Thế Giới

Tin vắn thế giới: Cố vấn quốc gia Miến Điện đến thăm Cam Bốt

Tuesday, 30/04/2019 - 07:16:39

Putin muốn xây cầu đường bộ nối Nga và Bắc Hàn; Malaysia thiêu hủy 4 tấn ngà voi; Iran coi toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ tại Trung Đông là khủng bố; Bắc Hàn khuyến cáo ‘hậu quả’ nếu Hoa Kỳ không đổi lập trường về hạt nhân...

Cố vấn quốc gia Miến Điện đến thăm Cam Bốt

PHNOM PENH - Cố vấn quốc gia Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, trong tuần này đã có chuyến thăm ngoại giao đầu tiên tới Cambodia, trong bối cảnh cả 2 nước này đang ngày càng bị cô lập bởi cộng đồng quốc tế. Theo Bộ Ngoại Giao Cam Bốt, bà Suu Kyi đến thủ đô Phnom Penh ngày thứ Hai, sau khi đã gặp Thủ Tướng Hun Sen tại Bắc Kinh trong hội nghị Vành Đai và Con Đường. Tuy nói rằng chuyến thăm của bà Suu Kyi sẽ giúp củng cố sự hợp tác trong nội bộ Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á, nhưng Miến Điện và Cam Bốt trên thực tế đang trở thành các trở ngại lớn cho tính hiệu quả của khối ASEAN, khi hai nước này ngày càng trung thành với Trung Cộng.

Theo giới quan sát, đây không phải là sự trùng hợp khi hai lãnh đạo Miến Điện và Cam Bốt bỗng nhiên mở các cuộc đối thoại song phương, ngay sau khi hai người gặp mặt tại Bắc Kinh. Phát ngôn viên của chính phủ Phnom Penh cho biết, nội dung chính của cuộc họp song phương là tái khẳng định nguyên tắc không can thiệp nội bộ lẫn nhau, và thảo luận các nguy cơ nếu Cam Bốt và Miến Điện bị EU thu hồi chính sách ưu đãi giao thương.

Các chuyên gia cho rằng, sự liên kết này sẽ tạo ra một nhóm nước thân Trung Quốc trong khối ASEAN, khiến Việt Nam và các nước khác có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông sẽ bị cô lập. Ngày thứ Tư, bà Suu Kyi đã đến đặt vòng hoa tại tượng đài của Vua Sihanouk, và gặp gỡ Vua Norodom Sihamoni cùng Thủ Tướng Hun Sen. Cam Bốt và Miến Điện đang ở trong tình thế khá giống nhau khi bị quốc tế tẩy chay vì vi phạm nhân quyền, và được Trung Quốc bảo vệ trước các khó khăn tài chính.

 

Putin muốn xây cầu đường bộ nối Nga và Bắc Hàn

MOSCOW - Tổng Thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc dự án xây cầu bắc qua sông biên giới Đồ Môn nối Nga với Bắc Hàn, sau hội nghị với Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un. Tổng Thống Putin đã yêu cầu Bộ Phát Triển Viễn Đông và Bắc Cực nghiên cứu dự án xây cầu đường bộ nối giữa vùng Primorsky của Nga với Bắc Hàn. "Vấn đề đã được bàn bạc trong cuộc gặp giữa ông Putin với Chủ Tịch Kim Jong-un,” đặc sứ của Tổng Thống Nga tại Viễn Đông Yuri Trutnev, cho biết hôm thứ Hai.

Nga có đường biên giới dài 39.4 cây số với Bắc Hàn, trong đó 22 cây số là biên giới chạy dọc sông Đồ Môn. Biên giới trên bộ giữa Nga và Bắc Hàn hiện đã được kết nối bằng cầu đường sắt bắc qua sông Đồ Môn. Trước đó, Bộ Trưởng Bộ Phát Triển Viễn Đông và Bắc Cực Alexander Kozlov cho biết cây cầu đường bộ giữa hai nước sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Nga. Tổng Thống Putin và Chủ Tịch Kim đã gặp mặt tại thành phố Vladivostok hôm 25 tháng 4, thảo luận về việc phát triển quan hệ song phương và giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

 

 Malaysia thiêu hủy 4 tấn ngà voi

SEREMBAN – Chính phủ Malaysia đã thiêu hủy gần 4 tấn ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi, có giá ước tính là $3.2 triệu Mỹ kim, trong nỗ lực chống nạn buôn lậu ngà voi bất hợp pháp. Bộ Trưởng Tài Nguyên Xavier Jayakumar nói ngày thứ Ba số ngà voi này là tang vật tịch thu từ 15 cuộc bố ráp trong thời gian từ năm 2011 tới 2017. Các chiếc ngà voi còn nguyên, cùng một số sản phẩm như vòng tay và đũa làm bằng ngà, đã được trưng bày cho phóng viên và sau đó được ném vào một lò thiêu lớn tại bang Negeri Sembilan ở miền nam.

Ông Jayakumar nói số ngà voi được đem thiêu hủy để bảo đảm rằng chúng sẽ không bị đánh cắp và bán lại trên thị trường chợ đen. Vị bộ trưởng khẳng định Malaysia luôn quyết tâm chống nạn buôn lậu động vật hoang dã, và sẽ không để các tay buôn lậu biến nước này thành trạm trung chuyển các loại hàng bất hợp pháp. Đây là lần thứ 2 Malaysia thiêu hủy ngà voi. Vào năm 2016, nhà chức trách nước này cũng đốt bỏ 9.5 tấn ngà voi, trị giá khoảng $20 triệu Mỹ kim. Ngà voi là vật liệu trang trí được ưa chuộng tại châu Á, với nơi có nhu cầu cao nhất chính là Trung Quốc, dẫn đến tình trạng suy giảm trầm trọng số lượng voi hoang dã tại châu Phi.

 

Iran coi toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ tại Trung Đông là khủng bố

TEHRAN – Tổng Thống Iran Hassan Rouhani ngày thứ Ba đã ký đạo luật tuyên bố toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ tại Trung Đông là khủng bố, và gọi chính phủ Hoa Kỳ là quốc gia tài trợ khủng bố. Đạo luật này được quốc hội Iran phê chuẩn tuần trước, nhằm đáp trả việc Tổng Thống Donald Trump coi lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa của Iran là tổ chức khủng bố nước ngoài. Hiện chưa rõ đạo luật mới của Iran sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với các chiến dịch Trung Đông của quân đội Hoa Kỳ.

Quan hệ giữa Tehran và Washington trở nên xấu đi vào tháng 5, 2018, khi Tổng Thống Trump rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và 6 cường quốc, và tái áp đặt các lệnh cấm vận. Chỉ huy lực lượng Vệ Binh Cách Mạng đã liên tục đe dọa rằng, các căn cứ Hoa Kỳ tại Trung Đông và các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong vùng Vịnh đều nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Iran. Tổng Thống Rouhani ngày thứ Ba nói Iran sẽ tiếp tục xuất cảng dầu, bất chấp các lệnh trừng phạt và các nỗ lực ngăn cản của Hoa Kỳ.

 

Bắc Hàn khuyến cáo ‘hậu quả’ nếu Hoa Kỳ không đổi lập trường về hạt nhân

BÌNH NHƯỠNG – Phó ngoại trưởng Bắc Hàn ngày thứ Ba nói rằng Hoa Kỳ sẽ đối mặt với hậu quả không mong muốn,” nếu nước này không thay đổi thái độ trong các cuộc đàm phán hạt nhân từ nay đến cuối năm. Trước đó, Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đã ra thời hạn 1 năm để Hoa Kỳ trở lên “linh động hơn,” sau khi hội nghị lần 2 giữa ông Kim và Tổng Thống Donald Trump thất bại. Tuy nhiên, cả Tổng Thống Trump và Ngoại Trưởng Mike Pompeo đều phớt lờ thời hạn này, và kêu gọi ông Kim nên thực hiện lời hứa giải trừ hạt nhân.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba với truyền thông, Phó Ngoại Trưởng Bắc Hàn Choe Son Hui nói: “Việc thay đổi không chỉ là một đặc quyền của Hoa Kỳ, mà cũng là lựa chọn của chúng tôi nếu chúng tôi đổi ý. Nếu Hoa Kỳ không xác định lại vị trí trong thời hạn chúng tôi đưa ra, nước này sẽ phải nhận lấy các hậu quả không mong muốn.” Bà Choe cũng thêm rằng ý định giải trừ hạt nhân của Bắc Hàn là không đổi, nhưng chỉ được thực hiện “vào đúng thời điểm” và khi Hoa Kỳ thay đổi sự tính toán hiện nay.

 

1,800 công nhân mắc kẹt trong hầm mỏ ở Nam Phi

THEUNISSEN - Do bị hư thang máy, khoảng 1,800 công nhân của hãng Sibanye Gold đang bị mắc kẹt dưới hầm khai thác bạch kim tại thị trấn Theunissen, tỉnh Free State, Nam Phi. Phát ngôn viên James Wellsted của Sibanye Gold cho biết công ty có thể sử dụng một trục thang máy ở lân cận để đưa công nhân lên mặt đất, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ khi nào kế hoạch này sẽ được thực hiện. Vụ rắc rối bắt đầu khi một số thiết bị đang được vận chuyển dưới lòng đất bất ngờ bị rơi và chặn trục thang máy. Hãng Sibanye Gold đang xem xét tình trạng của trục thang và công việc này có thể mất vài giờ. Không có ai bị thương trong sự việc.

Sự việc xảy ra vào khoảng giờ ăn trưa ngày thứ Ba, khi công nhân kết thúc ca làm việc. Vụ tai nạn một lần nữa dấy lên mối lo ngại về an toàn lao động tại Sibanye Gold. Trong năm 2018, công ty này có số vụ tai nạn lao động chết người tăng cao đột biến. Tháng 2, 2018, khoảng 1,000 công nhân cũng bị mắc kẹt dưới lòng đất trong hơn một ngày tại mỏ vàng của Sibanye Gold vì bị mất điện.

 

Cảnh sát Philippines điều tra cáo buộc gián điệp của Huawei

MANILA – Cơ quan cảnh sát quốc gia Philippines PNP ngày thứ Hai cho biết sẽ điều tra các thông tin cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng thiết bị của Huawei để phục vụ hoạt động gián điệp. Đây là bước đi khá lạ của Philippines trong bối cảnh chính phủ của Tổng Thống Rodrigo Duterte luôn chào đón hãng công nghệ Trung Quốc. Tướng Oscar Albayalde, chỉ huy lực lượng cảnh sát Philippines, cho biết ông sẽ ra lệnh cho cơ quan PNP điều tra các cáo buộc gián điệp, sau khi truyền thông chất vấn việc PNP chọn Huawei làm nhà tài trợ cho hội nghị chống tội phạm điện toán vào tháng trước.

Tuyên bố của Tướng Albayalde được đưa ra chỉ vài giờ trước khi hãng truyền thông Rappler công bố một bản ghi nhớ bị rò rỉ từ Bộ Ngoại Giao, nhắc đến các nguy cơ an ninh khi hợp tác với Huawei. Theo giới phân tích, cuộc điều tra của cơ quan PNP có thể sẽ buộc Tổng Thống Duterte phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, trong bối cảnh ông đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ trong nước, do người dân bất mãn trước các hành động của Bắc Kinh tại biển Đông.

Dưới thời Tổng Thống Duterte, Philippines luôn tỏ ra hết sức thân thiện với Huawei. Vào tháng 11 năm ngoái, ông Duterte và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký thỏa thuận trị giá $400 triệu Mỹ kim, để lắp đặt một mạng lưới camera giám sát khổng lồ tại Manila và Davao bằng công nghệ của Huawei, trong kế hoạch có tên là “Safe Philippines.” Hai hãng viễn thông lớn tại Philipines, là Smart và Globe Telecom, cũng bỏ qua các lo ngại về an ninh đối với Huawei và hứa sẽ sử dụng thiết bị của hãng này khi thiết lập mạng 5G trên khắp quốc gia.

 

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT