Tiêu Thụ

Tiền nợ y tế: Giải quyết thế nào?

Friday, 10/06/2016 - 11:40:33

Nợ y tế ở Hoa Kỳ chiếm phần lớn nhất trong tổng số nợ nần mà các công ty đòi nợ phải đối phó. Thống kê mới nhất cho hay: Trong 5 người Mỹ thì có 1 người mang nợ y tế. Tính ra tiền thì trong 3 đồng nợ đã có hơn 1 đồng là nợ y tế. Người nước ngoài, nhìn vào xứ “tư bản dẫy chết” có thể bụm miệng cười chê, cho rằng làm người xứ Mỹ khổ quá, chứ “ở nước tôi thì vay tiền mới mắc nợ, chứ có ai phải mang nợ y tế bao giờ.” 

Bài ERIC TRẦN


                                                                       Medical bills

Nói đến nợ nần, người ta thường liên tưởng một người đi vay tiền của người khác để tiêu xài trong lúc cần thiết. Nhưng thời nay còn có một thứ nợ khác, là tiền nợ y tế, tức tiền công mà người bệnh phải trả cho bác sĩ, bệnh viện về công lao họ bỏ ra săn sóc mình. Sở dĩ có món nợ khó hiểu này là vì khi cần kíp, chúng ta cứ việc chạy thẳng vào bệnh viện để được hưởng sự chăm sóc tốt nhất mà chẳng bị ai chặn lại hỏi“tiền đâu?” Cái việc thường được coi là “đầu tiên” đó lại được xét sau, khỏi bệnh về nhà rồi tính. Nhưng khi nhận được tờ “biu” với những con số khổng lồ, nhiều người không trả ngay được, từ đó mới phát sinh “nợ y tế.”

Nợ y tế ở Hoa Kỳ chiếm phần lớn nhất trong tổng số nợ nần mà các công ty đòi nợ phải đối phó. Thống kê mới nhất cho hay: Trong 5 người Mỹ thì có 1 người mang nợ y tế. Tính ra tiền thì trong 3 đồng nợ đã có hơn 1 đồng là nợ y tế. Người nước ngoài, nhìn vào xứ “tư bản dẫy chết” có thể bụm miệng cười chê, cho rằng làm người xứ Mỹ khổ quá, chứ “ở nước tôi thì vay tiền mới mắc nợ, chứ có ai phải mang nợ y tế bao giờ.”

Họ nói đúng, nhưng họ không biết rằng chính cái món nợ y tế này mới nói lên sự nhân đạo của một xã hội văn minh, dù không có tiền cũng vẫn được săn sóc, chứ không hẳn là phải có tiền mới dám vô bệnh viện, không có tiền thì đành chết!

Đáng tiếc chuyện nhân đạo chỉ dừng ở chỗ đó. Khi đã trở thành nợ thì dù nợ y tế hay nợ tiền, không trả đúng hạn, bạn vẫn bị đưa vào Collection, và uy tín bị bôi đen. Nhưng không giống như nợ tiền, người mang nợ y tế xét ra đáng được thông cảm hơn. Nếu là người đang mắc nợ y tế, bạn nên tận dụng những điều “đáng thông cảm” này.

                                                                           Hospital

1. Nợ y tế có thể thương lượng được

Cho dù món nợ phát xuất từ bệnh viện hay từ bác sĩ, bạn vẫn có thể thương lượng xin giảm nợ mà không cảm thấy áy náy với lương tâm. Khác với những người đi vay mà không trả, bạn không lấy tiền của ai, không biến ai thành nạn nhân do sự thâm lạm tiền bạc của mình. Bạn chỉ là nạn nhân, nạn nhân của bệnh tật và nạn nhân của nghèo khó. Dù mang ơn những người cứu chữa mình, bạn vẫn không làm sao có tiền để trả họ. Nhưng thay vì lờ tuốt, chờ đến khi mãn hạn 7 năm rưỡi (thời gian hồ sơ collection để lại vết đen trong lý lịch tín dụng), bạn nên gọi đến để thương lượng giảm nợ. Lại có những tổ chức nhân đạo, chuyên giúp đỡ việc thương lượng nợ y tế với lệ phí tượng trưng, hoặc miễn lệ phí.

2. Nợ y tế thường được kê khống

Đó là hoàn cảnh của đám “lính khố đen”, những người không có bảo hiểm y tế mà lỡ vào bệnh viện. Chỉ cần vài tiếng đồng hồ nằm trong phòng cấp cứu, “lính khố đen” có thể nhận được cái biu 5, 7 ngàn đô. Trong khi đó, những người có bảo hiểm chỉ phải “co-pay” vài chục, hoặc nhiều lắm là vài trăm, bởi vì phần lớn chi phí đã được công ty bảo hiểm chi trả. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, ngay cả hãng bảo hiểm cũng không phải trả nhiều như “đám lính khố đen”. Nếu biết bạn không có bảo hiểm, bệnh viện sẽ đòi bạn $7,000, trong khi họ chỉ lấy được khoảng $2,000 của bảo hiểm cho một dịch vụ tương đương! Giá cả trong y tế khác hẳn những gì giới tiêu thụ chúng ta thường nghĩ: “Trả tiền mặt thì phải được giá ưu tiên”. Không phải như vậy, nếu không có bảo hiểm, tiền bill gửi cho bạn sẽ bị “kê khống” lên gấp ba hoặc gấp tư. Hiểu ra điều này, bạn sẽ có thể mạnh miệng hơn trong nỗ lực thương lượng giảm nợ. Không ai dám nói chắc về số nợ được tha sẽ là bao nhiêu, nhưng xin giảm ít nhất …. một nửa, không phải là điều quá đáng!

                                                                             Health costs

3. Nợ y tế được miễn thuế

Nếu vay tiền mà không có khả năng trả đủ, bạn vẫn có thể xin thương lượng giảm nợ. Nhưng số tiền được tha sẽ trở thành Income phải khai thuế. Thí dụ: Bạn vay $20,000, nhưng sau nhiều nỗ lực thương lượng, bạn xin giảm được $10,000. Con số $10,000 đó sẽ trở thành lợi tức, giống như tiền lương bạn nhận khi đi làm, và buộc phải chịu thuế lợi tức cuối năm. Tuy nhiên, nếu được tha $10,000 từ món nợ y tế, bạn sẽ không nhận được Form 1099 để khai thuế cuối năm.

Nói tóm lại, nợ kiểu gì cũng vẫn làm giảm uy tín một cách đáng kể, nhưng có nhiều yếu tố giúp chúng ta thanh toán nợ y tế dễ dàng hơn. Vì thế, nếu mắc nợ y tế, bạn cần tích cực vùng vẫy, đừng để nó rơi vào collection, bị đánh đồng như các loại nợ khác, và nhận chìm sâu hơn cái tư thế vốn không được sáng sủa lắm của bạn trước đó.

Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT