Phóng Sự

Tìm hiểu về bệnh tự kỷ (kỳ 1)

Sunday, 17/06/2018 - 11:26:39

Không hoặc ít phát ra âm thanh, không cười thành tiếng. Không nói, chậm nói, nói kém, hoặc nói sõi nhưng ít nói, gặp người lạ không nói…


Anh Michael Trần đang dạy một em bị tự kỷ. (Hình cung cấp)

Bài BĂNG HUYỀN

Những hiểu biết về bệnh tự kỷ

Bệnh tự kỷ (Autism) là căn bệnh rất phổ biến ở trẻ em hiện nay và khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng. Theo thống kê của Trung tâm Phòng Ngừa và Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) cho biết tỷ lệ trẻ em bị bệnh tự kỷ đang ngày càng tăng. Cứ 88 trẻ thì có một em bị bệnh tự kỷ. Trong đó bé trai mắc bệnh này nhiều hơn bé gái, trong 189 bé gái có một bé mắc bệnh tự kỷ, và trong 42 bé trai có một bé mắc bệnh này. Điều đáng lo là những người Mỹ gốc Á, trong đó có gốc Việt dường như chưa có nhiều hiểu biết liên quan đến căn bệnh này và vì vậy có thể ảnh hưởng đến việc điều trị cho trẻ.
 

Anh Michael Trần dạy ABA (Therapist Applied Behavior Analyze. Creative Solution for Autism) cho trẻ bị tự kỷ. (Hình cung cấp)

Bác sĩ Lê Đức Xuân Tô chuyên về Nhi Khoa và Bệnh Dị Tật Bẩm Sinh cho biết, sở dĩ ngày nay số trẻ bị tự kỷ càng ngày càng gia tăng là vì chúng ta đã có những nghiên cứu mới và biết thêm về bệnh tự kỷ hơn xưa. Vì vậy những người chuyên lo cho bệnh tự kỷ ở trẻ biết để ý nhiều hơn, chẩn đoán được nhanh và nhiều hơn. Phần đông người Mỹ gốc Việt vì ngại ngùng, xấu hổ khi phát hiện con bị bệnh tự kỷ và phải đưa chữa trị, thường rất rất chậm trong việc đưa con đi điều trị. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị về sau. Các trẻ bị bệnh tự kỷ nếu mình phát hiện càng trễ thì chữa trị càng khó khăn hơn.

Bác sĩ Xuân Tô giải thích, “Bệnh tự kỷ (Autism) là một rối loạn trong hội chứng rối loạn phát triển (Autism Spectrum Disorders – ASD). Tự kỷ là chứng rối loạn mạn tính, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí tuệ và phát triển hành vi cũng như khả năng học tập, giao tiếp và thích nghi của trẻ. Hội chứng này bắt đầu xuất hiện trong ba năm đầu đời của đứa trẻ, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ ở ba khía cạnh quan trọng: giao tiếp xã hội, ngôn ngữ và hành vi.”

Trước đây, thuật ngữ “tự kỷ” không có trong y học, nhưng đến năm 1943, một nhà tâm thần học người Áo tên Leo Kanner đã mô tả một nhóm 11 đứa trẻ với các dấu hiệu phát triển không bình thường như sau: thiếu khả năng tương tác xã hội và phát triển ngôn ngữ, hành vi lặp đi lặp lại được phát hiện sớm trước 3 tuổi. Khái niệm “tự kỷ” đã ra đời và được biết đến cho tới nay.

Nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ

Theo Bác sĩ Xuân Tô, không có nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến bệnh tự kỷ. Phần lớn các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân dẫn đến tự kỷ là do những bất thường trong cấu trúc và chức năng của não bộ. Chụp CT não cho thấy những điểm bất thường trong hình dáng và cấu trúc ở trẻ bị tự kỷ so với trẻ bình thường. Có những giả thuyết về nguyện nhân gây ra bệnh tự kỷ:
- Tự kỷ có nguy cơ xảy ra bởi gen
- Não không bình thườngRối loạn tâm lý
- Ô nhiễm và chất độc trong môi trường.
- Bệnh tự kỷ xảy ra bởi sự kết hợp nhiều nguyên nhân khác nhau.
Những dấu hiệu cho biết trẻ bị tự kỷ
Bác sĩ Xuân Tô nhắc nhở, “Trẻ bị tự kỷ sẽ có những biểu hiện như sau:
- Rối loạn giao tiếp xã hội
- Rối loạn phát triển ngôn ngữ
- Rối loạn hành vi.
Phụ huynh cần chú ý nếu trẻ nói lắp lặp đi lặp lại nhiều hành động không mục đích, ví dụ như vỗ tay, quay hoặc xoay người
Hành vi thường tuân theo một quy luật nhất định, ví dụ như trẻ xếp đồ chơi theo hàng thẳng
Hành vi đơn điệu, thiếu đa dạng, và không thích thay đổi, như việc một đứa trẻ không chịu dời đồ chơi đi hoặc không muốn người khác can thiệp vào việc mình đang làm
Hành vi theo quy luật như làm mọi việc mỗi ngày giống nhau, cùng một giờ, chỉ ăn một món ăn duy nhất, chỉ mặc một kiểu quần áo
Tự làm tổn thương bản thân.

Tự kỷ được chia làm 2 loại:

- Tự kỷ bẩm sinh (phát hiện ngay sau khi trẻ sinh ra), trẻ phát triển chậm và triệu chứng xuất hiện ngay sau khi sinh đến trước khi con được 3 tuổi.
- Tự kỷ không điển hình: Trẻ phát triển bình thường cho đến khi 12–30 tháng tuổi, rồi đột ngột không phát triển nữa hoặc thoái triển (mất những kỹ năng đã học được) và những dấu hiệu khác xuất hiện.
Anh Michael Trần là một chuyên viên dạy ABA (Therapist Applied Behavior Analyze. Creative Solution for Autism.) cho trẻ bị tự kỷ và là thiên nguyện viên, có mặt trong các buổi hội thảo về tự kỷ do Hội Trái Tim Bác Ái nhắm giúp cho các gia đình có con bị bệnh tự kỷ trong cộng đồng người Việt hiểu biết thêm về bệnh, hướng dẫn, giải thích cho phụ huynh những phương cách giúp con mình. Bổ sung thêm về những dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết sớm trẻ tự kỷ, anh Michael Trần nói,

- “Về mặt khiếm khuyết các kỹ năng giao tiếp và xã hội, trẻ bị tự kỷ sẽ mất hoàn toàn hoặc không đáp ứng với âm thanh. Trẻ không có hoặc giảm kỹ năng giao tiếp không lời (ví dụ như giao tiếp bằng mắt, cử chỉ tay chân, biểu lộ nét mặt khi vui buồn, gật lắc đầu..). Có những giao tiếp bằng mắt bất thường (ví dụ tránh không nhìn vào mắt của người khác khi giao tiếp, ánh mắt đờ đẫn).

- Không hoặc ít phát ra âm thanh, không cười thành tiếng. Không nói, chậm nói, nói kém, hoặc nói sõi nhưng ít nói, gặp người lạ không nói…

- Khó tham gia vào các trò chơi; chỉ chơi những trò chơi rập khuôn, thờ ơ. Hoặc đồ chơi không dùng để chơi như những trẻ thông thường.

- Bị hút chặt vào một vài đồ vật quen thuộc.
- Tự đánh mình, đánh người khác, cử động khác thường tay chân (vẫy tay, vê xoắn tay, khi đi kiễng chân,…), tự kích thích mình (hét lên, vẩy tay, chạy vòng tròn, sờ bộ phận sinh dục,…)
- Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 1 tuổi
- Không biết chỉ khi đã được 1 tuổi.
- Không biết nói từ đơn khi 16 tháng tuổi
- Không biết đáp lại khi được gọi tên
- Không tự nói được câu có 2 từ khi 24 tháng tuổi
- Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.
- Sự tập trung chú ý cực kỳ ngắn hoặc không có.
- Thường lặp đi lặp lại một số hành vi hoặc cử động cơ thể nhất định nào đó.
- Thường xuyên ăn vạ.
- Sợ chỗ lạ, người lạ, vật lạ.
- Từ chối quyết liệt một cách bất thường khi phải thay đổi thói quen sinh hoạt hoặc những điều quen thuộc hằng ngày.
- Nhạy cảm với một số âm thanh, cảm giác hoặc một số mùi nào đó.
- Không có khả năng tổng hợp, khái quát thông tin nhận được.
- Rối loạn ăn uống, tiêu hóa.
Bác sĩ Xuân Tô cho biết trẻ bị tự kỷ dù sẽ không hết bệnh, nhưng phát hiện càng sớm sẽ giúp trẻ không bị nặng hơn, giảm bớt các hành vi gây tự tổn thương ở trẻ và và sớm giúp bé hội nhập vào cuộc sống dễ dàng hơn.

Điều trị bệnh tự kỷ

Bác sĩ Xuân Tô cho biết cách điều trị bệnh tự kỷ gồm có:
- Trị liệu hành vi: Giúp trẻ tự kỷ hiểu tình trạng của mình và cư xử một cách thích hợp. Ứng dụng phân tích hành vi là các liệu pháp nghiên cứu hành vi nhiều nhất và nổi tiếng cho trẻ tự kỷ.
- Đào tạo kỹ năng xã hội: Dạy kỹ năng xã hội để tương tác thành công với những người khác.
- Điều trị hòa nhập: Giúp trẻ đối phó với các vấn đề về cảm giác, phát triển các kỹ năng học tập, vui chơi và học cách tự chăm sóc.
- Vật lý trị liệu: Giúp trẻ nâng cao kỹ năng điều phối và vận động như ngồi, đi bộ và chạy.
- Trị liệu lời nói và ngôn ngữ: Cải thiện giọng nói và khả năng nói chuyện của trẻ với những người khác.
- Giáo dục gia đình: Dạy kỹ thuật giáo dục hành vi để phụ huynh áp dụng tại nhà giúp cho bản thân cha mẹ và các anh chị em của trẻ tự kỷ.
Bác sĩ nói thêm, “Dù không có thuốc chữa bệnh tự kỷ nhưng đôi khi trẻ bị tự kỷ cũng có vấn đề về giấc ngủ, rối loạn tăng động thiếu tập trung (ADHD), động kinh, trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc các vấn đề về hành vi khác vẫn cần phải dùng thuốc. Điều trị những trường hợp này bằng thuốc có thể giảm bớt các triệu chứng của bệnh tự kỷ. Một số loại thuốc khác như thuốc chống loạn thần có thể giúp giảm bớt hành vi hung hăng hoặc ngăn chặn các trẻ tự kỷ tự làm tổn thương chính mình.”
(Còn tiếp)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT