Phóng Sự

Tìm hiểu về bệnh tự kỷ (kỳ 9)

Sunday, 12/08/2018 - 04:43:39

“Vui hơn nữa là chị Phương đồng ý chia sẻ với các phụ huynh có con tự kỷ khác, ai cần giúp gì chị sẵn lòng giúp. Khang nghĩ, càng có nhiều cha mẹ có con tự kỷ chịu giúp đỡ nhau thì các con sẽ được giúp nhiều hơn.”


Thầy giáo Michael Trần đang chơi đùa và dạy nói cho học trò. (Hình cung cấp)

Bài BĂNG HUYỀN

Tâm tình của giáo viên dạy trẻ tự kỷ
Nếu với những trẻ bình thường, các thầy cô giáo đều soạn giáo án dạy cho trẻ như nhau vì hầu hết nhận thức của các bé đều giống nhau. Thì với trẻ tự kỷ các thầy cô giáo phải có sự đánh giá đúng về tình hình của trẻ, nặng nhẹ khác nhau, để từ đó tự thực hiện giáo trình dạy cho riêng mình, phụ thuộc vào tình trạng của mỗi bé mà có những phương pháp dạy riêng, mục tiêu riêng phù hợp với từng trường hợp. Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới khác nhau, đòi hỏi các thầy cô giáo phải biết đánh giá đúng mức độ đối với từng trường hợp và hơn hết phải biết tương tác một cách linh hoạt để trẻ không có những phản ứng quá khích xảy ra.

Việc dạy trẻ bình thường, nhận thức nhanh cũng phải mất một thời gian mới hiểu vấn đề, với trẻ tự kỷ phải mất vài tháng là chuyện bình thường. Chính vì thế, sự kiên trì, nhẫn nại, và quan trọng nhất là tấm lòng bao dung yêu thương trẻ thật sự, mới có thể vượt qua thách thức này. Đây là những điều mà anh Michael Trần, là một chuyên viên dạy ABA (giúp cải thiện nhiều mặt cho trẻ tự kỷ về nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ, giúp loại bỏ hành vi tiêu cực tự xâm hại bản thân của trẻ…cho trẻ bị tự kỷ) trước đây và nay chuyên dạy về nói (speech therapy) cho trẻ tự kỷ dưới 3 tuổi, đã rút ra được từ kinh nghiệm hơn năm năm dạy trẻ tự kỷ.

Những tiêu chuẩn cần có khi dạy trẻ tự kỷ

Theo Michael Trần, những điều mà một người cần có khi muốn trở thành giáo viên dạy trẻ tự kỷ, và đây cũng là những điều mà người mẹ, người bố gần gũi với trẻ cần phải có, để giúp trẻ. Trước tiên là phải yêu trẻ tự kỷ vô điều kiện và phải yêu công việc này. Vì chỉ khi yêu thương trẻ vô điều kiện, dù trẻ có hành vi bất thường, không nghe lời hay rất nhiều điều xảy ra trong quá trình dạy trẻ làm mình nhụt chí cũng sẽ vượt qua được.

Làm bất công việc gì, nếu mình thật sự yêu nghề, sẽ giúp mình làm việc, nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi không ngừng nghỉ, càng làm việc càng thấy vui, khỏe chứ không biết mệt. Yêu thương trẻ làm tăng tình yêu nghề và ngược lại tình yêu nghề giúp mình càng yêu thương và có trách nhiệm với học trò hơn, là động lực để người giáo viên đồng hành cùng trẻ tự kỷ giúp trẻ tiến bộ. Cần đặt quyền lợi của trẻ lên hàng đầu. Khi mình ý thức rằng phải đặt học trò lên hàng đầu thì dù khó khăn mấy người dạy trẻ cũng sẽ vượt qua.

Luôn phải kiên trì, chịu khó, nhẫn nại. Đây là tố chất rất quan trọng để người dạy trẻ tự kỷ luôn có khi dạy các em. Vì dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt những ngày đầu thường trẻ không chỉ không hợp tác mà còn phản ứng lại với giáo viên. Trong quá trình dạy, có khi trẻ dậm chân tại chỗ, có khi còn thoái lùi nữa nhất là sau khi bệnh hoặc sau khi nghỉ dài ngày.

Có những kỹ năng người dạy trẻ tự kỷ phải tập giai đoạn rất dài cho trẻ, vì vậy không thể thiếu sự kiên trì, chịu khó. Không thể thiếu sự linh hoạt, sáng tạo khi dạy trẻ tự kỷ. Mỗi đứa trẻ mỗi khó khăn riêng, mỗi cách can thiệp khác nhau. Đó là nghề dạy nghề để tích lũy kinh nghiệm. Người dạy trẻ tự kỷ cần có sức khỏe ổn để quá trình dạy không gián đoạn và làm việc luôn trong tinh thần thoải mái.

Giọng nói to, rõ, dứt khoát, dùng ít chữ và gần với trẻ nhất, là điều rất cần khi dạy trẻ tự kỷ. Ngoài việc cho bé dễ phát triển ngôn ngữ còn thu hút sự chú ý của trẻ để trẻ nghe lời.

Và cuối cùng là cần phải có chuyên môn. Dĩ nhiên người dạy trẻ tự kỷ phải có kiến thức cơ bản, phải hiểu được công việc này mới làm việc được. Cần có kiến thức về giáo dục dành cho trẻ tự kỷ, tâm lý học lứa tuổi, giáo dục học, tâm lý học thần kinh…Nhưng điều này không quá khó để học hỏi, vì chỉ cần mình yêu thích nó, mong muốn có nhiều kiến thức để giúp trẻ thì mình sẽ dễ dàng thu thập được những kiến thức này.

Duyên với nghề

Cô giáo Tina Mai, là một trong hai người sáng lập ra công ty Hearts of ABA, là nơi chuyên cung cấp chương trình trị liệu bằng phương pháp ABA, đã có hơn mười năm kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ. Tina Mai cho biết trước khi trở thầy giáo viên dạy trẻ tự kỷ, Tina Mai học để trở thành cô giáo dạy tiểu học. Vì từ nhỏ đã mê trở thành cô giáo. Sau đó Tina có đi dạy lớp 2 trong vòng hai năm. “Lần đó vào mùa hè, Tina đi làm thêm ở một công ty cũ nơi Tina làm khoảng 10 năm (trước khi cùng Joseph Khang Nguyễn lập ra công ty Hearts of ABA) chuyên dạy cho các em tự kỷ. Vì lúc bấy giờ con trai giữa (trong ba người con của Tina) bị tự kỷ, nay con đã mất rồi (vì bé bị ung thư!). Tina nhìn thấy được việc làm của mình giúp được những em bị tự kỷ và phụ huynh cũng như con mình và bản thân mình, nên Tina càng mong muốn giúp các em tự kỷ nhiều hơn.”

Với giọng xúc động, Tina Mai tâm sự, “Dĩ nhiên khi dạy cho các em bình thường vẫn dễ hơn dạy các em tự kỷ rất nhiều. Dạy các em bình thường, mình nói gì, các em hiểu cái đó. Còn với những em tự kỷ thì mình phải cố gắng hơn và có lòng thương các em nhiều hơn. Từ mua hè năm đó Tina quyết định học thêm cao học và thêm về chuyên ngành ABA để trở thành giáo viên dạy cho các em tự kỷ. Cũng phải thi lấy chứng chỉ đi dạy Teaching Credential chuyên về ABA của tiểu bang giống như giáo viên dạy trong trường cho các em lớp bình thường. Dần dần Tina rời trường tiểu học và trở thành người đi dạy ABA cho các em tự kỷ và trở thành người phụ trách chương trình dạy ABA ở công ty cũ.”

Tina Mai nói, khi cô dạy trẻ tự kỷ, giúp những phụ huynh có con tự kỷ, cuộc sống không trọn vẹn, vì cô hiểu được hoàn cảnh họ, bản thân cô cũng từng trãi qua cảnh ngộ. Do vậy làm công việc này là niềm hạnh phúc. Đây cũng là lý do vì sao cô quyết định trở thành giáo viên dạy các em tự kỷ, chứ không dạy các em bình thường nữa. “Được giúp các em thiếu thốn hơn các em bình thường về khía cạnh nào đó. Đây là đam mê giúp Tina mỗi ngày thức dậy đi làm không cảm thấy mệt mõi.”

Còn với anh Joseph Khang Nguyễn, nhắc lại cơ duyên trở thành giáo viên dạy trẻ tự kỷ và cùng Tina Mai sáng lập ra công ty Hearts of ABA, anh kể, “Khang sinh ra tại Mỹ, từ nhỏ Khang mồ côi ba, Khang là anh trai lớn nhất trong nhà, còn 3 em nhỏ. Mẹ lo cho mấy em, Khang giúp mẹ chăm em, như làm việc nhà, nấu ăn… Vì đã giúp mẹ chăm sóc các em từ nhỏ, nên ngay từ nhỏ Khang đã muốn lớn lên mình sẽ làm công việc giúp đỡ các em không may mắn. Từ nhỏ đã thích làm công việc như thầy giáo hoặc việc gì có thể trực tiếp giúp người khác, chứ không thích làm việc trong văn phòng. Vì vậy lúc lên đại học đã chọn học để trở thành giáo viên dạy các em tự kỷ. Khang làm chung với Tina ở công ty cũ hơn mười mấy năm, vì cả hai hợp tính tình nên cùng ra mở công ty để giúp các em gốc Việt được nhiều hơn.”

Buồn vui của thầy cô giáo dạy trẻ tự kỷ

Nói về những vui buồn của nghề, Michael Trần chia sẻ, “Khi dạy các em một thời gian rồi, mong nhìn thấy em đó có một chút tiến bộ, mà vẫn không thấy các em tiến bộ, buồn lắm. Với những em khi mình dạy nói mà dạy hoài các em vẫn không nói được. Có lúc Michael nghĩ không biết mình có nên thay đổi cách dạy khác không? Em này không thể nói được mình phải chuyển sang dạy em giao tiếp bằng hình ảnh, bằng những nhu liệu trong Ipad để các em vẫn giao tiếp được… hay mình vẫn tiếp tục cố gắng dạy cho các em nói, các em vẫn có thể nói được. Nhìn thấy ba mẹ sốt ruột khi thấy con không tiến bộ, thì mình cũng rất căng thẳng. Còn niềm vui là dĩ nhiên nhìn thấy sự tiến bộ của trẻ.

Do tính đặc thù của học sinh tự kỷ là luôn cần thường xuyên tác động nên sự phối hợp của giáo viên và phụ huynh là điều thực sự cần thiết. Thấy được trẻ tiến bộ mình biết rằng bản thân phụ huynh khi về nhà đã giúp con rất nhiều. Michael càng vui hơn là sau 3 tuổi trẻ vào học trong trường, khi có dịp Michael liên lạc với phụ huynh hỏi thăm biết trẻ đã tiến bộ nhiều, thì hạnh phúc lắm.”

Anh Joseph Khang Nguyễn thì nói rằng anh buồn nhất là gặp cha mẹ vừa mới biết rằng con mình bị tự kỷ. “Vì thấy cha mẹ buồn, mình cũng rất buồn. Mình có thể hiểu được nỗi buồn cha mẹ có con bị tự kỷ. Một em tự kỷ thì sẽ khó mà có đời sống như em bình thường. Dù là em bị nhẹ, thì cũng có những khó khăn nhất định. Vì vậy cha mẹ phải chấp nhận rằng con mình tự kỷ là điều buồn nhất. Mỗi khi đến gặp một em học trò mới, hiểu được nỗi đau cha mẹ phải trãi qua từ buổi đầu khi biết con tự kỷ, vẫn luôn là nỗi buồn nhất của Khang khi làm công việc này hơn mười năm qua.

Còn vui nhất với Khang nhìn thấy cha mẹ tiến bộ theo thời gian khi con tiến bộ. Thấy cha mẹ đã chấp nhận con bị tự kỷ, đã vượt qua được nỗi đau, vẫn tiếp tục đời sống, không làm ảnh hưởng niềm vui của gia đình đó, thì Khang rất vui. Như với chị Phương Trần là một trong những phụ huynh được Khang và Tina giúp 10 năm qua khi cả hai vẫn chưa mở công ty riêng, nhìn thấy chị vui khi Minh Khoa và Minh Quân có những tiến bộ dù rất nhỏ. Chị biết tìm hạnh phúc trong tiến bộ nhỏ của con. Đây là điều mà Khang và Tina vui nhất.

“Vui hơn nữa là chị Phương đồng ý chia sẻ với các phụ huynh có con tự kỷ khác, ai cần giúp gì chị sẵn lòng giúp. Khang nghĩ, càng có nhiều cha mẹ có con tự kỷ chịu giúp đỡ nhau thì các con sẽ được giúp nhiều hơn.”

Đồng tình với chia sẻ của Joseph Khang Nguyễn, Tina Mai nói, “Tina buồn nhất là khi gặp những phụ huynh lần đầu tiên nghe được các chuyên viên cho biết con họ bị tự kỷ. Đó là những lúc buồn nhất với Tina. Mình buồn cho họ vì con đường mà họ phải tiếp tục đi theo con rất dài, có nhiều điều họ phải học hỏi để giúp con. Còn niềm vui, khi làm trong nghề này, nhìn thấy em làm được gì, như biết vâng lời nghe theo mình, làm những gì mình yêu cầu, đúng là những phần thưởng vô giá. Những phụ huynh có con bình thường, họ không cảm nhận được điều huyền diệu khi con mình biết nhìn mình và nói con chào mẹ, biết ôm mẹ… Không trãi qua những điều khi có con bị tự kỷ, sẽ không hiểu được rằng những việc nhỏ như thế cũng là một niềm hạnh phúc to lớn của những người mẹ có con tự kỷ.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT