Thể Thao

Tình hình bóng đá Mỹ trong những ngày này

Monday, 29/08/2016 - 08:39:08

Càng ngày các đội bên Mỹ này càng đấu có nét lắm chứ không phải chuyện chơi. Của đáng tội, vì không phải đội tuyển quốc gia cho nên hàng ngũ đội nào cũng đều có "ngoại nhân" trong hàng ngũ của mình!


Khán giả tí hon đi xem trận giữa New Your Red Bulls với New England Revolution tại sân Red Bulls Arena bên New Jersey.

Joao Moutinho của Monaco, áo trắng viền đỏ, ghi bàn thắng trong trận Monaco thắng đương kim vô địch Paris Saint Germain 3-1 tại sân Luois II ở Monaco.

Bradley Wright-Phillips (99) của New York Red Bulls giữ banh trong trận Red Bulls thắng New England Revolution 1 - 0 ngày Chủ Nhật. (Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images)

Tình hình bóng đá Mỹ trong những ngày này

Bài THANH NGUYỄN

Ở trên đất Mỹ nói chuyện đá banh mà không nhắc nhở gì đến tình hình "bóng đá nhà" thì có khi dễ bị mang tiếng là "vọng ngoại" nếu như chỉ thường xuyên nhắc nhở đến những gì xảy ra bên Âu châu. Nhưng của đáng tội thì Âu châu với 50 nước, (51 nếu tính cả Vatican ) rốt cuộc khi bàn chuyện bóng đá người ta cũng chỉ quanh năm nhắc nhở đến tình hình của 5 nhóm câu lạc bộ hàng đầu của Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.

Tất cả những nước khác trên cả thế giới chứ không riêng gì ở Âu châu thì rốt cuộc với những giải lớn quốc tế trước sau gì cũng có dịp để trình diện với thế giới đội tuyển quốc gia của mình. Cấp thế giới thì có giải World Cup. Cấp các châu thì có những giải như UEFA Championship, hoặc các giải tương tự của AFC cho Á châu, CAF cho Phi châu, CONCACAF cho Bắc, Trung Mỹ và vùng biển Caribbean, CONMEBOL cho Nam Mỹ.

Mỗi đội tuyển quốc gia đều lấy cầu thủ từ các đội trong nước, do đó mà tuy không bàn đến những nhóm câu lạc bộ bóng đá khác một cách thường xuyên, ngoài 5 nhóm Premier League, Ligue 1, Bundesliga, Serie A và La Liga nhưng trước sau gì đến ngày đến giờ thì các tinh hoa trong bóng đá của mỗi nước đều xuất đầu lộ diện cho ta có dịp chiêm ngưỡng tài nghề.

Chỉ có điều là đến chừng đó, chẳng hạn như gặp đội tuyển của xứ Nigeria thì người xem không khỏi buột miệng: "Ủa? Cái anh này...Cái anh kia... và anh kia nữa .. Sao trông quen mặt vậy nhỉ?" Chứ còn gì nữa! Quen mặt bởi vì trước hết họ là tinh hoa của nước họ; và bình thường ra, khi đất nước chưa gọi đến thì họ hẵng cứ đi "làm ăn xa", đấu đá cho không đâu khác hơn là 5 nhóm câu lạc bộ bóng đá mà ta thường quan tâm theo dõi!

Và nếu theo dõi cho thật kỹ thì với 5 nhóm câu lạc bộ bóng đá hàng đầu châu Âu, mỗi nhóm với chừng 20 đội, mỗi đội với trung bình 20 cầu thủ, tổng cộng vị chi là 2,000 cầu thủ, thì điều đập vào mắt là chỉ có dăm ba cầu thủ USA!

Ngược lại, nhìn vào các đội banh của nhóm câu lạc bộ bóng đá hàng đầu MLS của Mỹ với 17 đội cộng thêm 3 đội của Canada , (chẳng khác gì đội Monaco cùng gia nhập Ligue 1 bên Pháp) thì ta lại thấy khá nhiều cầu thủ ở các nước khác đầu quân.

Cũng chẳng có gì lạ! Một khi mà đội tuyển quốc gia nam, gồm cầu thủ quốc tịch Mỹ, mà vẫn chỉ đứng quanh quẩn ở hạng thứ 26 như bảng xếp hạng được cập nhật của FIFA, thì xứ này cần thêm thời gian để môn bóng đá trở thành thực sự là "một món nghề" về thể thao trong khi các môn như baseball, football, bóng rổ... vẫn còn là những môn hàng đầu trong nước!

Năm trước đây, ở xứ này đã có bài báo cho rằng dân Mỹ bắt đầu thích môn bóng đá hơn là môn Cricket , một môn thể thao có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 16 tận bên Anh! Nhưng môn Cricket ở xứ này thì có nhằm nhò gì so với Football kiểu Mỹ hoặc Baseball, bóng rổ, v.v.?

Vậy thì trong khi mùa bóng 2016-17 chỉ mới vừa bắt đầu lai rai bên Âu châu thì tình hình nhóm MLS ở Mỹ này đã đi đến đâu? Ai có dịp tò mò theo dõi ba trận đấu trong ngày Chủ Nhật 28/8 giữa New York Red Bulls với New England Revolution (Red Bulls thắng 2-1), hoặc giữa Portland Timbers với Seattle Sounders (Portland thắng 4-2) và Orlando City với New York City  Orlando thắng 2-1) thì sẽ để ý đến hai điều: Một là bên Mỹ này các đội banh thích đấu ban ngày; có nắng nôi đến mấy thì cả cầu thủ lẫn khán giả đều không "care"!

Và hai là chắc chắn trận nào cũng đông đảo người xem chả thua gì gì một trận bên Anh, bên Đức hay bên Tây Ban Nha. (Các trận bên Pháp và Ý thì trừ trận lớn với những đội hàng đầu, chứ còn bằng không thì số khán giả rất thất thường).

Thêm một nhận xét thứ ba: Càng ngày các đội bên Mỹ này càng đấu có nét lắm chứ không phải chuyện chơi. Của đáng tội, vì không phải đội tuyển quốc gia cho nên hàng ngũ đội nào cũng đều có "ngoại nhân" trong hàng ngũ của mình!

Vị trí địa dư khác nhau, thời tiết mùa màng khác nhau cho nên mùa bóng đá của Mỹ không như bên Âu châu. Nó được tính cho hàng năm! Chẳng hạn như mùa bóng 2016 thì tháng 10 tới đây là kết thúc. Hầu hết các đội đều đã đấu từ 25 đến 27 trận, và ai nấy trong năm cũng chỉ đấu tất cả 34 trận.

MLS được chia làm hai khu vực; khu vực miệt Đông (Eastern Conference) và khu vực miệt Tây (Western Conference).

Tính cho đến ngày Chủ Nhật 28/8 thì bên miệt Đông ba anh hàng đầu là Toronto FC, New York City FC và New York Red Bulls FC (FC tắt cho Football Club).

Bên miệt Tây thì đầu bảng hiện nay là FC Dallas, Real Salt Lake và Colorado Rapids. Ở Nam California ta vẫn thường nghe nhắc nhở đến đội LA Galaxy vì trước đây báo chí truyền thông vẫn thích nhắc nhở đến Landon Donovan là kiện tướng của LA Galaxy. Đội này hiện đang đứng hạng 4!

Trong khi ba đội của MLS quần thảo với nhau trên đất Mỹ ngày Chủ Nhật 28/8 thì các hệ thống truyền hình lớn trong nước như Fox, NBC, ESPN, beIN Sports vẫn tập trung tiếp vận các trận lớn bên Âu châu! Hôm nay người ta đặc biệt theo dõi trận giữa Manchester City với West Ham United bên Anh để coi xem sau khi đấu xong trận thứ 3 thì M.C. thắng hay thua để còn so sánh nó với Manchester United và Chelsea là 2 đội đang đứng đầu bảng vì đã đấu xong 3 trận.

Kết quả là Manchester City thắng West Ham 3-1 do đó mà căn cứ vào số điểm của cả 3 trận lẫn tổng số bàn thắng ghi được thì Manchester City nay leo lên đầu bảng, Chelsea đứng nhì và Manchester United đứng ba; điều khiến tay huấn luyện người Bồ Đào Nha là Jose Mourinho ấm ức không ít vì ông ta cốt kèn cựa với huấn luyện viên người Catalan là Pep Guardiola của Manchester City chứ không nhắm vào ông người Ý Antonio Conte! Hai ông kia kèn cựa với nhau từ thời Mourinho còn là HLV cho Real Madrid và Guardiola chỉ huy đội Barcelona bên Tây Ban Nha!

Thứ đến là người ta theo dõi trận bên Pháp giữa Monaco với đương kim vô địch Paris Saint Germain để coi xem sau khi đấu trận thứ ba này nữa thì PSV đứng hạng mấy!

Ở bài trước bài này người viết đã có nhận định là Monaco không phải “thứ thường” bên Pháp cho nên đấu với nó thì PSG chẳng có gì bảo đảm là chắc ăn! Vậy thì sau 90 phút đấu trong ngày Chủ Nhật, Monaco thắng PSG 3-1, leo lên đầu bảng, còn anh đương kim vô địch thì tạm tụt xuống hạng 5!

Cay đắng nhất cho tân huấn luyện viên Unai Emery người tây Ban Nha của PSG là lúc ở tỷ số thua 1-2, PSG đang lo gỡ trối chết thì phút thứ 80, từ một quả banh bên cánh phải cấm địa PSG do cầu thủ Monaco chuyền ngang qua mặt khung thành cho đồng đội mình thì cầu thủ Aurier của PSG chạy ù vào để cản banh. Cản hay ho thế nào mà banh lại bay thẳng vào lưới của đội mình! Cậu Aurier này mấy tháng trước đây trong một giải quốc tế cũng đã thực hiện được một màn "gậy ông đập lưng ông" kiểu như vậy!

Còn miệt dưới Tây Ban Nha thì Barcelona đã phải một phen hú vía sau khi thắng Athletic Bilbao 1-0 mà suýt bị hòa; đúng như tay HLV Luis Enrique của Barcelona tuyên bố trước trận đấu rằng "Xưa nay tụi tôi mà đấu với đội Athletic ở sân nhà của họ là gay go lắm"! Đúng quá!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT