Bình Luận

Tối cao pháp viện trong hành động

Thursday, 23/06/2022 - 08:34:42

Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng nhưng không cho phép nhà nước cổ động riêng một tôn giáo nào...


Chín vị thẩm phán Tòa Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hiện nay trong hình chụp ngày 23 tháng 4, 2021. Ngồi từ bên trái: Thẩm Phán Samuel Alito, Thẩm Phán Clarence Thomas, Chánh Án John Roberts, Thẩm Phán Stephen Breyer và Thẩm Phán Sonia Sotomayor. Đứng từ bên trái: Thẩm Phán Brett Kavanaugh, Thẩm Phán Elena Kagan, Thẩm Phán Neil Gorsuch và Thẩm Phán Amy Coney Barrett. (Erin Schaff-Pool/ Getty Images)


Bài NGÔ NHÂN DỤNG

Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng nhưng không cho phép nhà nước cổ động riêng một tôn giáo nào. Nghe rất giản dị, nhưng khi áp dụng mới thấy phức tạp.

Năm nay, Tối Cao Pháp Viện mới phán quyết buộc tiểu bang Maine phải trợ cấp các trường tôn giáo như những trường tư khác. Maine có một chương trình trợ cấp học phí cho học sinh trường tư ở những vùng quê thiếu trường công lập; nhưng không cho trường tư nào thuộc về các giáo hội được hưởng. Nhiều phụ huynh có con học ở các trường Bangor và Waterville kiện. Cả hai trường tôn giáo này đều theo chính sách không tuyển các giáo sư đồng tính. Trường Bangor không nhận học sinh và không mướn các giáo sư đã “đổi giống,” từ nam thành nữ hoặc ngược lại. Tất cả đều vì lý do tín ngưỡng.

Sáu vị thẩm phán bỏ phiếu thuận đều trong nhóm bảo thủ, do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm. Ba vị chống lại, đều thuộc phe cấp tiến, được các tổng thống Dân Chủ đưa vào.

Chánh Án Tối Cao John Roberts, khuynh hướng bảo thủ, viết rằng không trợ cấp cho các trường tư chỉ vì họ theo một tôn giáo là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng ghi trong hiến pháp. Thẩm Phán Stephen Breyer, phe cấp tiến nói ngược lại, rằng tiểu bang Maine tôn trọng hiến pháp Mỹ cho nên không dùng công quỹ giúp việc truyền đạo. Bà Sonia Sotomayor nói thêm rằng đem tiền thuế do dân đóng góp trợ cấp cho các tôn giáo là vi phạm quy tắc tách rời nhà nước ra khỏi tôn giáo.

Các vị thẩm phán giải thích hiến pháp theo cách khác nhau, đưa tới các quyết định khác nhau, điều này thường diễn ra trong các tòa án, kể cả Tối Cao Pháp Viện.

So với tôn giáo, chuyện chính trị còn rắc rối hơn. Người ta có thể nghĩ rằng khi xét xử các vụ kiện về quyền bỏ phiếu, các thẩm phán bảo thủ sẽ nghiêng về phía đảng Cộng Hòa, và ngược lại. Nhưng mỗi vụ kiện lại khác.

Thông thường, nghị viện các tiểu bang đảng Cộng Hòa chiếm đa số thường đặt ra các luật lệ ngặt nghèo trong việc bỏ phiếu, lấy lý do để ngăn ngừa gian lận; đảng Dân Chủ thường chủ trương nên cho cử tri đi bầu được dễ dàng.

Năm 2020, tiểu bang Wisconsin rút ngắn giới hạn ngày bỏ phiếu bằng thư. Bên Dân Chủ kiện, cho rằng luật lệ đó gây thêm khó khăn cho các cử tri. Tòa địa phương cấp dưới đồng ý, bắt Wisconsin phải nới rộng giới hạn cho nhiều ngày hơn. Lên tới Tối Cao Pháp Viện, năm vị thẩm phán bảo thủ đã bác bỏ phán quyết của tòa dưới; bốn vị cấp tiến thì không.

Trong năm đó, vì bệnh Covid-19 cản trở việc đi lại, các quan tòa tiểu bang Idaho và Oregon cho phép giảm bớt số chữ ký tối thiểu trước khi đưa một đề án luật cho dân biểu quyết, tức là giúp việc bỏ phiếu dễ dàng hơn. Lên tòa Tối Cao, đa số đã bác bỏ quyết định đó.

Có thể kết luận rằng Tối Cao Pháp Viện chấp nhận cho việc bỏ phiếu khó khăn hơn hay không?

Không chắc. Hai vụ kiện về luật bầu cử đã đưa tới phán quyết trái ngược nhau. Một vụ năm 2020, tiểu bang Alabama bắt buộc các lá phiếu bầu bằng cách gửi thư phải có hai chữ ký làm chứng. Tòa án cấp dưới đã yêu cầu ngưng điều luật này vì gây khó khăn cho cử tri, nhưng Tòa Tối Cao không chấp nhận. Bốn vị thẩm phán Dân Chủ, cấp tiến Ruth Bader Ginsburg, Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan không đồng ý.

Nhưng sau đó, Ủy Hội Quốc Gia Đảng Cộng Hòa kiện tiểu bang Rhode Island, yêu cầu họ tái lập các điều kiện về số chữ ký người làm chứng, Tòa Tối Cao đã bác bỏ. Ba vị thuộc nhóm thiểu số là các thẩm phán Cộng Hòa bảo thủ: Clarence Thomas, Samuel Alito và Neil Gorsuch.
Chánh Án Roberts vốn bảo thủ, thời Tổng Thống Cộng Hòa Georges W.H. Bush; nhưng ông đã nhiều lần đồng ý với các thẩm phán cấp tiến.

Trong thời gian bệnh Covid-19 hoành hành, những người theo đảng Dân Chủ thường ủng hộ các biện pháp của chính quyền nhằm ngăn ngừa bệnh dịch, còn đảng Cộng Hòa chủ trương nên cho dân chúng sinh hoạt tự do hơn để sớm phục hồi kinh tế.

Nhiều giáo hội ở California và Nevada đã kiện chính quyền các tiểu bang này khi họ hạn chế số tín đồ tụ họp trong nhà thờ. Khi đưa lên Tòa Tối Cao, đơn kiện bị bác bỏ với tỷ số sát nút 5-4. Chánh Án Roberts đồng ý với các bạn đồng viện cấp tiến, phán rằng những người không chuyên môn về y tế công cộng không thể chống lệnh cấm tụ họp đông người của chính quyền.

Nhưng các thẩm phán bảo thủ muốn cho các cơ sở tôn giáo tự do hơn. Thẩm Phán Brett Kavanaugh đặt câu hỏi tại sao các giáo hội lại bị ngăn cấm, chỉ được họp mỗi lần 50 người trong nhà thờ, còn các sòng bài được chứa nhiều người hơn? Ông Roberts đã quyết định dựa trên một án lệnh từ năm 1905, khi Tối Cao Pháp Viện bác bỏ đơn kiện của một công dân phản đối lệnh của tiểu bang Massachusetts bắt mọi người phải chích ngừa bệnh đậu mùa.

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng Thống Donald Trump, ông có cơ hội bổ nhiệm ba thẩm phán tối cao mới: Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett. Các thẩm phán bảo thủ thường chia sẻ các quan niệm xã hội, kinh tế và chính trị của đảng Cộng Hòa. Nhưng khi xét xử các vụ kiện, họ vẫn suy nghĩ trên quan điểm luật pháp mà quốc hội đã ban hành.

Thí dụ, trong vụ một cửa hàng bán hoa ở Richland, Washington, kháng cáo bản án của tòa dưới không cho phép họ từ chối trưng hoa cho đám cưới một cặp đồng tính. Người bán hoa nói tín ngưỡng của họ không cho phép công nhận hôn nhân giữa những người cùng phái tính. Tòa Tối Cao đã từ chối không thụ lý với tỷ số 6-3. Chỉ có ba thẩm phán bảo thủ Thomas, Alito và Gorsuch chấp nhận cho xử đơn kháng cáo. Chánh Án Roberts và hai thẩm phán Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett bỏ phiếu giống như ba vị thẩm phán cấp tiến.

Trong tháng tới, Tòa Tối Cao sẽ quyết định các vụ kiện về luật phá thai của mấy tiểu bang Cộng Hòa. Nhiều người tiên đoán, Tòa sẽ xóa bỏ án lệ năm 1973, không công nhận quyền phá thai của phụ nữ nữa. Quyết định này sẽ thay đổi cả xã hội Mỹ!

Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có thể tìm cách thỏa hiệp để tránh các vấn đề gay go. Thí dụ, năm 2020, Cơ Quan Xã Hội Thiên Chúa Giáo kiện Philadelphia, vì thành phố không trao cho họ tìm cha mẹ nuôi cho các trẻ em, lấy lý do tổ chức từ thiện này không chấp nhận các cặp vợ chồng đồng tính nhận con nuôi. Cả 9 vị thẩm phán đồng ý cho nguyên đơn thắng, Philadelphia thua.

Trong vụ án này, hôn nhân đồng tính là một vấn đề đang gây chia rẽ trong xã hội Mỹ. Nhưng các thẩm phán Kavanaugh và Barrett (bảo thủ) đã cộng tác với ba thẩm phán cấp tiến Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan đưa ra một phán quyết đặt trên căn bản một vấn đề nhỏ, thu hẹp phạm vi áp dụng, để cho Phòng Xã hội Công Giáo được trợ cấp như 20 cơ quan từ thiện khác.

Họ đã giúp lái Tòa Tối Cao tránh né, không đụng tới một vấn đề hôn nhân đồng tính đang gây chia rẽ trong xã hội. Các quan tòa có thể kiên nhẫn chờ đến khi nào dân chúng Mỹ, qua các đại biểu quốc hội của họ, làm ra luật lệ rõ ràng hơn trên các vấn đề “nhạy cảm,” như hôn nhân đồng tính, quyền phá thai, vân vân.

Có thể hy vọng như vậy. Sau bao năm chờ đợi, Thượng Viện Mỹ sắp thỏa hiệp để thông qua một dự luật về quyền tự do mang súng! Chánh Án Roberts luôn luôn tìm cách tránh cho Tòa Tối Cao bị chính trị hóa. Ông nhiều lần khẳng định chỉ có các thẩm phán, không hề có ai là thẩm phán của Bush, của Obama hay của Trump.

Với tỷ số 6 bảo thủ, 3 cấp tiến, Tối Cao Pháp Viện trong thời gian tới sẽ theo chiều hướng bảo thủ hơn. Nhưng Chánh Án John Roberts thường thuyết phục các thẩm phán mới, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barret, chấp nhận các quyết định ôn hòa hơn là các ông Clarence Thomas, Samuel Alito và Neil Gorsuch. Có thể nói Tối Cao Pháp Viện đang có ba khuynh hướng. Ngoài hai nhóm bảo thủ trên là ba người cấp tiến, Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan do các vị tổng thống Dân Chủ bổ nhiệm.
(Nguồn: VOA Blog)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT