Đời Sống Việt

Tiếng dương cầm đã tắt...

Wednesday, 27/07/2016 - 10:42:29

Ông rất yêu quý chiếc đàn của mình. Mỗi ngày ông vẫn chăm chút lau cho đàn sạch bóng không dính một hạt bụi.

Bài PHƯỢNG VŨ

"Ta gửi về người ơi! mấy cung đàn Tư Mã xưa
Yêu đôi mắt huyền
Xinh như dáng thuyền...
Tư Mã chàng ơi, dừng đàn bên Văn Quân..."


Một trong những bài hát xưa mà tôi yêu thích là bài hát "Tà Áo Văn Quân" kể lại câu chuyện tình ngày xưa khi chàng Tư Mã Tương Như tìm cách chiếm trái tim người đẹp Văn Quân chỉ bằng tiếng đàn tuyệt vời của mình. Điều này nói lên âm nhạc ảnh hưởng đến cảm xúc của con người một cách mạnh mẽ, đặc biệt là sự quyến rũ từ âm thanh dìu dặt của nó. Không biết sao ngay từ lúc còn nhỏ tôi đã bị thu hút bởi âm thanh du dương, êm đềm của tiếng đàn dương cầm, nhất là trong đêm vắng lặng. Tiếng đàn trỗi lên như một lời mời gọi tha thiết, quyến rũ hồn tôi. Có lần đi đâu về khuya với chị tôi, lúc đi ngang khu phố gần nhà, tiếng đàn dương cầm thánh thót phát ra từ 1 ngôi nhà lầu gần đó đã lôi cuốn tôi ngẩn ngơ đứng nghe không chịu về, dù chị tôi kéo tay lôi về... Ký ức tuổi thơ đó đã gần như chìm xuống với những phong ba bão táp của đời sống, bỗng dưng sống lại khi tôi dọn về chỗ ở mới. Vào 1 tối đi nghe nhạc thính phòng về khuya, tôi ngạc nhiên khi nghe tiếng đàn dương cầm văng vẳng đâu đây. Tôi lần theo âm thanh tiếng đàn để tìm nơi xuất phát. Trong căn nhà nhỏ, phía sau rèm cửa màu trắng, một chụp đèn ngủ mờ nhạt được đặt trên chiếc dương cầm cũ, có lẽ cũng già nua như chủ nhân của nó. Một người đàn ông gầy gò, tóc bạc trắng, đang thả hồn vào tiếng đàn của chính mình, như trút hết nỗi tâm tư không biết tỏ cùng ai! Có thể là nỗi cô đơn tận cùng: "Bao đêm tôi đã một mình ... Đêm nay tôi lại một mình..." Tiếng đàn như lời mời gọi trở về quá khứ, khi tuổi đời chông chênh, người ta dễ cảm thấy bơ vơ, cô đơn. Tôi đã đứng lặng nghe cho tới khi tiếng đàn được kết thúc mới lặng lẽ trở lại cầu thang máy đi về nhà.
Ngày hôm sau khi đi bộ chung với chị T., người đã ở khu này khá lâu, tôi hỏi thăm về căn nhà có tiếng đàn dương cầm, thì được cho biết: Đó là 1 người đàn ông Mỹ gốc Ý, ông gần 80 tuổi, ở một mình từ khi dọn đến đây khá lâu và chiếc đàn dương cầm tuy đã cũ nhưng là người bạn thân thiết của ông qua bao năm nay. Chắc là nó đã song hành với ông trên nhiều nẻo thăng trầm của đường đời, có thể ông là 1 nghệ sĩ dương cầm đã về chiều. Ông rất yêu quý chiếc đàn của mình. Mỗi ngày ông vẫn chăm chút lau cho đàn sạch bóng không dính một hạt bụi. Tôi hỏi chị:

- Ông có thường đàn dương cầm vào buổi tối như tối qua không?
- Lúc trước ông thường đàn mỗi tối, nhưng sau này sức khỏe không tốt, nên thỉnh thoảng ông mới đàn, chắc cho đỡ nhớ. Bộ chị thích nghe đàn dương cầm lắm sao? Vậy thì mỗi cuối tháng ở khu này có tổ chức một buổi họp mặt chung và lúc nào ông cũng tình nguyện đàn dương cầm cho mọi người nghe, chị nhớ ghi tên tham dự đi.
- Được rồi tôi sẽ ghi tên tham dự, để được nghe lại tiếng đàn dương cầm của ông. Hèn gì tôi thấy có chiếc dương cầm ở một góc trong phòng họp lớn.
- Ở đây ít người biết thưởng thức tiếng đàn của ông, nên nếu được gặp và nói chuyện với chị về tiếng đàn của mình có lẽ ông sẽ rất vui đó!
Nghe chị nói vậy, tôi thầm nghĩ niềm vui của người già rất hiếm hoi, nên nếu làm cho ai đó được vui là điều rất tốt và nên làm. Sau đó tôi tới văn phòng manager để ghi danh, đóng tiền tham dự buổi họp mặt chung cuối tháng... Tôi có cảm tưởng hình như đây là 1 kiểu “hẹn hò” không báo trước. Hy vọng tôi sẽ có 1 buổi nói chuyện thú vị với ông về “tình yêu tiếng đàn dương cầm”, mà có một thời thơ dại tôi cũng đã từng say đắm. Có lúc tôi đã muốn truyền lại niềm đam mê đó cho con gái, nhưng niềm đam mê chưa kịp thấm vào tim nên khi sang Mỹ con gái đã bỏ rơi nó một cách dễ dàng. Bây giờ trong tôi niềm đam mê đó, chỉ còn là một chút dư âm xưa để níu lại thời thơ mộng đã qua.
Khu nhà tôi mới dọn tới là khu nhà dành cho người cao niên từ 55 tuổi trở lên. Cách đây hơn 20 năm, lúc mới khánh thành chỉ có số ít người Việt Nam, còn toàn là Mỹ. Bây giờ thì tỷ lệ đảo ngược, đa số là Việt Nam và người Mỹ trở thành thiểu số. Ở đây, có lẽ hơn một nửa là những người ở một mình, cái hoàn cảnh mà nhạc sĩ Lam Phương đã diễn tả:
"Sáng mai thức giấc,
Nhìn quanh một mình... "
Nghe sao có vẻ buồn bã, khác với ý tưởng về “single” khi một lần tôi đi chợ Mỹ, nhìn thấy tấm bảng gắn trên rổ chuối lẻ: “I'm single. Please pick me up” khiến tôi phải bật cười.

Tôi dọn về đây trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, vì khu nhà cũ, trẻ con Mễ ở khu phố bên cạnh sang quậy phá. Lúc tôi vắng nhà, chúng đã chọi đá làm vỡ cửa kính và nước mưa tràn vào nhà. Con tôi và bạn bè cho rằng khu đó không an toàn và khuyến khích tôi dọn đi. Tôi phải đành lòng mà đi dù lòng không muốn, vì mỗi lần dọn nhà là tôi bị stress cả tháng nên rất sợ . Tôi cứ nghĩ cái số mình xui nên không "an cư" được, tôi đã từng nghĩ sẽ ở đó mãi mãi và bây giờ thì điều ước muốn đơn giản đó đã không thành.
Khu mới này thì rất yên, trước hết toàn là cao niên ở nên không lo cảnh con nít ồn ào quậy phá, lại có cổng an toàn nên tương đối an tâm. Đó là những ưu điểm khiến tôi chọn nó, nhưng khi về đây tôi mới khám phá ra nó còn có nhiều lợi ích khác, như phía trước có một khu đi bộ thoải mái, hai bên lại trồng toàn hoa hồng. Mỗi sáng hay chiều đi bộ, có thể ngửi thấy thoang thoảng hương thơm của hoa hồng hay hoa lài nhè nhẹ. Về đây tôi có thêm nhiều bạn Việt Nam có thể rủ nhau đi bộ mỗi ngày và có lúc tôi trở thành "đắt hàng" giữa bạn cũ và mới, không biết đi với ai? Đó là chưa kể gần đó có 1 khu tập thể dục với nhiều dụng cụ khác nhau, tha hồ mà thay đổi. Hay như lời nói vui của chị bạn mới quen:
- Mỗi sáng tôi đi nhảy 1 tiếng thấy đã quá!
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Ủa buổi sáng mà chị đi nhảy ở đâu vậy?
- Thì ở khu tập thể dục đó, có cả chục máy khác nhau, nhảy từ máy này qua máy kia để tập đủ kiểu cho đỡ ngán, thì đó là "nhảy" máy chứ còn gì nữa
Tôi cười đồng tình:
- Ồ! ý tưởng chị ngộ đó. Vậy là mỗi ngày mình có thể đi nhảy 2 xuất há!
Thế là về đây dần dần tôi có thêm nhiều bạn hơn và có thêm cơ hội để tập thể dục nhiều hơn, lại gần nhà, không phải lái xe đi rất tiện lợi. Tôi chợt nhớ tới lời Đức Đạt Lai Lat Ma nói: "Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời" và càng thấm thía hơn khi rời bỏ chỗ cũ để đến chỗ ở mới. Lúc mới dọn đến, chị bạn học thời sinh viên giới thiệu tôi với vợ chồng một người quen ở đây để tôi kết bạn hàng xóm cho đỡ bơ vơ. Khi tới chơi nhà, hỏi thăm về cảm nghĩ của chị khi ở đây, chị thiệt thà kể:
- Chèn ơi, mấy tháng đầu tới đây ngày nào tui cũng khóc không dám ra khỏi nhà
Tôi ngạc nhiên:
-Ủa sao vậy?
- Thì chị nghĩ coi, cứ thỉnh thoảng lại thấy còi hụ xe cứu thương tới, chở mấy người già đi cấp cứu. Có lúc có cảnh sát hộ tống đi vô nhà thương với băng ca và đa số đi không trở về. Riết làm tôi u sầu chán đời, nhìn quanh lo lắng không biết ngày mai tới phiên ai?
Tôi cười đáp:
-Đáng lẽ như vậy lại giúp cho mình sống tốt hơn, biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn, vì nó nhắc mình nhớ "quỹ thời gian" của mình và của những người chung quanh không còn bao lăm!
- Thì cũng có, tôi đã cố gắng sống tử tế hơn với những người chung quanh vì không biết mình còn gặp lại họ lần tới không?
- Vậy thì tốt quá rồi! Đúng là cần " Vội vàng thêm những lúc yêu người ". Chị đã đọc bài thơ “Mai tôi đi” của 1 người mắc bệnh ung thư biết mình sắp chết, nên đã sáng tác bài thơ với nét điềm tĩnh thản nhiên khiến nhiều người đọc sững sờ:
" Mai tôi đi...chẳng có gì quan trọng,
Lẽ thường tình, như lá rụng công viên,
Như hoa rơi trước gió ở bên thềm,
Chuyện bé nhỏ giữa dòng đời động loạn...”

Và đã để lại lời nhắn nhủ thực tế:
"Nếu tưởng nhớ..Xin âm thầm cầu nguyện,
Nên xem như giải thoát một kiếp người,
Cứ bình tâm, thoải mái với vui tươi,
Kẻ đi trước, người sau rồi sẽ gặp..."
Ở khu này có khá nhiều người già neo đơn, nên tôi có thể ghé thăm họ bất cứ lúc nào. Không cần thiết phải qua chương trình “Friendly Visitor” giới thiệu. Và ngộ ghê, bất cứ tôi làm 1 điều gì dù nhỏ bé cho họ, họ đều rất cảm động, như đưa 1 bà cụ lên cầu thang máy, rồi dẫn về tận nhà. Từ hôm biết bà không có răng ăn đồ cứng, thỉnh thoảng tôi share với bà 1 bát canh đậu hũ, 1 ly ya-ua... Vậy là bà cứ ríu rít "May quá, cám ơn Trời Phật, gặp được cô tôi mừng quá cơ!" "Giời ạ, sao mà có người phúc hậu, tử tế quá thế này..." - "Có gì đâu, chuyện nhỏ xíu mà!". Đó là 1 bà già người Bắc. Còn bà người Nam thì đơn sơ hơn, khi tôi share với bà 1 chén bánh plan, 1 khúc bánh tét, bà cười và phong cho tui lên chức “người đẹp”: “Cám ơn “người đẹp của tui” nhiều lắm! nói thiệt à nhen...", hay khi bà quên chìa khóa cổng tôi lấy chìa khóa mở cổng giùm, bà nói "Hên thiệt! không gặp cưng thiệt không biết làm sao! Cưng dễ thương quá xá quà xa!..." Tôi đùa lại "Dễ thương, nhưng thương không dễ à nha!" . Và tôi nghiệm ra đối với những người lớn tuổi có khi những thứ không mất tiền mua sẽ có giá trị rất lớn. Ngẫm lại thấy lời BS ĐHN nói “Kinh nghiệm là khi mình có tuổi, nên thường xuyên gặp gỡ những người cao tuổi hơn để lúc nào mình cũng “quá trẻ” như vậy!” nghe sao mà chí lý, không phải chỉ được "quá trẻ" mà còn được khen đẹp, khen phúc hậu, khen dễ thương..., nghe cũng thấy vui tai dù biết là mấy bà "nịnh", nhưng quan trọng là làm mấy bà vui vì được quan tâm. Bên cạnh đó, tôi và mấy chị bạn hàng xóm, thỉnh thoảng vẫn share thức ăn cho nhau: khi thì trái cây thấy tươi đang sale mua về share với bạn, lúc thì mới nấu món này ngon lắm, bồ ăn thử... khiến tôi có cảm thưởng được sống lại "tình hàng xóm" đầm ấm hồi xưa ở Việt Nam thật thú vị mà từ lâu cuộc sống đầy tính "riêng tư và hối hả" ở Mỹ, đã khiến nó biến mất tiêu.

Tôi thấy hàng xóm có nhà để vài chậu hoa trước hiên nhà, tôi vốn yêu thích hoa tươi nên cũng đi mua vài chậu hoa nhỏ để trước nhà cho vui mắt. Mỗi lần bước ra cửa thấy đóa hoa tươi lòng mình cũng tươi theo. Tưởng chỉ là cho vui mắt mình, không dè 1 hôm, có ông Mỹ đi ngang dừng lại chào rồi khen: “I enjoy your flowers.Thank you very much'” Tôi ngạc nhiên hỏi lại thì nghe ông giải thích, vì nhà tôi ở đầu dãy, nên hằng ngày đi đâu ông cũng phải đi ngang, được nhìn ngắm hoa tươi ông rất thích.... Ông còn cho biết không phải chỉ riêng ông mà còn rất nhiều người khác đi ngang cũng rất thích. Té ra hoa tươi không chỉ để cho mình tôi enjoy mà còn cho nhiều người khác enjoy ké nữa. Đúng là mối “Liên hệ nhân duyên hỗ tương” ( Tất cả mọi thứ đều có liên đới với nhau). Ngẫm ra mỗi người đều có mối liên hệ với người khác bằng cách này hay cách khác. Rồi ông liếc mắt sang nhà bên cạnh của 1 bà Mỹ : “Nhìn kìa, còn hơn là nhà bên cạnh, trông khô cằn, chán quá!" Ông khoe ông có mấy chậu hoa lan để trước nhà đẹp lắm you có thấy không?” Rất tiếc là ít khi tôi đi ngang nhà ông, vì tới đây là về tới nhà rồi, đi thêm chi nữa, nhưng tôi hứa là sẽ có dịp đi ngang đó để ngắm hoa lan của ông...

Mấy hôm liền có việc bận, tôi không đi bộ được, đến khi đi trở lại thì nghe chị bạn hỏi:
- Chị đã biết tin gì chưa?
- Biết tin gì?
-Ông cụ đàn dương cầm chết rồi!
Tôi sững sờ:
- Thiệt vậy sao? Hồi nào vậy?
Chị ghé tai tôi nói nhỏ:
- Tội nghiệp, ông chết khô trong nhà 2,3 bữa mới bị phát hiện, manager phải lấy chìa khóa mở cửa, cho người ta tới đem xác đi. Rồi báo tin cho con ông ở tiểu bang khác về lo giải quyết đồ đạc trong nhà.
Tôi nghe mà chết lặng trong lòng. Như vậy là buổi "hẹn hò" nói chuyện về "tình yêu tiếng đàn dương cầm" để đem lại niềm vui cho ông đã không thành! Phải chi tôi biết...chắc là tôi đã mạnh dạn gõ cửa nhà ông vào hôm sau để cám ơn, khen ngợi và cho ông biết tiếng đàn dương cầm của ông trong đêm tối đã có người “đứng lặng nghe” chắc là sẽ làm ông vui. Có lẽ đó là tiếng đàn dương cầm lần cuối trong đời ông. Người ta thường nói "tinh anh phát tiết ra ngoài" nên ông đã xuất thần đàn quá hay để "chào từ biệt cuộc sống" và tôi là người may mắn tình cờ được thưởng thức. Ông đi chắc cũng nhẹ nhàng, nhưng trong lòng tôi vẫn có chút day dứt:

"Nhẹ như mây đầu núi
Thong dong đến rồi đi
Hiểu cuộc đời ngắn ngủi
Thương hóa thành Từ Bi"

Nhưng tôi đã không làm được một chút "Từ Bi" dù nhỏ đối với ông vì "thời gian có bao giờ trở lại" Đi bộ bên cạnh bạn nhưng lòng tôi như trống vắng. Trời hôm nay nắng ấm nên nhiều chiếc lá rụng đã khô. Có những trận gió lốc bay lơ lửng trong không khí, làm những chiếc lá rơi. Gió thổi xào xạc bên đường cuốn theo những chiếc lá, làm tôi chợt nghĩ là chúng đang hốt hoảng chạy đi tìm nhau, để rủ nhau cùng trở về với "đất mẹ". Trong đầu tôi bỗng nhiên xuất hiện hình ảnh "mùa lá rụng". Sao chung quanh tôi dạo này "lá rụng" nhiều quá ?! Kể cả nhạc sĩ dương cầm Nguyễn Ánh 9, mà tôi rất mến mộ cũng đã như chiếc lá lìa cành rơi vào chốn hư không.

“Nửa đời người tôi hiểu được
Vô thường-ấy lẽ thường nhiên
Và ta chỉ là chiếc lá
Trong rừng nhân loại vô biên..." (N.N)
Tôi chạnh lòng khi nhớ tới người “nhạc sĩ dương cầm” tha hương ra đi trong cảnh “một mình”. Hy vọng là ông không cảm thấy bơ vơ, lạc lõng ở thế giới bên kia. Chợt thấy sao mà thấm thía câu hát của Vũ Thành An:
"Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?"

Ông là người tôi không quen biết, cũng chưa một lần gặp mặt và dù biết ai đến trong cõi đời này cũng chỉ là "ở trọ" rồi có lúc cũng phải ra đi. Nhưng sao trong tôi vẫn thấy nao nao một nỗi buồn khó tả! Đâu đây vẳng vẳng tiếng chuông đồng hồ ngân nga điểm từng tiếng thời gian, như từng giọt buồn rơi vào thinh không.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT