Văn Nghệ

Tình yêu dành cho nghệ thuật múa của Vũ Sư Đình Luân

Friday, 23/02/2018 - 08:18:53

Bài múa này đã được chọn để mở màn trong chương trình diễn hành Tết 2016 trên đại lộ Bolsa, và bài múa này cũng đã được chọn để trình diễn trong vở kịch “Hamlet” của đạo diễn Peter Uriberạp tại rạp hát The Strawberry Bowl Festival Amphitheater, từ ngày 25 tháng 6, 2016 đến ngày 23 tháng 7, 2016.

Bài BĂNG HUYỀN

Sức hút của múa với vũ sư Đình Luân

Những khán giả đã đến thưởng thức chương trình Hương Việt 1, Hương Việt 2 là hai buổi diễn (trong năm 2016) gây quỹ nuôi dưỡng bộ môn múa dân tộc Việt Nam cho Vũ Đoàn Việt Cầm và chương trình Hương Tết là buổi diễn đón mừng xuân Đinh Dậu 2017 vào mồng 2 Tết, đều do Vũ Đoàn Việt Cầm tổ chức, hẳn rất thích thú khi được xem chương trình ca vũ nhạc, nhưng các nhân vật chính không phải là những ca sĩ tên tuổi, mà là các vũ công duyên dáng trong trang phục truyền thống Việt Nam đã được cách điệu, nhịp nhàng, uyển chuyển trong từng động tác múa, lúc khoan lúc nhặt trong tạo hình, làm nên tiết tấu lay động cảm xúc người xem.


Vũ sư Vũ Đình Luân giúp vũ công nhỏ của vũ đoàn Việt Cầm mặc trang phục chuẩn bị ra trình diễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Dẫu những bài múa trong các chương trình do Vũ Đoàn Việt Cầm biểu diễn đều là những bài múa trên nền nhạc có lời ca của các ca sĩ nổi tiếng, vốn từng được trình diễn trên nhiều sân khấu của các Trung Tâm Thúy Nga, Asia, Vân Sơn, Đỗ Thanh, Minh Chánh… nhiều năm trước đây, giúp minh họa cho phần trình diễn của các ca sĩ tăng thêm màu sắc.

Những bài múa minh họa đã được dàn dựng khéo léo, người dàn dựng đã hoà mình vào lời ca và sáng tạo ra những động tác múa, mang đến những hình ảnh đẹp, giúp cảm xúc của người xem càng được nhân lên gấp bội, bởi những động tác múa không chỉ làm trang trí cho bài hát, nó còn mang tính gợi tả, làm nhiệm vụ cộng hưởng cái hay của ca khúc.


Bài múa Hầu Đồng chầu Văn “Cô Đôi Thượng Ngàn” do vũ sư Đình Luân dàn dựng (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vũ sư biên đạo múa Vũ Đình Luân là người phụ trách vũ đoàn và cũng chính là người đã dàn dựng nên những bài múa cho vũ đoàn Việt Cầm. Thông qua vũ đoàn Việt Cầm, anh giúp người xem cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy và quyến rũ của nghệ thuật múa, với những tạo hình tuyệt đẹp của ngôn ngữ cơ thể uyển chuyển qua từng động tác của các vũ công và không gian đặc trưng từng vùng miền, từng địa phương, cùng nét duyên dáng của chiều sâu văn hóa Việt Nam từ trang phục dân tộc cách điệu, các đạo cụ với những hình ảnh rất đỗi quen thuộc như chiếc nón lá, chiếc quang gánh lúa, cái trống cơm, chiếc quạt nan…

Vũ sư Đình Luân không chỉ là một biên đạo múa, là người dàn dựng chính cho các bài múa của vũ đoàn Việt Cầm, anh còn là thầy dạy múa cho các em nhỏ trong vũ đoàn, là người tạo mẫu các phục trang, đạo cụ cho các diễn viên trong từng bài múa, là người nhận các show cho vũ đoàn. Còn khi tổ chức show riêng cho vũ đoàn, anh là người làm poster, tìm nơi quảng bá show diễn, thiết kế sân khấu, biên tập dàn dựng các tiết mục, mời các ca sĩ khách mời, bán vé.

Nói chung là kiêm nhiệm đủ thứ. Dẫu kiêm nhiệm nhiều vai trò, rất mệt và cần nhiều tâm sức, nhưng anh vẫn luôn cố gắng làm tròn trong từng việc, vì nếu anh không làm thì đâu có ai thay thế. Mà vũ đoàn thì vẫn còn khiêm tốn về tài chánh, nên không đủ tiền để trả công cho người khác giúp anh lo mọi việc. Nhưng trên tất cả, Vũ Đình Luân vẫn là người đàn ông của múa.

Bài múa trên nền nhạc Chiều Trên Bản Thượng do vũ sư Đình Luân dàn dựng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Nghe cách vũ sư Đình Luân say sưa kể về múa và những câu chuyện xoanh quanh múa, không khó để nhận ra múa luôn chảy trong huyết mạch anh. Kiên định với múa nhiều chục năm trời, từ khi còn ở Việt Nam và qua bên này, vũ sư Đình Luân không bao giờ hối hận về con đường mình đã chọn cho dù con đường đó có rất nhiều chông gai, đòi hỏi sự kiên nhẫn và cái “ngã” rất cao của bản thân phải thấp xuống.

Vũ sư Đình Luân có vẻ ngoài nam tính, nhưng ẩn sâu bên trong là sự bền bỉ, dẻo dai và uyển chuyển của nghệ sĩ múa. Anh cũng là một người tinh tế, khéo léo, thông minh và đầy sáng tạo khi dàn dựng những bài múa trong vai trò biên đạo. Anh luôn tâm niệm, nổi tiếng, thành danh không phải là đích đến. Với anh, điều quan trọng là có môi trường nghệ thuật để được sống và cống hiến với nghề, được thỏa mãn với những gì mình đang có, để gìn giữ vẻ đẹp văn hóa Việt qua từng bài múa do anh dàn dựng.


Bài múa Hầu Đồng chầu Văn “Cô Đôi Thượng Ngàn” do vũ sư Đình Luân dàn dựng (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Múa dân gian đương đại

Theo vũ sư Đình Luân, khi ra hải ngoại, dàn dựng các bài múa cho Vũ Đoàn một thời gian, anh nhận ra rằng những bài múa của anh nếu học và áp dụng y nguyên những gì của phương Tây, biểu diễn lại những gì của họ thì chắc chắn các diễn viên bán chuyên nghiệp của Vũ Đoàn Việt Cầm không thể bằng những diễn viên thuộc vũ đoàn của người Mỹ. Điều quan trọng là phải học cái hay trong múa đương đại phương Tây, kết hợp với múa dân gian dân tộc Việt, để tạo nên những bài múa dân gian đương đại.

Anh nói, “Vì nếu không đậm hồn dân tộc, thì ở hải ngoại đâu có cần Vũ Đoàn Việt Cầm làm gì. Hồn dân tộc tuy nó đơn giản, nhưng đậm đà.”

Vì vậy anh luôn chọn nét đặc trưng nhất trong múa Việt để làm chất liệu sáng tác trong các bài múa của mình. Nhưng cũng không thể dựng những bài múa sử dụng chất liệu múa dân gian dân tộc nguyên bản mà được sáng tạo mới, cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của người xem ngày nay. Anh cho rằng hồn dân tộc trong ngôn ngữ múa dân gian đương đại mới là món ăn “lạ” với khán giả. Anh luôn tâm niệm, một bài múa hay cần có được sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa nguyên bản và ngôn ngữ nghệ thuật cách điệu bảo đảm tính hiện đại của cuộc sống ngày nay.

Từ hoạt động thường ngày như trèo đèo, lội suối, chèo thuyền, giã gạo… anh đã sáng tạo, cách điệu thành vũ điệu độc đáo. Tính dân tộc trong múa dân gian đương đại không đơn giản là động tác, ngôn ngữ, đội hình, tuyến múa, âm nhạc mà đó còn là cái “hồn” trong múa. Để có được cái hồn đó, trong hòa trộn ngôn ngữ múa, bản thân vũ sư Đình Luân cũng giống như một nhà pha chế tài hoa, anh phải biết liều lượng múa dân gian Việt Nam, múa cổ điển châu Âu, múa đương đại phương Tây bao nhiêu là đủ.

Không phải động tác múa dân gian nào cũng có thể “lai” múa đương đại nếu giữa chúng không có sự tương đồng nhất định về luật động, về tiết tấu, tạo hình. Còn phục trang múa những bài dân gian đương đại của vũ đoàn Việt Cầm được vũ sư Đình Luân tạo kiểu dáng cho các vũ công luôn có tính cách điệu táo bạo, gìn giữ những nét đặc trưng nhưng cũng phóng khoáng để biểu hiện cơ thể đẹp, phô diễn được ngôn ngữ động tác tinh tế của múa.

Mối duyên với múa

Nhắc lại con đường đến với nghệ thuật múa, Vũ sư Đình Luân tâm sự, “Tôi là con thứ hai trong gia đình, sau tôi còn có bảy người em, bố tôi làm sở Mỹ, đã rời Việt Nam từ tháng Tư năm 1975 cùng mẹ và bảy em của tôi, tôi và ông anh bị kẹt lại ở Việt Nam. Mười năm sau thì tôi được ba mẹ bảo lãnh qua đây. Chính mười năm bị kẹt lại ở Việt Nam, tôi được học múa dân tộc Việt Nam. Nếu tôi đi từ 1975, chắc là tôi sẽ không biết gì về múa dân tộc Việt Nam hết.”

Anh kể trong thời gian học trung học ở trường, anh đã được chọn vào đội múa trong vai trò vũ công, nhờ vậy nên trong mười năm kẹt lại Việt Nam, anh đã tham gia vào đội múa ở phường, nơi anh sống và được phân công làm trưởng đội múa của phường. Sau đó là trưởng đội múa của quận 3, rồi là trưởng đội múa Nhà Văn Hóa Thanh Niên tại Sài Gòn. Để giữ những vai trò đó, anh được cho đi học múa những khóa học ngắn hạn, khoảng ba tháng, sáu tháng, nhờ vậy anh mới học được múa ballet, các điệu múa dân tộc của người Thái, người Mèo, Khmer… ra sao.

Anh nói, “Sau khi phụ trách đội múa ở Nhà Văn Hóa Thanh Niên một thời gian, tôi có xin vào đoàn ca múa Hương Miền Nam, tại đoàn có thầy Lưu Bình, Lưu Hồng ở đây, tôi đã học thêm với các thầy. Các thầy có nhiều cái hay để học lắm. Đến năm 1985 tôi được bảo lãnh qua Mỹ.”

Ban đầu mới qua Mỹ, vũ sư Đình Luân sống ở tiểu bang Illinois khoảng 9 năm, để kiếm sống, anh xin vào làm công nhân trong hãng Mỹ, lúc đó anh rất nhớ múa, khi đó bạn bè cũ của anh là diễn viên Vân Sơn, Bảo Liêm vốn từng là diễn viên múa như anh trong Đoàn Hương Miền Nam, đã qua Nam California định cư, rủ anh qua sống tại Nam California. Anh quyết định dọn về Nam California vào năm 1998, rồi xin vào Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng.

“Lúc bấy giờ Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng giao cho tôi một vũ đoàn để phụ trách, vì khi đó Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng có đến ba, bốn vũ đoàn lớn, nhỏ. Nhóm những em lớn được thầy Lưu Hồng giao cho tôi hướng dẫn. Nhóm đó có khoảng 15 em vũ công, tuổi từ 17 đến hơn 20 tuổi. Khi đó trung tâm Vân Sơn đã book chúng tôi đi diễn cho trung tâm tại nhiều nước, nơi mà trung tâm Vân Sơn tổ chức show, trực tiếp thu hình. Ngoài diễn cho trung tâm Vân Sơn, chúng tôi có diễn thêm show với trung tâm Thúy Nga (nhưng không đều đặn như với trung tâm Vân Sơn). Bên trung tâm Asia thì chỉ mướn tôi là biên đạo, chứ không có mướn nhóm múa của tôi.”

Vũ sư Đình Luân cho biết nhóm múa của anh khi đi diễn lúc bấy giờ vẫn mang tên là của đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, nhưng sau bảy năm gắn bó với Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, vì không có phòng tập riêng cho nhóm múa, nên anh xin tách khỏi Lạc Hồng, tìm nơi lập trụ sở riêng cho Vũ Đoàn. Đặt tên Việt Cầm cho vũ đoàn để tưởng nhớ bố, vì Việt Cầm là nghệ danh của bố. Bố anh là một nhạc sĩ nghiệp dư.
Vũ sư Đình Luân kể, “Thời đó, khi các trung tâm băng nhạc tại hải ngoại đều sống khỏe nhờ bán được DVD, vì chưa có đĩa lậu, nhóm múa của tôi phụ trách được mời đi diễn trong chương trình của Trung Tâm Vân Sơn tại Canada, Nhật Bản, Đài Loan, phần múa những bài nhạc phương Tây là các vũ công người Mỹ, còn múa Việt Nam là các vũ công Việt Nam.

“Đến năm 2006, các trung tâm tại hải ngoại đều khó khăn vì đĩa in lậu, trung tâm Vân Sơn phải quyết định là chọn vũ đoàn Việt hay vũ đoàn người Mỹ, trung tâm Vân Sơn đã chọn vũ đoàn người Mỹ, vì người Mỹ có thể múa bài múa Việt Nam được, nếu có người dàn dựng cho họ múa, còn vũ công Việt thì lại không múa được những bài múa Mỹ.

“Lúc đó Trung Tâm Vân Sơn cho biết không book vũ đoàn Lạc Hồng do tôi phụ trách nữa, nhưng book riêng tôi dàn dựng những bài múa Việt Nam cho người Mỹ múa. Tôi đã từ chối, vì trước đó tôi có ra luật với các vũ công do tôi hướng dẫn, ai tập luyện chăm chỉ thì được chọn đi show Vân Sơn để đi các nước. Các em ngoan ngoãn, chịu khó tập luyện. Nếu tôi nhận lời Trung Tâm Vân Sơn, khi có show diễn, tôi đi theo Trung Tâm, bỏ lại học trò thì kỳ quá. Với lại nếu tôi đi có các em vũ công của mình thì tôi vui theo, còn đi mình ên thì không vui.”

Sau khi chia tay với Trung Tâm Vân Sơn thời gian ngắn, vũ đoàn Việt Cầm bắt đầu khan hiếm vũ công, một số vũ công lấy vợ, lấy chồng, sinh con. Bấy giờ anh quyết định tuyển thêm những em nhỏ để huấn luyện, đến nay vũ đoàn Việt Cầm đã lên đến hơn 50 em, tuổi từ 6 đến ngoài 40 tuổi. Những năm gần đây, có một số diễn viên của vũ đoàn là diễn viên múa chuyên nghiệp trong nước sang đây định cư, đã gia nhập vào, những em nhỏ lớn lên tại Mỹ, có học ballet trong trường Mỹ, bố mẹ muốn các em học múa Việt Nam, nên nhờ vậy trình độ múa của các vũ công của Việt Cầm hiện nay khá giỏi.

Riêng về gia tài sáng tác những bài múa cho vũ đoàn, vũ sư Đình Luân cho biết anh đã dàn dựng hơn 300 bài múa. Một trong những bài múa được anh ưng ý và cũng được nhiều khán giả ngợi khen đó chính là bài múa trên trên nền nhạc hào hùng, khỏe khoắn của ca khúc Con Rồng Cháu Tiên (nhạc sĩ Trúc Hồ, trích từ CD Đoàn Phi, Y Phương) đã tạo cho người nghe cảm xúc rạo rực, cùng hình ảnh của các vũ công trong trang phục truyền thống với cờ, phướn tung bay và những động tác múa mạnh mẽ, bay bổng, đã khắc hoạ được hình tượng rồng, chim vươn lên tung bay, truyền đi thông điệp ý nghĩa của tác phẩm.

Bài múa này đã được chọn để mở màn trong chương trình diễn hành Tết 2016 trên đại lộ Bolsa, và bài múa này cũng đã được chọn để trình diễn trong vở kịch “Hamlet” của đạo diễn Peter Uriberạp tại rạp hát The Strawberry Bowl Festival Amphitheater, từ ngày 25 tháng 6, 2016 đến ngày 23 tháng 7, 2016.

Ngoài bài múa trên, vũ sư Đình Luân còn dàn dựng nhiều bài múa nhận được nhiều đồng cảm và thích thú của khán giả như bài múa trên nền nhạc Tưởng Như Còn Người Yêu (Nhạc Phạm Duy, thơ Lê Thị Ý) do ca sĩ Ý Lan hát trong cuốn DVD Huế- Sài Gòn- Hà Nội của Trung Tâm Thúy Nga. Bài múa Hầu Đồng chầu Văn “Cô Đôi Thượng Ngàn,” bài múa “Sóc Sờ Bai Sóc Trăng,” bài múa “Chiều Trên Bản Thượng”… đều được trình diễn lại trong chương trình Hương Việt 1, Hương Việt 2 và Hương Tết 2017.

Để hoàn thiện khả năng biên đạo của mình, vũ sư Đình Luân cho biết, “Tôi phải tự trau dồi, học hỏi mỗi ngày, xem các tác phẩm múa trên thế giới, những bài múa trong nước của nhiều biên đạo múa khác nhau. Tôi còn mua các tài liệu về múa từ trường múa tại Việt Nam để học thêm những điệu múa dân tộc để từ đó có nền tảng sáng tạo thêm những điệu múa dân gian đương đại.”

Vũ đoàn Việt Cầm không chỉ trình diễn trong các chương trình của các trung tâm, các đơn vị tổ chức ca nhạc có thù lao, mà vũ đoàn Việt Cầm còn là một tổ chức bất vụ lợi, nên nhận đi diễn thiện nguyện trong các chương trình của các hội đoàn trong cộng đồng. Với mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc qua những điệu múa, nên suốt bao năm qua vũ đoàn mở lớp dạy múa cho các em thanh thiếu niên gốc Việt ở quận Cam với học phí tượng trưng.

Còn những em thuộc gia đình có lợi tức thấp hoặc con của các bà mẹ đơn thân, các ông bố đơn thân, đều được miễn học phí. Những em múa giỏi thì được cho đi diễn trong các chương trình và được tiền thù lao. Vì muốn có tài chánh để duy trì chương trình dạy múa cho các em thanh thiếu niên gốc Việt, nên hằng năm vũ đoàn Việt Cầm thường tổ chức biểu diễn một lần để gây quỹ.


Vũ sư Vũ Đình Luân cùng một phụ huynh giúp vũ công của vũ đoàn mặc trang phục chuẩn bị ra trình diễn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nói về mong ước phát triển vũ đoàn Việt Cầm, vũ sư Vũ Đình Luân bày tỏ, “Vì tài chánh thu vào của vũ đoàn vẫn còn eo hẹp, nên vũ đoàn chưa có đủ nhân viên phụ giúp các sinh hoạt. Chỉ có một mình tôi lo hết mọi việc. Sắp tới, để hoàn thiện chương trình càng ngày càng hay hơn, tôi rất mong có thêm người có chuyên môn trợ giúp mình. Nhưng để tìm được người có nghề đến giúp thì vũ đoàn phải có đủ tài chánh để trả lương cho họ. Đôi khi cái khó bó cái khôn. Tôi rất mong các mạnh thường quân có lòng với nghệ thuật múa Việt Nam hãy bảo trợ cho vũ đoàn Việt Cầm. Bản thân tôi không giỏi viết đơn xin fund của chính phủ, nếu ai có khả năng, rất mong quý vị hãy liên lạc.”

Quý vị nào muốn ủng hộ thêm cho vũ đoàn Việt Cầm để có tài chánh hoạt động, tiếp tục nuôi dưỡng bộ môn múa dân tộc Việt Nam, xin gửi check payable to Viet Cam Dance, và gửi về 9315 Bolsa Ave. #901, Westminster, CA 92683. Email liên lạc: vietcamperformingarts@yahoo.com - hay vào trang nhà www.vietcamdance.com.

Quý vị muốn tìm hiểu thêm về vũ đoàn Việt Cầm, hãy vào trang web www.vietcamdance.com. Địa chỉ: VietCam Dance Studio, 10131 Westminster Ave. (góc đường Brookhurt St.) bên trong chợ Saigon Market, 2nd floor # 209, Garden Grove, CA 92843. Điện thoại (714) 473-9363.
Thư từ xin gửi về 9315 Bolsa Ave. # 901 Westminster, CA 92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT