Phóng Sự

Tìm hiểu về bệnh tự kỷ (kỳ 3)

Sunday, 01/07/2018 - 03:51:15

Chế độ dinh dưỡng dành cho những bé tự kỷ, hay còn gọi là GFCF diet loại bỏ hoàn toàn sự có mặt của casein, một chất được tìm thấy trong tất cả các sản phẩm sữa, và gluten, chứa trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, và một số loại yến mạch.


Dược sĩ Mai. T. Nguyễn đứng giữa. (Hình cung cấp)

Bài BĂNG HUYỀN

Hội Thảo về tự kỷ của Hội Trái Tim Bác Ái

Hội Trái Tim Bác Ái do dược sĩ Mai. T. Nguyễn và những người bạn lập ra từ năm 2007 nhằm mục đích giúp các trẻ em mồ côi tàn tật, người nghèo khổ tại Việt Nam, đã thực hiện nhiều chuyến đi về Việt Nam giúp xây nhà tình thương, phát gạo cho các gia đình nghèo khổ tại Việt Nam. Riêng tại Quận Cam, Hội đã tổ chức hội chợ y tế giúp khám chữa bệnh miễn phí cho đồng hương, ngoài ra Hội còn tổ chức các hội thảo về bệnh tự kỷ (autism) vào mỗi hai tháng một lần.

Ông Quí Trần là thiên nguyện viên của Hội Trái Tim Bác Ái và là người phụ trách chính của chương trình chuyên giúp về bệnh tự kỷ của Hội, cho biết, vì nhận thấy chứng bệnh tự kỷ đã ảnh hưởng đến một số gia đình người Việt trong cộng đồng mà thông tin về chứng bệnh này thì chưa được quảng bá, cho nên Hội đã thực hiện những hội thảo để giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh này. Trong những dịp này, hội thường mời các chuyên viên về bệnh tự kỷ đến để hướng dẫn, giải thích cho những cha mẹ có con bị tự kỷ biết những phương pháp hướng dẫn cho con, tập cho con bỏ những hành vi xấu để hội nhập vào cuộc sống tốt hơn.
 

Ông Quí Trần (bên phải) trong một hội thảo về tự kỷ do Hội Trái Tim Bác Ái tổ chức.  (Hình cung cấp)

Ông Quí Trần cho rằng, thường với những trẻ bị tự kỷ, mọi người thường hay nghĩ chúng là những đứa trẻ khả năng nhận thức kém, trí tuệ chậm hoặc không phát triển. Nhưng theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 65% trẻ tự kỷ bị ảnh hưởng trí tuệ, còn lại những trẻ tự kỷ khác thường chỉ ở dạng phát triển tư duy và nhận thức lệch, nghĩa là vượt trội ở một mặt nào đó trong khi các mặt khác, chẳng hạn như giao tiếp hay tương tác xã hội lại hạn chế. Có những trường hợp đặc biệt như nhiều trẻ bệnh tự kỷ có khả năng đặc biệt trong một lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như trẻ có thể ghi nhớ các con số, rất nhanh hoặc vẽ lại những thứ trẻ đã từng nhìn thấy một cách tương đối chính xác.

Ông Quí Trần giới thiệu, “Những hội thảo về tự kỷ do Hội Trái Tim Bác Ái mở ra mỗi hai tháng một lần, thường tổ chức tại hội trường nhật báo Người Việt, với mong muốn những bố mẹ có con bị tự kỷ đến hội thảo để học hỏi từ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, các chuyên viên trị liệu bằng phương pháp ABA (Applied Behavior Analysis), là phương pháp giúp cải thiện nhiều mặt cho trẻ tự kỷ về nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ. Là dịp để các phụ huynh gặp nhau chia sẻ kinh nghiệm chính bản thân cũng như gia đình những cách giúp con mình, cho các con cùng đến sinh hoạt với nhau. Nâng đỡ tinh thần cho các phụ huynh.”

Ông Quí Trần nói, “Khi các phụ huynh đến dự, tôi luôn khuyên các phụ huynh hãy làm quen với nhau, lấy số điện thoại của nhau để giữ liên lạc sau hội thảo, để khi gặp trường hợp nào bị bối rối, có thể gọi cho phụ huynh khác để hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, các phụ huynh nào muốn tôi đến gặp con của họ để giúp họ thêm cách thức để dạy cho trẻ, tôi cũng sẽ sắp xếp thời gian để đến gặp và giúp được gì trong khả năng của tôi, tôi sẽ làm hết sức mình.”

Ông Quí Trần cho biết trong những năm qua, cá nhân ông đã đến gặp hơn 100 trẻ bị tự kỷ ngay tại gia đình. Khi tới nhà thăm các em, ông hướng dẫn cho các em chơi, chia sẻ kinh nghiệm cho các phụ huynh, ngoài ra phụ huynh còn nhờ ông đi cùng phụ huynh đến trường học của trẻ để làm thông dịch và giúp phụ huynh yêu cầu với nhà trường cung cấp những điều tốt nhất mà trẻ cần để giúp trẻ tiến bộ hơn.

Những điều trẻ cần

Ông Quí Trần chia sẻ, “Bệnh tự kỷ không chữa được, nhưng trị được. Khi lên kế hoạch điều trị cho con mình, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý rằng, mỗi trẻ tự kỷ khác nhau sẽ có những biểu hiện khác nhau, vì vậy không có một phương pháp đơn lẽ nào được sử dụng để áp dụng chung cho tất cả trẻ tự kỷ. Khi lựa chọn phương pháp điều trị nào, bên cạnh việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ, thầy cô giáo, phụ huynh cần phải dựa vào nhu cầu cá nhân cũng như điểm mạnh điểm yếu của trẻ. Phải là điều trẻ cần, chứ không phải là điều mà phụ huynh muốn cho con mình.”

Vì vậy, theo ông Quí Trần, điều mà các phụ huynh cần chú ý là điểm mạnh của con mình là gì. Con mình có những điểm yếu nào. Những kỹ năng quan trọng nào con còn thiếu. Hành vi bất thường nào ảnh hưởng tới cuộc sống của con. Con tiếp thu tốt nhất bằng hình thức nào: nghe, nhìn hay hoạt động vận động. Con thích làm gì nhất, thích cái gì nhất và làm thế nào để đưa những sở thích đó vào quá trình điều trị của con.

Mỗi phương pháp điều trị sẽ tập trung vào việc xây dựng một số kỹ năng nhất định và giảm thiểu các hành vi bất thường cụ thể cho trẻ. Ví dụ có phương pháp chủ yếu chú trọng vào việc cải thiện hành vi, có phương pháp lại tập trung vào việc cải thiện các vấn đề về cảm xúc. Do đó khi chọn bất kỳ phương pháp nào phụ huynh cũng cần tìm hiểu kỹ và đừng quên đặt ra các câu hỏi cho các chuyên gia. Phụ huynh hoàn toàn có thể lựa chọn nhiều phương pháp cùng lúc cho con, để tận dụng được tối đa ưu điểm của từng phương pháp và nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị.

Nhưng dù phụ huynh quyết định lựa chọn phương pháp nào đi chăng nữa thì yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình trị liệu là phụ huynh cần phải tích cực tham gia vào quá quá trình đó. Bởi vì thực hiện trị liệu tại nhà cũng quan trọng không kém việc trị liệu tại trường học.

Cá nhân ông Quí Trần để làm tốt công việc giúp trẻ tự kỷ và giúp các phụ huynh, ông thường xuyên cập nhật những kiến thức chuyên môn, cũng như những tin tức mới nhất về tự kỷ. Dù đây là công việc thiện nguyện, không có lương bổng gì hết, nhưng ông Quí Trần rất vui được phụng sự các em và giúp đỡ các phụ huynh. Để giúp các trẻ tự kỷ, theo ông Quí, những ai dấn thân vào công việc này cần phải có tấm lòng với các em, yêu thương các em vô điều kiện, phải có cách nhìn bao dung và chấp nhận, nhất là khi phải đối diện những nét khác biệt hoàn toàn độc đáo của các em. Phải luôn biết rằng trẻ em là phải có lỗi, vì vậy không nên khắc khe, phán xét trẻ. Mà phải luôn kiên nhẫn, khen thưởng trẻ khi trẻ làm tốt điều gì đó, dù là rất nhỏ.

Ông Quí Trần nói, “Thái độ cơ bản của chúng ta là tìm hiểu, lắng nghe, đón nhận hơn là áp đặt, cưỡng bức trẻ. Trong nhiều việc, trẻ tự kỷ không làm được, vì trẻ bị bệnh, chứ không phải vì ương ngạnh, khó tính, không muốn. Mình phải luôn đặt mình vào vị trí của các em, nhìn như trẻ nhìn, cảm như trẻ cảm, để tạo an toàn cho trẻ, nhất là bằng cách tiên liệu và chuẩn bị những thay đổi trong chương trình sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Nên cho trẻ ra sinh hoạt bên ngoài càng nhiều càng tốt, ví dụ như đưa trẻ vào sinh hoạt với các Liên Đoàn Hướng Đạo của công đồng gốc Việt để trẻ có cơ hội tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa.”

Ăn uống với trẻ tự kỷ

Đối với trẻ tự kỷ, cách ăn uống như thế nào giúp bé hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng, nhanh chóng cân bằng cơ thể cũng là điều rất quan trọng.

Chế độ dinh dưỡng dành cho những bé tự kỷ, hay còn gọi là GFCF diet loại bỏ hoàn toàn sự có mặt của casein, một chất được tìm thấy trong tất cả các sản phẩm sữa, và gluten, chứa trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, và một số loại yến mạch.

Trong một tài liệu phổ biện trên internet có ghi rõ, “một nghiên cứu năm 2009 đã kết luận rằng, GFCF không giúp cải thiện tình trạng tâm lý ở những trẻ tự kỷ nhưng chuyên gia và nhiều bậc phụ huynh vẫn không ngừng hy vọng về khả năng điều trị của GFCF. Một cuộc nghiên cứu nhỏ ở Đan Mạch năm 2010 cho thấy sự cải thiện đáng kể trong khoảng thời gian từ 8-24 tháng. Các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát trên gần 400 trẻ mắc bệnh tự kỷ và họ nhận thấy rằng, chế độ ăn uống GFCF giúp cải thiện các triệu chứng như tăng động, vấn đề kiểm soát cơn giận, vấn đề với ánh mắt - giọng nói, kỹ năng, và các bệnh thể chất như phát ban và co giật cho các nhóm trẻ em nhất định.

“Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, trẻ mắc bệnh tự kỷ thường gặp vấn đề khi tiêu hóa casein và glutein. Không được chuyển hóa, các loại protein này đi qua thành ruột, “tiếp cận” não và có thể dẫn đến vấn đề hành vi, lời nói và kỹ năng xã hội của trẻ. Một giả thuyết khác lý giải đơn giản hơn rằng,vì khi không thể hấp thu casein và glutein, bé cảm thấy đau đớn và khó chịu.”

Chia sẻ về những thức ăn trẻ bị tự kỷ cần tránh, ông Quí Trần cho biết, “Bột mì, bột ngũ cốc, đường, chất kích thích. Vì những chất như gluten, carbonhydrate, casein có nhiều trong ngũ cốc, bột mì, đường là những thành phần dễ làm trẻ tự kỷ bị kích thích. Khi sử dụng những thực phẩm này, ở đại đa số hệ thần kinh ở trẻ tự kỷ đều bị kích thích khiến trẻ có biểu hiện tăng động, cười hoặc cáu liên tục mà không rõ nguyên nhân. Vì vậy các phụ huynh nên hạn chế tối đa hoặc dùng với số lượng ít những sản phẩm có thành phần từ bột mì, lúa mạch, đường, cà phê.

“Không nên cho trẻ uống các loại sữa tươi, đặc biệt là các loại có đường, các loại nước ngọt, nước có ga, các loại nước có chất kích thích như cà phê vì trong đó rất nhiều đường và phẩm màu ảnh hưởng đến bộ não của trẻ. Thay vào đó có thể dùng sữa đậu nành, sữa dừa, sữa gạo, sữa khoai tây, nước ép hoa quả.
“Hạn chế cho trẻ ăn các loại quả có múi như: cam, chanh, bưởi bởi trong những loại quả này có chứa hàm lượng các chất lên men, gây tích tụ nấm khiến trẻ mất ngủ, không kiểm soát được hành vi.”
Những phụ huynh nào có con bị tự kỷ, gặp những khó khăn gì cần giúp đỡ, thì hãy liên lạc với Quí Trần ở số (714) 200-4142 (để lại lời nhắn nếu ông không nghe máy). Ông hứa sẽ giúp trong khả năng của mình.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT