Mẹo Vặt

Tỉa cây: Tìm hiểu suckers và watersprouts

Tuesday, 16/06/2015 - 10:39:27

Người Mỹ gọi như vậy, còn người mình gọi nó là… “kẻ hút máu” hoặc “tên bú nhờ” dựa theo nghĩa của chữ “suck” là bú, hút, cô giáo của Hằng giải thích như vậy.

Bài VŨ HẰNG

Chúng ta đã biết rằng cắt tỉa là việc quan trọng cần phải được làm mỗi năm ít là một lần đối với cây ăn trái. Cần phải thật khéo léo khi làm công việc này để cây được phát triển cân đối và sinh nhiều hoa trái. Nghĩa là, cần phải để ý cành nào cần cắt, cành nào giữ lại. Nhưng khi gặp hai thứ sau đây, chúng ta phải ra tay lia ngay, càng sớm càng tốt: Suckers và Watersprouts.

Suckers

Người Mỹ gọi như vậy, còn người mình gọi nó là… “kẻ hút máu” hoặc “tên bú nhờ” dựa theo nghĩa của chữ “suck” là bú, hút, cô giáo của Hằng giải thích như vậy. Mà đúng như vậy thật: Suckers hút rất nhiều năng lực của cây, làm cho cây bại hoại và đi đến chỗ èo uột. Bởi vì, suckers ăn chặn dòng “sữa” mà lẽ ra sẽ dùng để bồi bổ cho những cành cây chính thống trên cao. Đích thực, nó là một cây non, nối thẳng vào hệ thống rễ của cây chính, và lớn rất nhanh nhờ kho dưỡng chất mênh mông đó. Có thể ví nó như một đứa con nít đang lẫm chẫm tập đi mà xỏ chân vào đôi dép của người lớn. Nhưng phải ví với một đứa bé 15 tuổi, ăn cắp được thẻ tín dụng của cha mẹ rồi phóng tay xài tiền… thì mới thấy rõ cái tác hại ào ạt của suckers. Nhìn thấy nó lúc mới mọc, nhiều người không biết, nên vô tình bỏ qua, thậm chí lại còn tưởng “cành” quí. Nếu ngay từ đầu bạn đã thấy chướng mắt là may! Nhưng trong trường hợp nào chăng nữa, thì khi gặp những cành suckers là phải tỉa ngay, càng sớm càng tốt.


                                         Suckers (được đánh dấu khoanh tròn) mọc gần rễ


Vậy làm cách nào để nhận dạng suckers? Đó là những cành lạ, mọc trực tiếp từ thân chính, thường ở gần gốc cây, nhưng cũng có thể ở bất cứ chỗ nào khác trên thân chính, xuất phát do cây bị kích động vì thương tích, vì “sốc”, hoặc trong trường hợp cây ghép (grafted tree). Khi mới nhú ra, trông nó khỏe mạnh như một cành chính, rồi rất nhanh mọc ra những chiếc lá lạc loài, và nếu để phát triển nó có thể sinh ra một thứ trái khác, và trở thành một cái cây khác hoàn toàn, đến lúc này là quá trễ: “Kẻ hút máu, bú nhờ” đã tiêu xài khá nhiều năng lượng của thân cây chính rồi.

Watersprouts

Tại sao lại gọi là Watersprouts? Ngay cả những ông tổ làm vườn cũng không giải thích được, huống hồ một kẻ ăn đong chữ nghĩa, chuyện gì cũng phải hỏi lại “thầy cô” như Hằng. Nên các bạn đừng truy em về tên gọi nhé. Đại khái, nó cũng là một thứ “bú nhờ, ăn chặn” giống như suckers, nhưng mọc từ những cành cây ở trên cao, khác với suckers mọc từ thân chính và thường ở gần gốc. Vì là một thứ “bú nhờ, ăn chặn”, watersprouts cũng chẳng ích gì cho cây, chủ vườn cần “chiếu cố” ngay khi phát giác ra chúng.
Sau đây là những dấu hiệu nhận diện: Watersprout là những cành mảnh khảnh, thẳng tắp, mọc từng chùm từ “ngách” của một cành lớn, mọc ra những lá lưa thưa, cách nhau khá xa. Nếu mọc từ thân cây, watersprout không phát triển ngang như một cành bình thường, nhưng tự uốn cong rồi đứng thẳng lên, song song với thân chính.


                             Watersprouts là những nhánh thẳng, vươn cao từ một nhánh cây lớn

Biện pháp chiếu cố

Dĩ nhiên, khi gặp những kẻ bú nhờ ăn chặn này, chủ vườn phải ra tay dẹp ngay. Nhưng chúng ta cũng cần đặt câu hỏi: Có cách nào để ngăn cho chúng khỏi mọc ra, hay hạn chế sự phát triển của chúng ngay từ đầu không?
Như trên em có nói, Suckers và Watersprouts là hậu quả phát sinh khi cây bị “sốc” hoặc thương tích nặng, như cây ghép, bị bịnh, bị cháy, bị sâu ăn, và ngay cả khi bị cắt tỉa quá nhiều hoặc cắt tỉa không đúng cách. Sau đây là những điều cần để ý trong khi cắt tỉa, kẻo rồi lại làm cớ cho bầy đàn bú nhờ ăn chặn phát triển:
1. Cắt ngọn (head cutting), thay vì cắt trọn cành: Tỉa kiểu này chắc chắn cây sẽ phát triển nhiều watersprouts gần đầu ngọn bị cắt. Tốt hơn, nên cắt trọn cành, sát thân cây, chỉ chừa một khoảng cách vừa phải đối với “cổ” (collar) là vòng ngấn nối cành với thân. Tuy nhiên, vết thương tạo ra trên thân cây khi một cành vừa bị đốn hạ vẫn có thể khiến watersprouts mọc lên quanh đó như một phản ứng sau cơn sốc.
2. Tỉa một lúc quá nhiều, hơn 1/3 số cành, tạo sự kinh động lớn cho cây, làm nguyên cớ cho watersprouts phát triển.
3. Tàn phá do hạn hán và mùa đông khắc nghiệt: Hạn hán hoặc mùa đông quá khắc nghiệt đều là “hung thần” của cây, làm phát sinh Watersprouts như một phản ứng.
Hạn chế những hành động đưa đến kích thích là một cách hiệu quả để chặn đứng những kẻ bú nhờ ăn chặn ngay từ đầu. Nhưng chúng vẫn có thể xuất hiện mà chẳng do lỗi mình, ấy là do…. Ông Trời: Thì chúng ta chỉ việc nhẹ nhàng ra tay, cho chúng sớm về chầu Trời là xong.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT