Đời Sống Việt

Tiếng nhạc Quê Tôi

Thursday, 24/07/2014 - 02:58:03

Tại sao tiếng đàn bầu lại buồn đến thế? Vì đó là tiếng đàn của Việt Nam, một đất nước nhỏ bé luôn luôn chịu nhiều thương đau do phải luôn luôn chống trả với kẻ thù cướp nước, và vì chính cây đàn đó, theo truyền thuyết cũng đã được xuất phát từ trong khói lửa chiến tranh.

Cao Thu Cúc

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu,
Nghe nặng nỗi đau của mẹ.

Hai câu thơ mà cũng là hai câu hát trong bài thơ bài hát Đất Nước của Tạ Hữu Yên - Phạm Minh Tuấn cứ vương vấn mãi trong tôi. Câu thơ đọc lên nghe buồn làm sao! Điệu hát buồn mà hình ảnh cũng buồn. Đất nước của chúng ta đẹp như một cô gái thon thả dịu dàng mà nhỏ chỉ như một giọt đàn bầu!
Mà giọt đàn bầu là gì? Bạn đã bao giờ nghe tiếng đàn bầu chưa? Tiếng đàn bầu là tiếng đàn đặc biệt của Việt Nam: tiếng đàn ngân nga kéo dài một nỗi sầu buồn ai oán như xoáy buốt vào tim gan. Tại sao tiếng đàn bầu lại buồn đến thế? Vì đó là tiếng đàn của Việt Nam, một đất nước nhỏ bé luôn luôn chịu nhiều thương đau do phải luôn luôn chống trả với kẻ thù cướp nước, và vì chính cây đàn đó, theo truyền thuyết cũng đã được xuất phát từ trong khói lửa chiến tranh.

Chuyện về cây đàn bầu
Truyền thuyết kể rằng: (viết theo nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan)
Có một chàng trai tên Trương Viên, vào lúc nước nhà có giặc, chàng phải lên đường cứu nước. Khi ra đi, Trương Viên dặn vợ: “Nếu chiến tranh lan rộng thì đưa mẹ về quê.” Quả nhiên, chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, vợ Trương Viên dẫn mẹ chồng về quê lánh nạn. Một hôm đi qua một làng nọ, bỗng thấy mọi người trong làng ra đón tiếp mời ăn chu đáo. Ăn xong mới biết: Thì ra trong làng mỗi năm phải cúng cho hung thần một cặp mắt của một người đàn bà.
Vì họ không muốn dân làng bị móc mắt nên đã đặt ra lệ: Người đàn bà nào đến ngày đó đặt chân vô làng họ trước, sau khi được mời ăn một bữa tiệc sẽ bị móc cặp mắt. Mẹ Trương viên là người vô trước. Vì là nàng dâu hiếu thảo, vợ Trương Viên tình nguyện hiến mắt thay cho mẹ chồng. Cảm động vì lòng hiếu thảo, một bà tiên hiện ra trao cho nàng cây đàn một dây và nói:
- Cây đàn này sẽ giúp con nuôi mẹ và sau này gia đình sẽ đoàn tụ.
Vợ Trương Viên nhận đàn và từ đó hai mẹ con đàn ca kiếm sống qua ngày.
Hết chiến tranh, Trương Viên trở về tìm vợ, khi đến khu chợ kia, Trương Viên nhận ra vợ đang ngồi đánh đàn giữa đám đông người còn mẹ thì ngửa nón nhận tiền. Mẹ con vợ chồng gặp nhau mừng rỡ, vợ Trương Viên vừa mừng vừa tủi khóc mãi khóc mãi cho đến khi chảy máu mắt. Và lạ thay, khi dòng máu chảy ra cũng là lúc mắt nàng sáng lại như xưa.

Đàn đáy hình thang, và đàn kìm (hình: Cao Thu Cúc)


Chỉ từ một thanh tre và nửa quả bầu khô mà làm nên một cây đàn ngân lên bao âm điệu. Cây đàn đơn sơ mộc mạc như con người Việt Nam nhưng âm thanh phong phú sâu lắng có thể diễn tả được tất cả tình cảm vui buồn của con người. Từ đó đến nay đàn bầu đã được cải tiến và đã có mặt trong tất cả các dàn nhạc dân tộc: dàn nhạc lễ hội, dàn nhạc hát dân ca quan họ, dàn nhạc tài tử, cải lương tuồng chèo... Đặc biệt nhất là màn độc tấu đàn bầu với nhạc đệm phong phú của dàn nhạc cổ truyền.
Mời thưởng thức chương trình “Giọt Đàn Bầu” ở đây: http://youtu.be/igFqh6sRVrQ
Ngày nay cây đàn bầu được đem đi trình diễn khắp nơi và đã chiếm được lòng mến mộ của khán giả khắp năm châu. Cây đàn một dây này cũng réo rắt có khác gì cây đàn violon của phương Tây?

Đàn đáy
Một cây đàn độc đáo của Việt Nam khác là cây đàn đáy. Tên của cây đàn tôi nghe đã nhiều lần rồi mà vẫn thấy chưa quen. Đàn gì mà lạ thế? Gọi là đàn đáy mà nhìn thì chẳng có đáy đâu cả.
Đây là câu chuyện của đàn đáy: Hai ông tiên hiện ra cho Đinh Dự, thuộc gia đình Đinh Lễ, một người có công với vua Lê Lợi, một miếng gỗ ngô đồng và một bản vẽ hình cây đàn và bảo: - “Đây là cây đàn trên thượng giới, con dùng gỗ cây ngô đồng mà đóng cây đàn theo hình vẽ trên đây. Cây đàn đó sẽ giúp con cứu nhân độ thế”.
Đinh Dự nghe lời về đóng cây đàn. Lạ thay! Khi tiếng đàn ngân lên thì chim chóc bay lại như cùng họa đàn, khi đàn ở bờ sông thì cá tung tăng bơi lội tỏ ra thích thú. Người nghe tiếng đàn thì trong lòng thấy vui, sức khỏe tăng lên mà bịnh cũng dứt khỏi. Tiếng đàn sau đó chữa được bịnh câm cho tiểu thư Ngọc Hoa và chàng Đinh Dự được kết duyên với nàng. Về sau Đinh Dự và Ngọc Hoa truyền nghề lại cho học trò rồi bay về trời, hai người được thờ tại làng Lỗ Khê như hai vị tổ của truyền thống ca trù. (Viết theo tiến sĩ Trần Văn Khê)

Đàn đáy và nghệ thuật hát ca trù
Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Văn Khê thì đây cũng là cây đàn đặc biệt Việt Nam, trên thế giới không nước nào có. Đàn có ba dây, thùng đàn hình chữ nhật hay hình thang, không có đáy, cách gắn phím, cách đàn rất độc đáo, thang âm điệu thức cũng rất khác biệt, rất khó học, vì vậy mà đàn đáy ít được phổ biến. Đàn đáy đặc biệt dùng trong hát ca trù, do một kép đàn (người đàn ông), phối hợp với tiếng hát của ca nương (ca sĩ) vừa hát vừa gõ phách, một người đánh trống chầu có khi là tác giả của bài thơ hoặc khách đến thưởng thức nhưng là người phải biết rõ nghê thuật thi ca nhạc điệu của ca trù. Âm thanh của đàn đáy rất khác biệt, tiếng ngân rung của nó ấm áp dịu ngọt thâm trầm nghe như tiếng vọng từ hồn người sâu thẳm, chất chứa biết bao sầu muộn buồn vui.
Mời nghe “Câu Chuyện Chiếc Đàn Đáy” tại đây: http://youtu.be/lrB4Z-Ki9u0
Gần đây cây đàn đáy dần dần được phục hồi, người chơi đàn càng ngày càng đông, và đặc biệt hơn, người chơi đàn đáy trước kia trong ca trù là các ông, ngày nay các cô gái cũng muốn phô trương sức mạnh của phái yếu, ôm cây đàn đáy khá nặng với cần đàn rất dài, 112-116cm, phím đàn rất cao nhưng các cô vẫn lướt phím nhấn rung bay bướm dịu dàng để cho tiếng nhạc cất lên cuốn hút khách mộ điệu. Ngoài ra đàn đáy còn trình diễn độc tấu, đưa vào dàn nhạc dân tộc làm phong phú thêm màu sắc nhạc cổ truyền Việt Nam.


Đàn đáy hình thang, phía sau là đàn tứ và đàn kìm (hình: Cao Thu Cúc)


Tiếng nhạc Việt Nam
Đàn bầu đàn đáy, hai cây đàn thuần túy Việt Nam, mang tính chất Việt Nam, đàn nào ngân lên cũng nghe chất chứa buồn nhiều vui ít. Theo kinh nghiệm của những người nghe nhạc cổ truyền thì tiếng đàn điệu hát của Việt Nam tuy nghe buồn nhưng không phải cái buồn chết lịm cả tâm hồn. Nỗi buồn trong tiếng nhạc lời ca đó là sự lắng đọng ẩn chứa một sức chịu đựng một sức mạnh tiềm ẩn và sau khi thanh lọc qua âm thanh vần điệu sẽ còn đọng lại trong hồn người nghe một vị ngọt của lòng lạc quan yêu đời.
Nghe nhạc cổ truyền Việt Nam ta sẽ thấy lòng lâng lâng yên tĩnh, tâm tư hướng đến một ngày mai ấm áp huy hoàng như quy luật của trời đất, đông tàn thì xuân đến, vạn vật bừng sức sống mới. Nhà sáng tác nhạc hiện đại Phan Quang Phục, người vừa mới ra mắt vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính), trong một lần được phỏng vấn về âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã đưa ra một nhận xét rất hay: “Nghệ thuật và âm nhạc Việt Nam chưa bao giờ được sáng tác dựa trên khái niệm phô trương hoặc cố tình làm cho choáng ngợp khán giả.” Và một ý kiến khác: Tiếng đàn tiếng nhạc Việt Nam nhẹ nhàng đi vào lòng người và để lại ở đó một nụ hoa theo thời gian sẽ bừng nở một niềm vui.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT