Bình Luận

Trận đấu sắp tới ở Thượng Viện Mỹ

Thursday, 25/03/2021 - 09:11:12

Sau hai cuộc thảm sát trong vòng một tuần, 8 người ở Atlanta, 10 người ở Boulder, Nghị Sĩ Chuck Schumer, trưởng khối Dân Chủ ở Thượng Viện hứa sẽ biểu quyết bản dự thảo luật mà Hạ Viện đã thông qua.


Nghị Sĩ Chris Murphy đang họp báo về dự luật kiểm soát súng gây bạo động ngày 11 tháng 3, 2021, sau khi xảy ra vụ nổ súng giết 8 người ở Atlanta, Georgia và trước vụ bắn chết 10 người ở Boulder, Colorado. (Getty Images)


Bài NGÔ NHÂN DỤNG

Sau hai cuộc thảm sát trong vòng một tuần, 8 người ở Atlanta, trong đó có 6 phụ nữ Á châu, 10 người ở Boulder, trong đó có một cảnh sát, Nghị Sĩ Chuck Schumer, trưởng khối Dân Chủ ở Thượng Viện hứa sẽ biểu quyết bản dự thảo luật mà Hạ Viện đã thông qua. Dự luật kiểm soát súng này sẽ bắt buộc phải cho cảnh sát điều tra về người mua súng trong những vụ bán súng riêng tư, và không cho người ta được mua súng nếu cảnh sát không điều tra xong trong ba ngày, đổi thành 10 ngày.

Nghe những đề nghị mới có vẻ không khắt khe như vậy, người ta nghĩ ông Schumer có thể thực hiện được lời hứa trên. Nhưng không chắc. Vì nhiều nghị sĩ Cộng Hòa đã phản đối. Và chỉ cần có 41 người phản đối thì dự luật cũng không được đưa ra biểu quyết.

Năm 2013, chuyện này đã xảy ra sau vụ thảm sát ở Newtown, Connecticut, vào tháng 12 năm 2012 đã giết 26 người, trong đó có 20 học sinh, ở một trường tiểu học. Một dự luật được hai Nghị Sĩ Pat Toomey (Cộng Hòa, Pennsylvania) và Joe Manchin (Dân Chủ, West Virginia) ủng hộ cũng chỉ đặt thêm vài biện pháp kiểm soát súng rất nhẹ nhàng, có 54 nghị sĩ ủng hộ, nhưng không được biểu quyết.

Nguyên nhân là một điều trong Nội Quy Thượng Viện viết rằng các cuộc tranh luận (filibuster) chỉ được phép chấm dứt nếu có 3 phần 5, tức có 60 nghị sĩ đồng ý. Nếu không đủ 60 phiếu ủng hộ thì người chủ tọa không được chấm dứt thảo luận để biểu quyết.

Chữ Filibuster bây giờ được hiểu là quyền nói hoài, không ai được chấm dứt, gốc tiếng Hòa Lan, Vrijbuiter, dịch ra tiếng Anh là “free booter,” vốn nghĩa là ăn cướp, nghĩa bóng là phá rối, mất trật tự.

Con số 60 này áp dụng từ năm 1975. Nếu còn theo nội quy năm 1917 được ấn định là 3 phần tư, thì phải có 75 người! Tức chỉ cần 26 người không chịu thì dự luật nào cũng bị xếp lại! Cũng vì quy định này nên sau khi Mỹ giúp Âu châu chiến thắng trong Đại Chiến Thứ Hai, hòa ước Verseilles không được Mỹ ký kết, vì không được Thượng Viện biểu quyết.

Quyền nói dai, nói dài, trong quá khứ đã được các nghị sĩ thi thố. Thời 1930, Nghị Sĩ Huey Long từ Louisiana đã nói suốt 15 tiếng đồng hồ; ông đọc cả thơ Shakespeare và cách nấu nướng. Năm 1946, Nghị Sĩ Dennis Chávez của New Mexico đưa ra một dự luật nhằm chống kỳ thị màu da trong việc tuyển người làm việc. Nếu biểu quyết thì dự luật sẽ được thông qua. Nhưng ông bị 5 nghị sĩ các tiểu bang miền Nam, cùng đảng Dân chủ với ông Chávez, thay nhau nói hoài suốt mấy tuần lễ, ông phải rút lại. Năm 1953, Nghị Sĩ Wayne Morse từ Oregon đã nói 23 giờ 26 phút không nghỉ. Nghị Sĩ Strom Thurmond của South Carolina, năm 1957 đã nói suốt 24 giờ 18 phút để chống một dự luật bảo vệ quyền bỏ phiếu của người da đen. Năm 1964 các nghị sĩ Dân Chủ từ miền Nam đã thay nhau nói trong 75 giờ, để ngăn chặn một Dự Luật Nhân Quyền khác; Nghị Sĩ Robert Byrd thuộc West Virginia đã nói 14 giờ, 13 phút. Cuối cùng họ thất bại, có hơn 60 nghị sĩ biểu quyết chấm dứt thảo luận.

Đó là lần thứ nhì, kể từ năm 1927, đề nghị chấm dứt thảo luận đã thành công, cho thấy nó khó khăn như thế nào! Cho nên rất ít khi được các nghị sĩ đề nghị. Từ 1917 đến 1970 trong 52 năm chỉ được đưa ra trung bình mỗi năm một lần; và 49 lần thất bại vì không đủ phiếu.

Từ đó các nghị sĩ cũng không cần đưa đề nghị chấm dứt thảo luận để bỏ phiếu nữa. Họ chỉ cần nhìn chung quanh cũng có thể đếm được là có 60 người ủng hộ một dự luật hay không. Không đủ thì đành xếp lại, dù biết có hơn 50 nghị sĩ sẽ bỏ phiếu thuận. Trên thực tế, chỉ cần 41 người là đủ để ngăn chặn việc biểu quyết một dự luật.

Tình trạng đó khiến Thượng Viện gần như tê liệt, khó thông qua các đạo luật mới khi được Hạ Viện thông qua và chuyển sang. Những năm 1957-59 một phần tư các dự luật đưa ra Thượng Viện đã được thông qua. Năm 2005,chỉ còn một nửa, 12.5%. Năm 2010, tỷ số tụt xuống 2.8%.

Mỗi đảng đều có thể lạm dụng filibuster để ngăn cản đảng kia không cho làm ra luật, khi họ là thiểu số! Thượng Viện đã mất uy tín trước mắt dân chúng Mỹ vì tình trạng bất lực này. Điều kiện 60 phiếu có thể được thay đổi để làm việc hữu hiệu hơn. Nhưng nửa thế kỷ nay vẫn không đổi vì dân chúng không quan tâm và không biết đến các chi tiết về filibuster trong nội quy của Thượng Viện. Vì thế, khi một thiểu số 41 nghị sĩ cản trở không cho thông qua một dự luật, dù luật đó được hai phần ba dân Mỹ ủng hộ, người dân bình thường không biết ai chịu trách nhiệm!

Nếu người dân biết nghị sĩ nào đã ngăn cản một đạo luật, họ có thể trừng phạt, vận động cho người đó thất cử. Nhưng không phải ai cũng theo dõi tin tức để biết có dự luật nào bị ngăn cản, và ai là người ngăn cản.
Vì Thượng Viện bất động, quốc hội không theo kịp các thay đổi trong xã hội, thế cân bằng quyền lực đã nghiêng về phía Hành Pháp và Tư Pháp.

Những năm gần đây, các vị tổng thống thuộc đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đều “lấp vào chỗ trống” bằng các sắc lệnh. Quyền hạn của Hành Pháp tăng lên, nhưng chỉ thực hiện được trong các quyết định nhỏ, không cần đổi luật lệ.

Tối Cao Pháp Viện cũng phải đóng vai trò phán xử theo ý mình khi không có sẵn các luật lệ do quốc hội đặt ra. Có những vấn đề như di dân, hôn nhân đồng tính, cả những vấn đề lớn như y tế, các Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện phải quyết định, đặt ra các án lệ, giống như chính họ làm ra luật. Nhưng vai trò của Tối Cao Pháp Viện cũng giảm bớt trên những vấn đề quan trọng, như phán xử coi một đạo luật có phù hợp với hiến pháp hay không. Vì quốc hội làm ra ít luật quá. Cho nên, các vụ xử về tính cách hợp hiến cuối cùng chỉ xoay các sắc lệnh hoặc các quyết định hành chánh nho nhỏ!

Muốn thoát hỏi tình trạng trì trệ tại Thượng Viện, và do đó cả quốc hội, vì một Hạ Viện không có quyền làm ra luật, thì phải thay đổi, nếu không bãi bỏ luôn điều kiện phải có 60 nghị sĩ mới có thể chấm dứt filibuster.
Việc này các nghị sĩ có thể làm, vì chỉ cần 51 người đồng ý là có thể sửa nội quy. Nhưng họ chưa làm, vì quyền lợi lâu dài, lo sẽ có ngày “gậy ông lại đập lưng ông.” Khi một đảng chiếm hơn 50 phiếu tại Thượng Viện mà không đủ 60, thì ai cũng muốn bỏ filibuster. Nhưng họ lại lo, đến lúc họ thành thiểu số thì mất thứ vũ khí phòng thủ đó!

Tuy nhiên, Thượng Viện dù vẫn giữ filibuster nhưng vẫn thông qua được các quyết định quan trọng, nếu chỉ biểu quyết bãi bỏ filibuster trong một số trường hợp nhất định. Chỉ cần hơn 50 phiếu là có thể thay đổi nội quy. Từ năm 1974, các cuộc thảo luận về ngân sách chính phủ liên bang không cần 60 nghị sĩ ủng hộ cũng có thể biểu quyết. Năm 2013, đảng Dân Chủ chiếm đa số quá bán đã bãi bỏ không cho filibuster trong việc phong nhậm các bộ trưởng và các chức vụ thẩm phán liên bang, nhưng không áp dụng cho Tối Cao Pháp Viện. Đến năm 2017, đảng Cộng Hòa chiếm đa số, lại sửa thêm, bãi bỏ filibuster cả trong việc phong nhậm các thẩm phán tối cao. Vì thế nên Tổng Thống Donald Trump mới đưa được ba vị thẩm phán bảo thủ vào tòa tối cao.

Trong thời gian sắp tới, trận chiến sẽ rất gắt gao tại Thượng Viện, vì Tổng Thống Joe Biden cần quốc hội thông qua nhiều dự luật quan trọng, như ông đã hứa hẹn khi tranh cử. Ông Biden đã nói ông không đồng ý bãi bỏ filibuster luôn. Nhưng các nghị sĩ đảng Dân Chủ sẽ dùng lại món võ cũ, sẽ bãi bỏ filibuster trong một số lãnh vực mà thôi. Nghị Sĩ Mitch McConnell trưởng khối Cộng Hòa đã phản đối trước, ông đe dọa sẽ làm cho Thượng Viện bế tắc như cảnh “hàng trăm chiếc xe” nối đuôi nhau không nhích đi được!
Muốn biết kết quả thế nào chúng ta phải đợi hồi sau mới rõ!
(Nguồn VOA Blog)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT