Xe Hơi

Tìm hiểu Brake Pads (bố thắng)

Friday, 22/09/2017 - 08:41:30

Bố thắng là một thành phần chủ lực, chính nó đưa lực trực tiếp xiết vào vòng bánh xe, gọi là Brake Rotor. Brake Pads và Brake Rotor là hai bộ phận liên tục chịu sự chà sát trên cả trăm ngàn dặm đường mà bánh xe lăn qua.

Bài HAO SMITH

Xe đang ngon trớn trên đường mà cái xe đằng trước bỗng dưng đứng lại, bàn chân chúng ta ngay lập tức phát ra phản xạ: Nhấn mạnh bàn đạp thắng! Thực là một động tác đơn giản. Nhưng cái động tác đơn giản ấy đã đặt một trách nhiệm lớn lao trên “vai” hệ thống thắng: Tức thời giữ bốn bánh xe lại, không cho nó lăn nữa. Đứng ở tuyến đầu để thực hiện chỉ thị ấy là cái bố thắng (brake pad).


Mũ Caliper nằm trên Rotor ở mỗi bánh xe

Bố thắng là một thành phần chủ lực, chính nó đưa lực trực tiếp xiết vào vòng bánh xe, gọi là Brake Rotor. Brake Pads và Brake Rotor là hai bộ phận liên tục chịu sự chà sát trên cả trăm ngàn dặm đường mà bánh xe lăn qua. Sự hao mòn là đương nhiên, và sự thay thế là điều phải xảy ra, không thể tránh được. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu Brake Pads.

Caliper và Brake Pads

Caliper có thể ví như “cái mũ” đội trên đầu đĩa thắng (Rotor), nằm bên trong mũ này là 2 miếng Brake Pads ở 2 bên tai mũ. Brake Pad gồm 2 phần chính:


Brake Pad gồm một miếng kim loại (shoe) ôm lấy lưng một miếng đệm (lining)

- Phần kim loại mỏng, gọi là cái brake shoe, vì nó trông như cái giầy ôm lấy một miếng đệm lót bên trong.
- Miếng đệm, gọi là brake lining, được dán dính vào cái shoe ấy. Khi nói “Brake Pad” quá mòn chính là chúng ta đang ám chỉ tới phần đệm này.

Khi cọ sát với Rotor để hãm đà Rotor lại thì Pad sẽ mòn dần. Nếu để mòn quá, mặt kim loại của Rotor sẽ chạm mặt kim loại của Shoe, phát ra những tiếng nghiến xiết nghe chói tai. Khi tình trạng này xảy ra, thì cả 2 mặt kim loại đều đã bị tổn thương. Chính vì thế, các nhà thiết kế đặt một bộ phận “cảnh báo” để tài xế kịp thời nghe tiếng báo động trước khi sự tổn thương xảy ra.

Những tiếng cảnh báo của Brake Pads

Brake Pad nằm trong Caliper, ẩn sau lốp xe, nên chúng ta khó có cách nào kiểm tra độ dầy của nó. Nhưng Brake Pad luôn luôn lên “tiếng nói” để báo cho tài xế biết rằng nó không còn được khỏe mạnh và đầy đặn để phục vụ. Tiếng nói của Brake Pads có thể xuất hiện dưới những dạng sau:
1. Tiếng nghiến xiết (squealing):

Đó là tiếng cào sột soạt, tiếng nghiến xiết, hoặc tiếng ồ ồ…. ngay lúc xe đang bon bánh. Nhưng lạ một điều, khi đạp thắng thì những tiếng động khó chịu ấy biến mất, để rồi khi bàn chân nhấc lên khỏi bàn đạp lại trở về ám ảnh.


Brake Pad nằm ở hai bên tai mũ Caliper

Đó là tiếng của bộ phận cảnh báo, cho biết Pad đã mòn, sắp đến độ nguy hiểm, đòi hỏi chủ xe phải cho nó về hưu trong nghĩa địa!

2. Tiếng lạch cạch (clicking) phát ra mỗi khi tài xế đạp thắng hoặc nhả thắng. Đây là dấu hiệu những cái “clip”, bolt, hoặc Pin…. vốn là những cái kim gài, bù loong giữ Pad vào đúng vị trí, nay bị long ra, xộc xệch.
3. Thời gian giữ cho xe dừng hẳn lại kéo dài lâu hơn: Đôi khi chúng ta phải đạp thắng từ xa để cho xe có thời giờ chậm lại trước khi ngừng hẳn. Đây là một biện pháp lái xe an toàn. Nhưng khi rà chân quá lâu quá dài trên bàn đạp, bạn đã buộc Pad phải tiếp xúc với Rotor nhiều hơn, lâu hơn, và tạo ra sự hao mòn sớm hơn. Kết quả, đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy thắng không còn “ăn” theo ý mình nữa, thời gian cho xe dừng lại lâu hơn ý mình mong muốn. Đó là lúc Pad đã mòn cần phải được thay thế.


Làm việc quá lâu, pad mòn dần (bad), cần được thay thế bằng một pad mới có độ dầy đầy đủ (good)

4. Mũi xe nghiêng về một bên mỗi khi đạp thắng.
5. Bàn đạp thắng rung lên mỗi khi bàn chân tài xế đạp lên.
Đây là những dấu hiệu cho thấy cần phải chú ý tới độ hao mòn của Brake Pads, và nếu cần phải thay thế trước khi những thiệt hại lớn hơn xảy ra.
Haosmith@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT