Xe Hơi

Tổng quát về nguồn lực vận hành xe hơi: 11 thành phần cơ bản

Saturday, 05/07/2014 - 04:25:58

Người ta thường nghĩ rằng chiếc xe chạy được nhờ xăng là vì ai cũng phải đổ xăng hằng tuần. Nhưng yếu tố khởi động chính là điện. Khi máy đã nổ rồi thì điện “bàn giao” lại cho xăng và xăng trở thành dòng máu nuôi sống cả một hệ thống với rất nhiều chi tiết tỉ mỉ và tinh vi.

Hao Smith



Đầu máy xe nhìn từ ngoài vào, trông như một tổ tò vò phức tạp, nhưng phân tích ra thì không có gì khó hiểu



Sơ đồ hệ thống khởi động



Sơ đồ hệ thống cháy nổ: 5. cylinder – 6. Piston - 7. Spark Plug - 8. Connecting Rod – 9. Crankshaft
 
Người ta thường nghĩ rằng chiếc xe chạy được nhờ xăng là vì ai cũng phải đổ xăng hằng tuần. Nhưng yếu tố khởi động chính là điện. Khi máy đã nổ rồi thì điện “bàn giao” lại cho xăng và xăng trở thành dòng máu nuôi sống cả một hệ thống với rất nhiều chi tiết tỉ mỉ và tinh vi. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu trọn bộ tiến trình vận hành của xe kể từ khi chúng ta tra chìa khóa vào ổ, chiếc xe gừ gừ lên tiếng, rồi từ từ chạy đi: Những gì đã xảy ra bên trong cái “xế hộp” màu nhiệm này?

Khởi động: Điện

Làm công tác khởi động chính là dòng điện, được tạo ra nhờ 3 bộ phận chính: Battery là nguồn điện, Starter Solenoid là bộ phận nối mạch để tiếp điện vào động cơ. Starter chính là cái động cơ đó. Khi xoay chìa khóa trong ổ máy, chúng ta làm động tác đầu tiên, đó là nối mạch trong Starter Solenoid, để từ đó chuyền dòng điện từ Battery đến (staterer) Động cơ này xoay chuyển một cái trục, làm chuyển động piston và xy lanh trong lòng máy. Đó là lúc chúng ta nghe tiếng xình xịch nổi lên. Sau đó dòng điện ngưng, không chạy vào Starter nữa, mà tiếp tục chảy xuyên qua một hệ thống “chạc điện” để cung cấp điện năng cho các phụ tùng khác, như Radio, máy lạnh, đèn, cặp gạt nước….. Trong khi máy nổ, nó cũng làm quay bộ phận Alternator, chính là máy phát điện, để tiếp tục nạp điện dự trữ vào Battery.

Vận hành: Xăng

Khi piston đã chuyển, thì cùng lúc xăng với khí trời được đưa vào lòng xi lanh để tạo thành hỗn hợp sẵn sàng chờ cháy nổ. Xăng từ trong bình xăng được hút lên qua máy bơm xăng (fuel pump), rồi được phun vào qua những vòi Fuel Injector, hoạt động dưới sự phối hợp của một “bộ óc”, gọi là ECU (Engine Control Unit), điều hợp một chuỗi động tác thực hiện bởi các thành phần sau đây:

1. Fuel pump: Máy bơm nằm trong bình xăng, đẩy xăng lên

2. Fuel filter: Bộ lọc xăng, gạn bớt các chất dơ trước khi để xăng tiến sâu thêm một bước.

3. Fuel Injector: Vòi phun, đưa “bụi” xăng vào trong phòng cháy nổ (xi lanh) qua “cổng” Intake Manifold.

4. Intake Manifold: Cánh cổng để nạp xăng (và khí trời) vào trong phòng cháy nổ. Xăng hòa với khí trời theo tỷ lệ: 1 pound xăng và 14.7 pound khí trời. Vì xăng nặng hơn không khí rất nhiều, nên 1 gallon xăng cần tới 2000 gallon khí trời. Nói tóm lại, xe cần tới rất nhiều khí trời, vì máy xe chạy chủ yếu là bằng … không khí với một tỷ lệ xăng rất thấp.

5. Combustion Chamber: Phòng cháy nổ, cũng gọi là Cylinder (xi lanh), nơi tập trung của hỗn hợp xăng trộn với khí trời. Cylinder là một ống thép tròn, rỗng ruột, là trung tâm của đầu máy xe, là nơi diễn ra hiện tượng cháy nổ phát sinh lực đẩy cho bánh xe lăn tới. So sánh với hoạt động trong cơ thể con người, thì Combustion Chamber chính là trái tim, và Intake Manifold chính là lá phổi.

6. Piston: Là cây thép đặc, di chuyển lên xuống trong lòng cylinder. Khi hạ xuống, Piston nén hỗn hợp nhiên liệu (xăng hòa với khí trời) vừa được nạp vào, biến nó thành một thứ nhiên liệu vô cùng nhạy cảm, chỉ chờ một tia lửa xẹt tới là bùng cháy và nổ tung.

7. Spark Plug: Chính là nơi cung cấp tia lửa đó, đưa tia lửa vào châm ngòi, cho nhiên liệu nổ tung, tạo thành sức đẩy….

8. Connecting Rod: Sức đẩy này chuyền xuống một thanh nối, gắn ở đuôi piston.

9. Crankshaft: Là trục ngang, nối với Connecting Rod. Sức đẩy ở Connecting Rod làm trục Crankshaft xoay 180 độ. Nhưng vì Piston chạy lên, nó kéo theo Connecting Rod, làm cho Crankshaft xoay tiếp 180 độ nữa, làm thành một chuyển động xoay tròn. Những gì tiếp diễn ở đây có thể so sánh với chuyển động của người đi đạp xe: Piston chuyển động lên xuống giống như 2 đầu gối lên xuống trong lúc bàn chân xoay tròn theo bàn đạp.

10. Wheels: Là bánh xe, nối với trục Crankshaft. Khi crankshaft xoay tròn, bánh xe cũng lăn theo… đẩy chiếc xe di chuyển trên mặt đường.

Sự mô tả theo từng công đoạn có vẻ mất nhiều thời gian, trong thực tế xảy ra gần như đồng bộ: Kể từ lúc hỗn hợp nhiên liệu được nạp vào Cylinder, gây ra tiếng nổ bùng thì lập tức bánh xe lăn ngay. Nhưng đầu máy không phải chỉ có 1 mà có tới 4 cylinder (có xe có tới 6 hoặc tới 8 cylinder), nên hiện tượng cháy nổ xảy ra liên tục, giúp bánh xe lăn tròn không nghỉ … cho đến khi được tài xế chủ động kềm lại bằng cách đạp thắng.

11. Transmission: Là hộp số, gắn ở một đầu Crankshaft, tác động vào Crankshaft làm nó xoay nhanh hơn, hoặc chậm hơn.

Mười-một thành phần trên đây là 11 thành phần cơ bản, làm thành chuyển động của xe. Hiểu được sự liên quan và tác động hỗ tương của chúng là bí quyết để trở thành “bác sĩ” bảo trì và sừa xe, một “sự nghiệp” rất vẻ vang và hào hứng, không thua gì bác sĩ y khoa thứ thiệt!

haosmith@yahoo.com

Muốn giữ xe ở tình trạng hoàn hảo nhất, xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập I, II, và III do Phạm Đình và Hao Smith phát hành, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque cho Phạm Đình, 9800 Bolsa Ave # 86, Westminster, CA 92683. Tel: 714 675 8628. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT