Tiêu Thụ

Tiếp tục cắt cơn ghiền shopping

Saturday, 25/10/2014 - 09:49:11

Ông Aron là thầy dậy cách bán hàng (marketing) mà lại khuyên giới tiêu thụ như vậy, chắc chắn giá trị của lời khuyên ấy không nhỏ.

Bài ERIC TRẦN

Lần trước chúng ta có đề cập một số phương thức do các nhà nghiên cứu về tâm lý tiêu thụ đưa ra để cắt bệnh “shopping.” Xét thấy còn một số ý kiến khá hay về vấn đề này, nếu không ghi cả ra biết đâu có bạn lại cho rằng người viết … giấu nghề! Một mặt khác, Eric cũng hy vọng rằng sẽ không bị các cao nhân phê bình là rườm lời, hoặc “nói dai, nói dài, nói dơ.”

Bụng đói thì nhìn gì chẳng thấy ngon

Giá trị lao động

Nhà báo Leo Babauta mà chúng ta đã nhắc đến lần trước có thêm một ý, đó là trước khi mua bán một món hàng, chúng ta nên dành vài ba giây để so sánh giá cả của nó với công sức lao động của mình. Áp dụng qui tắc này, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều rất đáng ngạc nhiên. Chẳng hạn, một món đồ giá $100 có thể là đã xén mất gần 2 ngày làm việc. Đấy là nói người lãnh $9/một giờ theo qui định chính thức về tiền lương tối thiểu tại California, thực tế có nhiều người (làm tiền mặt) còn kiếm được ít hơn. Người đi làm khoảng $4 một giờ phải bỏ ra tới hơn 3 ngày lương mới mua được món đồ ấy. Ông Babauta khuyên rằng “hãy nghĩ kỹ xem ích lợi của món đồ có thực sự đáng giá bằng ấy thời gian của đời sống mình hay không.”

Giá trị món hàng

Sau khi so sánh món hàng với giá trị lao động của mình, mà bạn vẫn còn có thêm 1, 2 phút nữa, thì xin nhìn đến giá trị của chính món hàng: Liệu nó có cải thiện hoặc làm cho đời sống mình dễ dàng thoải mái hơn một chút chăng? Nó có làm cho đời sống mình đơn giản hơn không? Hay ngược lại, làm phiền phức thêm?

Shopping với cái bụng

Ông David Aron, giáo sư môn “Marketing” tại Đại Học Dominican University ở River Forest, tiểu bang Illinois, phát biểu, “Đi shopping lúc đói, thì không phải chỉ có con mắt bị cám dỗ mà còn cả cái bụng nữa. Bị tấn công trên cả hai mặt trận như vậy thì thua là sự thường. Nhưng nếu đi mua hàng khi no bụng, chúng ta chỉ đánh giá món thực phẩm ở giá trị của nó, xem mình có thực sự cần không, chứ không phải là mình có muốn ăn không?”
Ông Aron là thầy dậy cách bán hàng (marketing) mà lại khuyên giới tiêu thụ như vậy, chắc chắn giá trị của lời khuyên ấy không nhỏ.

Shopping với trẻ em

Đi shopping mà dẫn trẻ em đi theo thì nhiều phần chúng ta phải tiêu pha vượt mức, là vì xung động và cảm tính trong các em còn mạnh mẽ hơn nữa. Khi các em đòi mua món nọ mua món kia mà không được đáp ứng thì rất phiền. Nhưng nếu bạn không để các em ở nhà được, các nhà tâm lý có cách giúp “chuyển bại thành thắng”: Cho các em tham gia việc soạn danh sách những thứ cần mua ngay từ nhà; đến cửa hàng, chúng ta nên để cho các em tự đi tìm những món đồ trên danh sách. Tìm đúng món đồ cần thiết và hướng dẫn chúng ta đến nơi có hàng, thật là một trò chơi thú vị, khiến các em không còn thời giờ để mè nheo chúng ta nữa.

Shopping với phần thưởng

Ai chẳng thích phần thưởng, đó là điểm tâm lý được giới bán hàng khai thác tối đa qua những đợt giảm giá, rebate, hoặc biếu miễn phí…. Chúng ta cũng có thể khai thác tâm lý ấy để làm lợi cho mình. Cô Anisha Sekar, chuyên viên tâm lý tiêu thụ, có một sáng kiến độc đáo là: Đứng trước một món hàng muốn mua, sau khi đã thử đủ mọi cách để lơi giãn mà vẫn không rời được, thì hãy nhìn nó như một phần thưởng; Nhưng trước khi nhận phần thưởng thì phải có công trạng gì chứ? Vậy, đi bộ mỗi ngày ít nhất 3 miles trong ít nhất là 1 tuần (2 tuần, hoặc 3 tuần….)? Hoặc là hoàn tất một công tác gì đó còn dang dở? Như vậy là “nhất cử lưỡng tiện,” vừa mua được món hàng lại vừa hoàn thành được một công việc tốt. Món hàng nếu không có lợi ích trong chính nó, thì cũng mang lại được lợi ích gián tiếp qua công tác đã hoàn thành. Hơn nữa, đây cũng là một cách “câu giờ” có hiệu quả, bởi vì khi làm xong công việc kia, nghĩ lại món đồ muốn mua, bạn đã mất hết những xung động ban đầu, và cảm thấy món đồ không còn cần thiết nữa.
Với những phương pháp trên, việc chữa bệnh shopping chắc không khổ sở giống như một người phải uống thuốc đắng, mà gần giống như một trò chơi thú vị. Nhưng dù bằng phương cách gì chăng nữa, sự kiên trì vẫn là một điều kiện cần thiết, giúp chúng ta dứt được một thói quen tâm lý không lành mạnh.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT