Chuyện Nước Pháp

Trái cây Việt Nam và quả lạ thế giới quận 13, Paris (kỳ 2 và hết)

Monday, 12/03/2018 - 10:47:50

Vú sữa này nhập từ Lào, thuộc loại vỏ xanh thịt dầy và mềm chứa nhiều sữa mẹ thơm ngon. Tại các tỉnh miền Tây Việt Nam, giá vú sữa không hơn hai Âu kim một ký lô khoảng bốn trái.

Bài NGỌC DIỄM

Tôi muốn nhắc đến trái vú sữa trong Nam nói riêng và của vùng nhiệt đới nói chung. Điều lý thú và gần gũi chúng ta là tại Hoa Kỳ, đất tạm dung mạnh nhất của người Việt Nam Cộng Hòa khi xưa, thứ trái cây này đang chiếm được cảm tình của dân bản xứ. Nó là một trong năm thứ trái cây được chính phủ Hoa Kỳ thông qua Bộ Nông Nghiệp bật đèn xanh cho vào sau khi đã đạt tiêu chuẩn đòi hỏi về phẩm chất rất cao.
 

Trái vú sữa bán ở chợ quận 13 Paris có gốc gác từ xứ Lào (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Tuy là trên xứ Pháp ở Paris, nó vẫn giữ cái tên Mỹ là milk fruit hay star apple. Tây gọi nó là quả táo sữa - pomme de lait hay pomme étoilée, táo sao hay caimite (chữ i hai chấm). Cây vú sữa tên là caimitier. Tên khoa học là Chrysophyllum caibito, họ Hồng Xiêm. Quả vú sữa màu tím có vỏ dầy hơn quả màu xanh lá cây, ăn ngon ngọt mềm và nước cốt màu trắng giống sữa người. Vào trong thấy giá một ký là 12 đồng tiền Pháp, đắt hơn cả bom và nho lừng danh ở chợ Sài Gòn năm xưa.

Vú sữa này nhập từ Lào, thuộc loại vỏ xanh thịt dầy và mềm chứa nhiều sữa mẹ thơm ngon. Tại các tỉnh miền Tây Việt Nam, giá vú sữa không hơn hai Âu kim một ký lô khoảng bốn trái. Thế mà từ Lào sang, giá tương đương nội địa, tới Pháp là chặt chém tỉnh bơ gấp sáu lần. Cũng dễ hiểu vì ít người tiêu thụ. Dân Pháp biết nhiều thứ quả khác, nhưng trái vú sữa thì hầu như cũng mới nhập cảng sang đây không lâu, họ chưa hề thử dùng nhiều.

Thật ra, nó có mặt trên đảo thuộc địa như La Réunion, ít nổi tiếng bằng trái sầu riêng đã nhắc đến trong bài viết trước. Vì chính phủ Pháp không hề biết tới nên quả vú sữa chưa được đưa qua Tây.

Cuối năm 2017, lô trái vú sữa đầu tiên lên đường hàng không sang Mỹ, cũng nhờ sự giới thiệu ưu ái của bà Đại Sứ Hoa Kỳ. Việt Nam là nước duy nhất xuất cảng quả vú sữa, thật đặc biệt. Có những năm ngoài Bắc không tìm ra mà ăn trong khi tại miền Nam giá cả xuống thấp vì mất mùa trái nhỏ và chín muộn (năm 2013).


Thứ quả ngon khác từ Việt Nam sang Pháp và giá cũng đắt chưa có mặt trong siêu thị Pháp là quả sa-pô-chê tuyệt vời. Trái có màu nâu nhạt, cùi thịt bên trong cũng đồng màu, ngon ngọt và hương thơm khó tả. Tại Paris, giá cũng đắt gần bằng quả sầu riêng hay thanh long, 12 Âu kim một ký lô khoảng bốn trái. Thật là một loại trái cây đặc sắc khi vỏ ăn được luôn cũng ngon ngọt không kém thân trái.

 

Quả ngon ngọt màu nâu mềm, trái sa-pô-chê bán tại Pháp. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Hiện tại, trái này được gọi tên là sapotille, Mỹ là sapodilla trồng được tại tiểu bang California. Dường như cây sa pô chê có gốc gác từ xứ Mễ Tây Cơ. Quả này còn có tên Việt là trái hồng xiêm. Hàng chục năm trước, chúng tôi không hề thấy quả này cho đến gần đây mới có dịp nếm lại trái ngon Sài Gòn thuở xưa.

 

Trái mận, loại màu đỏ, sáu trái một gói bọc ny lông. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Những quả mận (quả roi, miền Bắc; quả đào miền Trung) đỏ thế này, tôi thấy lạ lùng hơn ngày xưa trong Nam. Thường khi chúng ta có quả màu hồng và ăn chơi vì nó không ngon bằng quả sa pô chê. Mận bán giá rẻ hơn, người Pháp ở tỉnh lỵ hầu như không biết tới vì chúng vắng mặt nơi siêu thị standard.
Riêng quả lê Nhật hình tròn vỏ đầy tàn nhang không là hình chuông như lê Tây, tên là quả nashi cũng có mặt tại siêu thị bình thường. Giá hạ, gần với quả lê Tây thứ ngon. Tên khoa học nhà Lê, Pyrus pyrifolia. Tôi có ăn thử khi nó vừa xuất hiện ở siêu thị, không ngọt bằng lê Tây nhưng giòn tan hơn.


Trái lê Nhật, tên là nashi, vỏ màu vàng nhạt điểm chấm nâu khắp thân. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Thế rồi, quả măng cụt và chôm chôm xuất hiện. Măng cụt, người Pháp dịch là mangoustan, có bán ở siêu thị nơi tôi ở. Nó không được bọc kỹ trong giấy nhựa nên bị khô khốc, không ai mua, và giá đắt hơn ở Paris nữa. Còn quả chôm chôm - ramboutan cũng giống thế, chúng bị mất nước nhanh chóng héo quắt, ế nhệ. Tất cả nằm trên quầy hàng nhỏ hẹp của trái cây ngoại quốc -fruits exotiques- trong khi ở Paris họ bán ký lô trong bọc nhựa trắng. Hai loại trái cây này ở thủ đô ăn rất ngon và tươi mát.
 

Trái măng cụt và chôm chôm, giá cũng thuộc loại đắt đỏ. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trái măng cụt tên khoa học là Garcinia mangostana, bên trong có những múi trắng tinh ngọt dịu chứa hột. Quả chôm chôm, tên khoa học là Nephelium lappacecum, là thứ cây có thể trồng tại Pháp nhưng chỉ trong chậu mà thôi vì cái lạnh dưới zéro độ C sẽ làm cây chết.
Đến trái ổi xá lị xanh tươi nằm trong lớp giấy nhựa, làm tôi nhớ ngày xưa ăn muối ớt quá ngon.
Lịch sử quả ổi thật đặc biệt, nó có từ hơn hai ngàn năm nay. Nguồn gốc Châu Mỹ và Châu Phi, chứ không là Châu Á như ta nghĩ. Tôi nhận thấy nhà người Việt nào ở Cali cũng có cây ổi nếu họ thích trồng trọt làm vườn, thì ra thế. Còn cây ổi Tàu lại có màu đỏ nhỏ như trái chùm ruột.


Ổi xá lị, thứ ngon và trái lớn. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trái ổi xuất hiện tại Pháp từ khá lâu, và nó hay được dùng làm nước ngọt sinh tố trái cây gốc ngoại quốc rất được ưa chuộng bên này. Ổi, chôm chôm và măng cụt cũng như quả vải thường được trộn lẫn với thơm và xoài thành cóc-tai ăn tráng miệng hoặc tươi ngon hoặc là đồ hộp. Tiếc thay lần tôi đi chợ thủ đô lại không thấy bán xoài Pakistan, rất giống với xoài cát bên ta, ngon ngọt và thơm hương tinh khiết lạ thường. Xoài ngày nào cũng có trong siêu thị là xoài Phi Châu, trái chua và da thịt hai thứ đều săn cứng không ngon bằng.

Tạt qua bên kia, tôi thấy mãng cầu hai thứ Ta và Xiêm. Thứ của Xiêm - corossol quả to hơn nhiều và có gai nhọn, tên khoa học annona muricata, gốc Nam Mỹ. Những ngày còn xe nước sinh tố, thì thứ mãng cầu Xiêm này đem xay nhuyễn thêm đá lạnh và sữa cùng đường là nước giải khát tuyệt diệu.

Quả mãng cầu ta thì ăn ngọt không gì bằng, chỉ tiếc hạt đen cứng dầy phải lừa ra trong múi mềm trắng. Tên cùng nhà là annona, khác gia phả là squamosa. Người miền Bắc gọi là trái na, rất được ưa chuộng vì ngọt lịm và dai dai. Tây gọi nó là quả pomme cannelle, táo quế.


Mãng cầu Xiêm, quả đầy gai, chín tới dùng làm nước sinh tố tuyệt nhất. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
 

Mãng cầu ta, múi dai và ngon ngọt tuy có nhiều hột. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Cả hai thứ mãng cầu đều bán đắt giá bên Pháp, 13 đồng 1 ký, và ít được ưa chuộng vì người bản xứ chưa khám phá hết thực dụng của nó. Cuối bài, chúng ta sẽ nhìn lại trái nhãn lồng dành cho vua chúa ngày xưa. Vỏ trái mỏng, cùi dầy, hạt nhỏ và thơm ngon là nhãn Hưng Yên. Người Pháp gọi là longan, ăn đồ hộp còn ngon hơn cả trái vải.

 

Nhãn lồng ngày xưa chỉ dành cho vua chúa, nay thành bình dân. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Và thứ trái bòn-bon, đặc biệt ngày xưa đã từng cứu đoàn quân của vua Nguyễn Ánh thoát chết đói còn có tên là quả nam trân. Tên Pháp là langsat, tên khoa học là Lansium domesticum. Quả này người Pháp cũng ít biết đến. Quả bòn bon không hề có ở siêu thị Pháp. (nd)

 

Trái bòn bon, chỉ ăn tươi, không chọn làm đồ hộp (Ngọc Diễm/Viễn Đông).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT