Chuyện lạ bốn phương

Tìm thấy con đường thời La Mã chìm dưới biển 2,000 năm

Friday, 23/07/2021 - 06:18:23

Bà Madricardo cùng đồng nghiệp tin rằng con đường cổ giúp kết nối bến cảng, khu định cư với một mạng lưới đường giao thông.


Phương trình điện tử phác họa con đường thời La Mã trên mặt đất (bên trái) mà nay là hồ Venice Lagoon. (Antonio Calandriello và Giuseppe D'Acunto (hình điện tử), và hình hồ Venice của bà Fantina Madricardo)
 

 

Ý - Nhóm nghiên cứu của bà Fantina Madricardo, nhà địa vật lý tại Viện Khoa Học Biển (ISMAR), đã phát hiện một con đường La Mã chìm dưới đáy đầm phá Venice cùng các kiến trúc khảo cổ, nhiều khả năng từng là bến cảng và khu định cư.

Những tàn tích này có thể tồn tại từ hàng trăm năm trước khi thành phố Venice được thành lập vào thế kỷ 5, theo báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports hôm thứ Năm.

"Phá Venice hình thành do mực nước biển dâng cao sau kỷ băng hà cuối cùng. Vì thế đó là một quá trình dài. Chúng tôi biết rằng từ thời La Mã, khoảng 2,000 năm trước, mực nước biển ở nơi này đã dâng thêm tới 2.5 mét,” bà Madricardo cho biết.

Sự thay đổi của mực nước nghĩa là, một khu vực lớn ngập dưới biển ngày nay từng là đất khô.

Giới khoa học đã tìm thấy cổ vật La Mã trên các đảo và vùng nước thuộc phá Venice, nhưng chưa rõ quy mô khu vực mà con người sinh sống trong thời kỳ này. Một số nhà khoa học nghĩ nơi đây từng có dân cư đông đúc, số khác lại cho rằng gần như không có khu định cư.

Trong nghiên cứu mới, bà Madricardo cùng đồng nghiệp sử dụng kỹ thuật định vị bằng sóng âm và tổ chức các chuyến lặn dưới kênh Treporti. Họ phát hiện 12 cấu trúc xếp theo hướng đông bắc, trải dài khoảng 1,140 mét, nhiều khả năng là tàn tích của một con đường cổ.

Các chuyên gia tìm thấy một số khối đá với mặt trên phẳng và mặt dưới hình trứng giống như basoli - loại đá truyền thống dùng để lát mặt đường thời La Mã. Ngoài ra, họ cũng phát hiện một cụm cấu trúc phía dưới con đường, ở độ sâu khoảng 9 mét. Đây có thể là tàn tích của bến cảng có diện tích lớn hơn một sân bóng rổ nằm ở kênh nước cạnh đó.

Bà Madricardo cùng đồng nghiệp tin rằng con đường cổ giúp kết nối bến cảng, khu định cư với một mạng lưới đường giao thông. Mạng lưới này lại kết nối những thị trấn ở phía nam phá Venice với Altinum, trung tâm giao thương của người La Mã ở phía bắc.

Con đường cổ có thể chạy dọc theo đỉnh của một dải đất cao nằm gần những hòn đảo ngoài cùng của đầm phá ngày nay. Phần lớn chiều dài của nó có nước ở cả hai bên - phía đông là bờ biển và phía tây là đường thủy khép kín.

Nhóm nghiên cứu tìm thấy bằng chứng của các công trình nhân tạo như mái ngói, gạch và đồ gốm, cho thấy vài khu định cư nhỏ có thể nằm rải rác dọc theo con đường. Các nhà khoa học đang tìm hiểu xem con đường La Mã được xây từ khi nào, và được sử dụng trong bao lâu trước khi chìm dưới biển.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT