Hoa Kỳ

Tòa Bạch Ốc gây phiền về cáo buộc nghe lén, Anh hết tin tưởng ở Trump

Friday, 17/03/2017 - 10:35:49

Theo các chuyên gia nói, quan hệ hợp tác này là vô giá đối với nền an ninh quốc gia của cả Mỹ lẫn Anh. Và quan hệ này có thể bị nguy hiểm, nếu nước Anh bắt đầu cảm thấy rằng chính phủ Trump không thể được tin cậy.


Thủ Tướng Angela Merkel và Tổng Thống Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc ngày 17 tháng 3, 2017.


HOA THỊNH ĐỐN – Những phát ngôn theo cảm tính từ chính phủ Donald Trump đã gây sứt mẻ với Anh quốc, một quốc gia đồng minh lớn nhất và lâu bền nhất của Hoa Kỳ từ trước đến nay. Mặc dù thiếu chứng cớ, chính phủ Trump cho rằng chính quyền của Tổng Thống Barack Obama trước đây đã đặt máy nghe lén, máy thâu hình tại tòa nhà Trump Tower trong thời gian tranh cử. Các vị dân cử lãnh đạo tại Quốc Hội, gồm cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, đã khuyên ông Trump hãy ngưng tuyên bố như vậy, thế nhưng phát ngôn viên của ông vẫn tiếp tục, và còn nói là cơ quan tình báo Anh đã giúp chính phủ Obama trong việc theo dõi ông Trump trước đây.

Những lời tuyên bố này đã đưa đến sự rạn nứt với chính phủ Anh, và giờ đây Tòa Bạch Ốc phải nói với các viên chức Anh Quốc rằng họ sẽ không tiếp tục lặp lại những lời cáo buộc rằng tình báo Anh đã giúp do thám Tổng Thống Donald Trump trước khi ông đắc cử. Một phát ngôn viên của Thủ Tướng Anh Theresa May cho biết như vậy hôm thứ Sáu.

Lời cam kết được Tòa Bạch Ốc đưa ra, sau khi các viên chức Anh gởi thư khiếu nại ngoại giao cao cấp, về việc phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc trích dẫn bản tin gây tranh cãi của một bình luận gia đài Fox News. Văn bản này gợi ý rằng nước Anh đã giúp cho cựu Tổng Thống Barack Obama do thám người kế nhiệm ông. Ông Spicer còn củng cố những lời phát biểu vô căn cứ của ông Trump trên Twitter, nói rằng chính phủ Obama đã nghe lén ông Trump.

Hôm thứ Sáu, James Slack, một phát ngôn viên của Thủ Tướng May, nói, “Chúng tôi đã nhận được những lời cam kết rằng những cáo buộc này sẽ không được lặp lại.” Ông Slack nói thêm rằng những cáo buộc cho rằng tình báo Anh đã giúp đỡ ông Obama, trong một nỗ lực gián điệp không được ghi chép lại, là “hoàn toàn vô lý và nên bỏ qua.”

Trong một chương trình truyền hình vào hôm 14 tháng Ba, Andrew Napolitano, một chuyên gia pháp lý cho đài Fox News và từng cố vấn cho ông Trump, nói rằng ba nguồn tin tình báo nói với đài này rằng ông Obama đã đích thân kêu gọi một cơ quan tình báo của Anh, là Government Communication Headquarters (GCHQ - Tổng Bộ Truyền Thông Chính Phủ), theo dõi ông Trump. Ông Spicer nhắc đến bản tin ấy, trong một danh sách những tường thuật truyền thông mà ông đọc cho các phóng viên, tại cuộc họp báo của ông vào hôm thứ Năm. Ông lập luận rằng những câu chuyện ấy đã giúp xác nhận lời ông Trump nói.
Các viên chức Anh bác bỏ bản tin của ông Napolitano. Việc ông Spicer quyết định trích dẫn bản tin ấy, từ diễn đàn của Tòa Bạch Ốc, đã đe dọa làm cho các mối quan hệ trở nên căng thẳng giữa hai nước đồng minh lâu năm xuyên Đại Tây Dương.

Có nhiều cuộc tiếp xúc giữa các cấp cao của chính phủ Mỹ và chính phủ Anh, sau cuộc họp báo của ông Spicer. Trong số đó có cuộc tiếp xúc giữa Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ H.R. McMaster và người đồng chức Mark Lyall Grant của Anh Quốc. Ông Slack nói rằng Đại Sứ Anh tại Hoa Kỳ Kim Darroch cũng than phiền với Tòa Bạch Ốc .

Ông Slack nói ông giả định ông Spicer biết đầy đủ rằng các viên chức Mỹ đã hứa với người Anh rằng những lời ông Spicer nói sẽ không được lặp lại. Hai ông Spicer và McMaster đã đích thân xin lỗi chính phủ Anh về vụ làm phiền ấy.

Trong cuộc họp báo cùng nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel ngày thứ Sáu, ông Trump vẫn nhắc đến đề tài này nhưng tìm cách đổ lỗi cho đài Fox News. Khi các phóng viên Đức hỏi ông về vụ nghe lén, ông Trump nói, “Bạn hãy hỏi đài Fox.”

Một thời gian ngắn sau đó, ông Shepard Smith, một xướng ngôn viên của đài Fox, nói trên làn sóng truyền hình, rằng Fox “không thể kiểm chứng” những gì ông Napolitano nói, và “Fox News không biết có chứng cớ nào cho thấy tổng thống hiện nay của Mỹ bị theo dõi vào bất cứ lúc, bất cứ cách nào. Dừng lại hoàn toàn.”

Mối quan hệ đã bị thiệt hại

Tiến sĩ Tim Oliver, một học giả của Trường Kinh Tế London, nói, “Bang giao giữa Anh và Mỹ là đặc biệt' trong ba lãnh vực cốt tủy: tình báo, các lực lượng đặc biệt, và các thứ vũ khí hạt nhân.”
Ông Oliver nói tiếp, “Những khu vực cốt tủy này thường được bảo vệ trước những diễn biến bất ngờ của những mối bất đồng của tổng thống hay thủ tướng. Vì vậy, chuyện Tòa Bạch Ốc lúc này kéo một phần của cộng đồng tình báo nước Anh vào trong những mối căng thẳng giữa chính phủ, báo chí, và ông Obama, đã phơi bày cốt lõi của mối quan hệ tình báo Anh-Mỹ, theo một cách thức sẽ làm cho nước Anh tự hỏi: Sắp tới đây chúng ta đi đâu, và làm sao mà chúng ta còn có thể tin cậy vào Mỹ là một đối tác đáng tin cậy và đáng tín nhiệm?”

Theo các chuyên gia nói, quan hệ hợp tác này là vô giá đối với nền an ninh quốc gia của cả Mỹ lẫn Anh. Và quan hệ này có thể bị nguy hiểm, nếu nước Anh bắt đầu cảm thấy rằng chính phủ Trump không thể được tin cậy.

Theo ông Oliver cho biết, cách đây mấy tháng ông đã báo động rằng sẽ đến một thời điểm, khi Thủ Tướng Theresa May và các bộ trưởng Anh Quốc sẽ chỉ ngồi ở đó, tay ôm đầu, tự hỏi phải làm gì.
Ông Oliver nói thêm, “Ông Donald Trump không có một học thuyết về chính sách ngoại giao. Ông có một thế giới quan đầy xung động. Tòa Bạch Ốc lúc này bắn xung lực này vào nước Anh.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT