Người Việt Khắp Nơi

Tiệc mừng Xuân của Hội Thân Hữu Đà Lạt

Saturday, 25/03/2017 - 08:26:43

Ngoài chương trình văn nghệ đặc sắc nêu trên còn có xổ số lấy hên đầu năm và khiêu vũ. Chị Từ Kim Xuyến, một người làm nghề buôn bán ở Đà Lạt từ năm 1955 đến năm 1985. Chồng chị trước 1975 là giáo sư dạy trường Sư Phạm Đà Lạt. Sau 1985 chị qua Mỹ và có về Đà Lạt 5 lần thăm cha mẹ còn ở bên đó.

Bài THANH PHONG

STANTON - Hàng trăm đồng hương từng sinh trưởng tại xứ sương mù Đà Lạt cũng như các thân hữu vừa có buổi họp mặt mừng Xuân mới thật thân tình, ấm cúng tại nhà hàng Diamond, thành phố Stanton, Nam California vào sáng Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017.


Chị Nguyễn Ngọc Tịnh, Hội Trưởng Hội Thân Hữu Đà Lạt tươi cười thăm hỏi đồng hương. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Chương trình mở đầu với nghi thức chào cờ và mặc niệm. Sau đó, ca sĩ Anh Dũng giới thiệu quan khách và thân hữu tham dự. Trong tà áo dài màu xanh, chị Nguyễn Ngọc Tịnh, Hội Trưởng Hội Thân Hữu Đà Lạt Miền Nam California cùng với Ban Điều Hành lên sân khấu chúc mừng quan khách và đồng hương cùng các cơ quan truyền thông hiện diện. Chị Ngọc Tịnh rất đơn giản, sau lời chào mừng và cảm tạ, chị Hội Trưởng thay mặt Ban Điều Hành kính chúc mọi người một năm Đinh Dậu an khang, hạnh phúc.


Một tiết mục văn nghệ trong chương trình (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Tuy Tết Nguyên Đán cổ truyền dân tộc đã qua đi hơn một tháng nhưng tiếng trống rộn ràng của đoàn lân Thiếu Nhi Thân Hữu Đà Lạt đã làm mọi người cảm thấy không khí Tết vẫn còn lẩn khuất đâu đây, nhất là qua giọng nói truyền cảm và những lời giới thiệu duyên dáng của nam ca sĩ Anh Dũng.

Sau đó, ban văn nghệ của Hội lên sân khấu hợp ca nhạc phẩm “Ly Rượu Mừng” để mở đầu chương trình văn nghệ. Tiếp nối là một số nhạc phẩm nói về Đà Lạt mộng mơ như: Ai Lên Xứ Hoa Đào, Đà Lạt Hoàng Hôn, Bài Thơ Hoa Đào, và những nhạc phẩm về Xuân như Cánh Bướm Vườn Xuân, Tình Tự Mùa Xuân, Người Em Sầu Mộng, Xin Hãy Cho Nhau Nụ Cười, Xin Hãy Yêu Tôi Bây Giờ, Trả Lại Em Yêu, Biết Đến Thuở Nào, Bản Tango Cuối Cùng, và một số nhạc phẩm ngoại quốc được các ca sĩ Anh Dũng, Ngọc Trọng, Kiều Loan, Hà Mai Văn, Thức Cảnh, Hạnh Cư, Nguyễn Phương, Phương Lan, Ngô Sỹ Hào, Phí Thị Hiền, Lê Hoàng, BS Nguyễn Tư Hào, Kim Thoa, Bùi Lợi, Bội Trâm, Thiên Trang, Duy Minh, Tony Nguyễn, Võ Hoa, Tuấn Nguyễn lần lượt trình bày.
Ngoài ra, có hai tiết mục “Liên Khúc Mùa Xuân” và màn Fashion Show do các cựu nữ sinh Đà Lạt trình diễn được tán thưởng nồng nhiệt.

Ngoài chương trình văn nghệ đặc sắc nêu trên còn có xổ số lấy hên đầu năm và khiêu vũ. Chị Từ Kim Xuyến, một người làm nghề buôn bán ở Đà Lạt từ năm 1955 đến năm 1985. Chồng chị trước 1975 là giáo sư dạy trường Sư Phạm Đà Lạt. Sau 1985 chị qua Mỹ và có về Đà Lạt 5 lần thăm cha mẹ còn ở bên đó.

Chị cho Viễn Đông biết cảm nghĩ của chị sau những chuyến về thăm quê hương, “Đà Lạt trước 1975 là một thành phố yên tĩnh, đẹp và nên thơ nhưng bây giờ là một thành phố xô bồ, đi đâu cũng thấy người và ồn ào. Xung quanh Hồ Xuân Hương bây giờ người ta trồng hoa Anh Đào nên vào dịp Tết hoa Đào nở, nhìn cũng đẹp lắm, còn các Thác nổi tiếng của Đà Lạt thì tôi không đến nên không biết bây giờ ra sao. Nói chung, bây giờ thành phố Đà Lạt không còn nét đẹp mộng mơ như ngày xưa!”


Đông đảo người Đà Lạt tham dự tiệc vui Xuân. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Một cư dân gốc Đà Lạt khác, ông Tâm kể cho Viễn Đông nghe những danh lam thắng cảnh của Đà Lạt ngày xưa. Ông nói, ngoài những thác nước nổi tiếng ai cũng biết còn có những địa danh mà không hiểu ai đặt cho những cái tên thật lâm ly, khi nói tới, người ta hình dung ra những mối tình không trọn vẹn để phải đến bên Hồ Than Thở, hay kết liễu mối tình ngang trái bên Đồi Thông Hai Mộ. Ông Tâm còn đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ nói về nét đẹp Đà Lạt mà ông không nhớ tên tác giả:

“Đà Lạt ơi, sao nàng thơ mộng quá!
Để muôn vàn du khách phải say mê
Từ biệt nàng, ta cảm thấy tái tê!
Muốn giữ mãi hình nàng trong tâm khảm.”
Ông nói, bài thơ còn mấy câu nữa “nhưng tự dưng tôi quên mất.” Rồi ông kể tiếp, “Ở Đà Lạt còn có Nhà Thờ Con Gà nổi tiếng vì trên đỉnh tháp chuông có con gà trống do người Pháp xây cả trăm năm nay; có dinh Vua Bảo Đại nghỉ mát, trong dinh có cái giường Hoàng Hậu Nam Phương nằm; nhưng trong thời gian chiến tranh hầu hết người Việt đều biết ở Đà Lạt có Trường Võ Bị Quốc Gia và Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị là hai trường nổi tiếng nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Trường Võ Bị Quốc Gia đào tạo sĩ quan văn võ song toàn cho Quân Lực VNCH, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị đào tạo các sĩ quan tham mưu mà hôm nay tôi chắc chắn có một số cựu sinh viên sĩ quan trong hai ngôi trường này đang có mặt trong buổi tiệc.”
Ông bạn cười nói thêm, “Mấy ông này ngày xưa làm nhiều người con gái Đà Lạt chúng tôi chết mê chết mệt đấy!”

Chương trình họp mặt mừng Xuân của Hội Thân Hữu Đà Lạt kết thúc tốt đẹp vào lúc 3 giờ chiều sau một màn khiêu vũ sôi động.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT