Sức Khỏe

Trả lời vài câu hỏi về sức khỏe

Friday, 19/07/2019 - 06:27:15

*Có thể dùng kem chống nắng từ năm ngoái không? Khi nào thì kem chống nắng hết hạn?

Có thể dùng kem chống nắng từ năm ngoái không? Khi nào thì kem chống nắng hết hạn?

Mỗi năm, thường thì người ta chỉ nhớ đến kem chống nắng (sunscreen) vào mùa hè. Người ta vào tủ thuốc, lục ra được ống kem chống nắng xài dở dang từ năm ngoái và tự hỏi, còn nhiều thế này vứt đi thì uổng lắm, mà không biết dùng lại thì nó có còn "work" không.
FDA, cơ quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm, đòi hỏi các công ti dược phẩm phải sản xuất kem chống nắng giữ được hiệu quả ít nhất là trong 3 năm. Điều này có nghĩa là bạn có thể sử dụng kem chống nắng còn sót lại từ năm ngoái với điều kiện nó vẫn chưa quá ngày hết hạn (expiration date). Nên vứt đi những ống kem chống nắng đã qua ngày hết hạn. Nếu bạn mua kem chống nắng không ghi ngày hết hạn, hãy viết ngày bạn mua nó trên ống kem. Nên vứt bỏ ống thuốc khi ba năm đã trôi qua kể từ ngày mua.
Để giữ cho kem chống nắng được tốt lâu, tránh để ống thuốc ở chỗ quá nóng hoặc ánh sáng chiếu trực tiếp. Cất ống kem vào chỗ mát hoặc bọc nó trong một chiếc khăn.
Nên bỏ đi ống kem chống nắng nào có thay đổi rõ ràng về màu sắc hoặc độ đặc. Nên nhớ rằng nếu bạn dùng kem chống nắng thật nhiều và thường xuyên, một ống kem chống nắng sẽ không kéo dài lâu. Người ta thường dùng không đủ kem chống nắng, do đó mới còn dư. Nói chung, mỗi lần bôi thuốc đầy đủ cho toàn cơ thể, bạn thường phải dùng ít nhất là 1 ounce (30 ml), tức hai muỗng canh. Có thể cần phải bôi nhiều hơn, tùy thuộc vào kích thước cơ thể. Nếu mua một ống kem 4 ounce (118 ml), bạn sẽ phải dùng khoảng một phần tư mỗi lần bôi.

Làm sao đảo ngược tác dụng lão hóa trên da

"Tóc bạc da mồi" là câu người Việt Nam dùng để tả những thay đổi da và tóc của những người cao tuổi. Những thay đổi trên dần dần xuất hiện khi người ta già đi. Những thay đổi này gồm có các đốm đồi mồi, tàn nhang, các vết nám, da nhăn, tái xám, sần sùi, da rất khô và dầy như da thuộc. Một số người thấy xuất hiện các mảng vảy, miếng da thòng (skin tags) hoặc các vết sưng màu đỏ hoặc tím (cherry angiomas), có thể gây khó chịu nhưng thường vô hại.
Một số thay đổi trên da, chẳng hạn như nếp nhăn nông (fine wrinkles) do tác hại của ánh sáng mặt trời, có thể được đảo ngược bằng cách bôi retinoic acid. Thuốc này cũng có thể làm da mịn hơn, giảm bớt đổi màu và tăng collagen khiến da trông săn chắc hơn.
Các tác động khác của lão hóa thường không thể đảo ngược nhưng có thể điều trị được. Ví dụ: bác sĩ có thể cắt đi những mảnh skin tags. Hoặc bạn có thể nói chuyện với bác sĩ về cách làm mờ nếp nhăn và làm da đẹp hơn.
Bạn cũng có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm những thay đổi hơn nữa bằng cách thường xuyên dùng kem chống nắng và bỏ hút thuốc lá.
Một số thay đổi da có thể là dấu hiệu sớm của ung thư da. Nên hỏi bác sĩ của bạn về việc cần phải loại bỏ chúng hoặc kiểm tra thường xuyên.

Cách điều trị nứt gót chân

Vùng California, nơi có đông người Việt nhất ở hải ngoại, là vùng có khí hậu sa mạc, rất khô. do đó,chứng nứt gót chân xảy ra rất nhiều và là một mối khó chịu dai dẳng. Nếu không được chữa trị, những vết nứt này trở nên sâu như đường rãnh (fissures) gây đau đớn và nhiễm trùng nguy hiểm.
Muốn điều trị nứt gót chân, nên săn sóc bàn chân thường xuyên, bắt đầu bằng việc giữ ẩm da chân ít nhất hai lần một ngày. Nên dùng những loại dầu dưỡng ẩm đặc như Eucerin, Cetaphil. Một số kem dưỡng ẩm có chứa các chất làm mềm da, chẳng hạn như urea, salicylic acid hoặc alpha hydroxy acid, có thể giúp loại bỏ da chết. Chúng có thể làm da bị kích thích nhẹ.
Săn sóc chân trước khi đi ngủ: Ngâm chân khoảng 10 phút trong nước thường hoặc nước xà bông, sau đó vỗ khô. Kế đó nhẹ nhàng chà gót chân bằng xơ mướp hoặc máy chà chân để giúp loại bỏ da chết. Thoa kem chứa chất dầu đặc như Vaseline, Aquaphor Healing Ointment, sau đó đi một đôi vớ cotton mỏng khi đi ngủ để giúp kem dưỡng ẩm hoạt động.
Đừng bỏ qua gót chân khô, nứt, vì theo thời gian các vết nứt sẽ sâu hơn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nếu các biện pháp tự chăm sóc không giúp ích, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị khác.


Da ở đầu ngón tay cái của tôi khô, nứt nẻ và đau đớn. Có cách nào chữa được không?


Cách chữa da đầu ngón tay bị khô nứt tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra sự khô nứt này. Ví dụ, nếu bạn rửa chén thường xuyên bằng nước nóng, hãy đeo găng tay. Hoặc nếu bạn thường rửa tay bằng xà bông nặng, khô, hãy chuyển sang dùng xà phòng nhẹ hơn.

Bắt đầu chữa bằng cách dán kín các vết nứt bằng băng keo lỏng (liquid bandage) và giữ ẩm bàn tay nhiều lần trong ngày, đặc biệt là khi chúng vẫn còn ẩm sau khi rửa tay. Sử dụng một loại kem dưỡng ẩm đặc, chẳng hạn như CeraVe, Eucerin hoặc Cetaphil.

Có thể dùng một loại kem nặng hơn hoặc dầu thạch (petroleum jelly), thí dụ như Vaseline, Aquaphor Healing Ointment trong khi ngủ. Tạo thói quen trước khi đi ngủ thoa kem dưỡng ẩm cho vùng da khô, nứt nẻ trên đầu ngón tay cái và che chúng bằng găng tay vải hoặc băng gạc.

Làm sao chữa bệnh da khô nứt của em bé?

Em bé sơ sinh trong vòng 6 tháng đầu thường bị da khô tróc ra, đóng vẩy, nhiều khi chảy nước và sưng đỏ. Đây là bệnh da khô (eczema) làm cho em bé ngứa ngáy khó chịu khiến các bà mẹ đau xót cho con.
Tắm hàng ngày và giữ ẩm là chìa khóa để điều trị bệnh da khô của trẻ sơ sinh (viêm da dị ứng). Dùng xà bông thật nhẹ và nước ấm để tắm, không kéo dài quá 15 phút, rửa kỹ cho hết xà bông dính trên da, nhẹ nhàng vỗ khô rồi thoa kem hoặc thuốc mỡ không mùi như Vaseline, trong khi da vẫn còn ẩm.
Dưỡng ẩm ít nhất hai lần một ngày, vào lúc thay tã. Khi muốn dùng một loại kem dưỡng ẩm mới, hãy thử trên một vùng da nhỏ của bé để biết chắc bé có thể chịu được.

Làm dịu các triệu chứng của bệnh bằng cách tránh các chất gây kích thích chẳng hạn như vải cứng và xà phòng nặng - cũng như nhiệt độ quá lạnh hay quá nóng. Để ngăn chặn bé gãi ngứa, có thể cắt ngắn móng tay bé hoặc đeo găng vải mỏng cho bé khi ngủ.

Cho bé đi khám nếu vẫn không thuyên giảm hoặc vết khô tróc có màu tím, có vảy và rịn nước hoặc mọc mụn nước (blisters). Một đứa trẻ bị sốt và nổi ban cần được khám. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc dùng kem, thuốc mỡ hoặc thử tắm thuốc tẩy để giảm khó chịu. Cần có sự hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa khi dùng thuốc và tắm tẩy.

May mắn là hầu hết trẻ em sẽ khỏi bệnh eczema của trẻ sơ sinh vào 3 đến 5 tuổi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT