Hoa Kỳ

Tối Cao Pháp Viện trao chính phủ Trump một chiến thắng: Di dân từng bị kết tội có thể bị bắt giam vô thời hạn, hoặc bị trục xuất, cho dù có thẻ xanh

Tuesday, 19/03/2019 - 07:12:29

Tối Cao Pháp Viện do khối bảo thủ nắm thế đa số đã ủng hộ một lập trường của Tổng Thống Donald Trump. Lập trường đó là cơ quan thực thi luật di trú có quyền bắt giữ nhiều năm hoặc vô thời hạn một di dân từng bị kết tội và đã hoàn tất bản án tù.

Những người này tham gia một cuộc xuống đường vào tháng Sáu 2018 tại San Francisco. Họ chống chính sách tách rời gia đình di dân bất hợp pháp bị bắt trong vùng biên giới. Đối với những di dân sống hợp pháp tại Mỹ nhưng chưa có quốc tịch, họ có thể bị giam vô thời hạn nếu từng phạm tội. (Justin Sullivan/Getty Images)

 

Cô Naomi Liem đã khóc trong lúc có những người đang phát biểu bênh vực cho gia đình di dân không bị tách rời, bên ngoài Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn trong tháng Sáu 2018. Naomi Liem là công dân Hoa Kỳ, nhưng cha cô chưa có quốc tịch và có nguy cơ bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ vì ông từng phạm tội nhiều năm trước. (Win McNamee/Getty Images)

 

HOA THỊNH ĐỐN - Trong một phán quyết được công bố ngày thứ Ba, Tối Cao Pháp Viện do khối bảo thủ nắm thế đa số đã ủng hộ một lập trường của Tổng Thống Donald Trump. Lập trường đó là cơ quan thực thi luật di trú có quyền bắt giữ nhiều năm hoặc vô thời hạn một di dân từng bị kết tội và đã hoàn tất bản án tù. Không những vậy, cơ quan công lực cũng có quyền trục xuất người này ra khỏi nước Mỹ cho dù người đó đã có thẻ xanh.

Các thẩm phán tại tòa cao cấp nhất nước Mỹ đã bỏ phiếu 5 trên 4, theo khuynh hướng bảo thủ-cấp tiến hiện đang có trong chín vị thẩm phán.

Theo phán quyết được đề soạn bởi Thẩm Phán bảo thủ Samuel Alito, chính quyền liên bang có thể bắt giam một di dân chưa có quốc tịch Hoa Kỳ vào bất cứ lúc nào, cho dù người này từng phạm tội nhiều năm trước và đã đền tội, chứ không hẳn chỉ ra tù mới đây. Tuy nhiên, phán quyết này không cấm việc một di dân có quyền kiện ngược lại trong trường hợp cá biệt của họ dựa theo quyền hiến pháp, nếu họ bị bắt lại sau nhiều năm từ ngày được mãn án tù.

Đại diện cho phía chống phán quyết, Thẩm Phán cấp tiến Stephen Breyer nếu thắc mắc rằng khi soạn luật này thì Quốc Hội Hoa Kỳ “có muốn cho phép chính quyền được bắt lại một di dân sau khi người này đã mãn hạn tù nhiều năm và bắt giữ mà không cho đóng tiền thế chân.”

Liên quan đến phán quyết nói trên, Tối Cao Pháp Viện đã cứu xét đơn kháng cáo của chính phủ Trump về việc một tòa án cấp thấp đã đưa ra một quyết định bênh vực di dân và giới hạn quyền trục xuất di dân mà chính phủ Trump đã đòi hỏi từ ngày ông Trump nắm chức tổng thống vào đầu năm 2017.

Như vậy, các nhân viên của cơ quan ICE (Immigration and Customs Enforcement) sẽ có quyền bắt những ai chưa là công dân Mỹ và tạm giam họ trong vài tháng hoặc vài năm, nếu những người này từng phạm tội trước đây. Thí dụ, một người có thẻ xanh từng phạm tội tiểu hình, hoặc những tội nhẹ, và bị giam trước đây, nay họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào mà chính phủ không cần có lý do chính đáng để bắt họ. Lý do duy nhất là những di dân này chưa là công dân Hoa Kỳ và từng phạm tội. Cho dù họ đã bị giam hoặc đã đóng tiền phạt nhiều năm trước, ICE vẫn có thể bắt họ và tống giam vô thời hạn.

Chính phủ Trump đã kháng cáo những bản án liên quan đến một số di dân được sống ở Mỹ hợp pháp nhưng chưa có quốc tịch. Chính phủ cho rằng việc thả những người này sau khi họ mãn án tù là điều không thể chấp nhận được.

Một người chính yếu trong vụ kháng cáo này là ông Mony Preap, một di dân từ Cam Bốt và được sống hợp pháp tại Mỹ từ năm 1981. Ông này từng phạm tội sở hữu cần sa vào năm 2006 và được thả sau khi mãn án tù.

Một di dân khác bị liệt kê trong đơn kháng cáo của chính phủ Trump là ông Eduardo Padilla. Ông này đến Hoa Kỳ năm 1966 khi còn là một hài nhi. Ông sống hợp pháp trong vùng Sacramento, có năm người con và sáu người cháu, tất cả đều là công dân Hoa Kỳ. Ông bị kết tội sở hữu ma túy trong hai năm 1997 và 1999, và bị án tù 90 ngày vào năm 2002 vì tội có một khẩu súng không nạp đạn cất trong nhà kho đằng sau nhà. Vào năm 2013, ông bị nhân viên liên bang bắt lại và chờ bị trục xuất. Thế nhưng một tòa án cho ông được tự do vì cho rằng luật bắt giữ di dân không thể áp dụng trong trường hợp của ông Padilla.

Hai trường hợp nói trên cùng một số di dân khác được trả tự do đã khiến chính phủ Trump không hài lòng, họ muốn chính phủ có quyền bắt lại những người này và giam họ vô thời hạn.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện không tạo thêm quyền lực mới cho cơ quan ICE. Trong hầu hết các trường hợp trên toàn quốc, các di dân phạm tội vẫn bị giam dài hạn và không được quyền đóng tiền bảo lãnh để ra ngoài sống với gia đình. Họ có thể chết trong tù trong lúc chờ ngày bị trục xuất về bản xứ.

Điều mà các thẩm phán chống phán quyết lo ngại không chỉ là quyền bắt giam di dân vô thời gian, mà họ là lo sợ đây là bước đầu trong kế hoạch phá đổ Hiến Pháp Hoa Kỳ, tức là nền tảng luật pháp của đất nước này.

Trong lời viết hay cho nhóm bốn thẩm phán bỏ phiếu chống, ông Stephen Breyer viết, “Tôi lo sợ” vì phán quyết được công bố ngày thứ Ba “sẽ gây tai hại cho những nguyên tắc căn bản mà người Mỹ đã duy trì từ bấy lâu nay.” Những nguyên tắc đó nói rằng, theo luật pháp, chính phủ không thể bắt giam bất cứ ai vô thời hạn mà không có lý do chính đáng, và những ai từng thọ án cho tội của họ thì không thể bị giam trở lại cho cùng một tội.

Cùng bỏ phiếu với ông Breyers là ba nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, Sonia Sotomayor và Elena Kagan. Về phía bảo thủ, cùng bỏ phiếu với ông Samuel Alito là bốn nam thẩm phán John Roberts Jr., Clarence Thomas, Neil Gorsuch, và Brett Kavanaugh.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT