Văn Nghệ

Tìm hiểu Flamenco Guitar cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt

Friday, 29/09/2017 - 08:42:43

Hay trong bài “Một Mình,” Nguyễn Đức Đạt đã làm nền bằng tiếng vocal lạ lẫm của Như Quỳnh, tiếng hát mượt mà, nhẹ nhàng bay bổng trên những cung đàn của âm giai, mang đến cho khán giả cảm giác mới lạ và huyễn hoặc.

Bài BĂNG HUYỀN

Tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt
Những khán giả đã từng xem nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật có lẽ đều đồng tình với người viết, sự xuất hiện của anh luôn làm sôi động khán phòng và nhận được rất nhiều tràng pháo tay của khán giả. Bởi anh không chỉ nhuần nhuyễn các ngón đàn, anh còn vận dụng rất nhiều kỹ thuật khác nhau khi chơi trên cây guitar, tựa như Nguyễn Đức Đạt đang sở hữu cả một ban nhạc.


Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt trình diễn trong chương trình Ngọc Trong Tim. (Hình cung cấp)

Anh có thể chơi xuất sắc điệu khúc bản nhạc cộng với tiếng trống, tiếng bass và cả âm thanh của bộ gõ trên cây đàn, khiến cho người nghe cảm nhận như đang được thưởng thức âm thanh của rất nhiều nhạc cụ phối với nhau để tạo thành một bản nhạc phong phú. Tiếng đàn của anh như trào ra một thứ nhiệt lượng mạnh mẽ, nhưng khi cần thì cũng rất thong thả, từng nốt nhấn nhá, ngay cả những đoạn cao trào dồn dập, hay với những đoạn solo ngẫu hứng, lôi cuốn, bay bổng.

Từ những bản nhạc với nhịp điệu sôi nổi theo kiểu hành khúc, giai điệu đẹp, tiết tấu sinh động, hòa âm nhịp nhàng trong tác phẩm, kỹ thuật tremolo tuyệt kỹ đem lại ảo giác dòng nhạc ngân vang liên tục tựa như dòng suối giai điệu, làm say đắm thính giác người nghe vô cùng. Ngón đàn của Nguyễn Đức Đạt lúc khoan thai, lúc dồn dập điêu luyện, cùng sự truyền cảm trong từng nốt, từng bè của tác phẩm với kỹ thuật chạy ngón rất nhanh, tạo nên tiết tấu dồn dập, khiến đôi chân của người nghe chỉ muốn nhún nhảy theo âm nhạc của tác phẩm.

Bật mí về bí quyết trong cách chơi đàn của mình, anh cho biết, “Lối chơi đàn của Đạt là kết hợp ba kiểu chơi guitar cổ điển, flamenco và guitar acoustic của nhạc folk của Mỹ giống như Bob Dylan, John Lenon, James Taylor... vốn là những thần tượng của Đạt. Với mỗi tác phẩm dù là nhạc quốc tế, nhạc Việt Nam, hay nhạc của Đạt sáng tác, Đạt luôn trộn 3 cách chơi chính này lại với nhau, liều lượng sẽ gia giảm khác nhau cho từng bài khi độc tấu. Chơi làm sao cho guitar ngân lên những giai điệu từ trái tim và tâm hồn của mình chứ không phải được chơi thuần túy bằng kỹ thuật thôi.”

Đây cũng chính là điều làm nên thành công không chỉ trong các tiết mục nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt diễn live trên sân khấu mà cho cả các CD của anh. Năm 2006, Nguyễn Đức Đạt cho ra đời CD đầu tiên gồm những bản guitar hòa tấu của chính anh. Năm 2008, CD thứ hai, “Gã Điên Trên Đồi Hoang,” gồm những ca khúc được trình tấu với guitar cũng do chính Đạt sáng tác được đón nhận nồng nhiệt.
Tháng Tám năm 2013, CD “Air of Phuong” là tác phẩm cá nhân thứ ba của Nguyễn Đức Đạt. Từ lúc hình thành ý tưởng đến khi thành phẩm ra đời, CD này đã “ngốn” của nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt khoảng 3 năm. Anh đã miệt mài chọn lọc và tự tìm nét riêng cho CD, đây là sản phẩm do chính Nguyễn Đức Đạt thực hiện với chất lượng âm thanh, kỹ thuật hòa âm tuyệt vời. Toàn bộ chín tác phẩm trong CD này, bài nào cũng mang phong cách jazz ngẫu hứng cao, một thể loại kén người chơi lẫn người nghe, hầu hết đều có những đoạn ngẫu hứng solo, chất jazzy đã được thêm vào nhiều hơn, tạo ra một không gian âm nhạc ít nhiều khác lạ với những gì đã khá quen thuộc từ nhạc Lam Phương.


Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt độc tấu trong buổi diễn Đêm Tây Ban Cầm cổ điển và Flamenco Dương Kim Dũng và bạn hữu tháng 11 năm 2016. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

CD là một bức tranh đầy màu sắc với phong cách chủ đạo là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa world music (sự kết hợp giữa phong cách nhạc dân gian với đương đại) và jazz (worldjazz), nhạc Flamenco, nhạc Latinh, sự êm ái, ngọt ngào của phong cách smooth jazz... Trong đó, sự tung hứng giữa tiếng đàn guitare của Nguyễn Đức Đạt với các nhạc cụ Mandolin, Harmonica, Flute, percussion (bộ gõ)... do chính anh thể hiện, kỹ sư âm thanh ghi âm lại rồi mix lại với nhau, cùng tiếng kèn tuba của nghệ sĩ Stan Freese 3 lần đạt giải Grammy trong bài “Đoàn Người Lữ Thứ” đậm phong cách ngẫu hứng Jazz; tiếng Bass của Chris Payne trong bài “Cỏ Úa”; tiếng Cello của Claire Mehm trong “Bài Tango Cho Em”; tiếng đàn violin của Lina Nguyễn trong “Một Mình”. Đặc biệt, với “Liên Khúc Quê Hương,” gồm 3 ca khúc “Chuyến Đò Vĩ Tuyến,” “Lá Thư Miền Trung,” “Vĩnh Biệt,” Nguyễn Đức Đạt đã khéo léo phối hợp world music với dòng new age để “Liên Khúc Quê Hương” vừa thân thương, trìu mến vừa thiêng liêng. Kết hợp cùng tiếng đàn là giọng hò miền Nam ngọt lịm của Hương Lan nghe như xa thăm thẳm từ chiếc xuồng nhỏ giữa dòng sông Hương, khiến người nghe không khỏi mủi lòng khi chợt nhớ về một quê hương đã xa tầm tay với.

Hay trong bài “Một Mình,” Nguyễn Đức Đạt đã làm nền bằng tiếng vocal lạ lẫm của Như Quỳnh, tiếng hát mượt mà, nhẹ nhàng bay bổng trên những cung đàn của âm giai, mang đến cho khán giả cảm giác mới lạ và huyễn hoặc.

Và năm 2016, CD “Play It My Way” của Nguyễn Đức Đạt ra mắt khán giả. CD gồm những bài rất nổi tiếng trong âm nhạc quốc tế, đã được Đạt hòa âm và chơi theo kiểu của riêng mình, chứ không thuần túy theo đúng bản gốc, cùng với 2 sáng tác của Nguyễn Đức Đạt được anh sáng tác theo phong cách Flamenco mới, có pha chút nhạc Pop, hòa trộn với các loại nhạc khác, nhưng nó vẫn dựa trên nhạc Flamenco cổ điển với tiết tấu sôi động dễ nghe.


Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt (hội trưởng của Ngọc Trong Tim- tổ chức phi vụ lợi với chủ trương giúp trẻ khuyết tật, mồ côi, bệnh nan y, hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ các hội từ thiện để chuyển quà của họ trực tiếp đến người nhận) và nghệ sĩ Thành Lễ (sáng lập ra Ngọc Trong Tim) nhận bằng tưởng lục từ thị trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Niềm say mê với Flamenco

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt được đào tạo bài bản chuyên ngành biểu diễn guitar cổ điển tại Đại Học Cal State Fullerton và đạt được những giải thưởng cao quý bằng những khúc diễn tấu hàn lâm, giải sáng tạo của hãng Disney năm 1993, vô địch giải guitar toàn bang California, anh là một trong 3 nghệ sĩ chơi guitar xuất sắc nhất của giải thưởng dành cho nghệ sĩ độc tấu trẻ Panasonic 1996 - 1997. Nhiều bài báo đăng trên các tạp chí tên tuổi của Hoa Kỳ cũng đã viết về cuộc đời sáng tác và con đường âm nhạc của anh như Reader Digest, O.C Register, LA Times...

Thế nhưng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt cho rằng âm nhạc mà anh thực sự say mê lại chính là những vũ khúc Flamenco cuồng say. Anh đã có thời gian học cách chơi Flamenco với một nhạc sĩ gốc Tây Ban Nha tại Los Angeles.

Anh chia sẻ, “Đạt rất thích chơi nhạc Flamenco, vì chạy ngón rất sướng, âm thanh rộn ràng, chưa tính đến những hợp âm của Flamneco làm cho bản nhạc đầy thêm lên, nghe đã lắm. Chơi Guitar Cổ điển và Guitar Flamenco đều có cái khó là đòi hỏi kỹ thuật di chuyển ngón tay phức tạp. Nhất là với Flamenco có rất nhiều kỹ thuật, đặc biệt là tay phải. Ngón cái hoạt động rất nhiều, tốc độ chạy ngón rất nhanh và phải có đầy đủ lực mạnh để cho tiếng tạo ra dòn mà vẫn sâu. Tay trái thì ngón bấm cũng phải nhanh. Còn học nhạc Pop đệm hát thì dễ hơn, nhưng cũng có cái khó của đệm hát là phải tự biến tấu lấy những bài nhạc khi mình đệm hát. Còn nhạc cổ điển thì dễ vì có sẵn bài của các nhà soạn nhạc, mình chỉ nhìn nốt nhạc mà chơi thôi.”

Sự khác nhau giữa Classical và Flamenco

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt cho biết, “Giai điệu của Flamenco rất mạnh mẽ, hoang dã, là một loại âm nhạc dân gian của Tây Ban Nha. Còn Classic là loại nhạc thuần túy nghệ thuật, bắt nguồn từ Châu Âu, là loại nhạc do các nhà soạn nhạc sáng tác ra, chứ không phải có sẵn trong dân gian, mang phong cách trữ tình, sâu lắng, rất bay bổng, thể hiện sự ước mơ cao đẹp của con người vào thế giới tâm linh.
“Kỹ thuật chơi Flamenco guitar nổi bật bởi tiếng ép dây hầu như cả bản nhạc, đồng thời là kỹ thuật Rasgh và Tremolo. Khi tremolo cũng phải ép dây, ngoài ra tremolo cũng rất đa dạng có thể chơi cả 5 ngón p c a m i, còn chơi Classic guitar thì thường chỉ chơi 4 ngón p a m i. Flamenco còn tận dụng hết những nơi có thể tạo ra âm thanh như thùng đàn, mặt đàn, cần đàn, cùng các dụng cụ hỗ trợ cho người chơi trong lúc trình diễn.”

Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt, “Âm Thanh của Flamenco guitar đanh như kim loại, có tiếng treble rất mạnh. Tiếng treble được tạo ra do ngón tay trái ép dây và tác dụng của dây đàn. Đàn guitar chơi Flamenco mỏng hơn đàn chơi Classic nên tạo tiếng vang hơn, còn âm thanh đàn guitar chơi Classic thì có âm thanh ngọt ngào, tròn tiếng, thiên về tiếng bass. Khác biệt này chủ yếu là do đàn guitar cổ điển làm bằng loại gỗ đặc chắc hơn, có cấu trúc bên trong cũng khác và hộp cộng hưởng có bề dầy lớn hơn. Vì những lý do vừa nêu nên cây đàn để chơi guitar cổ điển có trọng lượng nặng hơn. Một điểm đáng lưu ý khác nữa là khoảng cách giữa các dây đàn với bề mặt phím của guitar cổ điển cao hơn đàn guitar chơi Flamenco.

“Chơi Flamenco guitar thì những đoạn chạy ngón với tốc độ cao và nhiều khi chỉ có một bè giai điệu ( không có bè Bass), còn Classic guitar thì ít nhất cũng phải có 2 bè, nhưng thông thường là phải 3 bè gồm bè Bass (bề trầm) bè Trung và Bè giai điệu (treble), hơn nữa kết cấu bản nhạc Classic rất chặt chẽ, các đoạn hòa âm cũng như cách chạy ngón tuân theo quy luật rất khắt khe còn Flamenco do bản chất phóng túng nên bản nhạc cũng thường không bị gò bó. Nhạc Flamenco đảo phách rất nhiều, với những giai điệu, tiết tấu vui tươi đòi hỏi người chơi đàn phải có khả năng kĩ thuật cao, một đôi tay mềm mại dẻo dai với những ngón đàn nhanh và cách búng ngón tay phải tròn đều, người chơi phải nắm được điều này mới tạo nên cái hồn của bản nhạc Flamenco.”

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt giới thiệu, “Nếu như Flamenco gốc của Tây Ban Nha bao gồm có hát, chơi guitar, nhảy, và vỗ tay thì Nouveau Flamenco là Flamenco mới với cách chơi nhạc Flamenco hiện đại. Là một thể loại âm nhạc phát triển dựa trên nền tảng của Flamenco nguyên thủy cộng hưởng với một số phong cách âm nhạc châu Âu, châu mỹ Latin, các điệu nhạc Jazz, Rumba, Bossa Nova, Gypsy,Pop Latin, Middle Eastern, Rock, Cuban Swing, Tango và Salsa, được các nhạc sĩ thể hiện theo tinh thần Flamenco… Là sự hòa quyện âm sắc của đàn guitar với những nhạc cụ khác như piano, violon, trống jazz, keyboard, bass, để làm backgrourd cho tiếng guitar thùng, khác với Flamenco nguyên thủy chỉ có duy nhất guitar thùng. Những guitarist hàng đầu trên thế giới chơi New Flamenco đều tự sáng tác ra những tác phẩm và chơi guitar theo phong cách riêng của mình mà khi nghe qua, sẽ nhận biết ngay họ là ai. Một trong số những nghệ sĩ hàng đầu thế giới chơi guitar theo phong cách này là nhạc sĩ Paco delucia, một người mà dù vẫn còn sống nhưng đã được đất nước Tây Ban Nha tạc tượng để tôn vinh những đóng góp của ông cho nền âm nhạc Tây Ban Nha cũng như thế giới.”

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt nói, “Không phải ai cũng chơi được Flamenco đúng chất của Flamenco. Không phải học một số âm giai, giai điệu, một số hợp âm là chơi được ra chất Flamenco đâu. Nguyễn Đức Đạt không phải người chơi nhạc Flamenco chuyên nghiệp, chỉ có ảnh hưởng Flamenco thôi. Khi chơi nhạc Flamenco, Đạt có kỹ thuật, có cảm xúc của người chơi Flamenco, nhưng vẫn chưa phải là một nhạc sĩ Flamenco chuyên nghiệp thực thụ.”

Về lời khuyên cho những ai muốn học guitar, anh cho rằng, “Người muốn học phải chịu đau trong vòng 8 tuần lễ bên tay trái, sau đó thì mới quen dần và hết đau. Nếu không muốn tập luyện một ngày ít nhất khoảng 1 tiếng rưỡi, thì không nên theo nhạc cụ này. Không qua nổi giới hạn này thì đừng nên học. Hai, ba năm đầu mới bắt đầu học nhạc cụ này cần phải vậy, dù là xác định học chơi tài tử hay là theo chuyên nghiệp. Đạt không nhớ ai nói, nhưng đại ý của câu nói này tài năng là 99 phần trăm tập luyện còn 1 phần trăm là năng khiếu. Dù đã chơi rành guitar rồi, nhưng hiện nay mỗi ngày Đạt vẫn tiếp tục tập đàn khoảng 3 tiếng , vì có những kỹ thuật mình phải tập đều đặn mỗi ngày để tay dẻo hoài. Đó là chưa tính thời giờ dành cho sáng tác. Thường những lúc không có cảm hứng để viết nhạc, Đạt sẽ đi xa một chuyến để có cảm hứng, hoặc đổi qua chơi nhạc cụ khác (ngoài sở trường là guitar, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt còn chơi được nhiều nhạc cụ khác) để có cảm hứng mới viết một tác phẩm mới. Theo Đạt, với người sáng tác nhạc thì nên mỗi ngày viết một cái gì đó ra, viết xong bỏ cũng được, nhưng phải viết, để đầu óc hoạt động, chứ đừng đợi có cảm hứng sáng tác rồi mới viết.”

Giải thích vì sao chọn đàn guitar chứ không phải một nhạc cụ nào khác, nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt đùa rằng, “Trong các nhạc cụ, Đạt thích nhất guitar, vì thùng đàn guitar tựa như eo phụ nữ, rất sexy, còn những đàn khác như piano chẳng hạn thì khi mình ngồi đàn xa cách giữa người đàn với nhạc cụ quá. Đạt chỉ đùa thôi, chứ thật ra đến với guitar là cũng là có duyên với cây đàn này từ buổi đầu học nhạc.

“Đạt rất mê thích cây đàn guitar, nếu piano mình đánh nốt, nhấn phím thì chỉ có bao nhiêu đó nốt, mình bị giới hạn, không tạo nhiều sắc thái trên piano, còn guitar thì mình có thể bẻ nốt hơi thấp thấp xuống, hay làm cho nó rung như giọng hát của người, hay mình có thể làm cho nó chat chat, ấm ấm chút. Một nốt thôi mình có thể làm được mười mấy kiểu từ tay bấm của mình, thành ra Đạt ví nó là một trong những phép lạ của nhạc cụ guitar.

“Đạt chưa gặp ai bảo không thích nghe tiếng đàn guitar hết, nhất là âm thanh của guitar dây nilon, nó có gì đó rất quyến rũ, mà cũng tự đệm cho mình hát được. Tuy vậy, guitar cũng có hạn chế, ví dụ như âm lượng volume của guitar thua piano, nhưng dễ thôi, mình gắn điện vào khuếch âm lên thì âm thanh cũng lớn. Phần ngân dài thì guitar không bằng những nhạc cụ khác. Nhất là khi chơi chung với các loại kèn. Guitar chỉ chơi chung với sáo là hợp nhất, vì 2 âm thanh bằng nhau.”

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt giới thiệu thêm, “Để thay thế khuyết điểm tiếng ngân của đàn guitar ngắn không thích hợp với một số bản nhạc trữ tình, nhất là những bản nhạc viết cho violon, người ta tìm cách rút ngắn khoảng thời gian phát ra các nốt nhạc liên tiếp đồng thời đặt thêm các nốt nhạc giống nhau ở cạnh nhau nhằm tạo sự liền mạch đối với tai người nghe bằng kỹ thuật tremolo. Tremolo là một kỹ thuật khá khó và hay của guitar. Nó được các nghệ sĩ guitar sáng tạo ra để thay thế khuyết điểm tiếng ngân ngắn của tiếng đàn guitar. Để tremolo thành công, người đàn phải dành nhiều thời gian để tập và đều đặn mỗi ngày, phải kiên nhẫn và tập đúng phương pháp kỹ thuật, phải nhanh, nhuyễn, rung, láy, truyền cảm, rõ và đều.”
Những khán giả nào yêu mến tiếng đàn guitar của nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt, có thể gặp anh và thưởng thức tiếng đàn của anh vào ngày hôm nay, thứ Bảy, ngày 30 tháng Chín, 2017 tại phòng hội Viện Việt-Học (15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683), từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều trong buổi giới thiệu 2 quyển sách “Vietnamese Childrens Favorite Stories” và “My First Book of Vietnamese Words An ABC Rhyming Book of Language and Culture” của tác giả Trần Thị Minh Phước, phần minh họa tranh vẽ của hai vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng. Buổi giới thiệu sách có chương trình Văn nghệ Thiếu nhi và sự góp mặt đặc biệt của Nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt. (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT