Hoa Kỳ

Tranh của Leonardo da Vinci được bán với giá kỷ lục $591 triệu

Thursday, 16/11/2017 - 10:29:28

Một người ủng hộ cuộc đấu giá này đã bảo đảm một mức đấu giá ít nhất $100 triệu Mỹ kim, giá mở màn của cuộc đấu giá diễn ra trong vòng 19 phút.


Bức tranh đắt giá nhất thế giới được canh gác trong buổi đấu giá chiều thứ Tư, 15 tháng 11, 2017. (Getty Images)

NEW YORK - Bức tranh sơn dầu 500 năm diễn tả Chúa Kitô cầm một quả cầu pha lê, được gọi là Salvator Mundi (Cứu Tinh Của Thế Giới) là một trong số chưa tới 20 bức tranh của danh họa Leonardo da Vinci được biết là đang hiện hữu.

Bức tranh cao 66 cm này có niên đại vào khoảng năm 1500, và cho thấy Chúa Kitô mặc áo choàng theo kiểu thời Phục Hưng, đưa tay phải lên ban phước lành, khi tay trái cầm một quả cầu pha lê.
Alan Wintermute từ Christie's, nhà bán đấu giá thực hiện việc bán bức tranh, nói, “Từ ngữ 'kiệt tác' không thể nào lột tả hết tính cách hiếm hoi, tầm quan trọng, và vẻ đẹp cao sang của bức tranh do Leonardo vẽ.” Ông mô tả tác phẩm nghệ thuật này là “họa phẩm được tìm kiếm ráo riết nhất trong số các bức tranh của bậc thầy xưa.”

Một người ủng hộ cuộc đấu giá này đã bảo đảm một mức đấu giá ít nhất $100 triệu Mỹ kim, giá mở màn của cuộc đấu giá diễn ra trong vòng 19 phút.

Mọi người trong phòng trưng bày của nhà bán đấu giá vỗ tay hoan hô khi mức đấu giá đạt tới $300 triệu vào thời điểm nửa chừng, và lúc búa được gõ xuống để báo tin là cuộc đấu giá chấm dứt với mức giá $400 triệu.
Giá bán kỷ lục $450 triệu bao gồm thêm $50 triệu dành cho chi phí bảo hiểm của người mua, một khoản lệ phí được người thắng cuộc trả cho nhà bán đấu giá.


Hai người đang xem bức tranh Salvator Mundi. (Getty Images)

Christie's không tiết lộ danh tánh người mua.
Giá bán cao nhất trước đây được trả để mua một họa phẩm tại một cuộc đấu giá là $179.4 triệu, cho bức tranh “Các Phụ Nữ Algiers” của Picasso (Phiên bản O), trong tháng Năm năm 2015, cũng tại Christie's ở New York.

Giá bán cao nhất được biết đến của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào là $300 triệu, cho bức tranh Interchange của Willem de Kooning, được bán một cách riêng tư bởi David Geffen Foundation cho Kenneth C. Griffin, quản đốc quỹ tự bảo hiểm rủi to, trong tháng Chín năm 2015.

Con đường của bức họa Salvator Mundi từ xưởng vẽ của Leonardo đến sàn đấu giá tại Christie's là không suôn sẻ.

Từng thuộc quyền sở hữu của Vua Charles I của nước Anh, bức tranh này biến mất khỏi tầm nhìn cho tới năm 1900, khi nó tái xuất hiện và được mua lại bởi một nhà sưu tập người Anh. Vào thời điểm đó, bức tranh được gán cho một đệ tử của Leonardo chứ không phải cho chính bậc thầy này.

Bức tranh được bán lại lần nữa trong năm 1958, và sau đó được mua lại vào năm 2005 bởi một hiệp hội các nhà buôn nghệ thuật. Trong năm 2013, họ mua bức họa với giá chưa tới $10,000.
Họa phẩm này bị hư hại trầm trọng, và được sơn lên lại một phần.

Các nhà kinh doanh nghệ thuật đã khôi phục bức tranh và ghi lại tính cách chân thực của nó là một tác phẩm của Leonardo.

Bức tranh được bán lại bởi tỷ phú người Nga Dmitry Rybolovlev. Ông mua bức tranh trong năm 2013 với giá $127.5 triệu Mỹ kim, trong một thương vụ riêng tư đã trở thành đề tài của vụ kiện tiếp diễn.
Christie's nói rằng hầu hết các học giả đều đồng ý rằng bức tranh này là bởi Leonardo, mặc dù một số người chỉ trích đặt câu hỏi về việc gán cho ai là tác giả, và một số người cho rằng việc phục hồi rộng rãi đã làm mờ đi tư cách tác giả của họa phẩm này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT