Phóng Sự

Tìm hiểu về bệnh Tự Kỷ (kỳ 4)

Sunday, 08/07/2018 - 10:31:25

Cách dạy hiệu quả nhất là thông qua các đồ chơi, các sinh hoạt trong gia đình hàng ngày. Nên khen thưởng trẻ đúng nơi đúng lúc, để khích lệ trẻ khi trẻ làm được việc gì dù rất nhỏ. Nhưng phải khen thưởng đúng nếu không sẽ có tác dụng ngược lại.

Bài BĂNG HUYỀN

Đối với trẻ tự kỷ, các thầy cô giáo, cha mẹ thường gặp ba khó khăn nhất trong việc dạy trẻ, đó là dạy ngôn ngữ, dạy các kỹ năng giao tiếp xã hội và đối phó với hành vi. Anh Michael Trần chuyên dạy về ABA (Therapist Applied Behavior Analyze) và speech therapist cho trẻ tự kỷ từ 3 tuổi trở xuống, cho biết khó khăn trong khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ mà trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp phải là có dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ như không nói lời nào, lặp lại lời nói, đảo ngược câu, nói không đúng ngữ cảnh…
 

Anh Michael Trần đang dạy nói cho trẻ. (Hình cung cấp)

Trẻ tự kỷ bị chậm nói

Nếu ngôn ngữ gồm có hai phần: ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt, thì đối với trẻ tự kỷ, việc dạy trẻ tiếp nhận ngôn ngữ và diễn đạt ý muốn của bản thân trẻ là điều rất khó khăn, đòi hỏi người dạy và cha mẹ của trẻ phải hết sức kiên nhẫn. Khi trẻ tự kỷ biết nói thì giọng nói của trẻ không được tự nhiên. Gần như tất cả các trẻ tự kỷ mà nói được thì nói với giọng khác thường hoặc phẳng lì không lên giọng, xuống giọng khiến nhiều cha mẹ lo sợ con mình bị điếc, vì giọng nói của trẻ tự kỷ giống như trẻ bị điếc. Một số trẻ giọng không phẳng thì lại cao giọng một cách bình thường và cũng không biến đổi trầm bổng. Nếu có sự thay đổi thì lại lên xuống như hát một cách nhịp nhàng chứ không nhấn mạnh vào chữ cần nhấn mạnh. Điều này cho thấy trẻ tự kỷ không hiểu được giọng nói có ý nghĩa như thế nào vào việc chúng định bày tỏ.

Trong một tài liệu nghiên cứu ở Mỹ và cuộc thăm dò ở Úc được phổ biến trên internet cho biết, “số trẻ tự kỷ không nói trọn đời thay đổi từ 25 đến 40%, những trẻ này cũng thường bị chậm phát triển ở mức trung bình hay nặng. Trong số này có trẻ hiểu được lời nói khá đầy đủ, nhưng trẻ nào bị kèm theo chậm phát triển trí tuệ nặng thì có thể không hiểu được lời nói.

“Khoảng 1/4 cha mẹ có con tự kỷ kể lại rằng, ban đầu trẻ biết nói bình thường rồi vài tháng sau ngưng phát triển và dần dần mất luôn khả năng và không nói được nữa. Việc ngưng nói thường thường xảy ra theo vài cách. Cách thứ nhất, trẻ có được số vốn từ vựng chừng 10 đến 20 chữ hay câu ngắn và số vốn từ này biến mất hoàn toàn. Cách thứ hai, số vốn từ này dừng lại mà không tăng thêm, khi học được chữ mới thì có vẻ như chữ cũ lại mất đi.

“Thông thường việc ngưng nói xảy ra vào khoảng trẻ được 15 đến 22 tháng tuổi, kéo dài vài tháng cho đến khi bắt đầu có trị liệu ngôn ngữ hay trong vài trường hợp thì mất luôn vĩnh viễn. Đồng thời với việc ngưng nói trẻ có thêm những biểu hiện như: không nhìn vào mắt người khác, không thích chơi với bất kỳ ai, không thích chơi đồ chơi nữa… Người ta chưa thể giải thích tại sao lại có sự liên hệ giữa việc trẻ ngừng nói với những thay đổi trên.”

“Trẻ tự kỷ dùng lời nói chủ yếu là để nhu cầu của chúng được thoả mãn hơn là mục đích có tính xã hội như nói làm vui lòng người khác… Nói cho đúng thì ai cũng dùng lời nói để thoả mãn nhu cầu của mình, khi ta nghĩ rằng lời nói có tính cách sử dụng thì điều ấy muốn nói ngôn ngữ của trẻ tự kỷ nhắm vào chuyện gợi nên hành động để mang lại điều hay vật mà chúng muốn ngay lúc ấy. Ví dụ như trẻ muốn ”uống nước”, “đi về”.

Trẻ nói những đòi hỏi này mà không cần biết khung cảnh lúc đó có thích hợp hay không. Dường như những câu chuyện tâm tình, những lời than vãn hay những câu chuyện hài hước là những điều làm cho trẻ khó xử nhất. Đối với người tự kỷ, họ chỉ giới hạn lời nói vào những việc có đòi hỏi thoả mãn nhu cầu trực tiếp mà thôi, chúng ta thấy điểm khác biệt ở đây là họ không biết tiếp chuyện hay chờ đợi sự phản hồi. Gần như người tự kỷ không thể hiểu được người đối diện đã hiểu hay đã nghe đủ chưa và khi nào thì cần ngưng chủ đề đó lại và chuyển sang chủ đề khác.”

Anh Michael Trần cho biết lặp lại lời nói là một trong những bất thường hay thấy nhất ở trẻ tự kỷ. Khoảng 80% tất cả các trẻ tự kỷ nói được thường có tật này. Đôi lúc trẻ chỉ lặp lại một số lời nói trẻ vừa nghe được mà không có một lý do nào. Điều này cho thấy trẻ có khả năng nghe và giữ lời nói đó trong bộ nhớ ngắn hạn đủ lâu để có thể nhắc lại. Có nghĩa là ở trẻ có tồn tại hai trong số các cơ chế cần thiết để sử dụng ngôn ngữ. Thế nhưng có thể trẻ không hiểu trẻ đang nói gì, hoặc có thể trẻ chỉ hiểu một phần.

Dạy nói cho trẻ tự kỷ

Theo anh Michael Trần điều đầu tiên khi dạy cho trẻ tự kỷ học nói là dạy cho trẻ học cách nghe, dạy trẻ nhìn mặt đối mặt với mình, dạy cho trẻ bắt chước tạo ra âm thanh, dạy các từ có ý nghĩa gắn với tình huống... để giúp trẻ giao tiếp. Trẻ tự kỷ không hiểu cử chỉ, nét mặt của người khác. Vì trẻ chậm nói nên việc giao tiếp luôn phải có hành vi, cử chỉ kèm theo để khiến trẻ chú ý đến giá trị của lời nói. Ban đầu tốt nhất là khi dạy trẻ, cha mẹ nên chạm vào vật mà mình muốn nói tới (thay vì đưa tay chỉ về hướng của vật) cho tới khi trẻ hiểu và biết nhận ra cử chỉ. Ngược lại người dạy cũng có thể dạy trẻ chỉ tay và nắm tay mình dẫn tới vật mong muốn. Khi dạy trẻ tự kỷ học nói, có ba cấp độ đầu tiên của dạy trẻ nói gồm có phát âm, nói từ đơn và nói câu ngắn( từ hai đến ba câu).

Tuy được phân chia ra thành những cấp độ như vậy, nhưng trên thực tế là tùy vào khả năng của mỗi trẻ để có những lộ trình để đi rất khác nhau. Vì mỗi trẻ tự kỷ đều gặp những khó khăn khác nhau, không có trẻ nào giống với trẻ nào. Có thể trẻ không nói được, nhưng não bộ của trẻ vẫn ghi lại các thông tin, các cách thức sử dụng ngôn ngữ. Vì vậy, người dạy trẻ và đặc biệt là cha mẹ là người luôn gần gũi với trẻ hãy kiên nhẫn và lưu ý trong lúc trò chuyện với trẻ để giúp trẻ học nói.

Từ kinh nghiệm đã có hơn 5 năm dạy nói cho trẻ tự kỷ từ 3 tuổi trở xuống, Michael Trần chia sẻ, “Với những em dưới 3 tuổi, khi dạy nói cho các em, tôi thường dùng cách chơi đồ chơi của các em để dạy các em. Dạy những từ liên quan đến đồ chơi mà em đó thích thú để dạy cho em. Ví dụ em đó thích nấu đồ ăn, thì mình tìm những trái táo, trái cam, hộp sữa… bằng đồ chơi, dạy các em nói những từ xoay quanh đó. Nên xem em đó thích gì, chọn đồ chơi em đó thích để cho em chơi rồi dạy em nói. Cho các em nghe những từ mà các em đang chơi để các em nói theo. Ví dụ với trái cam, cầm tay trẻ chạm vào và nói: Trái cam, Ăn cam, kèm theo đó có thể cho trẻ miếng cam để trẻ ăn thử cùng với lời khen trẻ. Nếu trẻ không thích chơi đồ chơi, mà chỉ thích coi Ipad, thì dùng Ipad có phần thâu tôi chơi đồ chơi, cho trẻ xem, để trẻ chú ý, sau đó kèm theo đồ chơi mà trẻ đã xem trong Ipad để trẻ chú ý đến và chơi. Đó là một trong những cách để dụ các em học nói.”

Anh Michael Trần khuyên các phụ huynh, “Ban đầu khi dạy nói cho các em, cha mẹ nên dạy cho các em ngôn ngữ thực dụng trước, như ăn uống… trong sinh hoạt hằng ngày, chứ không nên dạy các em nói những từ về kiến thức, như màu sắc, các con số. Phải dạy những gì các em sử dụng trong nhà, giao tiếp với cha mẹ. Khi dạy các em tự kỷ, các cha mẹ gốc Việt vẫn có thể tiếp tục dạy cho các em hai ngôn ngữ Mỹ, Việt song song. Ví dụ dạy em nói ăn, eat kèm theo hành động để em hiểu.

“Theo kinh nghiệm của tôi thì khi các em nghe hai ngôn ngữ, các em không bị bối rối, các em vẫn hiểu, với ngôn ngữ nào các em nghe nhiều, thì các em sẽ nói ngôn ngữ đó, còn ngôn ngữ còn lại các em nghe, vẫn hiểu. Vì vậy khi dạy nói cho các em tự kỷ, phụ huynh gốc Việt vẫn có thể dạy song song hai ngôn ngữ cho các em. Một khi con đã biết cách phát âm, chúng tôi cố gắng động viên bé hết mình vì đó quả là một nỗ lực phi thường từ con. Kiên nhẫn thực hiện lại điều này lặp đi lặp lại nhiều lần, với khẩu hình miệng cụ thể. Hãy thường xuyên ôn lại bài cũ, và lại tiếp tục tìm cách để mở rộng thêm những vốn từ mới cho con.”

Anh Michael Trần nói, riêng với những trẻ tự kỷ kèm theo những bệnh như khó mở miệng để nói, thì anh sẽ tập cho trẻ tập những cử động cơ bản như tập đánh lưỡi, tập cơ hàm, tập thổi, liếm môi, le lưỡi ra trước, về phía trái, phía mặt, ngậm miệng, mở miệng, tập cho các em bắt chước tiếng kêu của các loài vật và đồ vật như tiếng kêu của con mèo, con chó, tiếng xe hơi chạy.

Theo anh Michael Trần cha mẹ hãy chỉ đáp lại những cử chỉ mang ý nghĩa giao tiếp rõ ràng của trẻ. Đừng vội đáp ứng cho con chỉ bởi vì con khóc, hay la hét lên. Nếu không, chính cha mẹ đang tập cho con một thói quen xấu, rằng cứ làm dữ lên là muốn gì cũng được. Vì muốn dạy cho trẻ cách thức giao tiếp và ứng xử cho phù hợp nhất, nên cha mẹ hãy thật kiên nhẫn, đừng để cảm xúc chi phối mình vào những lúc quyết định như thế này. Một khi trẻ đã biết cách phát âm, cha mẹ nên khen con vì đó là một nỗ lực phi thường từ trẻ.

Cách dạy hiệu quả nhất là thông qua các đồ chơi, các sinh hoạt trong gia đình hàng ngày. Nên khen thưởng trẻ đúng nơi đúng lúc, để khích lệ trẻ khi trẻ làm được việc gì dù rất nhỏ. Nhưng phải khen thưởng đúng nếu không sẽ có tác dụng ngược lại.

Anh Michael Trần cho biết những trẻ tự kỷ mà anh dạy nói đều được chính phủ trả tiền, nhưng giờ học của trẻ cũng rất hạn chế, chỉ có một tiếng một tuần, nếu em nào nặng quá, thì sẽ được chính phủ cho hai tiếng một tuần. Vì vậy thời gian của phụ huynh dạy con tại nhà là quan trọng nhất. Khi dạy cho trẻ, anh hướng dẫn luôn cho phụ huynh để phụ huynh biết cách khi về lại nhà sẽ dùng để dạy cho con thì mới có hiệu quả, các em mới tiến bộ.

Anh Michael Trần nói, “Trẻ tự kỷ không bị điếc, vẫn nghe được, vẫn hiểu được, nhưng không thể dùng vòm miệng để phát âm ra được. Nếu tập cho trẻ ít nhất 6 tháng nếu trẻ không thể dùng cách nói thì phải thay đổi bằng cách khác. Khi đó sẽ dạy trẻ giao tiếp bằng cách dùng hình ảnh, viết chữ, bằng silent language. Vì với những trẻ tự kỷ chậm nói, nhưng thông mình, mình nói gì cũng hiểu hết, nhìn hình gì mình chỉ cũng biết được, trẻ có thể xếp những tấm hình lại thành một câu nói, khi mình hỏi, trẻ có thể dùng những tấm hình để trả lời.”

Anh Michael Trần lưu ý các phụ huynh, “Nhiều trẻ tự kỷ khả năng tri giác và trí nhớ hình ảnh tương đối tốt cho nên khi dạy trẻ cần phải có đồ dùng hoặc tranh ảnh để giúp trẻ tiếp thu tốt hơn. Việc dạy trẻ tự kỷ có những lúc rất khó khăn nhưng không phải lúc nào trẻ cũng không tiếp thu được điều mình dạy, mà có lúc sẽ còn nhanh hơn rất nhiều so với việc mình nghĩ. Do đó khi làm việc với trẻ cha mẹ phải luôn kiên trì, kiên nhẫn, lặp đi lặp lại cho trẻ nhiều lần, không nên bi quan bỏ mặc trẻ mà hãy cùng trẻ vượt qua mọi thử thách. Hãy cố gắng hiểu trẻ hơn là để trẻ phải cố gắng hiểu mình. Để làm được điều này cần phải có tình yêu thương trẻ rất lớn.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT