Người Việt Khắp Nơi

Tình bạn giữa hai cựu chiến binh Mỹ, Việt sau hơn 40 năm

Sunday, 06/08/2017 - 10:00:37

Ông Glenn Parrish đặt xuống bàn một tấm ảnh - hình vuông, loại ảnh thường thấy vào trước thập niên 1980 - rồi đẩy qua bên kia bàn. Trong tấm ảnh, một người đàn ông Á Đông trẻ tuổi, mặc quân phục, đứng khoanh tay và tựa vào tủ lạnh, mỉm cười nhìn thẳng vào ống kính.


Hai chiến hữu Glenn Parrish và Dzương “John” Nguyễn gặp lại nhau sau hơn 40 năm tại nhà của ông Glenn ở Mantachie, Missisippi trong tháng Bảy, 2017. (Itawamba County Times)


Một cuộc hội ngộ đầy cảm động đã diễn ra giữa một cựu chiến binh Mỹ và một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa tại tiểu bang Mississippi. Không chỉ cùng chia sẻ một chiến tuyến chống cộng sản hơn bốn thập niên trước, hai cựu chiến binh cũng có một tình bạn chớm nở ngay từ phút đầu họ gặp nhau ở Biên Hòa hơn bốn thập niên trước. Dưới đây là câu chuyện của ông Glenn Parrish và ông Dzương “John” Nguyễn, được nhật báo Itawamba County Times kể lại vào ngày 30 tháng 7, 2017, qua buổi hội ngộ của họ tại thị xã Mantachie trong tháng Bảy vừa qua.

Ông Glenn Parrish đặt xuống bàn một tấm ảnh - hình vuông, loại ảnh thường thấy vào trước thập niên 1980 - rồi đẩy qua bên kia bàn. Trong tấm ảnh, một người đàn ông Á Đông trẻ tuổi, mặc quân phục, đứng khoanh tay và tựa vào tủ lạnh, mỉm cười nhìn thẳng vào ống kính.   

Hơn bốn thập niên sau, và hơn hàng ngàn dặm đường từ nơi tấm ảnh được chụp, người đàn ông bước ra khỏi tấm ảnh và cầm tấm ảnh lên xem.

Ông Dzương “John” Nguyễn mỉm cười với chính mình trong ảnh, nói, “Lúc đó tôi gầy quá.” Giờ đây thân hình ông mập mạp hơn, thưa tóc hơn, nhưng nụ cười chất phác trong tấm ảnh không hề phai nhòa theo thời gian.

Ông Dzương gật đầu với ông Glenn ngồi bên kia bàn. Ông kể, “Tấm hình này nằm trong máy chụp hình của Glenn khi ông rời Việt Nam. Tôi chưa từng thấy tấm hình này.”

Buổi hội ngộ diễn ra vào giữa trưa. Ánh nắng mặt trời chiếu lung linh trên bức tường trong nhà bếp của ông Glenn, ở thị xã Mantachie. Ánh nắng giúp cho khung cảnh buổi hội ngộ sau một thời gian dài càng thêm thân mật hơn.

Năm 1971, khi chính phủ Hoa Kỳ đang trong cuộc chiến ở Việt Nam, ông Glenn là một binh sĩ mới 21 tuổi, phục vụ trong ngành quân cảnh của quân đội Mỹ, đóng quân tại căn cứ không quân Biên Hòa. Ông cho biết, “Tôi là một trong những người đưa đồng đội lên phi cơ.”

Ông Dzương thêm vào, “Nghĩa đen của câu nói đó là - quay trở về thế giới thật.” Còn ông Dzương, lúc đó đã 25 tuổi, là Trung Úy thuộc Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Công việc của ông là liên lạc viên giữa quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam đang đóng quân tại đó.

Ông Dzương cho biết, “Lúc đó, tôi phụ trách đơn vị phòng thủ bảo vệ căn cứ không quân.” Công việc của một liên lạc viên khiến ông Dzương thường có mặt ở căn cứ để tiếp xúc với các binh sĩ tại đó. Vì những lý do không thể giải thích, ông Glenn và ông Dzương kết thân với nhau ngay từ lúc đầu mới gặp nhau. Sau đó họ thường dành thời gian nghỉ ngơi với nhau, đi ngắm cảnh trên chiếc xe Jeep nhà binh, và ông Dzương vui vẻ làm người hướng dẫn.  

Họ đi thăm chùa trên núi Bửu Long và giúp các nhà sư nhận được đồ tiếp tế của người Mỹ. Ông Glenn cười, “Lúc đó tôi không còn nhớ gì về thị xã Bigbee ở Mississippi, của tôi nữa.”

Tình bạn giữa hai người siết chặt hơn theo thời gian. Khi ông Gleen được nghỉ phép về thăm nhà, ông Dzương nhờ ông Glenn mang qua Việt Nam “tã Mỹ” và một số đồ dùng cho em bé, kể cả vài bộ quần áo ở JCPenney. Ông Glenn xác nhận làm đúng theo yêu cầu của ông Dzương.  

Đầu thập niên 1970, sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam ngày càng giảm bớt. Cuối cùng, ông Glen phải trở về nước. Trước khi ông Glenn ra đi, ông Dzương tặng ông Glenn một con ngựa làm bằng gốm như món quà chia tay. Trong nhiều năm qua, con ngựa vẫn đặt trên chiếc lò sưởi trong nhà ông Glenn ở Mantachie. Hàng ngày, con ngựa nhắc ông nhớ về người bạn ở Việt Nam.

Sau khi nói về mình, ông Glenn khuyến khích bạn ông hãy kể lại câu chuyện mà ông biết là rất ly kỳ. Ông Dzương thuật lại ngày Sài Gòn thất thủ vào tháng Tư năm 1975. Lúc đó, binh lính Việt Nam Cộng Hòa nói tới cái chết, bản thân ông Dzương cũng sẵn sàng cho việc bị tử hình bất cứ lúc nào.  

Trong thời gian sau, nhà cầm quyền cộng sản tuy không tàn sát người Miền Nam, nhưng bắt buộc họ phải đầu hàng và đưa họ vào trại tù gọi là “học tập cải tạo.” Vì có hai đứa con còn nhỏ, ông Dzương nói bị bắn chết hay bị đưa đi “học tập cải tạo” thì cũng tồi tệ như nhau. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan một cách thận trọng, hình dung tới cảnh có thể trở thành thường dân và tiếp tục cuộc sống.   

Ngày ông Dzương ra trình diện chế độ mới tại một trường đại học, ông có linh cảm không còn cơ hội quay trở về cùng gia đình. Ông cùng nhiều đồng đội trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị đưa tới trại để làm lao động. Họ trồng khoai sắn, chặt cây chẻ gỗ, thường bị đánh đập và tra tấn, mọi chuyện tùy thuộc vào mức độ bị tẩy não. Họ phải ở trong trai cho tới khi nào trở thành “công dân tốt.”  

Ông Dzương cười, “Ai có thể đo được một công dân tốt? Vì vậy chúng tôi biết mình sẽ bị cầm tù suốt đời, không bao giờ được về nhà.”

Trong thời gian học tập, binh lính Việt Nam Cộng Hòa bị thuyên chuyển từ trại này sang trại khác. Ông Dzương nói đó là chiến lược của cộng sản, để ngăn chặn tù nhân liên kết và tổ chức kháng chiến. Nhiều người không có thời gian để làm bạn nhau, chứ đừng nói tới thời gian sắp đặt kế hoạch kháng cự. Mục đích là bẻ gãy tinh thần của tù nhân, giết chết họ từ từ.

Ông Dzương bị cầm tù suốt năm năm. Trong thời gian đó, ông bị đánh đập, bị bỏ đói, nhưng tinh thần ông không bị bẻ gãy. Trong tuyệt vọng, một kế hoạch bắt đầu hình thành. Ông biết nếu vượt ngục, 99% ông sẽ bị bắn chết, nhưng thà chết chứ ông không muốn tiếp tục bị hành hạ.

Vợ ông giấu vào gói quà tiếp tế một bộ đồ thường dân và một thẻ căn cước giả. Hôm Chủ Nhật đó, khi tù nhân chỉ phải làm việc nửa ngày, ông Dzương và hai tù nhân nữa chạy trốn. Mục đích của họ là chạy qua Thái Lan và xin tị nạn.

Sau ba hoặc bốn ngày, họ bắt đầu kiệt sức vì cạn thức ăn. Hôm đó, họ chạm mặt hai bộ đội Cộng Sản, đòi xem giấy tờ của họ. Một tù nhân rút lựu đạn ra và rút luôn chốt an toàn. Hai bộ đội nổ súng. Ông Dzương lom khom chạy vào cánh đồng gần đó để tránh đạn. Khi nghe một tiếng nổ rền, ông biết mình thoát, nhưng hai người bạn của ông không được may mắn như ông.

Sau bốn hoặc năm ngày chạy trốn, ông Dzương được một người đi đường tìm thấy và được giúp đưa về với gia đình ông ở Sài Gòn. Sau đó, gia đình ông thuê ghe để vượt biển và rồi đến được Thái Lan. Tại đó, họ liên lạc với Tòa Đại Sứ Mỹ và cuối cùng được đưa sang tị nạn ở Hoa Kỳ. Ông Dzương nói đó là sự khởi đầu cho một tương lai tươi sáng hơn.

Ông Glenn đáp lại, “Ngày Sài Gòn thất thủ là ngày con trai tôi chào đời. Dù muốn quên ngày đó, tôi cũng không thể nào quên.”

Tháng Ba năm 2017 ừa qua, ông Glenn đăng một tin nhắn trên trang Facebook của cựu chiến binh Việt Nam, để tìm tin tức về ông Dzương. Ở miền tây nước Mỹ, ông Dzương đang dạy tại Đại Học Stanford thì nhận tin nhắn từ một sinh viên. Người này nói “có một bạn cũ muốn kiếm Thầy.

Ông Dzương kinh ngạc, “Sau 45 năm, có một người nhớ tôi và muốn tìm tôi.” Nhưng nhờ Internet, nhờ Facebook, chỉ vài ngày sau, họ liên lạc với nhau. Ông Dzương thú nhận nếu không ráng giữ bình tĩnh, có lẽ ông ngất xỉu vì quá cảm động. Họ nhanh chóng sắp đặt kế hoạch cho ngày hội ngộ. Vợ chồng ông Dzương đồng ý bay sang Mississippi, và vào đầu tháng này, hai người bạn cũ gặp lại nhau sau hơn 40 năm.


Ông Dzương cho biết họ lại thân thiết với nhau như chưa từng có khoảng thời gian xa cách. Hai người trò chuyện không ngớt suốt ba ngày liên tiếp. Ông Glenn nói sau khi nghe ông Dzương kể chuyện, trái tim ông tan nát, không thể hình dung những gì mà ông Dzương phải trải qua. Nếu đó là ông, chắc ông không còn sống tới bây giờ.  

Ông Glenn nói câu chuyện của ông Dzương giúp ông cảm thấy biết ơn những gì ông đang có, những gì ông từng xem thường giá trị của chúng, như bữa cơm gia đình, như ngày cuối tuần sum họp, như ngồi quanh đám bạn chia sẻ vui buồn, như một sáng Chủ Nhật được bắt tay người chiến hữu tưởng rằng đã mất ở Việt Nam.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT