Hoa Kỳ

Tối Cao Pháp Viện hủy quyền phá thai, cho phép dân mang súng ở nơi công cộng

Friday, 24/06/2022 - 02:03:47

Có ít nhất 13 tiểu bang sẽ thi hành luật cấm phá thai ngay trong ngày thứ Sáu, và 13 tiểu bang khác sẽ thi hành trong những ngày sắp tới.

Những Người chống phá thai biểu tình bên ngoài Tối Cao Pháp Viện sáng thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022. (Samuel Corum/ Bloomberg via Getty Images)

  

HOA THỊNH ĐỐN - Trong hai ngày liên tiếp, tòa án cao cấp nhất nước Mỹ đã đưa ra hai phán quyết quan trọng, chắc chắn gây tranh cãi dữ dội ít nhất là từ nay đến ngày bầu cử đầu tháng 11, và còn có thể lâu dài hơn.

 

Vào ngày thứ Năm, Tối Cao Pháp Viện bác bỏ một bộ luật tại tiểu bang New York với số phiếu 6-3. Luật này giới hạn quyền giấu súng trong người để tự vệ ở nơi công cộng. Tối Cao Pháp Viện cho rằng luật New York đã vi hiến khi bắt buộc người dân phải chứng minh có lý do chính đáng để được cấp giấy phép mang súng ở nơi công cộng. Như vậy tòa ủng hộ quyền mang súng trong người khi ra ngoài đường mà không cần giấy phép.

 

Quan trọng hơn, và gây tranh luận gay gắt hơn là một phán quyết được Tối Cao Pháp Viện công bố ngày thứ Sáu. Với số phiếu 5-4, Tòa Thượng Thẩm liên bang đã xóa bỏ quyền phá thai từng được Hiến Pháp bảo vệ trong gần 50 năm. Khối đa số bảo thủ đã lật ngược quyết định trong vụ án Roe chống Wade từng được đưa ra năm 1973 cho rằng luật Texas cấm phá thai là vi hiến.

 

Roe là biệt danh lấy từ hai chữ “Jane Roe” đặt cho bà Norma McCorvey. Wade là tên của ông công tố viên Henry Wade. Thời trẻ bà Norma từng mang thai trong lúc gặp khó khăn tài chánh nên muốn phá thai. Theo Wikipedia, trong ba năm trước khi vụ án lên tới Tối Cao Pháp Viện thì bà Norma không bao giờ đến tòa một lần nào, và bà cũng không phá thai, đã sanh con và giao con cho hội tìm người nhận con nuôi. Sau này bà Norma tham gia hoạt động chống phá thai, mất năm 2017.

 

Phán quyết lật ngược quyết định Roe chống Wade là kết quả của mấy thập niên tranh đấu không ngừng nghỉ của những nhóm chống phá thai, được thành tựu nhờ có ba thẩm phán bảo thủ được cựu Tổng Thống Donald Trump đề cử trong nhiệm kỳ tổng thống vừa qua.

 

Với phán quyết gây chấn động hôm thứ Sáu liên quan đến luật giới hạn quyền phá thai rất nghiêm khắc tại Mississippi, Tối Cao Pháp Viện cho phép các tiểu bang được quyền tự quyết định đưa ra những bộ luật liên quan đến việc cấm, cho phép, hay giới hạn quyền phá thai. Như vậy cuộc chiến chống và bênh quyền phá thai sẽ diễn ra gay cấn trong nhiều tiểu bang trong thời gian tới.

 

Các chuyên gia cho biết khoảng phân nửa trong số 50 tiểu bang đã có khuynh hướng giới hạn hoặc cấm hẳn quyền phá thai. Ngay trong ngày thứ Sáu, ngay sau khi phán quyết được Tối Cao Pháp Viện công bố, West Virginia đã cấm một cơ sở phá thai cuối cùng còn hoạt động tại tiểu bang này. Giữa hai thái cực, California là tiểu bang rộng lượng với quyền chọn lựa phá thai của phụ nữ, trong khi Texas vẫn nghiêm khắc cấm phá thai với chủ trương bảo vệ sự sống.

 

Theo các thống kê thăm dò ý kiến mới nhất, đa số người Mỹ ủng hộ việc duy trì phán quyết Roe v. Wade. Như vậy phán quyết của Tối Cao Pháp Viện cũng có thể được xem là đi ngược với ý kiến của đa số người dân.

 

Trong văn bản đưa ra ý kiến, Thẩm Phán Samuel Alito đã viết cho nhóm thẩm phán bảo thủ, nói rằng một phán quyết khác là Roe và Planned Parenthood chống Casey được đưa ra năm 1992 khẳng định quyền phá thai đã sai lầm ngay từ ngày đầu và cần được lật ngược.

 

Ông Alito viết “Hiến Pháp không cấp quyền phá thai. Quyết định Roe và Casey cần phải phủ quyết, và thẩm quyền kiểm soát phá thai phải được trả lại cho người dân và những vị dân cử của họ.”

 

Cùng bỏ phiếu xóa quyền phá thai với ông Samuel Alito là các thẩm phán Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, và bà Amy Coney Barrett. Ba thẩm phán sau cùng là người được bổ nhiệm thời ông Trump.

 

Bốn người bỏ phiếu duy trì phán quyết Roe v. Wade là ba thẩm phán cấp tiến Stephen Breyer, bà Sonia Sotomayor và bà Elena Kagan. Riêng ông Chánh Án John Roberts tuy thuộc khuynh hướng bảo thủ nhưng ông viết rằng không cần phải phủ quyết luật cho phép phá thai để bênh vực luật giới hạn phá thai tại Mississippi.

 

Trong văn bản chung, nhóm thẩm phán cấp tiến viết, “Với nỗi buồn - cho Tòa Án này, và cho hàng triệu phụ nữ Mỹ, những người đã mất sự bảo vệ cơ bản của hiến pháp ngày hôm nay – chúng tôi bất đồng ý kiến.”

 

Có ít nhất 13 tiểu bang sẽ thi hành luật cấm ngay trong ngày thứ Sáu, và 13 tiểu bang khác sẽ thi hành trong những ngày sắp tới.

 

Ít nhất 13 tiểu bang sẽ thi hành luật cấm ngay trong ngày thứ Sáu gồm có Arkansas, Idaho, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, North Dakota, Oklahoma, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah và Wyoming. Những tiểu bang này đã thông qua luật cấm từ tháng Tư, chờ đợi phán quyết từ Tối Cao Pháp Viện.

 

Thêm năm tiểu bang khác cũng đã có luật cấm phá thai trước năm 1973 nhưng không thể thi hành vì luật liên bang, và nay được áp dụng là Alabama, Arizona, Michigan, West Virginia và Wisconsin.

 

Tám tiểu bang khác sẽ có luật giới hạn gồm Georgia, Iowa, Ohio, South Carolina, Florida, Indiana, Montana và Nebraska. Như vậy tổng cộng có 26 tiểu bang cấm phá thai ở các mức độ khác nhau.

 

Những người bênh vực quyền phá thai biểu tình bên ngoài Tối Cao Pháp Viện sáng thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022. (Valerie Plesch/ Bloomberg via Getty Images) 

 

Luật súng New York 

 

Vào ngày thứ Năm, với phán quyết 6-3 theo lằn ranh bảo thủ và cấp tiến, Tối Cao Pháp Viện lật ngược một quyết định giới hạn quyền mang súng ở nơi công cộng tại tiểu bang New York. Tối Cao Pháp Viện cho rằng luật cấp giấy phép cho người dân được quyền mang súng giấu trong người ở nơi công cộng là không phù hợp với Đệ Nhị Tu Chánh Án. Tu chánh án này cho phép người dân được quyền sở hữu súng.

 

Những người bênh vực luật cấp giấy phép cho rằng phán quyết của Tối Cao Pháp Viện sẽ khiến cho đường phố, nơi công cộng sẽ có thêm súng đạn, gây nguy hiểm cho người dân, nhất là nước Mỹ vừa trải qua những vụ nổ súng giết người hàng loạt.

 

Đại diện cho nhóm bảo thủ bênh vực quyền súng, Thẩm Phán Clarence Thomas viết, “Quyền sở hữu súng ở nơi công cộng để tự vệ không phải là quyền hạng nhì để mà cứu xét chiếu theo những luật khác, không được bảo đảm theo Hiến Pháp như các quyền khác. Chúng tôi không thấy có quyền hiến pháp nào khác mà người dân cần phải có giấy phép để thực hiện. Đệ Nhất Tu Chính Án cho phép người dân nói những điều mà người khác không thích hoặc được tự do tín ngưỡng. Đệ Lục Tu Chánh Án cho phép một bị cáo được quyền đối chất nhân chứng chống ông ta. Và Đệ Nhị Tu Chánh Án cho phép người dân được mang súng ở nơi công cộng để tự vệ.”

 

Đại diện cho phía cấp tiến, Thẩm Phán Stephen Breyer nhắc tới sự gia tăng bạo động liên quan đến súng và sự lan tràn của súng tại Hoa Kỳ, và cảnh cáo rằng các tiểu bang muốn thông qua luật kiểm soát súng khắt khe hơn sẽ bị cản trở bởi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện.

 

“Theo quan điểm của tôi,” ông Breyer viết, “khi tòa diễn giải Đệ Nhị Tu Chánh Án, chúng ta cần phải xem xét sự nguy hiểm nghiêm trọng và hậu quả của bạo động súng đạn khiến các tiểu bang phải đưa ra luật kiểm soát súng.”

 

Quyết định của tòa thượng thẩm Hoa Kỳ được đưa ra sau khi có những vụ bắn chết người hàng loạt, gây rúng động dư luận về quyền sở hữu súng. Vào giữa tháng Năm, một thanh niên da trắng 18 tuổi cầm súng đến một siêu thị ở Buffalo, New York, bắn chết 10 người mà hầu hết là người da đen. Mười ngày sau, 19 trẻ em và hai cô giáo bị bắn chết tại một trường tiểu học ở Uvalde, Texas. Vào đầu tháng Sáu, bốn người bị bắn thiệt mạng tại một cơ sở y tế tại Tulsa, Oklahoma.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT