Hoa Kỳ

Tiểu thuyết gia Salman Rushdie bị đâm ở New York, có thể bị mù một mắt

Friday, 12/08/2022 - 08:16:41

Tình trạng sức khỏe của ông rất xấu, có nguy cơ mù một con mắt, một cánh tay bị đứt nhiều mạch máu, gan bị đâm và bị tổn thương.


Nhà văn Salman Rushdie chụp hình với tác phẩm 'Quichotte' của ông tại Southbank Centre ở thủ đô London ngày 13 tháng 10, 2019. (Tolga Akmen/ AFP via Getty Images) 

 

Ông Salman Rushdie - một tác giả nổi tiếng từng đoạt nhiều giải thưởng văn học hàng đầu thế giới với những tác phẩm gây ra sự đe dọa cho bản thân ông - đã bị đâm vào cổ trên sân khấu hôm thứ Sáu trước khi thuyết trình tại Viện Chautauqua ở phía tây tiểu bang New York, Cảnh Sát Tiểu Bang cho biết. Nghi can đã bị một cảnh sát viên bắt giữ.

 

Ông Rushdie, 75 tuổi, đã được đưa tới bệnh viện địa phương bằng máy bay trực thăng. Tình trạng chưa rõ, được thở bằng máy vào đêm thứ Sáu. Một người phỏng vấn ông cũng bị thương nhẹ ở đầu.

 

Đêm thứ Sáu, một người đại diện ông Rushdie cho biết tình trạng sức khỏe của ông rất xấu. Ông Andrew Wylie nói với báo New York Times rằng ông Rushdie có nguy cơ mù một con mắt, một cánh tay bị đứt nhiều mạch máu, gan bị đâm và bị tổn thương.

 

Vào trưa thứ Sáu, bà Thống Đốc Kathy Hochul của New York từng báo tin ông Rushdie "còn sống" và "đang nhận được chăm sóc cần thiết." Một cảnh sát viên tiểu bang "đã đứng lên cứu sống ông và bảo vệ ông cũng như người điều khiển chương trình cũng đã bị tấn công.

 

"Nhà văn này là người đã dành hàng thập niên để nói lên sự thật trước quyền lực," bà thống đốc nói về ông Rushdie. "Một người ở đầu chiến tuyến mà không sợ hãi, bất chấp những mối đe dọa đã theo ông suốt cuộc đời của ông."

 

Ông Rushdie được giới thiệu vào khoảng 10:45 sáng khi vụ hành hung xảy ra, theo một nhân chứng, người nói ông ta nghe thấy tiếng la hét từ khán giả. Ông cho biết một người đàn ông mặc áo đen dường như đang "đấm" tác giả. Nhân chứng, cách sân khấu 75 feet, không nghe thấy kẻ tấn công nói gì hoặc nhìn thấy vũ khí.

 

Một số người trong khán giả đã chạy đến giúp Rushdie trong khi những người khác đuổi theo kẻ tấn công, nhân chứng cho biết.

 

Một nhân chứng khác nói rằng không có khám xét an ninh hay máy dò kim loại tại buổi thuyết trình này.

 

Nhân chứng cho biết kẻ tấn công "đi nhanh" xuống một lối đi và nhảy lên sân khấu, đến gần tác giả và "giơ tay như đang đâm liên tục."

 

Trên trang web, Viện Chautauqua mô tả chương trình hôm thứ Sáu là "cuộc thảo luận về việc Hoa Kỳ như là nơi tị nạn cho các nhà văn và các nghệ sĩ khác đang sống lưu vong có một nơi tự do thể hiện sáng tạo."

 

Trong một tuyên bố, trung tâm giáo dục phi lợi nhuận và khu nghỉ mát mùa hè này cho biết họ đang "phối hợp với các viên chức thực thi pháp luật và khẩn cấp để phản ứng công khai sau vụ tấn công hôm nay của Salman Rushdie trên sân khấu Chautauqua Amphitheatre."

 

Các nhà văn nổi tiếng như Stephen King và JK Rowling đã nói những lời chúc lành cho ông Rushdie qua Twitter.

 

Ông Rushdie là cựu chủ tịch của hội văn bút Hoa Kỳ, PEN America, một nhóm tự do ngôn luận nổi tiếng của Hoa Kỳ dành cho các tác giả, cho biết họ đang "sửng sốt và kinh hoàng trước tin về một cuộc tấn công tàn bạo, được tính toán trước."

 

Giám đốc điều hành PEN America, bà Suzanne Nossel, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi không nghĩ có một vụ tấn công bạo lực công khai nào khác nhắm một nhà văn trên đất Mỹ mà chúng ta có thể so sánh được. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng nhiệt thành rằng tiếng nói thiết yếu của ông không thể và sẽ không bị dập tắt."

 

Tiểu thuyết gia Salman Rushdie là người Anh gốc Ấn Độ, chào đời tại Mumbai, con trai của một doanh nhân Hồi giáo thành đạt ở Ấn Độ, được đào tạo ở Anh, đầu tiên học tại Trường Rugby và sau đó là tại Đại Học Cambridge, nơi ông tốt nghiệp bằng Thạc Sĩ về Lịch Sử.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu làm công việc viết quảng cáo ở London, trước khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, "Grimus" vào năm 1975.

 


Cảnh sát bao vậy một khu phố tại Fairview, New Jersey, nơi họ lục soát nhà của nghi can Hadi Matar, 24 tuổi, trưa ngày 12 tháng 8, 2022. (Islam Dogru/Anadolu Agency via Getty Images)

 

Việc Rushdie viết về các chủ đề chính trị và tôn giáo tế nhị đã biến ông thành một nhân vật gây tranh cãi. Nhưng việc xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ tư của ông "The Satanic Verses" (Quỷ Kinh) vào năm 1988 đã đeo đuổi ông trong hơn ba thập niên.

 

Một số người Hồi giáo cho rằng cuốn sách này là vi phạm tôn giáo và nó đã gây ra các cuộc biểu tình công khai. Năm 1989, cố lãnh đạo Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini gọi Rushdie là kẻ báng bổ và nói rằng "The Satanic Verses" là một sự xúc phạm đối với Hồi giáo và Nhà Tiên Tri Mohammed, đồng thời ban hành một sắc lệnh tôn giáo, hay gọi là fatwa, ban lệnh giết chết ông.

Kết quả là, nhà văn sinh ra ở Mumbai đã trải qua một thập niên dưới sự bảo hộ của chính phủ Anh cho đến khi chính phủ Iran tuyên bố sẽ không còn tìm cách thực thi fatwa vào năm 1998.

 

Nhưng một số người cực đoan vẫn đeo đuổi lệnh này, như nghi can Hadi Matar, một thanh niên 24 tuổi, từ Fairview, New Jersey. Cảnh sát đang thu thập bằng chứng để tìm hiểu tại sao anh này muốn giết ông Rushdie? Anh tự chủ mưu ám sát hay làm việc cho ai?

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT