Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Tranh ghép gỗ Việt Nam ở Mỹ

Anvi Hoàng/Viễn Đông Saturday, 28/04/2012 - 11:56:49

Đây là quá trình vừa tính vừa làm. Khi tôi phác thảo một bức tranh, tôi không vẽ màu trên đó.

Anvi Hoàng/Viễn Đông

Từ ngày 4-6 tháng 5 này, tại cuộc triển lãm hàng năm với chủ đề “Cảm Nhận về Thiên Nhiên” ở Trung Tâm Nghệ Thuật Fallbrook, người xem sẽ tìm thấy các tranh ghép gỗ nghệ thuật của Vincent Đoàn. Từ 29-6 đến 2-9, tại Hội Chợ Mỹ Thuật “Art-A-Fair” tại Laguna Beach, Vincent Đoàn là người duy nhất trưng bày tác phẩm bằng gỗ.


Tranh chân dung Vincent Đoàn - ảnh tài liệu của Vincent Đoàn
Từ khi nào tranh ghép gỗ Việt Nam đi từ “sản phẩm thủ công mỹ nghệ” trở thành “tác phẩm nghệ thuật”? Cho đến nay, tranh ghép gỗ ở Việt Nam vẫn được sản xuất với chủ đề và kỹ thuật còn đơn sơ nên vẫn được xem là thủ công mỹ nghệ. Trong khi đó, nghệ thuật đồng nghĩa với sự sáng tạo chứ không chỉ dựa vào đôi bàn tay khéo léo. Việc tranh ghép gỗ của Vincent Đoàn được chọn để triển lãm và bán tại hai địa điểm triển lãm nghệ thuật có giá trị ở Mỹ là một sự công nhận chính thức về giá trị nghệ thuật trong tranh ghép gỗ của anh.
Vincent Đoàn qua Mỹ năm 1975 lúc 14 tuổi. Anh tốt nghiệp ngành Kỹ Sư Điện Toán và là Kỹ Sư Nhu Liệu hơn 20 năm. Vài năm gần đây, anh chuyển ngành, tập trung làm tranh ghép gỗ nghệ thuật, dùng toàn màu sắc tự nhiên. Anh gởi tranh tham dự các cuộc thi tranh ghép gỗ và đều đoạt giải. Là người Mỹ gốc Việt đang đơn phương độc mã trong làng tranh ghép gỗ nghệ thuật ở Mỹ, anh nói về đam mê mới của mình.

Anvi Hoàng: Sự có mặt của tranh ghép gỗ tại Hội Chợ Mỹ Thuật Art-A-Fair có phải là một dấu hiệu tốt cho ngành này?
Vincent Đoàn: Tại Hội Chợ Mỹ Thuật ở đây, người ta có tranh cắt từ thủy tinh, tranh sơn dầu, sơn nước, tranh vẽ chì, nhưng không có ai dùng vật liệu là gỗ. Đây là một ưu điểm cho mình.

Anvi Hoàng: Tại sao tranh ghép gỗ không phổ biến ở Mỹ?
Vincent Đoàn: Tôi không chắc là tại sao, nhưng có lẽ là khó làm và khó làm cho đẹp. Gỗ cứng cáp, cắt ghép không khéo thì không phẳng và nhìn rất cứng cỏi. Phần lớn người ta làm tranh ghép gỗ như là một thú vui, một số người cũng đi triển lãm và bán, nhưng rất ít.


Bức tranh Cá Koi đoạt giải nhất tại cuộc thi “Cá Koi 2011” do Hiệp Hội Tranh Ghép Gỗ Mỹ tổ chức - ảnh tài liệu của Vincent Đoàn

Anvi Hoàng: Làm sao để có một tranh ghép gỗ đẹp?
Vincent Đoàn: Mỗi một miếng gỗ có các tông màu và đường vân khác nhau. Tùy theo chủ đề của bức tranh, tôi sẽ tận dụng những đặc tính này của gỗ để tạo ra bóng nắng, ánh sáng, và điểm đậm lạt, thay vì là dùng những miếng gỗ có màu sắc đậm lạt khác nhau rồi cắt để tạo ra ánh sáng, bóng nắng và điểm đậm lạt như người ta vẫn thường làm. Làm như thế, người ta phải cắt ít nhất 2 miếng gỗ, ánh sáng và bóng nắng lại cứng cỏi và không tự nhiên. Người ta cũng có thể tạo bóng nắng và điểm đậm lạt bằng cách đốt gỗ cho màu đậm hơn, nhưng như thế cũng mất tự nhiên.
Tôi thường chọn một miếng gỗ đã có sẵn nhiều tông màu khác nhau trên đó, rồi cắt khoảnh tôi cần dùng. Như vậy, tôi có cả ánh sáng, bóng nắng, và điểm đậm nhạt trên đó. Sự chuyển tiếp giữa chúng cũng rất tự nhiên.


Vịt Tàu, trên dòng nước gỗ imbuya pommele - ảnh tài liệu của Vincent Đoàn


Di cư về phương Nam, trên nền gỗ walnut pomelle - ảnh tài liệu của Vincent Đoàn


Anvi Hoàng: Màu sắc tự nhiên của gỗ có giới hạn, làm sao anh tạo ra các bức tranh với chủ đề khác nhau cho đa dạng được?
Vincent Đoàn: Tôi cố gắng làm công việc sáng tạo với tất cả những gì mình có. Hơn nữa, bạn có tưởng tượng được là trong kho, tôi có hàng ngàn loại gỗ khác nhau trên khắp thế giới. Vì vậy tôi có rất nhiều màu sắc và vân gỗ khác nhau để lựa chọn. Tôi không gặp vấn đề trong việc tìm kiếm màu sắc, tông màu, hoặc thớ gỗ mà tôi cần dùng. Ví dụ trong thiên nhiên không có gỗ màu xanh nước biển thì tôi thay bằng gỗ màu tím.


Cuộc sống đại dương - ảnh tài liệu của Vincent Đoàn

Anvi Hoàng: Tranh ghép gỗ của anh khác người ta như thế nào?
Vincent Đoàn: Tôi tự thiết kế bức vẽ của mình. Tôi vẽ theo chủ đề nào mà tương thích và làm nổi bật những gì tôi thấy trên gỗ. Ví dụ khi nhìn vào một miếng gỗ mà tôi thấy vân gỗ giống như là dòng sông, dòng suối thì tôi vẽ một con nai đứng uống nước ở đó. Vì vậy phong cảnh trong bức tranh của tôi thường là những gì đã có sẵn trên miếng gỗ rồi - tôi không cắt và tạo ra phong cảnh. Nhiều khi núi đã có trên gỗ rồi, tôi chỉ tạo ra cây cỏ, muông thú để hài hòa mọi thứ với nhau. Đây là cách tôi làm tranh ghép gỗ. Mỗi miếng gỗ có phong cảnh thật đặc biệt, ngay cả khi tôi làm những bức tranh cùng chủ đề, chúng vẫn rất khác nhau bởi vì dòng sông trên gỗ có thể rộng hơn, hoặc uốn khúc quanh co hơn, v.v..


Chim ó xoải cánh: gỗ red gum với gam màu cam, nâu, xám tượng trưng cho phong cảnh cỏ cây, con suối, và đất đai - ảnh tài liệu của Vincent Đoàn

Anvi Hoàng:
Quá trình tạo ra một bức tranh ghép gỗ như thế nào?
Vincent Đoàn: Tôi phác họa bức tranh trên giấy, rồi chuyển đổi chúng thành tranh trên máy tính. Tất cả những miếng gỗ tôi có trong kho đã được chụp và lưu trữ trong máy tính rồi. Tôi cũng sáng chế ra một nhu liệu giúp tôi tìm một miếng gỗ thích hợp trong kho của mình. Tôi xoay chuyển miếng gỗ để cắt những hình dạng tôi muốn, di chuyển chúng tùy ý để thấy được toàn thể bức tranh trên máy như thế nào trước khi tôi thật sự cắt chúng. Nói cách khác, tôi cắt, ghép toàn bộ bức tranh trên máy tính trước rồi mới cắt ghép thật sự.
Sau đó tôi gởi bức hình qua máy cắt để máy cắt laser đánh dấu đường cắt trên miếng gỗ, rồi tôi dùng dao tự tay cắt hoàn chỉnh các mẫu gỗ, ghép chúng lại, dán chúng lên một tấm gỗ dày 2 centimeter, đánh giấy nhám, đánh bóng bức tranh sau cùng, và đóng khung bức tranh.

Anvi Hoàng: Anh có tính trước được là một bức tranh sẽ có bao nhiều miếng gỗ ghép lại không?
Vincent Đoàn: Không. Đây là quá trình vừa tính vừa làm. Khi tôi phác thảo một bức tranh, tôi không vẽ màu trên đó. Tôi thường tìm kiếm trong kho dữ liệu của mình trên máy tính cho đến khi tìm được miếng gỗ tốt nhất. Ví dụ con nai thường có màu cam, tôi sẽ thử một vài mẫu gỗ màu cam đậm, lạt với vân gỗ khác nhau tới khi tìm thấy mẫu phù hợp nhất.

Anvi Hoàng: Đề tài chính trong tranh của anh là thiên nhiên, muông thú. Đây có phải là nét đặc thù trong tranh của anh?
Vincent Đoàn: Đúng vậy. Tôi cũng làm tranh chân dung nữa. Những tranh này khó làm nhưng tôi thích làm chúng.


Ngây thơ - ảnh tài liệu của Vincent Đoàn


Con đường bão giông, trời: gỗ walnut Pháp, các mỏm đá: gỗ walnut Mỹ, mặt nước: gỗ oriental wood 
ảnh tài liệu của Vincent Đoàn

Anvi Hoàng:
Anh có tính làm tranh trừu tượng không?
Vincent Đoàn: Có chứ, bởi vì vân gỗ đã như là trừu tượng rồi nên tôi cũng muốn làm những tranh ghép gỗ chủ đề trừu tượng.

Anvi Hoàng: Điều gì lôi cuốn anh đến với tranh ghép gỗ?
Vincent Đoàn: Tôi nhìn thấy một bức tranh ghép gỗ đẹp và đâm mê. Lúc đầu tôi thử làm cho vui. Rồi tôi nghĩ: “Mình có thể thử cắt bằng laser cho sắc sảo hơn chăng”. Tôi loay hoay với việc này trong mấy tháng. Rồi tôi lại nghĩ: “Nếu mình có thể viết một nhu liệu điện toán để xử lý cả bức tranh hoàn chỉnh trước khi cắt thì sao nhỉ?”. Thế là tôi viết ra nhu liệu đó. Tôi giỏi viết nhu liệu lắm, nhưng tôi nghĩ đến lúc phải làm chuyện gì khác thôi với cuộc đời của mình. Tôi không muốn bị mắc kẹt trong công việc viết nhu liệu cả đời trong khi tôi có thể làm một việc khác.

Anvi Hoàng: Kế hoạch phát triển nghề tranh ghép gỗ của anh như thế nào?
Vincent Đoàn: Hiện tại tôi chỉ đi triển lãm để người ta biết đến tác phẩm của tôi. Khi nhiều người biết hơn, tôi hy vọng có thể làm nhiều tranh hơn và bán với giá thấp hơn. Tôi không nói chuyện làm giàu, chỉ cần đủ sống.

Anvi Hoàng: Làm tranh ghép gỗ đem đến cho anh những điều gì mà công việc một kỹ sư nhu liệu không có?
Vincent Đoàn: Tự do làm những gì tôi muốn, tự do sáng tạo, ít căng thẳng hơn, gặp gỡ người ta và các nghệ sĩ khác tại triển lãm.

Anvi Hoàng: Chúc Vincent Đoàn triển lãm thành công.

***
“Art-A-Fair” tại Laguna Beach trên con đường Laguna Canyon là hội chợ mỹ thuật mùa Hè lớn ở miền Nam California, tập trung hơn 125 nghệ sĩ từ khắp nước Mỹ và trên thế giới. Ngoài tranh ra, người xem còn tìm thấy các gian hàng đồ nữ trang, điêu khắc, gốm sứ, thủy tinh, v.v.. Thích món nào thì người xem có thể mua món ấy đem về nhà trưng ngay! Cuối tuần, tại triển lãm Art-A-Fair thường có giải trí với ban nhạc sống, hội thảo miễn phí, và biểu diễn nghề của nghệ sĩ. Quý độc giả có thể đến ủng hộ nghệ sĩ địa phương và thưởng thức không khí văn hóa nghệ thuật vui nhộn trong gió biển ấm nắng. Vé vào cửa có giá trị cho cả mùa hội chợ, người lớn là 7 Mỹ kim; người lớn tuổi, quân nhân, học sinh là 4 Mỹ kim; lấy coupon giảm giá trên mạng tại http://www.art-a-fair.com/about.asp; trẻ con dưới 12 tuổi và cư dân Laguna Beach vào cửa miễn phí.
Địa chỉ Fallbrook Art Center: 103 South Main Avenue,Fallbrook, CA 92028. Điện thoại: (760) 728-1414.
Xem tranh ghép gỗ của Vincent Đoàn trên mạng tại: www.amazoncanvas.com

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT