bên ngoài Bangkok bao gồm khu đất rộng gấp gần 10 lần diện tích của Tòa Thành Vatican ở nước Ý, và được hoàn chỉnh bởi một mái vòm bằng vàng có dáng giống dĩa bay không gian của ngôi chùa. Từ năm 1970 đến nay, nhà chùa đã thành lập hơn 90 chi nhánh tại 35 quốc gia.

Ngôi chùa này điều hành các đài truyền hình, các trang web tân tiến, và các trương mục truyền thông xã hội rất năng động. Nhà chùa thường tổ chức những nghi lễ được phối hợp nhịp nhàng với hàng chục ngàn người tham dự trong cùng một lần.Tuy nhiên, hàng triệu tín đồ của nhóm Chùa Dhammakaya vẫn là thiểu số trong dân số gần như hoàn toàn theo Phật giáo của Thái Lan.

Việc Dhammakaya gây quỹ đã làm cho họ giàu hơn nhiều so với các chùa khác, và điều đó cũng khiến cho họ bị chỉ trích rằng nhà chùa đã từ bỏ giáo lý xa lánh của cải vật chất của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Những chỉ trích tương tự được so sánh với nhóm Pháp Luân Công ở Trung Quốc và phong trào Hồi Giáo Gulen ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai nhóm tôn giáo đều phát triển nhanh chóng bằng cách sử dụng các phương pháp tân tiến, và bị chính quyền đàn áp khi ảnh hưởng của họ tăng lên quá lớn.

Tại Thái Lan, một phát ngôn viên của Sở Điều Tra Đặc Biệt cho biết mục tiêu của chính phủ chỉ là mang nhà sư Phra Dhammachayo đầy thế lực của ngôi chùa đến ty cảnh sát với sự kính trọng đạo Phật.
Nhà chùa nói rằng vị sư 72 tuổi này đang bị bệnh rất nặng, và người ta không thấy ông từ nhiều tháng nay.

Họ đặt vấn đề về những cáo buộc chống lại ông. Trong đó có một cáo buộc liên quan đến số tiền được cho là bị biển thủ từ một ngân hàng hợp tác xã tín dụng đã bị mất đi hàng trăm triệu Mỹ kim. Các tu sĩ nói rằng họ đã hợp tác đầy đủ với cuộc khám xét.

Ông Phra Pasura Dantamano, một vị cao tăng, nói, “Chúng tôi không bao giờ dính líu vào những vấn đề chính trị.”

Vị sư này nói, “Mỗi dự án mà chúng tôi thực hiện đều minh bạch. Nếu có ai sợ một mối đe dọa, đó chỉ là những người nào nhận được quyền lực không đúng cách. Tất cả việc chúng tôi làm là dạy cho các nhà sư, dạy cách tự kỷ luật, thiền định. Phải chăng điều đó là sai?”

Nhà chùa bác bỏ bất cứ mối liên kết với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, hoặc những người “áo đỏ” theo ông Shinawatra. Bất kể là gì, cả hai nhóm Shinawatra và Chùa Dhammakaya đại diện cho những thế lực đang lên, gây lo ngại cho thể chế cố hữu.

Nhóm Dhammakaya nhấn mạnh việc bố thí để tạo phước. Khi phước đến thì người ta lại có thêm của cải, giàu có hơn nữa, và điều đó càng giúp cho chùa nhận được nhiều tiền cúng dường để hỗ trợ cho các hoạt động Phật sự.

Những hoạt động này đã mở rộng tầm ảnh hưởng của Dhammakaya. Bằng cách giúp đỡ những ngôi chùa gặp lúc khó khăn, Dhammakaya đã đưa hàng chục ngôi chùa vào trong quỹ đạo của nhóm. Từ đó nhóm được ủng hộ nhiều hơn trong hội đồng tôn giáo Tăng Già, một cơ quan cai quản Phật Giáo tại Thái Lan.
Những người chỉ trích nói rằng ảnh hưởng của Dhammakaya đã tăng lên quá lớn.

Mano Laohavanich, một cựu tu sĩ Dhammakaya nhưng nay là một người công kích kịch liệt, nói, “Niết bàn đã trở thành món hàng để bán. Bạn cho càng nhiều, thì bạn càng trở nên tốt hơn. Điều đó giống như một ký sinh trùng, nắm lấy quyền kiểm soát Phật Giáo Thái Lan.”

Ba thành viên của Hội Đồng Tăng Già đã từ chối nói chuyện với báo chí về Dhammakaya. Văn Phòng Phật Giáo Quốc Gia của chính phủ cũng từ chối như vậy.

Cuộc đối đầu để giành quyền kiểm soát bắt đầu vào năm ngoái, khi Tăng Già đề nghị một ứng viên cho chức vụ Tăng Thống. Người này có liên kết với Dhammakaya và đang bị điều tra về tiền thuế đánh trên một chiếc xe hơi cổ điển nhập cảng vào Thái Lan.

Chính phủ quân phiệt đã bác bỏ ứng viên ấy. Sau đó, khi quốc vương mới lên ngôi trong tháng 12, pháp luật đã được thay đổi để cho nhà vua chọn một vị tăng thống không đúng với ý muốn của hội đồng Tăng Già.

Cách bốn ngày sau khi một vị tăng thống mới được lựa chọn từ một nhóm bảo thủ, tu hành khắc khổ hơn của Phật Giáo Thái Lan, chính phủ ban hàng lệnh khẩn cấp đối với Dhammakaya.

Vấn đề đối với cảnh sát là làm thế nào để vượt qua những hàng tăng sĩ mặc áo cà sa vàng đang tụng kinh và đứng cản đường, khi bạo lực chống lại họ sẽ là điều cấm kỵ.

Cảnh sát đã tăng cường áp lực với thêm nhiều lực lượng, giăng dây thép gai ra, và đe dọa bắt giữ thêm những người lãnh đạo trong chùa.

Những người đối địch của ngôi chùa đều tin rằng vụ tai tiếng và những cảnh tượng tại khu tự viện ít nhất sẽ không khuyến khích dân Thái Lan gia nhập Dhammakaya. Về lâu dài hơn, những biện pháp khác đang được xem xét.

Cựu nghị sĩ Paiboon nói, “Những tài sản thuộc quyền sở hữu của Dhammakaya Foundation nên được chuyển giao cho ngôi chùa, hàng ngũ lãnh đạo của nhà chùa cần phải thay đổi. Ai đó bên ngoài ngôi chùa ấy cần phải được bổ nhiệm để dẫn dắt nhà chùa trở về lại đường ngay nẻo chính.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT