Hoa Kỳ

Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết cho nhiều vụ kiện quan trọng

Monday, 24/06/2019 - 06:52:00

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã đưa ra một loạt phán quyết cho các vụ kiện được dư luận quan tâm vào thứ Hai.


Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã đưa ra một loạt phán quyết cho các vụ kiện được dư luận quan tâm vào thứ Hai.
Quyền tiếp cận thông tin về dữ liệu food stamp

Với tỷ lệ phiếu 6-3, Tối Cao Pháp Viện tuyên bố rằng chính phủ không có nghĩa vụ phải cung cấp dữ liệu food stamp riêng tư, mà chính phủ lấy từ các cửa hàng thực phẩm, cho một tờ báo ở South Dakota. Tờ báo Argus Leader trước đó đã viện dẫn luật Tự do thông tin FOIA để yêu cầu Bộ Nông Nghiệp cung cấp tên và địa chỉ của mọi cửa hàng bán lẻ tham gia chương trình hỗ trợ thực phẩm SNAP, còn được biết đến với tên là chương trình food stamp, cùng số tiền mà các cửa hàng này được chương trình SNAP trả lại hàng năm. Tờ Argus Leader không yêu cầu cung cấp danh tính của những người nhận food stamp hoặc cách họ sử dụng phúc lợi của chính phủ.

Tờ báo South Dakota nói rằng các thông tin này cần được công bố, để biết chính phủ sử dụng tiền thuế như thế nào. Tuy nhiên, các hãng bán lẻ đã phản đối yêu cầu của tờ Argus Leader, nói rằng đây là các thông tin mật, và được các cửa hàng cung cấp cho Bộ Nông Nghiệp vì tin tưởng rằng các thông tin này sẽ được bảo mật.
Thẩm Phán Neil Gorsuch, đại diện cho nhóm đa số tại Tối Cao Pháp Viện, bác bỏ yêu cầu của tờ Argus Leader, nói rằng thông tin tài chính của các cửa hàng đều là thông tin riêng tư của người chủ cửa hàng, và chính phủ không thể tiết lộ các dữ liệu này cho truyền thông.

Quyền đặt tên thương hiệu
Với tỷ lệ bỏ phiếu 6-3, Tối Cao Pháp Viện đã đứng về phía một nhà thiết kế ở Los Angeles, người muốn ghi danh thương hiệu quần áo của anh ta là “FUCT,” nhưng bị ngăn cản bởi một luật liên bang, vốn cấm việc ghi danh cho các thương hiệu “vô đạo đức hoặc gây tai tiếng.” Tòa án xác định rằng đạo luật liên bang đã vi phạm quyền Tu Chính An Số 1 của nhà thiết kế.

Nữ Thẩm Phán Elena Kagan viết trong phán quyết sau cùng rằng, việc quyết định rằng ý tưởng nào là “vô đạo đức và gây tai tiếng” thường mang tính chủ quan, và có tiềm năng bị ảnh hưởng bởi sự kỳ thị. Trong khi đó, các thẩm phán bỏ phiếu chống cho rằng việc phê chuẩn cho thương hiệu này sẽ mở đường cho việc ghi danh nhiều thương hiệu khác mang tính thô tục và xúc phạm.

Trước đó, nhà thiết kế Erik Brunetti đã lý luận rằng Phòng Bản Quyền và Thương Hiệu Hoa Kỳ đã tỏ ra không đồng nhất, khi phê chuẩn cho các thương hiệu như “FCUK,” “THE F WORD,” và “FD,” nhưng lại từ chối thương hiệu của anh ta. Brunetti nói rằng thương hiệu “FUCT” của anh ta được đọc theo từng chữ, và không có ý nghĩa xúc phạm.

Lệnh đánh thuế thép nhập cảng
Tối Cao Pháp Viện vào thứ Hai đã quyết định duy trì phán quyết trước đây của Tòa Thương Mại Quốc Tế, cho rằng lệnh đánh thuế 25% thép nhập cảng, được chính phủ Trump ban hành năm 2018, là hợp lệ. Trước đó, các hãng nhập cảng thép cho rằng, chính phủ Trump không có đủ quyền hạn theo Hiến Pháp để điều hành thương mại, và quyền này phải thuộc về Quốc Hội. Vụ kiện này hiện vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu, chưa có sự can thiệp của tòa kháng án liên bang, và có thể quay lại Tối Cao Pháp Viện sau này.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT