Thế Giới

Tình hình Biển Đông: Phi, Nhật kêu gọi tôn trọng luật pháp; Trung Cộng phóng vệ tinh theo dõi biển; Việt Nam đưa hỏa tiễn ra Trường Sa; Mỹ tăng thêm phi cơ thả bom B-2

Friday, 12/08/2016 - 07:17:34

Theo nhật báo Nam Hàn Korea Joongang ngày thứ Tư vừa qua, Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã điều động ba máy bay thả bom tàng hình B-2, từ căn cứ không quân Whiteman ở Missouri tới căn cứ Anderson trên đảo Guam.

Chuẩn bị cho chiến tranh trên Biển Đông?
Trong hình không đề ngày, người ta thấy hai chiến đấu cơ của Trung Cộng đang thao dượt trong cuộc tập trận tại Biển Đông, về phía nam của đảo Hải Nam trong tháng Bảy vừa qua. Trong tuần này, Hoa Kỳ đã quyết định đưa thêm ba phi cơ thả bom B-2 đến căn cứ Guam, nhằm đối phó mối đe dọa của Trung Cộng đối với các nước trong vùng, đặc biệt là Việt Nam và Phi Luật Tân. (STR/ Getty Images)


Máy bay thả bom tàng hình B-2 của Hoa Kỳ (Wikipedia)

MANILA - Tình hình tại Biển Đông đang cuốn hút các quốc gia vào một cuộc đấu trí đầy căng thẳng, trong lúc các nước âm thầm thực hiện những công tác quân sự nhằm giành lợi thế tại Biển Đông, đề phòng trường hợp xảy ra xung đột để giành chủ quyền trên vùng biển rất quan trọng này.
Trên mặt nổi, ngoại giao vẫn là phương pháp được áp dụng để giải tỏa căng thẳng. Trong ngày thứ Năm, cả hai Nhật Bản và Phi Luật Tân cùng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ quy tắc thượng tôn pháp luật, trong việc giải quyết những vụ tranh chấp biển. Hai quốc gia nhắc tới phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ những tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền trên phần lớn Biển Đông.

Ngoại Trưởng Nhật Fumio Kishida đã gặp Ngoại Trưởng Phi Luật Tân Perfecto Yasay tại thành phố Davao ở miền nam Phi Luật Tân. Tại đây cả hai vị bộ trưởng cam kết hợp tác chặt chẽ để tăng cường an ninh hàng hải, trong khi mỗi quốc gia phải đối phó với Trung Quốc trong những cuộc tranh chấp riêng biệt.
“Chúng tôi đã đồng ý rằng trong việc theo đuổi các giải pháp cho cuộc xung đột ở khu vực hải dương, điều quan trọng là phải dựa vào việc thượng tôn pháp luật, và vận dụng những biện pháp hòa bình, chứ không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng bức,” Ngoại Trưởng Nhật Kishida nói, đề cập đến phán quyết của tòa án trọng tài được quốc tế ủng hộ, được công bố trong tháng Bảy vừa qua.

Trong bài phát biểu của ông, Ngoại Trưởng Yasay nói, “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hãy bảo đảm rằng nền an ninh hàng hải và việc thượng tôn pháp luật phải được tôn trọng một cách hoàn toàn và không thỏa hiệp.”

Nhật Bản và Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong một cuộc tranh chấp kéo dài về những hòn đảo nhỏ không có người ở, trên vùng biển Hoa Đông. Trong khi đó, Manila và Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau ở Biển Đông.

Hôm thứ Ba tuần này, Ngoại Trưởng Kishida đã triệu tập Cheng Yonghua (Trình Vĩnh Hoa), đại sứ của Bắc Kinh tại Đông Kinh, sau khi xảy ra những vụ mà Nhật Bản gọi là “xâm nhập” của các tàu Trung Quốc, ở gần quần đảo bị tranh chấp, trong năm ngày liên tiếp.

Tình hình căng thẳng do những vụ tranh chấp đã tăng lên, từ khi tòa án đưa ra phán quyết. Trung Quốc giận dữ bác bỏ phán quyết ấy, và loan báo sẽ trừng phạt việc đánh cá “bất hợp pháp” trong vùng biển của Trung Quốc, bao gồm các khu vực bị tranh chấp.

Ông Yasay nói, “Chúng tôi có kinh nghiệm tương tự trong Biển Hoa Đông và Biển Đông, liên quan tới một số hành động sử dụng vũ lực, đe dọa, khiêu khích, nhằm khẳng định lời tuyên bố chủ quyền của một nước trên một vùng lãnh thổ cụ thể.”

Ông Kishida nói rằng, mặc dù nước ông không đòi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với “các nước có liên quan,” trong việc giải quyết một cách ôn hòa những vụ tranh chấp vùng biển.

Ông cam kết rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục viện trợ cho Phi Luật Tân, để tăng cường khả năng an ninh hàng hải của nước này.

Trước đó một số chiếc tàu tuần tra, đã được Tokyo cam kết với Benigno Aquino, người tiền nhiệm của Tổng Thống Rodrigo Dutert, sẽ bắt đầu đến Manila vào cuối tháng này.

Vệ tinh Trung Cộng theo dõi Biển Đông

Bắc Kinh vừa phóng một vệ tinh mới lên quỹ đạo của trái đất, nói rằng mục tiêu là nhằm bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc, theo tin đăng trên tờ China Daily ngày thứ Năm, 11 tháng Tám.
Tờ báo cho biết vệ tinh Gaofen 3 (Cao Phân 3) được phóng lên quỹ đạo hôm thứ Tư và được
trang bị một hệ thống radar có khả năng chụp hình từ không gian với độ phân giải cao và có thể hoạt động trong mọi thời tiết.

Ông Từ Phú Tường (Xu Fuxiang), phụ trách dự án phóng vệ tinh này, nói với tờ China Daily, “Vệ tinh Cao Phân 3 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát môi trường biển, các đảo và bãi đá, cũng như tầu bè và các giàn khoan dầu. Các vệ tinh Cao Phân 3 sẽ rất có ích trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hàng hải quốc gia.”

Trong tuần này, hãng tin Reuters đưa tin Việt Nam đã âm thầm đưa các dàn phóng hỏa tiễn đến một số hòn đảo tại Trường Sa. Những dàn phóng này có thể được di chuyển dễ dàng từ đảo này qua đảo khác, được xem là có khả năng đối phó phi cơ của Trung Cộng trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên biển.
Đầu tuần này, giới truyền thông Tây Phương cũng cho biết Trung Cộng đã xây dựng một số nhà chứa máy bay trên một số đảo đang có tranh chấp trong tháng Bảy, và đó có thể là lý do khiến Việt Nam phải bí mật đưa hỏa tiễn ra Trường Sa.

Mặc dù Việt Nam đã phủ nhận sự việc đưa hỏa tiễn di động ra các đảo ở Biển Đông, Bắc Kinh vẫn lớn tiếng dọa nạt Hà Nội.

Trong ngày thứ Năm, một bài viết trên Nhân Dân Nhật Báo, một tờ báo nổi tiếng với ngôn từ đao to búa lớn, được xem là cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã đưa ra lời đe dọa dành cho nước láng giềng ở phương Nam: “Nếu đợt triển khai hỏa tiễn mới nhất của Việt Nam là nhắm vào Trung Quốc, thì đó sẽ là một sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ nhớ và rút ra một số bài học từ lịch sử.”

Trong cùng ngày, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cũng là một cơ quan tuyên truyền của Bắc Kinh, đã nhắc đến chi tiết các “viên chức Tây phương” đã tiết lộ tin về dàn phóng hỏa tiễn của Việt Nam cho hãng tin Reuters, và Bắc Kinh cảnh cáo các nước trong khu vực Biển Đông, kể cả Việt Nam, phải “cảnh giác” trước âm mưu của Tây Phương, lợi dụng phán quyết của Tòa Trọng Tài gây bất lợi cho Trung Quốc để gây thêm căng thẳng trong khu vực.

Mỹ đưa thêm phi cơ thả bom đến Guam

Tiếp sau việc điều động phi cơ thả bom B-1 tới Guam, một đảo của Mỹ nằm gần Biển Đông, quân đội Hoa Kỳ vừa đưa thêm phi cơ tối tân B-2 đến căn cứ quân sự này. Quyết định của Mỹ là nhằm đối phó trước sự phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Theo nhật báo Nam Hàn Korea Joongang ngày thứ Tư vừa qua, Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã điều động ba máy bay thả bom tàng hình B-2, từ căn cứ không quân Whiteman ở Missouri tới căn cứ Anderson trên đảo Guam.

Máy bay tàng hình B-2 có khả năng mang bom thông thường và cả bom nguyên tử, tầm hoạt động là 19,000 cây số mà không cần tiếp tế nhiên liệu.

Vào cuối tuần qua, Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương cũng đã ra lênh đưa phi cơ thả bom B-1 và khoảng 300 phi công, nhân viên kỹ thuật tới Guam.

Sự điều động các phi cơ thượng thặng này của Hoa Thịnh Đốn là nhằm gởi tín hiệu đến Bắc Kinh, rằng Hoa Kỳ đang rất quan tâm đến hoạt động xâm lấn của Trung Cộng tại Biển Đông.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT