Đạo và Đời

Tôi phải làm gì?

Thursday, 09/12/2021 - 08:19:55

Tự hỏi chính mình, “Tôi phải làm gì?” là một việc làm cần thiết để thăng tiến bản thân,...


Tranh khắc của họa sĩ Pháp J. James Tissot (1836-1902) minh họa Thánh John The Baptist (Gioan Tẩy Giả) giảng dạy quần chúng Pharisees trước khi Đấng Cứu Thế Giêsu giáng trần. (Encyclopedia Britannica / Getty Images)


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

Tự hỏi chính mình, “Tôi phải làm gì?” là một việc làm cần thiết để thăng tiến bản thân, để sống đẹp lòng Chúa, sống vui vẻ với mọi người, và sống bình an với chính mình. Mỗi người sẽ có câu trả lời cho chính mình, và chỉ cần có thiện chí tự hỏi điều mình cần phải làm là chúng ta đã có được một khởi đầu cho một đời sống mới.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta gặp gỡ một số người nghe biết về Đấng Cứu Thế đang đến, và họ muốn thay đổi cuộc sống trước khi gặp gỡ Ngài. Trước hết là đám đông dân chúng. Họ đến hỏi Gioan Tẩy Giả, “Chúng tôi phải làm gì?” Ông bảo họ rằng phải san sẻ với những người đang thiếu thốn. Ngài nói rõ hơn, “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy.” Cái áo được Thánh Gioan nhắc đến ở đây được gọi là cái áo dài khi-tôn, mà người Do Thái mặc ở bên trong, tựa như quần áo lót của chúng ta ngày hôm nay. Mỗi khi ra đường, người họ thường mặc một áo dài khi-tôn và choàng hoặc quấn một cái khăn phủ bên ngoài. Áo dài khi-tôn có ba mục đích: giữ cho cơ thể được sạch sẽ, nhìn tươm tất khi ra ngoài đường, và điều hòa nhiệt độ cơ thể. Vào thời bấy giờ, nhiều người nghèo không có áo dài khi-tôn để mặc ra ngoài đường. Do vậy Thánh Gioan bảo họ, “Nếu các ngươi biết ai không có cái áo này, mà các ngươi lại có hai cái, thì phải chia sẻ với họ một cái.”

Nhóm người thứ hai đã đến hỏi Thánh Gioan là những người thu thuế. Họ cũng muốn biết họ cần phải làm gì. Những người thu thuế thời bấy giờ là những người làm việc cho chính quyền La Mã, và họ thường thu tiền thuế nhiều hơn mức ấn định. Do vậy, người dân rất ghét họ. Đối với đa số người Do Thái, những người thu thuế không chỉ là kẻ phản bội dân tộc, nhưng còn là những kẻ công khai sống trong tội lỗi, và không ai muốn giao du với họ. Khi những người thu thuế tìm đến với Thánh Gioan, thì ngài bảo họ, “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi.” Làm sao cho công bằng và hợp lý là được rồi. Ngài không bảo họ bỏ việc thu thuế, đi tìm việc khác để làm, nhưng chỉ khuyên bảo họ làm đúng công việc của mình. Bóc lột những người khác là một việc làm sai trái, và như vậy sẽ không xứng đáng gặp gỡ Đức Kitô bởi vì Ngài đến để giải thoát con người khỏi cảnh áp bức của tội lội.

Nhóm người cuối cùng là những quân nhân. Họ cũng muốn biết họ cần phải làm gì. Vào thời bấy giờ, tiền lương trả cho những quân nhân ở nước Do Thái rất thấp. Do vậy để kiếm thêm tiền, họ phải tìm cách hà hiếp người dân để nhận thêm quà cáp. Đối với họ, Gioan Tẩy Giả nói ngay, “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình.” Một lần nữa, chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả không kêu họ bỏ quân ngũ, nhưng chỉ giản dị là phải làm công việc của mình cho đúng.

Nếu chúng ta là những linh mục, tu sĩ nam nữ, những nhân viên của chính phủ, những chuyên viên y tế, những thương gia, những người đang thụ hưởng trợ cấp, và những công nhân viên tại các văn phòng và cơ xưởng, đến hỏi Thánh Gioan Tẩy Giả, “Chúng tôi phải làm gì?” liệu ngài sẽ nói gì với chúng ta. Có lẽ ngài cũng sẽ nói với chúng ta như ngài đã nói với những người Do Thái ngày xưa: hãy chia cơm sẻ áo và làm công việc của mình cho đúng. Đó chính là sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài đến để chia sẻ thân phận làm người với chúng ta và đã làm rất đúng công việc của Ngài để đem ơn cứu rỗi đến cho chúng ta.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT