Mẹo Vặt

Thực phẩm Organic: Làm sao nhận mặt?

Tuesday, 25/07/2017 - 08:09:54

Còn lại, tất cả những sản phẩm mà thành phần organic dưới 70% sẽ không được dán nhãn Organic, và không được nhắc tới USDA.

Bài VŨ HẰNG

Nhãn hiệu dán trên một sản phẩm thường là để ghi tên nhà sản xuất. Nhưng trên thị trường bây giờ, nhãn hiệu cũng có thể trình bày cách thức chế biến hoặc nuôi trồng, nhất là với những sản phẩm xuất phát từ trang trại như rau củ, trái cây, thịt, cá. Chẳng hạn, nhãn hiệu có thể cho chúng ta biết đó là GMO hay NON-GMO, và ORGANIC hay INORGANIC. Nếu đã biết bí mật về những ký hiệu này, thì hẳn bạn cũng không lạ khi chúng ta được khuyên nên chọn những sản phẩm có nhãn NON-GMO hoặc ORGANIC.


Nhãn hiệu dành cho sản phẩm hoàn toàn organic.

Quyết định nhãn hiệu

Ngay lập tức chúng ta sẽ đặt ra nhiều câu hỏi: Ai là người dán nhãn hiệu? Nếu nhà sản xuất muốn bán chạy hàng, họ có thể tùy tiện dán những cái nhãn hiệu được ưa chuộng trên sản phẩm của mình không? Nếu tùy tiện như vậy thì làm sao người đi chợ có thể tin được rằng nhà sản xuất không... nói dối? Làm thế nào chúng ta có thể tin được rằng những cái nhãn hiệu ấy là thật?

Dĩ nhiên, thị trường cần có những người hoặc những cơ sở khách quan đứng ra kiểm nghiệm trước khi đóng nhãn hiệu Non-gmo hoặc Organic trên sản phẩm. Những cơ sở này cần có kiến thức chuyên môn, làm việc nghiêm chỉnh, không thiên vị nhà sản xuất, không ăn hối lộ của nhà sản xuất thì sự chứng nhận của họ mới có giá trị.


Sản phẩm organic luôn có ký hiệu PLU bắt đầu bằng số 9.

Ba bậc nhãn hiệu

Cơ sở chứng nhận Organic chính là Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA = US Department of Agriculture). Những nhà sản xuất muốn khoe sản phẩm với khách hàng bằng một nhãn Organic, phải được bộ Nông Nghiệp xác minh. Phẩm chất organic được xếp thành 3 hạng sau:



Sản phẩm mang nhãn hiệu này phải có ít nhất 95% organic.

 


100% Organic: Với một tiêu chuẩn rõ ràng, sản phẩm mang nhãn hiệu này phải được nuôi trồng hoàn toàn Organic, không được pha trộn bất cứ một thành phần nào được nuôi trồng theo phương pháp khác.

Organic: Sản phẩm mang nhãn hiệu này phải có ít nhất 95% thành phần Organic. Chỉ có 5% còn lại là có thể nuôi trồng theo phương pháp thông thường, hợp pháp và được Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ chấp thuận.


Sản phẩm này mang nhãn hiệu này phải có ít nhất 75% organic. Dưới 70 % không được công nhận Organic.

Made With Organic Ingredients: Sản phẩm mang nhãn hiệu này phải có ít nhất 70% thành phần organic. Tuy nhiên, không được dùng “đại danh” USDA của Bộ Nông Nghiệp.

Còn lại, tất cả những sản phẩm mà thành phần organic dưới 70% sẽ không được dán nhãn Organic, và không được nhắc tới USDA.

Tự nhận diện Organic

Trên đây là cách nhận diện theo nhãn hiệu. Còn nếu chỉ dùng giác quan, các bạn sẽ nhận thấy rau trái organic….. lẹt đẹt, thua kém sản phẩm nuôi trồng theo lối thông thường về nhiều phương diện. Sau đây là 9 cách giúp bạn nhận diện organic bằng 5 giác quan:
1. Dáng vẻ: Nông phẩm Organic trông không đẹp mắt, hình dạng không hoàn hảo, kích thước không đều, không bóng nhẵn…
2. Kích thước: Nhỏ con hơn.
3. Mùi vị: Mùi vị mạnh hơn, nhưng không ngọt như có pha thêm đường, thường vẫn còn chua dôn dốt.
4. Hạt: Có nhiều hạt hơn
5. Sâu rầy: Đôi khi phát giác sâu rầy, là thứ mà không bao giờ có thể tìm thấy nơi sản phẩm Inorganic.
6. Thời gian trên quầy: Sản phẩm organic quá đát nhanh hơn, dễ thối hơn.
7. Thời gian nấu nướng: Nấu nhanh, dễ chín.
8. Ký hiệu PLU: Ký hiệu của sản phẩm Organic bắt đầu bằng số 9.
9. Giá cả: Sau cùng, giá cả organic bao giờ cũng đắt hơn.
Nói chung, Organic không “sáng nước” bằng Inorganic. Nhưng chúng lại “sáng giá” hơn. Biết những đặc điểm này rồi, liệu bạn vẫn còn “kết” organic chứ?
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT