Hoa Kỳ

Tổng thống phủ quyết dự luật bác bỏ tình trạng khẩn cấp biên giới

Friday, 15/03/2019 - 11:53:42

Tổng Thống Trump trước đó đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới. Mệnh lệnh này cho phép ông Trump được chuyển tiền từ các dự án khác sang cho dự án xây tường biên giới, vốn là lời hứa quan trọng của ông từ khi còn tranh cử.

Vào ngày thứ Sáu Tổng Thống Donald Trump đã có lệnh phủ quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông, ngăn chận một dự luật đã được lưỡng viện Quốc Hội phê chuẩn, vốn có tác dụng chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới Hoa Kỳ - Mexico.
Quốc Hội ít có khả năng có được số phiếu cần thiết để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng Thống Trump, và các nhân viên Tòa Bạch Ốc rất tự tin về thực tế này, dù họ khá thất vọng khi dự luật có thể vượt qua Thượng Viện vốn do đảng Cộng Hòa kiểm soát.
Tổng Thống Trump trước đó đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới. Mệnh lệnh này cho phép ông Trump được chuyển tiền từ các dự án khác sang cho dự án xây tường biên giới, vốn là lời hứa quan trọng của ông từ khi còn tranh cử.
Khi ký lệnh phủ quyết tại phòng Oval, Tổng Thống Trump nói, Là một tổng thống, việc bảo vệ quốc gia là trách nhiệm cao nhất của tôi. Ngày hôm qua, Quốc Hội đã phê chuẩn một dự luật nguy hiểm, nếu được ký, dự luật này sẽ đặt vô số người Mỹ vào rủi ro. Quốc Hội có quyền tự do để phê chuẩn dự luật, và tôi có trách nhiệm phải phủ quyết dự luật này.”
Đối với 12 nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu ủng hộ dự luật, Tổng Thống Trump nói ông hiểu được những người phản đối ông, và họ chỉ đang làm những điều họ phải làm. Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr nói tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tổng thống là hợp pháp. Tuyên bố này hiện đang bị kiện ra tòa vì bị cho là vi phạm hiến pháp, cáo buộc rằng tổng thống đã vượt qua quyền quyết định ngân sách của Quốc Hội. Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói rằng viện này sẽ bỏ phiếu vào ngày 26 tháng 3 để vượt qua lệnh phủ quyết.

Bệnh nhân được cắt bỏ khối u bốc mùi như chuột chết
CALIFORNIA – Một bệnh nhân nam mới đây đã được bác sĩ giúp cắt bỏ khối u nặng 3 pound trên vai, đã hành hạ ông suốt 11 năm qua và được mô tả là bốc mùi như “10 con chuột chết.” Xuất hiện trên show truyền hình thực tế “Dr. Pimple Popper,” người bệnh, chỉ cho biết tên là Leonard, cho biết ông gặp khó khăn khi tìm cách chữa trị vì ông khá sợ bác sĩ và không muốn ở gần những người bệnh khác. Ông Leonard nói với Bác Sĩ Sandra Lee, tức Dr. Pimple Popper trong chương trình cùng tên, rằng khối u rất đau đớn và “cảm giác như có hai cái kềm đang kẹp vào da và xé ra từ từ.”
Bác Sĩ Lee nói rằng cô chưa từng gặp ca bệnh nào giống vậy trước đây. Bác sĩ xác định đây là một khối u mỡ và đã giúp cắt bỏ khối u cho ông Loenard tại văn phòng. Khối u mỡ “lipoma” là dạng khối u hình thành từ mô mỡ, mềm, và thường không gây đau.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị đau nếu khối u đè lên dây thần kinh, hoặc có mạch máu mọc xuyên qua khối u. Ông Leonard nói khối u ban đầu khá nhỏ, nhưng sau đó lớn dần và bao phủ vai ông. Bệnh nhân cho biết một bác sĩ trước đây đã cắt mở khối u ra, khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

EPA cấm bán dung dịch tẩy sơn từng gây chết người
Cơ quan bảo vệ môi trường EPA sẽ cấm bán các loại dung dịch tẩy sơn có chứa một loại hóa chất, vốn từng gây ra khoảng hơn 10 ca tử vong. Gia đình của những người thiệt mạng và nhiều nhà vận động đã kêu gọi cấm bán thuốc tẩy sơn có chứa methylene chloride, do nguy cơ mà hóa chất này đem lại. EPA sẽ cấm bán dung dịch tẩy sơn có methylene chloride tại các cửa hàng và trên mạng, nhưng vẫn cho phép các nhà thầu và những người chuyên nghiệp được sử dụng sản phẩm này. Một số người đã chỉ trích rằng lệnh cấm này là chưa đầy đủ, do vẫn đặt các công nhân xây dựng vào rủi ro, do họ có thể hít phải khí độc từ dung dịch tẩy sơn nếu làm việc trong khu vực không thoáng khí.
Cơ quan phòng ngừa dịch bệnh CDC mô tả methylene chloride là hóa chất “dễ bay hơi, không màu, có độc,” và “không có khả năng” hóa chất này có thể được sử dụng một cách an toàn. Trong một số ca tử vong, nạn nhân chết khi đang tẩy sơn cho bồn tắm, và các nghiên cứu sau đó kết luận rằng, con người tiếp xúc với chất tẩy sơn trong khoảng 1 giờ trở lên sẽ hít phải lượng khí độc đủ để gây thiệt mạng. EPA nói khí độc có thể gây tổn thương hệ thần kinh và việc tiếp xúc trong thời gian dài có thể gây ung thư. Một số hãng bán lẻ như Lowes và Home Depot đã ngừng bán các chất tẩy sơn có methylene chloride, theo đề nghị của công chúng.

Nhân viên tình báo nhận 15 năm tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc
Ông Ron Rockwell Hansen, 58 tuổi, vào hôm thứ Sáu đã nhận tội theo một thỏa thuận với công tố viên. Theo thỏa thuận này, ông ta sẽ phải ngồi tù 15 năm vì đã cố gắng thu thập và cung cấp thông tin quốc phòng để hỗ trợ chính phủ nước ngoài. Hansen là cựu nhân viên Cơ quan Tình báo quốc phòng DIA hoạt động tại Bắc Kinh, bị bắt hồi tháng 6 năm ngoái khi đang chuẩn bị lên chuyến bay tới Trung Quốc, mang theo tài liệu mật.
Các nhà điều tra cho biết ông Hansen thông thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Nga, đã gặp khó khăn về tiền bạc từ năm 2013 tới 2016, và được tình báo Trung Quốc trả hơn $800,000 Mỹ kim để mua thông tin mật của Hoa Kỳ. Các nhân viên điều tra phát hiện Hansen thường xuyên gặp gỡ các nhân viên tình báo Trung Quốc nhưng không hề báo cáo, đồng thời sử dụng điện thoại di động do Trung Quốc cung cấp, và giữ lại các thông tin mật mà ông ta không được phép tiếp cận. Hành động của Hansen bị phát hiện vào năm 2016, khi ông ta cố gắng chiêu mộ một đồng nghiệp và người này đã báo lên cấp trên.
Giới tình báo Hoa Kỳ đang trong nỗ lực chống lại cuộc tấn công gián điệp của Trung Quốc, khi mạng lưới thông tin về Trung Quốc của CIA bị phá vỡ vài năm trước, và một số nhân viên Hoa Kỳ bị phát hiện làm gián điệp cho Bắc Kinh. Hồi tháng 1, 2018, cựu nhân viên CIA là Jerry Chun Shing Lee bị bắt với cáo buộc bán thông tin cho Trung Quốc. Ông ta được cho là đã cung cấp thông tin giúp Trung Quốc triệt hạ mạng lưới tình báo của CIA từ năm 2010 tới 2012. Một cựu viên chức Bộ Ngoại Giao là Kevin Mallory cũng bị bắt năm 2017 vì làm gián điệp cho Trung Quốc.

Chính phủ muốn thắt chặt kiểm soát các trường đại học
Vụ tai tiếng nhận hối lộ của các trường đại học, vừa được công bố trong tuần này theo cáo trạng liên bang, đã khiến các nhà lập pháp tại Washington nghĩ đến việc ban hành các quy định để hạn chế sự ảnh hưởng của giới giàu có tới quá trình xét tuyển sinh viên. Tuy vụ tai tiếng chủ yếu liên quan đến việc hối lộ và gian lận, nhưng nó lại làm bộc lộ ra mối lo ngại lớn hơn về các lỗ hổng pháp lý, mà các gia đình giàu có thường lợi dụng để đưa con của họ vào các đại học danh tiếng.
Một số vấn đề được Washington chú ý là việc miễn thuế cho các khoản quyên góp cho trường, và chính sách bắt đi học sớm nếu được xét tuyển sớm. Giới chỉ trích cho rằng, việc miễn thuế cho tiền quyên góp giúp đem lại lợi thế không công bằng cho người giàu, và việc bắt đi học sớm sẽ khiến các sinh viên không thể tìm các nguồn hỗ trợ tài chính khác, do đó, chính sách này chỉ có lợi cho những người có khả năng chi trả toàn bộ học phí.
Nghị Sĩ Ron Wyden, thành viên Dân Chủ hàng đầu của Ủy Ban Tài Chính Thượng Viện, trong tuần này nói rằng ông sẽ giới thiệu 1 dự luật, đánh thuế các khoản quyên góp cho trường, nếu người quyên góp có con cái đang học hoặc đang nộp đơn xin vào trường đại học này. Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng dự định xem xét lại một dự luật từng được trình lên trước đây, đề nghị phạt những trường đại học có quá ít các sinh viên thuộc các gia đình thu nhập thấp. Một số nghị sĩ Cộng Hòa nói rằng, vụ tai tiếng lần này cho thấy sự cần thiết của việc loại bỏ một số hình thức ưu tiên trong chính sách tuyển sinh của các trường đại học.

Hoa Kỳ cấm nhập cảnh đối với các điều tra viên của tòa hình sự quốc tế
Ngoại Trưởng Mike Pompeo hôm thứ Sáu cho biết Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ hoặc từ chối visa đối với các nhân viên của Tòa Hình Sự Quốc Tế (ICC), những người đang muốn điều tra lực lượng Mỹ tại Afghanistan hoặc những nơi khác. Ngoài ra, Hoa Kỳ có thể cũng sẽ hành động tương tự để bảo vệ người Israel hoặc các lực lượng đồng minh tránh khỏi việc bị xét xử. Ông Pompeo nói, Hoa Kỳ luôn sẵn sàng bảo vệ công dân và lực lượng đồng minh tránh khỏi nỗi sợ bị xét xử không công bằng, chỉ vì họ đã hành động để bảo vệ quốc gia.
Quyết định chưa từng có tiền lệ này của Washington được đưa ra trong bối cảnh phòng công tố của ICC đang yêu cầu mở cuộc điều tra đối với các nhân viên người Mỹ và người Afghanistan, về khả năng những người này có thể đã phạm tội ác chiến tranh khi làm việc ở quốc gia Nam Á. Theo ông Pompeo, việc từ chối visa là một phần của các nỗ lực nhằm thuyết phục ICC thay đổi ý định điều tra hoạt động của lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh tại Afghanistan. Vị ngoại trưởng cho biết, Washington đã thực hiện lệnh từ chối visa, và lệnh này cũng có thể được áp dụng cho những cuộc điều tra liên quan đến các đồng minh của Hoa Kỳ, bao gồm Israel.
Ông Pompeo cũng thêm rằng Hoa Kỳ sẵn sàng tăng thêm áp lực với ICC nếu cần. Công tố viên của ICC hiện đang yêu cầu được điều tra về tội ác chiến tranh, liên quan đến các nhân viên tình báo Hoa Kỳ và Afghan, xảy ra tại các trại giam giữ tù nhân. Một báo cáo của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện vào năm 2014 nói rằng, việc thẩm vấn tù nhân sau vụ tấn công 9/11, ở Afghanistan và những nơi khác, là tàn nhẫn hơn rất nhiều so với những điều mà CIA trình báo với các nhà lập pháp.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT