Bình Luận

Tình xóm riềng

Friday, 09/08/2019 - 06:57:15

Trong số báo phát hành ngày thứ Hai, mùng 5 tháng Tám, 2019, tờ The New York Times đăng một chuyện xảy ra từ ngày 22 tháng Bảy -hai tuần trước. Việc loan tin trễ là việc tối kỵ, tờ báo lớn này thường tránh.


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trong số báo phát hành ngày thứ Hai, mùng 5 tháng Tám, 2019, tờ The New York Times đăng một chuyện xảy ra từ ngày 22 tháng Bảy -hai tuần trước. Việc loan tin trễ là việc tối kỵ, tờ báo lớn này thường tránh.
Nhưng lần này họ trịnh trọng đăng lên, vì cái tin nhỏ đó đi cùng một loạt với tin người dân El Paso đoàn kết trong tang khó, sau khi cậu thanh niên Patrick Crusius, 21 tuổi xách cây AK47 vượt 500 dặm đường đi từ Bắc Texas xuống thành phố ven biên El Paso để “giết càng nhiều người Mễ càng tốt,” trừng phạt họ về cái tội họ xâm chiếm đất Mỹ, sống trên đất Mỹ đủ lâu để trở thành công dân Mỹ, rồi sử dụng phiếu bầu, bầu những viên chức dân chủ vào chính quyền hầu bênh vực họ.

Việc Crusius chưa đầy 22 tuổi, giết 22 người -vừa người Mễ lẫn người Mỹ tại El Paso- đang làm khó tổng thống. Để tránh ảnh hưởng xấu cho cuộc bầu cử sang năm, Trump lên án nặng hành động “giết quân xâm lăng” của cậu tín đồ Crusius -cậu cuồng tín với đạo “chống quân xâm lăng đến từ Nam Mỹ” của Trump.
Trong lúc đó Thống Đốc Mike DeWine, tiểu bang Ohio, cũng chống việc bán súng bừa bãi, giúp bọn thích giết người có trong tay những khẩu súng có khả năng giết nhiều người trong vài phút ngắn ngủi.
Ông tuyên bố sẽ áp dụng “luật cờ đỏ” (”red flag” law), sau khi Ohio cũng bị một người hùng Mỹ Trắng -anh Connor Betts, 24, nổ súng giết 9 người.

Cảnh sát phản ứng nhanh chóng, bắn hạ anh ngay trong nửa phút sau đó.
Ông DeWine, một thống đốc Cộng Hòa, có phản ứng chống súng nhanh chóng như vậy, vì ông gặp phản ứng của dân chúng thành phố Dayton khi ông đến thăm những nạn nhân bị anh Betts bắn.
Giữa đám đông, ông nghiêm chỉnh đứng lên, toan nói với mọi người là ông sẽ có biện pháp để bảo vệ mạng sống của họ chống những kẻ điên rồ có quyền mua súng bắn họ. Nhưng ông vừa mở miệng thì đám đông quần chúng đã giận dữ quát lên, “Do something!”,“Do something!”, ... Suốt nửa tiếng đồng hồ, mỗi lần ông mở miếng là họ lại đồng thanh quát lên khẩu hiệu, “Đừng nói gì nữa cả, Do something.”
Ngay sau hai vụ nổ súng đó, Nghị Sĩ Cory Booker lên án Tổng Thống Donald Trump và luận điệu kỳ thị chủng tộc của ông đã gây ra cuộc thảm sát El Paso.

Booker nói trên đài CNN, “Donald Trump phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát tại El Paso, vì ông ta thường xuyên khơi dậy nỗi sợ hãi, thù hận và cố chấp.”
Trong chương trình Face The Nation của CBS, ứng cử viên tổng thống Beto O”Rourke cũng khẳng định là Trump phải gánh vác trách nhiệm về việc giết người tại El Paso.
Beto nói, “Ông ta bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 bằng cách gọi người Mễ là những kẻ hiếp dâm và tội phạm; sau khi đắc cử, với tư cách tổng thống, ông ta mô tả những người xin tị nạn ở biên giới Mỹ-Mexico là bọn xâm nhập; ông ta mô tả những người không phải người Mỹ trắng là bọn nguy hiểm, bọn khiếm khuyết. Chính sách và ngôn ngữ đó đã gây ra khiếp sợ, và gây ra phản ứng -như mọi người vừa chứng kiến tại El Paso.”

Nghị Sĩ Bernie Sanders nói với cử tọa tại trường trung học Cheyenne - vùng Bắc Las Vegas- là ông đã yêu cầu Nghị Sĩ Mitch McConnell -trưởng Khối Đa Số Thượng Viện- hủy bỏ cuộc nghỉ ngơi của Thượng Viện để các nghị sĩ trở lại nghị trường thảo luận và giải quyết cuộc tàn sát tại El Paso hôm thứ Bảy 3/8/2019.
Việc giết 22 người tại El Paso, còn đang là vết thương rỉ máu, thì vụ người điên Ohio, dùng súng bắn chết thêm 9 người nữa, khiến ông Sanders nhận định, “Ngần đó người bị súng giết trong hơn hai năm vừa rồi phải được coi là đủ thê thảm để chính phủ quyết định cấm bán súng trận, loại súng tự động giết người thật nhanh, và thật nhiều.”
Sanders còn nói là ông mới khuyến cáo ông Trump, “Xin tổng thống thôi đừng nói đi, nói lại những luận điệu kỳ thị chủng tộc, chống di dân nữa. Luận điệu đó chỉ đưa đến bạo động."
Nửa đêm thứ Bảy, tổng thống xác định lập trường qua Twitter; ông viết:
“Cuộc nổ súng tại El Paso, Texas, hôm nay không chỉ bi thảm thôi, mà hành động đó còn hèn hạ nữa. Tôi biết chỗ đứng của tôi là đứng sát cánh với toàn thể mọi người trên đất nước này để lên án hành động thù hận vừa xảy ra. Không lý luận nào giúp chứng minh quyền giết người vô tội."
Việc cậu Crusius ca tụng việc một người da trắng giết và gây thương tích cho hàng trăm tín đồ người Hồi tại hai thánh đường Hồi giáo tại Tân Tây Lan, rồi cậu bắt chước việc đó, giết 22 người Mễ tại Texas; và việc tờ The New York Times đăng tin cũ, ca tụng việc cứu hai bố con người Mễ di dân bất hợp pháp xảy ra tại tỉnh Nashville, tiểu bang Tennessee do khoảng trên chục thanh niên, thiếu nữ Mỹ trắng và Mỹ da mầu đứng ra cáng đáng, có thể là một cuộc so sánh kín đáo.

Người di dân lậu cùng đứa con trai 12 tuổi vừa đi làm về sau một ngày lao lực cực nhọc; ông bố và cậu con nhỏ phụ việc vừa ngừng chiếc Van cũ kỹ trước cửa, thì một chiếc Van thứ nhì, mới hơn, không mang bảng số công xa cũng ngừng ngoài đường bít kín cái drive way- lối thoát duy nhất của hai bố con người di dân lậu.
Hai viên chức ICE (cảnh sát di dân) đeo súng, bước tới ra lệnh cho bố con anh di dân “xuống xe”, nhưng hai kẻ mắc bẫy không xuống, mặc dù đứa bé sợ đến run lên; họ đã được tổ chức “Tennessee Immigrant Refugee and Rights Coalition” (Liên minh người tị nạn và quyền của người nhập cư Tennessee) căn dặn là không xuống xe, không ra khỏi nhà, dù cảnh sát ICE ra lệnh cho họ.
Hai bên giằng co gây náo động trong xóm nghèo lao động, một nhóm thanh niên nam nữ nắm tay nhau “kết vòng đai nhỏ” bảo vệ chiếc Van và 2 bố con người di dân lậu.


Một nhóm thanh niên nam nữ nắm tay nhau “kết vòng đai nhỏ” bảo vệ chiếc Van và 2 bố con người di dân lậu. (Nashville Noticias/Bustle)

Hai viên chức ICE gọi cảnh sát đến tăng cường, cảnh sát Nashville đến, nhưng họ chỉ đứng quan sát, không can thiệp, vì thành phố Nashville chủ trương không tiếp sức với ICE.
Anh di dân ngồi trong xe báo động với lực lượng bảo vệ anh là chiếc Van gần hết xăng, mà xe lại cần nổ máy để máy lạnh giữ không khí bên trong đủ mát cho hai bố con sống trong khu an toàn nhỏ bé trong xe.
Một người tình nguyện đi mua xăng, về đổ vào xe, kéo dài tình trạng chống ICE bắt giữ người di dân, trong lúc dân trong xóm gọi điện thoại báo tin cho những tổ chức bảo vệ người di dân.
Cuối cùng, hai viên chức ICE lên xe, bỏ đi; hai bố con anh di dân xuống xe, vào nhà trong tiếng reo vui của những người trẻ đã cứu họ.

Được báo động phóng viên truyền thông kéo lại, một người trong xóm, ông Stacey Farley bảo cô phóng viên Newsweek, “Gia đình người di dân được cứu thoát đã sống trong xóm này suốt 14 năm vừa qua; họ siêng năng cần mẫn, và không bao giờ làm phiền chòm xóm.”
Việc họ thoát nạn được nhiều tờ báo lớn trong nước, và nhiều đài truyền hình tường thuật.
Nhỏ như chuyện xóm riềng cứu hai bố con anh di dân lậu tại Nashville, và lớn như cuộc tàn sát vừa xảy ra tại El Paso đều là những diễn biến bất lợi cho tổng thống trong cuộc tuyển cử 2020; không biết người Nga còn có bí quyết nào giúp ông tái đắc cử, như họ đã giúp ông đắc cử năm 2016, hay không?

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT