Sức Khỏe

Thủng màng nhĩ

Friday, 12/04/2019 - 06:33:57

Thủng màng nhĩ xảy ra khi có một lỗ thủng hoặc rách trong màng mỏng ngăn cách ống tai với tai giữa, thường gọi là màng nhĩ.

Thủng màng nhĩ xảy ra khi có một lỗ thủng hoặc rách trong màng mỏng ngăn cách ống tai với tai giữa, thường gọi là màng nhĩ. Thủng màng nhĩ có thể dẫn đến mất thính giác và làm cho tai giữa dễ bị nhiễm trùng hoặc chấn thương. Thủng màng nhĩ thường lành trong vòng vài tuần mà không cần điều trị tuy đôi khi cần giải phẫu để chữa lành.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa). Nhiễm trùng tai giữa thường dẫn đến sự tích tụ chất lỏng trong tai giữa của bạn. Áp suất từ các chất lỏng này có thể khiến màng nhĩ vỡ ra.

- Âm thanh lớn hoặc tiếng nổ (chấn thương âm thanh). Một âm thanh lớn hoặc tiếng nổ, như từ một vụ nổ hoặc tiếng súng có thể gây rách màng nhĩ.

- Chấn thương áp suất (barotrauma). Màng nhĩ sẽ bị sức đè khi áp suất không khí trong tai giữa và áp suất không khí của môi trường mất cân bằng. Nếu sức đè quá lớn, màng nhĩ có thể vỡ. Barotrauma thường được gây ra bởi sự thay đổi áp suất không khí khi đi máy bay. Các trường hợp khác có thể gây ra thay đổi áp suất đột ngột và gây thủng màng nhĩ bao gồm lặn ở biển và bị đập trực tiếp vào tai, chẳng hạn như tác động của air bag trên xe hơi.

- Vật lạ trong tai. Các vật nhỏ, như tăm bông hoặc kẹp tóc, có thể làm thủng hoặc rách màng nhĩ.

- Chấn thương đầu nghiêm trọng. Chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương sọ, có thể gây ra trật khớp hoặc tổn thương cấu trúc tai giữa và tai trong, bao gồm cả màng nhĩ.

Triệu chứng

- Đau tai, thường mau hết
- Chảy mủ, nước trong hoặc chảy máu từ tai
- Mất thính giác
- Ù tai
- Chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn, có thể do chóng mặt
Gọi cho bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng trên của thủng màng nhĩ hoặc đau hoặc khó chịu trong tai. Tai giữa và tai trong gồm có các cơ chế mỏng manh nhạy cảm với chấn thương hoặc bệnh tật. Điều trị kịp thời và thích hợp rất quan trọng để bảo vệ thính giác.

Biến chứng

Màng nhĩ có hai vai trò chính:
- Giúp nghe. Khi làn sóng âm thanh đập vào màng nhĩ, nó sẽ rung lên - bước đầu tiên để tai giữa và tai trong chuyển sóng âm thanh thành các xung động thần kinh khiến ta nghe được.
- Bảo vệ. Màng nhĩ cũng hoạt động như một rào cản, bảo vệ tai giữa của bạn khỏi nước, vi khuẩn và các chất lạ khác. Nếu màng nhĩ bị vỡ, các biến chứng có thể xảy ra trong khi màng nhĩ của bạn đang lành hoặc nếu nó không lành.

Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Mất thính giác. Thông thường, mất thính giác chỉ tạm thời, kéo dài cho đến khi vết rách hoặc lỗ thủng trong màng nhĩ lành. Kích thước và vị trí của vết rách có thể ảnh hưởng đến mức độ mất thính giác.
- Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa). Màng nhĩ thủng lỗ có thể cho phép vi trùng xâm nhập vào tai bạn. Nếu màng nhĩ bị thủng không lành hoặc không được sửa chữa, bạn có thể dễ bị nhiễm trùng (mãn tính) có thể gây mất thính lực vĩnh viễn.
- Bướu tai giữa (cholesteatoma). Bướu tai giữa chứa tế bào da và các mảnh vụn khác. Các mảnh vụn ở ống tai thường di chuyển đến tai ngoài nhờ ráy tai bảo vệ tai. Nếu màng nhĩ bị vỡ, các mảnh vụn da có thể đi vào tai giữa và làm thành một bướu. Cholesteatoma là một môi trường giúp vi trùng phát triển gây nhiễm trùng và chứa protein có thể làm hỏng xương tai giữa của bạn.

Phòng ngừa

Thực hiện theo các cách sau đây để tránh vỡ màng nhĩ hoặc thủng:
- Điều trị nhiễm trùng tai giữa. Cần nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng tai giữa như đau tai, sốt, nghẹt mũi và giảm thính lực. Trẻ bị nhiễm trùng tai giữa thường chà hoặc kéo tai. Nên gặp bác sĩ để chữa trị kịp thời và ngăn ngừa thiệt hại cho màng nhĩ.
- Bảo vệ đôi tai trong các chuyến bay. Nếu có thể, đừng bay nếu bạn bị cảm hoặc dị ứng gây nghẹt mũi hoặc nghẹt tai. Khi máy bay cất cánh và hạ cánh, hãy bảo vệ tai bằng nút tai cân bằng áp suất (pressure-equalizing earplugs), ngáp hoặc nhai kẹo cao su. Hoặc làm thao tác Valsalva - thổi nhẹ bằng mũi, giống như đang xì mũi, trong khi bịt mũi và ngậm miệng. Đừng ngủ trong lúc máy bay lên hay xuống.
- Không cho vật lạ vào tai. Không nên cố gắng móc ráy tai cứng bằng các vật dụng như tăm bông, kẹp giấy hoặc kẹp tóc. Những vật dụng này có thể dễ dàng làm rách hoặc thủng màng nhĩ của bạn. Dạy con về những nguy hại khi cho các vật lạ vào tai chúng.
- Bảo vệ chống lại tiếng ồn quá mức. Bảo vệ tai bạn khỏi những thiệt hại không cần thiết bằng cách đeo nút bảo vệ hoặc nút bịt tai ở nơi làm việc hoặc trong các hoạt động giải trí nếu có tiếng ồn lớn.

Điều trị

Hầu hết các màng nhĩ thủng sẽ lành lại mà không cần điều trị trong vòng một vài tuần. Bác sĩ có thể kê toa thuốc trụ sinh nếu có bằng chứng nhiễm trùng.
Nếu vết rách hoặc lỗ thủng trong màng nhĩ của bạn không tự lành, việc điều trị có thể bao gồm:
- Miếng dán màng nhĩ. Nếu vết rách hoặc lỗ thủng trong màng nhĩ của bạn không tự đóng lại, chuyên gia tai mũi họng có thể bịt kín bằng miếng dán. Bác sĩ bôi một hóa chất vào các cạnh của vết rách để kích thích sự phát triển và sau đó dán miếng vá trên chỗ rách. Thủ tục có thể cần phải được lặp lại nhiều lần trước khi lỗ đóng lại.
- Giải phẫu. Nếu một miếng vá không giúp chữa lành hoặc bác sĩ tai mũi họng thấy vết rách không có khả năng được chữa lành bằng miếng dán, bác sĩ có thể đề nghị giải phẫu tạo hình. Bác sĩ ghép một miếng mô nhỏ của chính bạn để đóng lỗ thủng trong màng nhĩ.

Tự giúp

Nên bảo vệ màng nhĩ đanh lành bằng những cách sau:
- Giữ cho tai khô ráo. Đặt một nút tai silicon không thấm nước hoặc cục bông gòn bôi petrolium vào tai khi tắm.
- Tránh dùng các dụng cụ làm sạch tai cho đến khi màng nhĩ lành hoàn toàn.
- Tránh xì mũi. Áp lực được tạo ra khi xì mũi có thể làm hỏng màng nhĩ đang lành của bạn.
- Đừng đi bơi.
- Đừng nhỏ thuốc vào tai trừ khi là thuốc bác sĩ kê toa.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT