Thế Giới

Tình hình Biển Đông: Trung Cộng dọa sẵn sàng "giương ná bắn" sau khi đặt súng phòng không trên các đảo, VN im re

Thursday, 15/12/2016 - 08:42:52

Trong khi đó, Cộng Sản Việt Nam chưa lên tiếng về khám phá của viên nghiên cứu Mỹ trong hai ngày qua.
Như Hoa Kỳ, chính phủ Úc cũng bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc trên thủy lộ bị tranh chấp.

Hình chụp từ vệ tinh của DigitalGlobe trong tháng 11 vừa qua cho thấy đảo san hô Gaven Reefs tại Biển Đông, mà Việt Nam gọi là Đá Ga Ven hay Đá Lạc, đã bị Trung Cộng chiếm và xây dựng các cấu trúc bị nghi là cho mục tiêu quân sự. (DigitalGlobe/ Getty Images)


BẮC KINH – Trung Quốc lên tiếng bênh vực quyền của họ lập “những cơ sở quân sự cần thiết” trên những hòn đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông, sau khi một viện nghiên cứu ở Hoa Kỳ nói rằng Bắc Kinh đã đặt những thứ vũ khí như các hệ thống phòng không và chống hỏa tiễn.

Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI - Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu), tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quốc Tế, đã tiết lộ với hãng tin Reuters trước tiên vào ngày thứ Tư vừa qua, về những điều họ khám phá trên các đảo nhân tạo. Những khám phá này là dựa trên việc phân tích những hình ảnh do vệ tinh chụp các đảo, trên lộ tuyến thương mại chiến lược ấy. Một số quốc gia tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở đó.
Trước đây Hoa Kỳ đã chỉ trích điều mà họ gọi là việc Trung Cộng muốn quân sự hóa các tiền đồn trên biển. Mỹ nhấn mạnh nhu cầu cần quyền tự do hàng hải, bằng cách thực hiện những cuộc tuần tra theo định kỳ của không quân và hải quân ở gần những tiền đồn ấy, khiến cho Bắc Kinh nổi giận.

Vào ngày thứ Năm, trong một văn bản trên trang web của Bộ Quốc Phòng, Trung Cộng nói rằng việc xây dựng mà họ đã thực hiện trên những hòn đảo và đá ngầm, trong vùng quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp, “chính yếu là để dùng vào mục đích dân sự.”

Bộ Quốc Phòng nói, “Về những cơ sở quân sự cần thiết, chúng chính yếu là dành cho quốc phòng và tự vệ, và là hợp lệ và hợp pháp. Nếu ai đó biểu dương lực lượng ngay cửa trước nhà bạn, bạn sẽ không sẵn sàng giương ná bắn hay sao?”

Hoa Kỳ đã thực hiện bốn chuyến tuần tra theo quyền tự do hàng hải. Họ xem đó là một thách thức đối với việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông trong vòng một năm qua, gần đây nhất là trong tháng Mười.

Theo AMTI cho biết, những hình ảnh vệ tinh của những hòn đảo, mà Trung Quốc đã xây dựng trong vùng quần đảo Trường Sa, cho thấy những khẩu súng phòng không, và những thiết bị có lẽ là các hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS), để chống lại những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình.

Những hình ảnh khác cho thấy những tòa tháp có lẽ chứa radar nhắm mục tiêu.
Bắc Kinh xem những hòn đảo ấy là lãnh thổ của họ, và thường nói rằng họ có quyền lập những cơ sở phòng thủ thủ hạn chế và cần thiết trên các đảo.

Theo giám đốc Greg Poling của AMTI cho biết, viện nghiên cứu này đã bỏ ra nhiều tháng để tìm hiểu mục đích của những cấu trúc được cho thấy trong những hình ảnh ấy.

Ông nói với hãng tin Reuters, “Đây là lần đầu tiên mà chúng tôi tin chắc khi nói rằng những cơ sở ấy là những hệ thống chống phi cơ và những ụ CIWS. Trước đó chúng tôi không biết rằng họ có hệ thống lớn và tối tân đến thế.”

“Đây là việc quân sự hóa. Người Trung Hoa có thể lập luận rằng đó chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Nhưng nếu người đang xây dựng những ụ súng phòng không và CIWS khổng lồ, thì đó có nghĩa là người ta đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai.”

Trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Geng Shuang (Cảnh Sảng) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông “không hiểu” về tình trạng được đề cập đến trong bản phúc trình của AMTI.
Ông nói, “Quần đảo Nam Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở và những cơ sở phòng thủ lãnh thổ cần thiết trên lãnh thổ của Trung Quốc là điều hoàn toàn bình thường.” Nam Sa là tên mà Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa.

“Nếu việc Trung Quốc xây dựng những cơ sở bình thường, và khai triển các cơ sở phòng thủ lãnh thổ cần thiết trên hòn đảo của nước này, được coi là việc quân sự hóa, thì việc những đội tàu thuyền đi vào Biển Đông là gì?”

Phi Luật Tân, một trong số những quốc gia tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nói rằng họ vẫn đang kiểm chứng bản tin về súng phòng không của Trung Cộng.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana nói, “Nhưng nếu đúng đó là một mối quan tâm lớn đối với chúng tôi và cộng đồng quốc tế sử dụng những lộ tuyến trên Biển Đông cho hoạt động thương mại, thì điều đó có nghĩa là việc Trung Quốc đang quân sự hóa khu vực đó là điều không tốt.”

Ông Lorenzana nói như vậy trong chuyến đi thăm Singapore với Tổng Thống Rodrigo Duterte. Ở đó ông cũng nói rằng Hoa Kỳ đã đồng ý bán cho Hải Quân Phi Luật Tân hai hệ thống radar tối tân, để tăng cường khả năng giám sát của hải quân ở Biển Đông.

Trong khi đó, Cộng Sản Việt Nam chưa lên tiếng về khám phá của viên nghiên cứu Mỹ trong hai ngày qua.
Như Hoa Kỳ, chính phủ Úc cũng bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc trên thủy lộ bị tranh chấp.

Ngoại Trưởng Julie Bishop nói, “Việc xây dựng các đảo nhân tạo, và việc quân sự hóa có thể diễn ra, đang tạo nên một môi trường căng thẳng và nghi ngờ giữa các bên tranh chấp và những quốc gia khác trong khu vực.”
Tổng Thống đắc cử Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng, đã chỉ trích hành vi ứng xử của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi ông báo hiệu rằng ông có thể áp dụng một lối tiếp cận với thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, cứng rắn hơn so với Tổng Thống Barack Obama.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ không bình luận về những vấn đề tình báo. Nhưng phát ngôn viên John Kirby nói thêm, “Chúng tôi luôn kêu gọi Trung Quốc, cũng như những nước khác đòi chủ quyền, hãy cam kết đối trị và giải quyết các cuộc tranh chấp một cách ôn hòa, kiềm chế việc khai hoang lấn biển, xây dựng những cơ sở mới, và quân sự hóa những nơi bị tranh chấp.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT